Thursday, December 29, 2011

Cách tiếp cận hay là cách thức quy định nhân quyền trong Hiến pháp


Cách tiếp cận hay là cách thức quy định nhân quyền trong Hiến pháp

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp của nước Việt Nam DCCH ngày 1/1/1960
1. Đảm bảo quyền con người - mục đích tối thượng của hiến pháp
Lời nói đầu của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Tư sản Pháp năm 1789, đã nêu bật tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền cũng như mối tương quan của nó với Hiến pháp của các quốc gia: “Những người đại diện của nhân dân Pháp tổ chức thành Quốc hội cho rằng, sự không hiểu biết, sự lãng quên hay sự coi thường quyền con người là những nguyên nhân duy nhất của những nỗi bất hạnh công cộng, của tệ hủ bại. Chính phủ đã quyết định nêu trong một bản Tuyên ngôn long trọng về những quyền tự nhiên, không thể tước đoạt và thiêng liêng của con người; nhằm để cho bản Tuyên ngôn này luôn nằm trong ý thức của mỗi thành viên xã hội và luôn luôn nhắc nhở họ về những quyền và nghĩa vụ của bản thân; nhằm để cho mọi hành động của quyền lực lập pháp và quyền lực hành pháp bất cứ lúc nào có thể đối chiếu với mục đích của mỗi thể chế chính trị đó và được tôn trọng hơn; nhằm để cho các yêu cầu của mọi công dân nay được dựa trên những nguyên tắc đơn giản không thể chối cãi, sẽ luôn luôn hướng vào sự giữ gìn Hiến pháp và vào hạnh phúc của mọi con người”. 
 Đó là lời tuyên bố bất hủ. Và cho đến nay, trong một Nhà nước dân chủ, quyền con người/nhân quyền vẫn luôn chiếm một vị trí trung tâm, được bảo vệ trước quyền lực của Nhà nước. Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 viết: “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, rằng tạo hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”1. Nhân quyền của con người không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cho nhân quyền không bị vi phạm, mà còn tạo ra những điều kiện để người dân có thể tham gia vào công việc của Nhà nước. Đó là những đảm bảo pháp lý đối với tự do và bình đẳng, hình thành nên nền tảng các cơ hội cho mọi cá nhân có thể tham gia một cách tự do và bình đẳng vào quá trình hình thành chính sách của Nhà nước. Quyền của con người là những quyền tự nhiên mà tất cả mọi người đều có, nhưng vì đồng thời liên quan đến tất cả quyền lực của Chính phủ, nên chúng được thể hiện trong những nguyên tắc cơ bản của trật tự xã hội và ý đồ chính trị của Nhà nước theo chế độ thượng tôn pháp quyền. Mục tiêu của mọi chế độ chính trị dân chủ là bảo vệ nhân quyền. Đó cũng là mục tiêu xét đến cùng, tối thượng của Hiến pháp.
Không phải đến tận thế kỷ 18 - thế kỷ của Đại Cách mạng Tư sản Pháp (1789) - mới có cái gọi là “nhân quyền”. Nhân quyền đã được đặt ra, khi con người không có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, nên họ phải đấu tranh giành lấy quyền đó... Trong chế độ chiếm hữu nô lệ cổ đại, người nô lệ không được coi là người, mà chỉ là “công cụ biết nói”, để phân biệt với “công cụ câm” là các công cụ khác. Từ đó, đã xuất hiện cuộc đấu tranh quyết liệt của nô lệ chống lại các chủ nô. Đây là cuộc đấu tranh cho nhân quyền lớn nhất, đầu tiên của nhân loại. Đến các cuộc cách mạng tư sản chống phong kiến, nhân quyền được ghi trên lá cờ của giai cấp cách mạng tư sản, như thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1789 của Pháp và Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Những điều đó cũng đã phản ánh khát vọng của loài người sau nhiều thiên niên kỷ bị tước mất “quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” dưới chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến”2.
Trong lịch sử thế giới, vấn đề nhân quyền được đặt ra sớm hơn hiến pháp, có lẽ vì nhân quyền là vấn đề tiên quyết3. Vì vấn đề nhân quyền nên mới có hiến pháp - bản văn quy định thể thức thực hiện quyền lực của mỗi quốc gia.
Có thể suy luận rằng, nếu như không có vấn đề phải bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền con người thì có lẽ nhân loại cũng không cần có một bản hiến pháp cho mỗi một quốc gia. Nhân loại đã từng có thời gian dài sống mà không có hiến pháp. Càng ngày, vấn đề nhân quyền và vấn đề chính quyền càng gắn bó mật thiết hơn, tạo nên chế độ chính trị của mỗi quốc gia hiện đại. Không thể nói rằng, một chế độ chính trị dân chủ, kể cả dân chủ tư sản lẫn dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà lại không sự bảo đảm nhân quyền/quyền con người, cũng như không có hiến pháp. Nhưng đôi khi, vấn đề tổ chức nhà nước ngày càng trở nên thiết yếu và quan trọng hơn trong việc phát triển, bảo đảm và bảo vệ con người, nên hiến pháp nhiều nước chỉ tập trung chủ yếu vào việc tổ chức bộ máy nhà nước, bằng những quy định cách thức thành lập, lề lối làm việc và các mối quan hệ của các cơ quan cấu thành bộ máy nhà nước, tạo nên lề lối hoạt động chính quyền của mỗi quốc gia, như là một trong những nhiệm vụ chính yếu và trước mắt của mình. Hiến pháp được coi như là một bản văn có hiệu lực pháp lý tối cao quy định lề lối hoạt động của chính quyền. Nhưng, phải khẳng định rằng, dù vậy, nhân quyền vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong hiến pháp của mỗi quốc gia. Vì xét cho cùng, việc hiến pháp quy định việc tổ chức nhà nước theo mô hình, thể thức nhất định cũng là để nhằm đảm bảo nhân quyền.
Các chế độ chính trị trước chế độ tư bản đều không tồn tại một bản văn quy định các chế độ chính trị, cũng như không có bản tuyên bố nhân quyền, dù cuộc đấu tranh vì quyền con người vẫn xảy ra âm ỉ. Những cuộc đấu tranh ấy chưa đủ chín muồi cho sự ra đời của một bản văn hiến pháp lẫn bản tuyên ngôn nhân quyền (luật nhân quyền). Nhà nước lúc đó chỉ gắn liền với chế độ quân chủ chuyên chế, người dân vẫn chỉ được phép gánh vác nghĩa vụ, mà không được hưởng quyền lợi, cũng như sự ràng buộc chính quyền trong việc phải bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho con người; và tất nhiên lại càng không được tham gia vào các công việc nhà nước - không có tự do chính trị.
Vấn đề nhân quyền luôn luôn đi kèm và không thể thiếu được vấn đề bảo vệ nhân quyền. Một mặt phải ghi nhận đầy đủ tất cả các quyền con người có thể có và ngăn chặn ngay sự vi phạm chính những quy định quyền con người đã được ghi nhận ra từ bất kể chủ thể nào. Mặt khác, phải ngăn ngừa ngay từ trước việc có thể vi phạm đến quyền con người của một chủ thể quan trọng nhất là nhà nước; khi các quyền đó bị vi phạm cần phải có những biện pháp trừng trị những chủ thể vi phạm và cũng cần có những biện pháp khôi phục lại những quyền đó, đồng thời cũng nhấn mạnh nghĩa vụ, trách nhiệm phải bảo vệ nhân quyền từ phía Nhà nước. Hai mặt này gắn liền với nhau và phải được ghi nhận bằng một bản văn có một hiệu lực pháp lý tối cao trong hệ thống pháp luật của quốc gia. Đó là Hiến pháp.
Lịch sử việc thông qua Hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới ở Hoa Kỳ năm 1787 phản ánh quá trình này. Khi sơ thảo hiến pháp không nói đến quyền cá nhân, các nhà soạn thảo biện luận, quyền lực của chính phủ quốc gia mới thành lập đã bị giới hạn rất cẩn thận đến mức các quyền cá nhân không cần phải có biện pháp bảo vệ khác. Hơn nữa, những người theo “chủ nghĩa liên bang” khác còn lập luận rằng, việc liệt kê các quyền của cá nhân là rất khó khăn, một khi thêm các quyền sẽ kéo thêm trách nhiệm pháp lý, những quyền được coi là cơ bản nhưng chưa định rõ mà không được kể ra sẽ bị chính phủ dễ dàng xâm phạm. Lập luận của những người thuộc “phe liên bang” còn cho rằng, nhân quyền của nước Mỹ được bảo đảm không có sự vi phạm từ phía nhà nước, vì các thiết chế quyền lực được ràng buộc một cách chặt chẽ bằng một hệ thống kìm chế đối trọng. Patrick Henry, một trong những người chỉ trích bản dự thảo Hiến pháp một cách mạnh mẽ nhất, đã nhạo báng chủ trương cân bằng và đối trọng của “phe liên bang”: “Những trò chơi cân bằng và đối trọng giả tạo và hào nhoáng kia giống cái trò chơi bước trên dây vô cùng mạo hiểm, những vụ huyên náo ầm ĩ, những toan tính kỳ quặc về kiểm soát và đối trọng đó để làm gì?”, vì nó không thể thay thế được cho một bản ghi nhận nhân quyền trong hiến pháp.
Cho dù phe đối trọng với “phe liên bang” cho rằng, những quyền cơ bản của con người cần phải được quy định trong hiến pháp, nhưng James Madison, James Wilson và A. Hamilton - các lãnh tụ của phe liên bang - vẫn giữ quan điểm cho rằng, Đạo luật về các quyền là không cần thiết, vì mọi quyền lực không được trao cho chính quyền đều thuộc về nhân dân. Jefferson đã gửi thư cho Madison, nhấn mạnh rằng: Đạo luật về các quyền là những điều “mà dân chúng thường dùng để chống lại tất cả các chính quyền trên trái đất”. Đến mùa thu năm 1788, J. Madison mới ngộ ra rằng, Đạo luật về các quyền không những chỉ cần thiết cho sự phê chuẩn hiến pháp, mà còn là “nền tảng cho sự cuốn hút ý thức của cộng đồng” chống lại sự đàn áp tiềm tàng và sẽ “cân bằng được những nhu cầu lợi ích và tình cảm của dân chúng”. Sự ủng hộ của J. Madison đối với Đạo luật về các quyền đã làm ông trở thành cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ. Với tư cách là hạ nghị sỹ bang Vigirnia tại Quốc hội liên bang, ông làm việc không biết mệt mỏi để thuyết phục Hạ nghị viện tiến hành những bổ sung cần thiết cho bản Hiến pháp. Trong những tháng đầu tiên tại Quốc hội, ông vận động soạn thảo tới 17 tu chính án, và sau đó được thu gọn lại 12 điều. Ngày 15/12/1791, ba phần tư số bang đã phê chuẩn 10 trong số 12 tu chính án đó, mà sau này được gọi là Đạo luật về Các quyền  (The Bill of Rights).
Quyền được công bằng trước pháp luật hay nói một cách khác là được bảo vệ ngang nhau là trong những yêu cầu của nhà nước pháp quyền. Cho dù giàu hay nghèo, thiểu số hay đa số, tôn giáo hay không, liên minh chính trị hay đối lập... đều được pháp luật bảo vệ như nhau. Nhà nước dân chủ không đảm bảo rằng, mọi con người đều được cuộc sống đối xử công bằng, vì vốn dĩ con người sinh ra đã hàm chứa một cách tự nhiên sự bất bình đẳng giữa họ. Nhưng cuộc sống đòi hỏi nhà nước phải giải quyết công bằng giữa mọi người. John P. Frank, một chuyên gia lớn về luật hiến pháp, viết: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà nước cũng không được áp đặt thêm những bất bình đẳng giữa các con người, mà nhà nước buộc phải cư xử đúng mức và đồng đều với tất cả mọi người”4.
Nhằm mục đích hạn chế những sự bất công trong hoạt động tố tụng hình sự để bảo vệ cá nhân và nhóm thiểu số, các nhà nước dân chủ đã đề ra một loạt những quy định ngăn chặn những sự lạm dụng để bảo vệ quyền cá nhân. Đó là luật tố tụng hình sự. Nhà nước/người thực hiện chức danh buộc tội phải có trách nhiệm chứng minh họ có tội. Phải tuyệt đối cấm chỉ biện pháp ép buộc tự thú tội. Nguyên lý là: dù bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng không được dùng hình thức tra tấn hay lạm dụng hành hạ thể xác, tinh thần đối với những kẻ bị tình nghi. Chế độ luật pháp nào cấm những hành vi ép buộc tự thú sẽ có tác dụng giảm thiểu các động cơ thúc đẩy cảnh sát tra tấn hay dùng những lời lẽ hăm dọa hay các hình thức lạm dụng khác để lấy khẩu cung, không chấp nhận những lời buộc tội là những bằng chứng kết tội.
Cách tiếp cận thận trọng này có hai lý do. Lý do thứ nhất và là lý do hiển nhiên nhất là để tránh tác hại lâu dài cho cá nhân. Nếu bị cáo không phạm phải một tội nào, thì phải được quyền quyết định bằng pháp quyền, để người vô tội không bị trừng phạt. Một lý do nữa cũng không kém phần quan trọng là để tránh tác hại cho xã hội và làm xói mòn các quyền tự do của người dân.
Trong số 10 tu chính án nói về nhân quyền của nước Mỹ, có tới 2/3 nói về việc bảo vệ các bị can, bị cáo. “Một số người lấy làm lạ khi thấy có quá nhiều bảo đảm đến vậy trong Tuyên ngôn Nhân quyền dành cho việc bảo vệ những người buộc tội: (i) điều bổ sung thứ Tư của Hiến pháp yêu cầu cần phải có những bảo đảm đối việc truy tố và bắt giữ; (ii) điều bổ sung thứ Năm yêu cầu cáo trạng phải do một bồi thẩm đoàn đưa ra, cấm đe doạ đối với bị cáo trong các thủ tục tố tụng và bảo vệ họ không bị buộc phải làm chứng chống lại chính mình, bảo đảm pháp luật phải được thực thi một cách thích hợp, công bằng; (iii)  điều bổ sung thứ Sáu đảm bảo cho bị cáo quyền được biết tội danh, được đối chất với nhân chứng, quyền được giúp đỡ tư vấn pháp lý; (iv) và điều bổ sung thứ Tám bảo đảm rằng, ngay cả khi một người được kết tội sau một phiên toà công minh thì sự trừng phạt cũng phải tương ứng với tội của người đó. Một người không thể bị phạt một triệu đô la chỉ vì vi phạm luật giao thông, bị chặt tay chỉ vì làm giả một tờ séc, hay bị tử hình chỉ vì bị tội buôn lậu.
Ở đây, những quyền dành cho những người bị kết án cũng cần phải được tôn trọng để sao cho xã hội dân chủ có thể đặt niềm tin vào hệ thống tư pháp, và rằng, chính bản thân hệ thống đó không bị xuyên tạc, lạm dụng như một phương tiện để đàn áp dân chúng. Đây chính là một lý tưởng, và nếu như thực tế cuộc sống đôi khi không được như mong muốn, thì sự bảo vệ này sẽ có vai trò như một chuẩn mực mà một xã hội dân chủ cần phải cố gắng vươn tới”5.
Một trong những điều kiện ngang bằng trước pháp luật, hay còn được gọi là bình đẳng trước pháp luật là các bị can, bị cáo được bảo vệ bình  đẳng trước sức mạnh của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trước hết và quan trọng nhất là quyền có luật sư của họ. “Ngay cả những người dân thông minh nhất và có cả trình độ văn hoá cũng rất ít và đôi khi không có kỹ năng về khoa học pháp lý. Nếu bị buộc tội thì người đó không có khả năng tự quyết định xem bản cáo trạng đó đúng hay là sai. Người đó không quen với quy tắc chứng cứ. Nếu bị bỏ mặc không có sự giúp đỡ của luật sư, người đó có thể thua kiện mà không có một bản cáo trạng chính xác và bị kết án với những chứng cứ không xác đáng, hoặc chứng cứ không liên quan đến vấn đề hoặc không thể chấp nhận được. Tuy người đó có sẵn nội dung bào chữa hoàn hảo, nhưng anh ta thiếu kỹ năng và kiến thức chuẩn bị bào chữa. Người đó cần có có sự dẫn dắt của luật sư trong từng bước đi của quy trình tố tụng. Không có sự dẫn dắt này, tuy không có tội nhưng họ vẫn phải đối mặt với nguy cơ kết tội, vì họ không biết làm thế nào để chứng minh sự vô tội của mình. Nếu điều này là thật đối với người thông minh có văn hoá, thì đối với người dốt nát và mù chữ còn tệ hơn nhiều lần”6.
Những điều cấm trên hoàn toàn không có nghĩa là nhà nước sẽ thiếu đi những quyền hạn cần thiết để thi hành luật pháp và trừng phạt những kẻ phạm pháp. Trái lại, hệ thống hình sự trong một xã hội dân chủ sẽ rất hiệu quả và khi đem thi hành, mọi người dân sẽ cho rằng hệ thống này là công bằng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, trong đó có quyền lợi của chính cá nhân họ. Những quyền lợi mà bất kể ai cũng được hưởng, cho dù họ là đa số hay   thiểu số, khi thực hiện quyền tự do chính trị của mình thành lập ra các cơ cấu của nhà nước. Tuy nhiên, đôi khi có thể có trường hợp tội phạm thoát khỏi sự trừng trị. Đó là cái giá phải trả của của một hệ thống thực hiện quy trình tố tụng đúng luật với một mục đích tối cao là không có một người vô tội nào có thể bị trừng trị.
Hiến pháp thường quy định về nhân quyền theo ba cách: Cách thứ nhất, nhân quyền được quy định trong một văn bản riêng gọi là bản Tuyên ngôn nhân quyền của các nhà nước tư bản phát triển, như Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1689 của Anh và Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của Pháp 1789. Mặc dù không nằm trong nội dung chính của bản văn Hiến pháp, nhưng các Tuyên ngôn này đều được thừa nhận là một phần của nội dung Hiến pháp. Tuyên ngôn Nhân quyền của Anh lại là một nguồn quan trọng của hiến pháp bất thành văn của Anh quốc. Lời mở đầu của Hiến pháp 1958 đang hiện hành của Pháp trịnh trọng tuyên bố: Nhân dân Pháp trung thành với bản Tuyên ngôn Nhân quyền 1789. Điều đó có nghĩa, bản Tuyên ngôn này đã như là một nội dung chính của hiến pháp. Cách quy định thứ hai, nhân quyền được quy định thành chương, điều trong hiến pháp. Ví dụ như trong Chương V nói về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của Hiến pháp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Cách thứ ba không quy định thành bản tuyên ngôn riêng rẽ, mà cũng không nằm trong nội dung chính của hiến pháp, mà nằm trong bản phụ trương của hiến pháp, như 10 tu chính án của Mỹ quốc. Bản được thông qua năm 1787 là bản chính văn và bản gồm 10 tu chính án được thông qua năm 1789 là bản phụ văn. Và được gọi chung là Hiến pháp Hoa Kỳ, được tất cả các tiểu bang thông qua vào năm 1791.
Nội dung của bản tuyên ngôn nhân quyền riêng hay nằm ngay trong nội dung chính văn hoặc phụ văn của bản hiến pháp đều giống nhau về cơ bản, là quy định những quyền thiết yếu nhất của con người: quyền được sống, quyền được tự do, và quyền  được mưu cầu hạnh phúc...  Đó là những quyền tự do chính trị, quyền tự do cá nhân như: ngôn luận, tín ngưỡng, cư trú; quyền an toàn cá nhân như bất khả xâm phạm nơi cư trú, bất khả xâm phạm thân thể, không bị bắt, bị giam, khám xét và tịch thu tài sản một cách vô lý và không theo một thủ tục được quy định trước của pháp luật...
Cái khó ở đây là làm sao quy định được một cách vừa cụ thể, một cách thiết yếu, dễ cho việc ngăn chặn được sự vi phạm đến nhân quyền của bất kể chủ thể nào, trong đó có cả và nhất là của các quan chức đảm nhiệm các chức năng của nhà nước; lại vừa bao quát hết được tất cả những quyền thiết yếu nhất của con người được đông đảo thừa nhận, đồng thời lại phải rất mở cho những quyền sau của con người, mà đương thời lúc bấy giờ, tức lúc mà văn bản được thông qua chưa có điều kiện nhận ra.
2. Cách quy định quyền con người trong các hiến pháp Việt Nam
 Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á phải trải qua chế độ chính trị phong kiến kéo dài và sau đó là chế độ thuộc địa của các đế quốc thực dân, nên Việt Nam không có một nền lập hiến cũng như truyền thống nhân quyền như nhiều nước khác ở phương Tây. Khi chúng ta đang phải đấu tranh để thoát khỏi cảnh nô lệ thì các nước phương Tây đã trở thành các nhà nước văn minh, dân chủ. Họ đã có cả nhân quyền và có cả hiến pháp. Để theo kịp các nhà nước phương Tây, người dân Việt Nam phải trải qua một cuộc chiến đầy gian khổ là phải đấu tranh để giành độc lập. Độc lập như là một vấn đề tiên quyết cho việc giải quyết vấn đề nhân quyền và đảm bảo cho việc thực hiện nhân quyền.
Đến năm 1945, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề tiên quyết trên mới được giải quyết. Và bắt đầu từ đây, ở Việt Nam, Hiến pháp và kèm theo đó là vấn đề nhân quyền cho đại đa số cư dân sống trên lãnh thổ Việt Nam mới có cơ sở được đặt ra để giải quyết. Lúc này, xây dựng hiến pháp, thực thi nhân quyền phải gắn thêm một lĩnh vực nữa là chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc. Độc lập dân tộc là một trong những nền tảng quan trọng tạo nên sự đặc thù của vấn đề bảo vệ con người, phát triển nhân quyền của Việt Nam.
Trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới quyền con người, rồi suy rộng ra là quyền tự quyết của dân tộc là căn nguyên cho việc đấu tranh giành độc lập của nước Việt Nam, cũng là mở đầu cho sự ra đời của một Nhà nước Việt Nam kiểu mới. “Đáng chú ý là các điều mà Hồ Chủ tịch “suy rộng ra” ấy, thì ngày nay, Hội nghị thế giới về nhân quyền họp ngày 25/6/1993 đã biến thành quy phạm của Luật Quốc tế hiện đại. Hội nghị tuyên bố “Quyền dân tộc tự quyết không thể bị tước đoạt”, và coi việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền”7.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã yêu cầu tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên càng sớm càng tốt với mục đích để nhân dân thực hiện quyền tự do chính trị của mình, bầu ra một Quốc hội và Quốc hội này có quyền thông qua một bản Hiến pháp ghi nhận quyền tự do và dân chủ cho nhân dân: “Nước ta đã bị chế độ quân chủ cai trị rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có hiến pháp dân chủ.”8
Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người đã gắn liền với bản văn hiến pháp. Hiến pháp không chỉ là bản văn quy định việc tổ chức nhà nước mà còn là bản văn bảo đảm việc thực hiện nhân quyền, tựu trung là quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Trước khi quy định quyền con người của người dân Việt Nam và việc quy định có tính chất ngăn ngừa những bản tính xấu của con người có thể xảy ra khi cầm quyền lực nhà nước, các hiến pháp của Nhà nước Việt Nam đều quy định bản chất quyền lực nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Điều 1 của Hiến pháp năm 1946 quy định:“Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Trong tư duy của Hồ Chí Minh, độc lập, tự do của nhân dân và quyền làm người (nhân quyền) của mỗi cá nhân gắn quyện với nhau và điều rất đặc trưng là chủ quyền của dân tộc, tự do của nhân dân, các quyền tự do, dân chủ của cá nhân trong một nhà nước phải được thể chế hoá bằng hiến pháp - đạo luật cơ bản9. Bản Hiến pháp 1946 chỉ có 70 điều, nhưng đã dành cho việc quy định quyền và nghĩa vụ của công dân đến 18 điều, được trình bày tập trung vào chương “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân”, Đây là Chương II, chỉ sau chương I quy định về Chính thể.  
Nhận xét về bản hiến pháp năm 1946, Hồ Chí Minh cho rằng: “Bản Hiến pháp chưa hoàn toàn, nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới, nước Việt Nam là một nước độc lập. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới: phụ nữ đã được đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng chung mọi quyền tự do của một công  dân... Hiến pháp đó cũng đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các dân tộc”.
Di sản hiến định mà Hiến pháp năm 1946 để lại cho các Hiến pháp sau - Hiến pháp 1959; Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 là rất lớn. Các bản Hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển các quy định và các nguyên tắc của Hiến pháp 1946. Cả ba Hiến pháp cũng đều dành hẳn một chương riêng để quy định quyền và nghĩa vụ của công dân và luôn luôn được đặt vào vị trí trang trọng chỉ sau các chương về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng, và trước các chương quy định về các cơ quan nhà nước. Số lượng các điều khoản của cả ba bản hiến pháp sau bao giờ cũng lớn hơn của Hiến pháp trước. Nếu như ở Hiến pháp năm 1946 có 18 điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân thì ở Hiến pháp năm 1959 là 21 điều; Hiến pháp năm 1980 là 29 điều; Hiến pháp năm 1992 là 34 điều. Ở mỗi bản hiến pháp sau, các quyền công dân không phải là sự sao chép lại các quy định của các hiến pháp trước, mà là sự kế thừa và phát triển trong điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước. Về nguyên tắc nội hàm, các quyền công dân càng ngày được mở rộng hơn và cũng cụ thể hơn. Ví dụ, nếu như ở Hiến pháp đầu tiên 1946, quyền sở hữu tài sản của công dân được ghi nhận một cách khái quát là “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm,” thì ở Hiến pháp năm 1992 quyền đó được  quy định một cách mở rộng những yếu tố cấu thành và các loại hình cụ thể của quyền tư hữu là: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sản xuất, vốn và các tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác” (Điều 58).
Các quyền của công dân càng ngày càng được bổ sung và càng được cụ thể hơn. Ví dụ, quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, phục hồi danh dự khi bị bắt, bị giam giữ và xét xử trái pháp luật; quyền được khiếu nại, tố cáo những hành vi trái pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang hoặc bất cứ cá nhân nào (Điều 72 và 73 của Hiến pháp năm 1992).
Đó là những thành công trong việc ghi nhận về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam ứng với điều kiện hoàn cảnh của từng thời kỳ lịch sử. Nhưng trong điều kiện hiện nay của thời kỳ toàn cầu hoá, những quy định đó là không đầy đủ, thể hiện qua một số bất cập sau:
Thứ nhất, quyền con người đồng nghĩa với quyền công dân như quy định ở Điều 50 của Hiến pháp hiện nay hành là thiếu chính xác, dễ gây nên sự hiểu lầm rằng ở Việt Nam, chỉ công dân Việt Nam mới có quyền con người, còn những người ngoại quốc thì không. 
Thứ hai, khác với các hiến pháp trước đây, nhất là Hiến pháp năm 1980, khi quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, Hiến pháp năm 1992 rất cân nhắc đến khả năng thực thi các quyền của công dân, tránh xu hướng chủ quan, duy ý chí. Các quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 1980 đã được chỉnh lý lại cho phù hợp với điều kiện thực tế của thời kỳ của quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như quyền của mọi công dân đều có việc làm, đều có nhà ở, có quyền học tập không mất tiền... thành nghĩa vụ từ phía Nhà nước tạo những điều kiện thuận lợi, để nhân dân có việc làm, có nhà ở và được học tập...
Thứ ba, có lẽ do quan niệm quá giản đơn và vội vàng nên các hiến pháp năm 1959 và năm 1980 đã không thừa nhận sở hữu tư nhân10. Trong những năm chiến tranh, quy định này có tác dụng rất lớn cho việc vận động nhân dân tập trung sức người, sức của vì sự thắng lợi của công cuộc kháng chiến. Nhưng sang công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế thì quy định trên lại là nguồn gốc cho sự cào bằng và thờ ơ với tư liệu sản xuất, theo kiểu “cha chung, không ai khóc”, dẫn đến tình trạng lãng phí của công, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, nạn tham ô công quỹ tràn lan và trở nên phổ biến. Khắc phục điểm yếu này và thể hiện nhận thức mới về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận quyền tư hữu như là một trong những quyền cơ bản nhất của công dân. Việc xác định lại quyền tư hữu của công dân - một trong những quyền cơ bản nhất của con người - là một nội dung căn bản nhất của bản Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới và nhận thức lại các quy luật khách quan của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. 
Tuy nhiên, dù quyền tư hữu đã được thừa nhận, nhưng trên thực tế, nhiều hoạt động sản xuất, cung cấp dịch vụ tư nhân vẫn nằm dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Nhiều hoạt động sản xuất, dịch vụ đặc thù vẫn do Nhà nước độc quyền chiếm giữ. Chúng ta cũng phải tính đến việc sửa đổi quan điểm quan trọng này.   
Thứ tư, điểm bất cập nữa có thể nhận thấy trong các quy định của Hiến pháp Việt Nam là nhân quyền được quy định theo cách thức được Nhà nước thừa nhận. Điều này dễ gây hiểu nhầm rằng nhân quyền là một thứ được Nhà nước ban phát cho người dân. Các quy định này rất dễ nhận thấy trong chương về quyền và nghĩa vụ của công dân trong các Hiến pháp Việt Nam, như các Điều 53, Điều 54, 56, 57, 58... của Hiến pháp năm 1992 hiện hành đều quy định dưới dạng Nhà nước thừa nhận các quyền này, quyền kia cho công dân một cách chủ quan duy ý chí, chứ không phải là người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên. Như Điều 60 quy định: “Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật phát minh, sáng chế, sáng kiến kỹ thuật...” Điều này có nghĩa là Nhà nước thừa nhận công dân có quyền nghiên cứu khoa học, còn nếu Nhà nước không công nhận thì công dân không có quyền nghiên cứu khoa học... 
Tổng quát hơn, Điều 50 Hiến pháp năm 1992 hiện hành quy định: “Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định”. Cách quy định này hoàn toàn khác cách tiếp cận của Hiến pháp các nước phát triển. Quyền của công dân là những quyền thuộc về tạo hóa ban cho con người, không ai có thể vi phạm hay ban phát. Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cho những quyền đó được thực hiện trên thực tế.
 Việc quy định theo cách “Nhà nước thừa nhận các quyền quyền công dân” của các hiến pháp còn ẩn chứa một nguy cơ khác, đó là, nếu những quyền không được liệt kê, tức là không được thừa nhận, không được “ban phát”, thì đương nhiên người dân không có. Điều này sẽ trái với mục đích tối thượng của Hiến pháp là được sinh ra để đảm bảo quyền con người. Đây là điểm quan trọng, cần đặc biệt lưu ý khi sửa đổi Hiến pháp 1992.

(1) Xem Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, 1776.
 (2) Xem Quang Cận: Nhân quyền - Cuộc đấu tranh lâu dài của nhân loại. Trong: Hiến pháp, pháp luật và quyền con người - Kinh nghiệm Việt Nam và Thuỵ Điển; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Raol Wallenberg Về quyền con người và luật nhân đạo Đại học Lund; Hà Nội 5-2001, tr. 208 - 209.   
(3) Xem Bộ Thông sử thế giới vạn năm,  T. 1, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà nội, tr. 818- 821.
(4) Xem John P. Frank , Các mẫu chính quyền dân chủ Hiệp hội các giáo giới Hoa Kỳ, Tổ chức giáo dục để phụng sự Dân chủ/ Quốc tế        Xem thêm: Dân chủ là gì?,  Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ, tháng 10 năm 1991.     
(5) Xem Melvin Urofsky; IndividualFreedom and Bill of Rights. p. 74 U.S. Department of State Bureau of international information programs  http://usinfo. state.gov/.
(6) Xem Melvin Urofsky; Individual Freedom and Bill of Rights. p. 60. U.S. Department of State Bureau of international information programs  http://usinfo. state.gov/
(7) Xem, Vũ Đình Hoè: Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam: Một mô hình mới - Hiến pháp dân tộc và dân chủ. Trong “Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các hiến pháp Việt Nam”; Văn phòng Quốc hội. Nxb. Chính trị Quốc gia,H., 1998, tr.67 .
(8) Xem, Hồ Chí Minh, Tuyển tập. Tập 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội 1980, tr.356.
(9) Xem Nguyễn Đình Lộc. Sđd, tr. 99.
(10) Mặc dù theo quy định của Hiến pháp năm 1959, loại hình sở hữu tư nhân vẫn được thừa nhận. Nhưng vì lẽ phải tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, bằng các cuộc cải tạo công thương và công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp, mọi tư liệu sản xuất của tư sản và ruộng đất của nông dân đều đưa vào tập thể, vào sở hữu của Nhà nước dưới hình  thức công tư hợp doanh, làm ăn tập thể  hoặc có thể bị quốc hữu hoá.


GS, TS. Nguyễn Đăng Dung - Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội.

+-

No comments:

Post a Comment