Friday, December 30, 2011

Cơ chế mới cho phép trẻ em khiếu nại đến Cơ quan Liên hợp quốc

Nguồn Nhanquyen.vn
 
Ngày 19/12 vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị định thư không bắt buộc (Optional Protocol - OP) mới của Công ước về quyền trẻ em (CRC) quy định về thủ tục Khiếu nại về các vi phạm quyền trẻ em.

Nghị định thư không bắt buộc thứ ba (OP 3) của Công ước về quyền trẻ em (CRC) quy định về thủ tục Khiếu nại cho phép các cá nhân trẻ em đệ trình các khiếu nại liên quan đến các vi phạm cụ thể các quyền theo Công ước và theo 2 Nghị định thư bổ sung (OP1 về buôn bán, mại dâm và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em và OP2 về trẻ em liên quan đến xung đột vũ trang).

Nhận xét về Nghị định thư mới này, Cao ủy trưởng về Nhân quyền LHQ Navi Pillay cho rằng từ nay trẻ em đã thực sự trở thành chủ thể của quyền ngang hàng với các chủ thể khác (join the rank of other rights-holders) và được trao quyền khiếu nại đến một cơ quan quốc tế.

Nghị định thư thiết lập một trình tự cho phép khiếu nại đến Ủy ban về quyền trẻ em (Committee on Rights of the Child). Ủy ban sẽ xem xét đã có sự vi phạm các quyền nêu trong CRC hay không.

Nghị định thư mới này được mở ra cho việc ký kết vào năm 2012 và chỉ có hiệu lực khi đã được 10 quốc gia phê chuẩn.

Tương tự như cơ chế khiếu nại theo một số điều ước khác (ICCPR, CAT, CEDAW và CERD), chỉ cá nhân tại quốc gia đã chấp thuận thẩm quyền này của cơ quan giám sát điều ước nhất định mới có thể khiếu nại.

Công dân tại nhiều quốc gia chưa gia nhập các cơ chế này đang tiếp tục tích cực vận động chính quyền xem xét việc gia nhập. Trong khu vực ASEAN, mới chỉ có Philippin, ngay sau khi lật đổ chế độ độc tài của F.Marcos (1986), đã gia nhập Nghị định thư bổ sung thứ 1 (OP 1) của Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR) năm 1989, cho phép công dân có thể khiếu nại lên Ủy ban nhân quyền (Human Rights Committee - cơ quan giám sát việc thực thi ICCPR) (trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ). Campuchia đã ký nhưng chưa phê chuẩn OP1 này. Hiện đã có 114 quốc gia là thành viên của OP 1 - ICCPR (trong đó có Úc, Nga, Pháp, Đức, Mông Cổ, Nê pan, Ba Lan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ...)

LKT

Ảnh: Ủy ban Quyền trẻ em (bao gồm 18 thành viên, Chủ tịch hiện nay là Mr. Jean ZERMATTEN (Thụy Sỹ) )


Để tìm hiểu thêm về Nghị định thư không bắt buộc mới, xin vui lòng truy cập:

http://www2.ohchr.org/english/bodies/hrcouncil/OEWG/index.htm

Xem thêm về các Bình luận chung mà Ủy ban đã đưa ra:

http://www2.ohchr.org/english/bodies/crc/comments.htm

No comments:

Post a Comment