Thursday, December 29, 2011

Hiến pháp 1946 - Một hiến văn đậm tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền



Góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992: Hiến pháp 1946 - Một hiến văn đậm tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền (15/12/2011)
Làm sao xây dựng cho được một bản Hiến pháp mới xứng tầm? Đây không chỉ là trăn trở của các nhà lãnh đạo, các học giả, chuyên gia mà là sự trăn trở của mọi người Việt Nam. Trong các ưu việt của các bản Hiến pháp trước, nhiều người đã nhắc đến Hiến pháp 1946 - Bản hiến pháp trực tiếp do Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia soạn thảo. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Đăng Dung - Trưởng bộ môn Hiến pháp - Hành chính, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Uỷ viên Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam.

 Ban thường vụ Quốc hội và Ban sửa đổi Hiến pháp
 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I
 Ảnh: T.L
Thưa GS, nhiều người cho rằng, việc sửa Hiến pháp 1992 cần lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Bác Hồ lại là người trực tiếp chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp 1946, một hiến pháp được coi là dân chủ, tiến bộ. Xin ý kiến GS về vấn đề này?
Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã quan tâm tới việc soạn thảo Hiến pháp, làm cơ sở không những cho việc tổ chức Nhà nước Việt Nam dân chủ, mà còn tạo ra cơ sở pháp lý chính đáng cho nhà nước này. Người chỉ rõ: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Người đặc biệt coi trọng việc xây dựng hiến pháp, coi đây là một trong 6 công việc đầu tiên cần làm của Nhà nước dân chủ mới ra đời. Không những tạo ra cơ sở cho quyền lực nhà nước Việt Nam, Hiến pháp 1946 còn góp phần khẳng định công cuộc giành độc lập của Việt Nam. Mô hình Nhà nước trong Hiến pháp này rất khác với các mô hình nhà nước đang tồn tại trên thế giới lúc bấy giờ, kể cả mô hình Xô Viết, nơi mà Hồ Chí Minh vừa được đào tạo và rèn luyện.
Khi còn mang tên Nguyễn Ái Quốc học ở Trường Phương Đông, Người đã sớm phát hiện ra rằng: Chủ nghĩa Mác được sinh ra ở phương Tây, mà phương Tây không phải là tất cả thế giới. Nguyễn Ái Quốc nói rằng việc áp dụng Chủ nghĩa Mác phải theo tinh thần của người phương Đông, nơi có đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hoá rất khác biệt với phương Tây, so với phương Tây tầng lớp địa chủ và tư sản của phương Đông rất nhỏ. Nhận thức có tính chất phương pháp luận này là cơ sở cho việc vận dụng tư tưởng chủ nghĩa Mác vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, hình thành nên một mô hình nhà nước đặc biệt được gọi là Dân chủ nhân dân.
Hiến pháp 1946, phải chăng đã kết tinh từ văn hoá nhân loại cùng với văn hoá Việt Nam?
Để có một hiến pháp, đạo luật gốc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp lực lượng để soạn thảo Hiến pháp 1946. Ban soạn thảo lần thứ nhất có bảy người, đến ban soạn thảo lần thứ hai thì số lượng tăng lên với sự tham gia của thành viên các đảng phái khác nhau. Những người này chịu ảnh hưởng rất lớn tinh thần dân chủ tư sản phương Tây (phần lớn được Pháp đào tạo hoặc ảnh hưởng nền học thuật Pháp). Chẳng hạn như các ông Vĩnh Thuỵ (Vua Bảo Đại), Đặng Thai Mai, Cù Huy Cận, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền, Đỗ Đức Dục, Phan Anh, Trần Văn Chương... Vì vậy, những tinh hoa dân chủ trong các hiến văn phương Tây được họ chắt lọc và có phần nào đấy được thể hiện trong dự thảo Hiến pháp Việt Nam. Đồng thời Cách mạng Tháng Tám của ta là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi chế độ thực dân phong kiến có màu sắc của cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Với chủ trương đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chủ tịch muốn thu hút tất cả mọi lực lượng tham gia cuộc giải phóng dân tộc, thậm chí là không phân biệt tài sản, giai cấp để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân, giành độc lập cho dân tộc, xây dựng Nhà nước kiểu mới. Cho nên, bản Hiến pháp 1946 mang tinh thần ấy. Tôi nghĩ rằng đây là cái tinh tuý nhất của Hồ Chủ tịch còn để lại cho chúng ta và chúng ta cần phải phát huy tinh thần này trong lần sửa đổi tới đây.
Nhiều ý kiến cho rằng Hiến pháp 1946 rất đề cao quyền con người. Xin Giáo sư nói rõ thêm về vấn đề này?
Hiến pháp 1946 đã thừa nhận tất cả các quyền cơ bản của con người, trong đó có cả quyền tư hữu và các quyền tự do khác. Đây là một thành công rất lớn của Hiến pháp năm 1946, mà các bản hiến pháp sau này, nhất là của các bản hiến pháp của thời tập trung, bao cấp không có. Bảo đảm quyền con người là mục tiêu của việc tổ chức nhà nước dân chủ. Trong số các quyền con người, quyền tư hữu tài sản có một vị trí vai trò rất lớn. Có thể khẳng định trong lịch sử phát triển của nhân loại thì quyền tư hữu chính là động lực. Sau này, vì quá nôn nóng cho việc xây dựng CNXH, chúng ta vội vàng xoá bỏ quyền tư hữu bởi nhận thức cũ giản đơn về Chủ nghĩa Mác, vì cho rằng tư hữu là nguồn gốc của bóc lột. Tất nhiên, từ chế độ tư hữu chuyển sang công hữu cũng có tác dụng nhất định trong việc tập hợp lực lượng để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng sau ngày giải phóng, việc duy trì quá lâu chế độ công hữu lại là nguyên nhân của sự trì trệ. Hiến pháp 1992, với sự nhận thức lại chủ nghĩa xã hội, chúng ta lại phải quay lại với việc khẳng định sở hữu tư nhân như quy định đã từng có của Hiến pháp năm 1946. Đó là một thay đổi lớn nhất trong nhận thức của chúng ta. Chính sự thay đổi này đã tạo nên sự thành công của công cuộc đổi mới như hiện nay.
Sự chú trọng bảo đảm quyền con người còn nằm ở vị trí trang trọng của chế định này trong Hiến pháp, chỉ sau chương đầu tiên quy định về Chính thể Nhà nước. Hơn thế nữa, về kỹ thuật lập hiến thông qua cách viết các quy định về quyền con người rất phổ biến, không có một quyền nào về tự do của con người được tuyên bố lại phải kèm theo một bổ ngữ "theo quy định của pháp luật” như các quy định của các bản Hiến pháp sau này. Cách quy định như hiện nay đã làm cho các quy định quyền con người không còn hiệu lực thực thi trực tiếp. Việc sửa đổi tiếp theo có lẽ phải tính lại kỹ việc để hay bỏ các loại bổ ngữ gây rắc rối này.
GS có nhận xét gì về cách thức tổ chức Nhà nước, đặc biệt về thiết chế Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1946?
Theo quy định của Hiến pháp 1946, thiết chế Chủ tịch nước có quyền lực rất lớn, rất tập trung. Cũng như trên thực tế, điều hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 1946 cho đến 1959 có quyền không khác so với Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga hiện nay. Trước hết, về mặt chế định của Hiến pháp, đây là một sự sáng tạo rất lớn, một mô hình của chế độ nhà nước mới mà sau này người ta gọi là chế độ lưỡng tính (có sự pha tạp giữa chế độ Cộng hoà Tổng thống và chế độ Đại nghị). Nói là chế độ Cộng hoà Tổng thống, vì Hồ Chủ tịch không những là nguyên thủ quốc gia, mà còn là người trực tiếp lãnh đạo hành pháp, thông qua việc Chủ tịch chủ tọa các phiên họp của Chính phủ /Nội các, Chính phủ /Nội các vẫn phải chịu trách nhiệm thực sự trước Nguyên thủ quốc gia người đứng đầu nhà nước - Chủ tịch nước, một đặc điểm cơ bản của chế độ Tổng thống. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, một đặc điểm cơ bản của chế độ Đại nghị.
Hai đặc điểm cơ bản đại diện cho 2 mô hình tổ chức nhà nước của nền dân chủ tư sản này được các nhà nghiên cứu Hiến pháp cũng như các nhà khoa học xã hội khác gọi là chế độ lưỡng tính, kể từ khi có Hiến pháp Pháp năm 1958 của tướng De Gaule. Trên thực tế, khi điều hành đất nước trong giai đoạn sau 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có trách nhiệm rất nặng nề khi đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, trước nhất ở chỗ là Cụ phải chọn cho được những cá nhân có tài năng và uy tín vào bộ máy nhà nước, nhất là những người tri thức được đào tạo bài bản, rất tâm huyết, rất có chuyên môn. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phải trả lời chất vấn trước Quốc hội về những cá nhân này khi họ có vấn đề. Một sự chịu trách nhiệm của nguyên thủ quốc gia trước nghị viện nhân dân. Cái này không có ở chế độ Đại nghị và cũng không có ở chế độ Tổng thống.
Vừa qua, có ý kiến cho rằng nên nghiên cứu tổng thể để sửa căn bản Hiến pháp 1992; hay cần lấy Hiến pháp năm 1946 làm điểm tựa cơ bản cho việc sửa đổi. Xin GS cho ý kiến về vấn đề này?
Quan điểm của tôi là cái gì không phù hợp thì cần phải sửa, vì nếu không sửa thì rất khó với tương lai, cản trở con đường phát triển. Việc sửa đổi liên tục một hiến pháp sẽ mâu thuẫn với hiệu lực tối cao của hiến pháp (vì hiệu lực tối cao thì phải bảo đảm độ lâu dài). Tôi đề cao tính cẩn trọng và chống sự tuỳ tiện khi sửa đổi, nhưng không thể không sửa khi cần. Chúng ta rất nên tạo điều kiện cho sự bàn bạc, tranh luận, thậm chí là chấp nhận các khuynh hướng hiến pháp khác nhau. Hiến pháp năm 1946 đã có đồng thời hai ban soạn thảo, một do Hồ Chí Minh chủ trì, một do luật sư Phan Anh chủ trì, cả hai bản dự thảo hiến pháp của hai ban đều được Quốc hội thảo luận và Quốc hội đồng ý lấy bản của nhóm Hồ Chí Minh để chọn ra bản Hiến pháp 1946. Nhất là việc xử lý tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mối quan hệ giữa người lãnh đạo Đảng và người đứng đầu Nhà nước, tạo nên tính trách nhiệm rõ ràng và tính chính đáng của quyền lực nhà nước.
Thưa GS, bất cứ lĩnh vực nào, vấn đề gì cũng có những hạn chế, GS có thể chỉ ra một số hạn chế của Hiến pháp 1946?
Đúng vậy, không thể có một bản văn hiến pháp nào là hoàn hảo một cách tuyệt đối, kể cả bản Hiến văn đầu tiên, được người Mỹ rất tự hào là mặt hàng xuất khẩu số 1 của họ. Con người có khuyết tật, thì bản văn của họ cũng không tránh khỏi. Sự hoàn hảo của ngày hôm nay có thể không phải là của ngày mai, hoặc là ngược lại. Với Hiến pháp 1946 cũng vậy. Chẳng hạn bên cạnh quy định rất sáng giá lúc bấy giờ là việc tổ chức các cơ quan tòa án theo các cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính lãnh thổ, là quy định trong thành phần tòa án, có cả thẩm phán xét xử và thẩm phán buộc tội / thẩm phán đứng là quy định không phân biệt rõ quyền tư pháp và hành pháp. Tất cả các cơ quan tư pháp đều trực thuộc Chính phủ. Đây là một trong những quy định, mà thời dân chủ hiện nay không thể nào áp dụng được. Hoặc như quy định Chủ tịch nước không phải chịu trách nhiệm, trừ tội phản bội Tổ quốc, trong khi ngay từ bấy giờ khi thực hiện, Hồ Chủ tịch vẫn phải trả lời chất vấn trước Quốc hội là một minh chứng.
Xin cảm ơn GS!
K.Long (thực hiện)--ĐĐKO

No comments:

Post a Comment