Thursday, December 29, 2011

Hiến pháp cộng hòa Pháp Hiến pháp 1958 - Bản hiến pháp của ổn định

Về mặt nội dung, Hiến pháp Cộng hòa Pháp là sự kết hợp giữa các văn bản chính trị - pháp lý sau đây: Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân năm 1789, Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946, Hiến chương Môi trường năm 2004 và bản văn Hiến pháp năm 1958 (đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần vào các năm 1962, 1992, 1993, 1995, 2000, 2003, 2005 và 2008) với lời nói đầu và 108 điều được chia thành 16 phần.

Tổng thống Charles de Gaulle là người đặt nền móng cho nền Cộng hòa đệ ngũ
Các nguyên tắc hiến định
Hiến pháp xác định tiêu chí cơ bản của Nhà nước: “Nước Pháp không thể phân chia, là Nhà nước phi tôn giáo, Nhà nước cộng hòa dân chủ và xã hội” (điều 1).
Nguyên tắc chủ quyền nhân dân: “Chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện chủ quyền đó thông qua những đại diện của mình hoặc bằng trưng cầu ý dân. Không một nhóm dân cư, một cá nhân nào được phép chiếm dụng chủ quyền này” (điều 3).
Nguyên tắc đa nguyên chính trị: “Các đảng và nhóm chính trị thúc đẩy việc thể hiện ý kiến thông qua biểu quyết. Chúng được tự do hình thành và hoạt động. Chúng phải tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia và nền dân chủ” (điều 4).
Nguyên tắc đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Địa vị hiến định của con người và công dân
Khác với nhiều Hiến pháp trên thế giới, Hiến pháp năm 1958 không có phần riêng về địa vị hiến định của con người và công dân mà nội dung này chỉ được quy định tại Lời nói đầu, trong đó, viện dẫn Tuyên ngôn về quyền con người, quyền công dân năm 1789 và Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946 và một vài điều khoản riêng lẻ như: nguyên tắc công dân bình đẳng trước pháp luật không phụ thuộc vào hoàn cảnh xuất thân, chủng tộc hay tôn giáo (điều 2); chủ quyền nhân dân và quyền bầu cử (điều 3); tính đa nguyên của các đảng chính trị và sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ (điều 4); thẩm quyền của Nghị viện ban hành các đạo luật về quyền và tự do của công dân (điều 34); quyền tự quyết của các dân tộc (điều 53); tính độc lập của cơ quan tư pháp (điều 64); vai trò của cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ tự do cá nhân (điều 66)…
Bộ máy nhà nước
Mục tiêu của các nhà lập hiến năm 1958 là bãi bỏ địa vị ưu thế của Nghị viện - từng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của nền Cộng hòa thứ tư, đồng thời, tăng cường quyền hành của người đứng đầu đất nước để tạo nên sự ổn định và vững mạnh của chế độ chính trị. Họ đã dùng hai giải pháp để đạt được mục tiêu trên: tăng cường quyền lực cho Tổng thống và Thủ tướng bằng cách hạn chế quyền lực của Nghị viện. Sự pha trộn giữa hai mô hình chính thể đại nghị và cộng hòa Tổng thống khiến người ta có thể gọi nền Cộng hòa thứ năm là chính thể “Tổng thống được tăng cường”, chính thể “Nghị viện được hợp lý hóa”, chính thể “nửa Tổng thống” hay chính thể “cộng hòa lưỡng tính”. Việc xác lập vai trò hoạch định chính sách của nguyên thủ quốc gia và quyền lập quy của cơ quan hành pháp được coi là một trong những thành công lớn nhất của chính thể này trong lịch sử lập hiến của nhân loại.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nền Cộng hòa thứ năm bị chỉ trích là trao quá nhiều quyền lực cho Tổng thống, quá ít quyền lực cho Nghị viện; do vậy, tính dân chủ chưa được bảo đảm đầy đủ, nền Cộng hòa chưa có được tính điển hình. Lần sửa đổi Hiến pháp năm 2000 đã rút ngắn nhiệm kỳ của Tổng thống từ 7 năm xuống còn 5 năm. Năm 2007, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã lập ra Ủy ban tư vấn và đề xuất về vấn đề hiện đại hóa và tái cân bằng các thể chế của nền Cộng hòa thứ năm. Ủy ban này do cựu Thủ tướng Balladur đứng đầu, tập hợp các chính trị gia, luật gia… nhằm đưa ra các đề xuất (77 đề xuất) giúp cho các thể chế chính trị của Pháp đáp ứng được yêu cầu của một nền dân chủ thế kỷ XXI. Ngày 21.7.2008, dự thảo này đã được Nghị viện thông qua. Theo đó, quyền lực của Tổng thống bị giới hạn và quyền lực của Nghị viện được củng cố hơn.
Dương Anh

No comments:

Post a Comment