Thursday, December 29, 2011

Nhìn lại một phương pháp xây dựng Hiến pháp của dân do dân và vì dân


07:03 | 22/11/2011
65 năm trước, lúc vừa mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở vào một tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vận mệnh của Tổ quốc, nền độc lập của dân tộc vừa mới giành được đang đứng trước nguy cơ mất còn. Vì vậy, ngày 3.9.1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã xác định, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp. Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Hãy cùng nhìn lại Hiến pháp 1946 qua cuộc trò chuyện cùng GS NGUYỄN ĐĂNG DUNG với Pv Báo ĐBND.
PV: Thưa Giáo sư, Hồ Chí Minh là người của Quốc tế 3, một tổ chức chịu ảnh hưởng đậm nét Stalin – người “khai sinh” ra Hiến pháp Liên Xô 1936. Vậy, nhưng Hiến pháp 1946 do Hồ Chủ tịch chủ trì soạn thảo lại không thấy bóng dáng Hiến pháp 1936 của Liên Xô.  Gs lý giải điều này như thế nào?
Gs Nguyễn Đăng Dung: Hiến pháp 1946 được rất nhiều người ca ngợi; và cứ mỗi lần đề cập việc sửa đổi Hiến pháp hiện hành thì người ta đều nhắc lại những giá trị của Hiến pháp 1946. Rõ ràng, so với các Hiến pháp sau này (1959, 1980, 1992) thì Hiến pháp 1946 có sự khác biệt rất rõ nét.
Vậy, vì sao Hồ Chí Minh là người của Quốc tế 3, chịu sự ảnh hưởng lớn của luận thuyết Stalin nhưng khi về giải phóng Việt Nam, rồi chủ trì soạn thảo Hiến pháp 1946 thì lại không nhất mực theo luận thuyết này?
Cần nhớ rằng, khi Cụ Hồ còn là một thanh niên mang tên Nguyễn Ái Quốc học ở Liên Xô thì Người đã phát hiện ra rằng Chủ nghĩa Mác được sinh ra ở phương Tây, mà phương Tây không phải là tất cả thế giới. Nguyễn Ái Quốc nói rằng việc áp dụng Chủ nghĩa Mác phải theo tinh thần của người phương Đông, nơi có đặc điểm KT-XH, văn hóa rất khác biệt với phương Tây. Đây là lý do thứ nhất. Vì vậy, khi áp dụng Chủ nghĩa Mác vào điều kiện ở Việt Nam, Người đặc biệt chú ý đến tinh thần sáng tạo, điều đó có nghĩa là phải tính đến điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Lý do thứ 2 là ngay sau khi tuyên bố thành lập nước, Hồ Chủ tịch lập tức tập hợp lực lượng để soạn thảo Hiến pháp 1946 (ban soạn thảo lần thứ nhất có 7 người; đến ban soạn thảo lần thứ 2 thì số lượng tăng lên do có sự tham gia của thành viên các đảng phái khác) - những người này chịu ảnh hưởng rất lớn tinh thần dân chủ tư sản phương Tây (phần lớn được Pháp đào tạo hoặc ảnh hưởng nền học thuật Pháp). Chẳng hạn như các ông Cù Huy Cận, Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền… Vì vậy, những tinh hoa dân chủ trong các hiến văn Phương Tây được họ chắt lọc và có phần nào đó được thể hiện trong các bản dự thảo Hiến pháp Việt Nam đầu tiên.
Lý do thứ 3, Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khỏi chế độ thực dân phong kiến có màu sắc của cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Với chủ trương đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chủ tịch muốn thu hút tất cả mọi lực lượng tham gia cuộc giải phóng dân tộc, thậm chí là không phân biệt tài sản, giai cấp để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân, giành độc lập cho dân tộc, xây dựng Nhà nước kiểu mới không có thực dân, không có phong kiến. Cho nên, bản Hiến pháp 1946 mang tinh thần ấy.
PV: Hiến pháp 1946 thừa nhận tất cả các quyền cơ bản của con người trong thế giới văn minh, đặc biệt là quyền tư hữu. Giáo sư đánh giá như thế nào về giá trị này?
Gs Nguyễn Đăng Dung: Tôi thấy đây là thành công rất lớn. Có thể khẳng định trong lịch sử phát triển của nhân loại thì quyền tư hữu chính là động lực. Sau này, khi tuyên bố xây dựng CNXH, chúng ta vội vàng xóa bỏ quyền tư hữu bởi nhận thức cũ về Chủ nghĩa Mác. Tất nhiên, từ chế độ tư hữu chuyển sang công hữu thì nó cũng có tác dụng nhất định trong việc tập hợp lực lượng để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng sau ngày giải phóng, việc duy trì quá lâu chế độ công hữu lại là nguyên nhân của sự trì trệ. Đến Hiến pháp 1992, với sự nhận thức lại, chúng ta đã khẳng định sở hữu tư nhân như quy định của Hiến pháp năm 1946. Đó là một thay đổi lớn nhất trong nhận thức của chúng ta. Chính sự thay đổi này đã tạo nên sự thành công của công cuộc đổi mới với kết quả như hiện nay.
PV: Cách thức tổ chức nhà nước trong Hiến pháp 1946 mang đặc điểm rất khác biệt với Hiến pháp nhiều nước XHCN, đặc biệt là ở thiết chế Chủ tịch Nước có quyền lực rất lớn (không khác gì so với Tổng thống Mỹ hay Tổng thống Nga bây giờ)… Xin Giáo sư cho biết cụ thể hơn về vấn đề này? 
Gs Nguyễn Đăng Dung: Thiết chế Chủ tịch Nước ở Hiến pháp 1946, cũng như trên thực tế điều hành của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 1946 cho đến 1959  rất khác so với hiện nay. Trước hết về mặt chế định của Hiến pháp, đây là một sự sáng tạo rất lớn của những người viết bản hiến văn này. Đây chính là một mô hình của chế độ nhà nước mới mà sau này người ta gọi là chế độ lưỡng tính (có sự pha tạp giữa chế độ cộng hòa tổng thống và chế độ đại nghị). Nói là chế độ cộng hoà – tổng thống, vì Hồ Chủ tịch không những là nguyên thủ quốc gia, mà còn là người trực tiếp lãnh đạo hành pháp, thông qua việc Chủ tịch chủ tọa các phiên họp của Chính phủ /Nội các, tức là Chính phủ /Nội các phải chịu trách nhiệm thực sự trước Chủ tịch Nước. Bên cạnh đó, Chính phủ này vẫn phải chịu trách nhiệm trước QH, một đặc điểm cơ bản của chế độ đại nghị, không có ở chế độ Tổng thống. Việc nguyên thủ quốc gia lãnh đạo thủ tướng và nội các được các nhà nghiên cứu Hiến pháp cũng như các nhà khoa học xã hội khác khái quát thành đặc điểm cơ bản của chế độ lưỡng tính, kể từ khi có Hiến pháp Pháp quốc năm 1958 của tướng De Gaule.
Trên thực tế khi điều hành đất nước trong giai đoạn sau 1946, chức danh Thủ tướng Chính phủ không được thành lập, mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điểm đáng chú ý là dù cho Hiến pháp quy định Chủ tịch Nước không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì, trừ tội phản bội Tổ quốc (đặc điểm của chế độ đại nghị), nhưng Cụ Hồ vẫn phải chịu trách nhiệm trong quá trình điều hành Chính phủ của mình. Cụ Hồ đã ra trả lời chất vấn trước QH. Vì vậy, với việc điều hành như trên chế độ chính trị của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa lúc bấy giờ gần như của Tổng thống Cộng hòa của Mỹ quốc có pha tạp với chế độ đại nghị hiện nay.
PV: Hiến pháp 1946 đã quy định Tòa án được tổ chức không theo cấp hành chính. Và đến nay chúng ta cải cách tư pháp theo hướng xây dựng các toà án khu vực thì có vẻ như đang trở lại với giá trị cũ?
Gs Nguyễn Đăng Dung: Tòa án không tổ chức theo đơn vị hành chính là rất đúng. Đó là một trong nhiều biện pháp cơ bản để bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc độc lập của tư pháp. Vì đơn vị hành chính được định ra để cai trị, quản lý, tức là phục vụ cho sự điều hành của hành pháp. Nếu đem lãnh thổ hành chính áp cho lãnh thổ tư pháp, thì rõ ràng những người làm tư pháp  - tòa án khó có thể độc lập trước người đứng đầu ở địa phương.
PV: Với cách thức tổ chức nhà nước như vậy, Hiến pháp 1946 vừa bảo đảm và bảo vệ được quyền dân chủ, tự do của người dân, vừa quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước và người đứng đầu Nhà nước, Thưa Giáo sư?
Gs Nguyễn Đăng Dung: Đương nhiên là chế độ cá nhân thì luôn gắn với trách nhiệm cá nhân hơn, khác với chế độ tập thể rất khó quy trách nhiệm cho từng người. Theo tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh có trách nhiệm rất nặng nề khi đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, trước nhất ở chỗ là Cụ phải chọn được những cá nhân có tài năng và uy tín vào bộ máy hành pháp. Đây cũng là vấn đề đầu tiên tạo điều kiện cho việc chịu trách nhiệm của hành pháp - chính phủ, mà thiếu nó thì rất khó cho việc quy kết trách nhiệm cũng như sự giải trình của hành pháp, một tiêu chí dân chủ hiện nay.
PV: Với tất cả những giá trị như vậy, Hiến pháp 1946 là bản hiến văn đặt nền tảng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền?
Gs Nguyễn Đăng Dung: Đúng như vậy. Và nó được thể hiện bằng phát biểu nổi tiếng của Hồ Chủ tịch rằng: “Chính phủ thì từ Chủ tịch Nước đến chủ tịch làng rất nhiều người, vì vậy tôi rất mong mọi người giám sát và trong trường hợp Chính phủ không làm được việc thì đuổi Chính phủ đi”. Nguyên tắc này cũng đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn độc lập của người Mỹ cách đó gần 200 năm. Đó là tư tưởng giới hạn quyền lực nhà nước để bảo vệ quyền tự do, dân chủ của công dân là tư tưởng chính của nhà nước pháp quyền của tinh thần Chủ nghĩa Hiến pháp.
PV: Hiến pháp 1946 mang lại gợi ý gì cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp tới, thưa Giáo sư?
Gs Nguyễn Đăng Dung: Tôi thấy gợi ý tốt nhất là tạo điều kiện cho sự bàn bạc, tranh luận, thậm chí là chấp nhận các khuynh hướng đề xuất xây dựng hiến pháp khác nhau, như năm 1946 (lúc đó có đồng thời 2 ban soạn thảo, một do Hồ Chí Minh chủ trì, một do luật sư Phan Anh chủ trì, cả hai bản dự thảo hiến pháp của hai ban đều được QH thảo luận và QH đồng ý lấy bản của nhóm Hồ Chí Minh) để chọn ra bản hiến pháp tối ưu nhất.
PV: Hiến pháp 1946 đã trao quyền phúc quyết cho người dân. Sửa đổi Hiến pháp lần này, vấn đề đó được thể hiện như thế nào?
Gs Nguyễn Đăng Dung: Trưng cầu dân ý thì tôi ủng hộ. Đó là một trong những hình thức đích thực của việc thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhưng đây là một việc khó, nhiều nhà khoa học đã từng cảnh báo rằng, mặc dù quyền lực thuộc về nhân dân, nhưng nhân dân có những trình độ rất khác nhau; họ chỉ có khả năng bỏ phiếu đồng ý hoặc không đồng ý về một vấn đề nào đó rất đơn giản mà mọi người dân đều hiểu, mà trước hết là bỏ phiếu ai là người đại diện cho họ, thay mặt nhân dân giải quyết các vấn đề phức tạp của Nhà nước. Vì vậy, về mặt Hiến pháp, trước hết phải viết hiến pháp làm sao cho rất dễ hiểu; đồng thời phải có sự tuyên truyền, giải thích hết sức rộng rãi thì người dân mới bỏ phiếu được cái gì đúng, cái gì là sai. Điều này, tạo điều kiện nâng cao vị trí pháp lý của Hiến pháp như là một đạo luật tối cao (Khế ước xã hội) đứng trên các đạo luật khác, kể cả Quốc hội - lập pháp cũng phải tuân thủ.
PV: Nói đến Hiến pháp 1946 hầu như mọi người đều thấy giá trị của nó là cơ bản, vậy theo Giáo sư có gì là hạn chế không?
Gs Nguyễn Đăng Dung: Không thể có một bản văn hiến pháp nào là hoàn hảo một cách tuyệt đối, kể cả của Mỹ với bản Hiến văn đầu tiên. Con người có khuyết tật, thì bản văn của họ cũng không tránh khỏi khuyết tật. Thậm chí sự hoàn hảo của ngày hôm nay không có thể là của ngày mai, hoặc là ngược lại. Tôi có thể chỉ ra những hạn chế của bản Hiến pháp này, chẳng hạn quy định Chủ tịch Nước không phải chịu trách nhiệm, trừ tội phản bội Tổ quốc, mà ngay từ bấy giờ khi thực hiện Hồ Chí Minh vẫn phải chịu trả lời chất vấn trước QH là một minh chứng; hoặc quy định trong thành phần tòa án, có cả thẩm phán xét xử và thẩm phán buộc tội là quy định không phân biệt rõ quyền tư pháp và hành pháp…; tất cả các cơ quan tư pháp đều trực thuộc Chính phủ. Đây là một trong những quy định, mà thời dân chủ hiện nay không thể áp dụng được.
PV: Xin trân trọng cám ơn Giáo sư!
Phùng Thanh Hương thực hiện

No comments:

Post a Comment