Thursday, December 29, 2011

1 ý tưởng mới

Bỗng mình nghĩ ra một hình ảnh ẩn dụ

Ví  chúng ta có một lọ mật ong. Chúng ta sẽ mở lọ mật ong ra và thưởng thức ngay. Để xem lọ mật ong ngon hay không ngon. Không ai quan tâm đến cái lọ mật ong được làm như thế nào, có chất lượng ra sao đúng ko? Chúng ta chỉ quan tâm là lọ to thì được ăn nhiều còn lọ nhỏ thì ăn ít đi. Nhưng ít ai biết công phu sản xuất lọ còn tốn kém và khó khăn hơn nhiều  việc lấy mật ong.

Do đó, có 1 đề xuất: khi quảng cáo 1 loại mật ong nhà sản xuất nên thêm phần  quảng cáo lọ mật ong: để người mua biết được nó cũng quan trọng không kém...

Hiến pháp là lọ mật ong và mật ong là luật thường. Người dân ít ai chú ý đến việc quan tâm hiến pháp được làm thế nào, có chất lượng ra sao. Họ chỉ quan tâm đến cái ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ đó là luật....

Hiến pháp cộng hòa Pháp Hiến pháp 1958 - Bản hiến pháp của ổn định

Về mặt nội dung, Hiến pháp Cộng hòa Pháp là sự kết hợp giữa các văn bản chính trị - pháp lý sau đây: Tuyên ngôn về quyền con người và quyền công dân năm 1789, Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946, Hiến chương Môi trường năm 2004 và bản văn Hiến pháp năm 1958 (đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần vào các năm 1962, 1992, 1993, 1995, 2000, 2003, 2005 và 2008) với lời nói đầu và 108 điều được chia thành 16 phần.

Tổng thống Charles de Gaulle là người đặt nền móng cho nền Cộng hòa đệ ngũ
Các nguyên tắc hiến định
Hiến pháp xác định tiêu chí cơ bản của Nhà nước: “Nước Pháp không thể phân chia, là Nhà nước phi tôn giáo, Nhà nước cộng hòa dân chủ và xã hội” (điều 1).
Nguyên tắc chủ quyền nhân dân: “Chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện chủ quyền đó thông qua những đại diện của mình hoặc bằng trưng cầu ý dân. Không một nhóm dân cư, một cá nhân nào được phép chiếm dụng chủ quyền này” (điều 3).
Nguyên tắc đa nguyên chính trị: “Các đảng và nhóm chính trị thúc đẩy việc thể hiện ý kiến thông qua biểu quyết. Chúng được tự do hình thành và hoạt động. Chúng phải tôn trọng các nguyên tắc về chủ quyền quốc gia và nền dân chủ” (điều 4).
Nguyên tắc đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Địa vị hiến định của con người và công dân
Khác với nhiều Hiến pháp trên thế giới, Hiến pháp năm 1958 không có phần riêng về địa vị hiến định của con người và công dân mà nội dung này chỉ được quy định tại Lời nói đầu, trong đó, viện dẫn Tuyên ngôn về quyền con người, quyền công dân năm 1789 và Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946 và một vài điều khoản riêng lẻ như: nguyên tắc công dân bình đẳng trước pháp luật không phụ thuộc vào hoàn cảnh xuất thân, chủng tộc hay tôn giáo (điều 2); chủ quyền nhân dân và quyền bầu cử (điều 3); tính đa nguyên của các đảng chính trị và sự tôn trọng các nguyên tắc dân chủ (điều 4); thẩm quyền của Nghị viện ban hành các đạo luật về quyền và tự do của công dân (điều 34); quyền tự quyết của các dân tộc (điều 53); tính độc lập của cơ quan tư pháp (điều 64); vai trò của cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ tự do cá nhân (điều 66)…
Bộ máy nhà nước
Mục tiêu của các nhà lập hiến năm 1958 là bãi bỏ địa vị ưu thế của Nghị viện - từng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của nền Cộng hòa thứ tư, đồng thời, tăng cường quyền hành của người đứng đầu đất nước để tạo nên sự ổn định và vững mạnh của chế độ chính trị. Họ đã dùng hai giải pháp để đạt được mục tiêu trên: tăng cường quyền lực cho Tổng thống và Thủ tướng bằng cách hạn chế quyền lực của Nghị viện. Sự pha trộn giữa hai mô hình chính thể đại nghị và cộng hòa Tổng thống khiến người ta có thể gọi nền Cộng hòa thứ năm là chính thể “Tổng thống được tăng cường”, chính thể “Nghị viện được hợp lý hóa”, chính thể “nửa Tổng thống” hay chính thể “cộng hòa lưỡng tính”. Việc xác lập vai trò hoạch định chính sách của nguyên thủ quốc gia và quyền lập quy của cơ quan hành pháp được coi là một trong những thành công lớn nhất của chính thể này trong lịch sử lập hiến của nhân loại.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nền Cộng hòa thứ năm bị chỉ trích là trao quá nhiều quyền lực cho Tổng thống, quá ít quyền lực cho Nghị viện; do vậy, tính dân chủ chưa được bảo đảm đầy đủ, nền Cộng hòa chưa có được tính điển hình. Lần sửa đổi Hiến pháp năm 2000 đã rút ngắn nhiệm kỳ của Tổng thống từ 7 năm xuống còn 5 năm. Năm 2007, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã lập ra Ủy ban tư vấn và đề xuất về vấn đề hiện đại hóa và tái cân bằng các thể chế của nền Cộng hòa thứ năm. Ủy ban này do cựu Thủ tướng Balladur đứng đầu, tập hợp các chính trị gia, luật gia… nhằm đưa ra các đề xuất (77 đề xuất) giúp cho các thể chế chính trị của Pháp đáp ứng được yêu cầu của một nền dân chủ thế kỷ XXI. Ngày 21.7.2008, dự thảo này đã được Nghị viện thông qua. Theo đó, quyền lực của Tổng thống bị giới hạn và quyền lực của Nghị viện được củng cố hơn.
Dương Anh

Cơ chế giám sát đối với Chính phủ ở Việt Nam hiện nay.



                                                                                             Ngô Thu Trang, Hà Nội, 2011.
   T
rong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường hay nghe đến giám sát: giám sát công trình xây dựng của chủ thầu, giám sát họat động bầu cử của Thanh tra nhân dân ở khu phố…Vậy giám sát là gì?
       Theo Từ điển Tiếng Việt, giám sát được định nghĩa là theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều quy định không[1].
       Giám sát các cơ quan trong bộ máy nhà nước là một loại giám sát đặc biệt, không được là hành động tự phát mà phải mang tính khoa học và hệ thống, nó được pháp luật quy định và bảo vệ. Giám sát các cơ quan trong bộ máy nhà nước là một công việc vô cùng quan trọng, đặc biệt trong việc giám sát cơ quan hành pháp-Chính phủ.
       Tại sao việc giám sát Chính phủ là cần thiết? Sở dĩ như vậy vì chính phủ là trung tâm của bộ máy nhà nước, không chỉ là cơ quan lập quy hay ban hành chính sách mà còn trực tiếp tham gia đời sống kinh tế- xã hội và chủ động điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. ‘‘Sự chịu trách nhiệm của Chính phủ chính là điều kiện tiên quyết của chế độ dân chủ. Tiêu điểm của việc hiến pháp hạn chế quyền lực nhà nước chính là Chính phủ’’[2]. Vì vậy nếu không có sự giám sát hiệu quả và đúng đắn sẽ dẫn đến tình trạng ‘‘Hành chính và hành pháp đều là cai trị, với bộ máy chuyên nghiệp, được khái quát thành một bộ máy ăn bám, đứng trên nhân dân…trong các cuộc cách mạng xã hội bộ máy này đều bị lên án’’[3].
       Cơ chế giám sát đối với chính phủ ở Việt Nam thể hiện trên hai phương diện:
v     Giám sát từ bên trong: Là giám sát giữa các cơ quan trực thuộc bộ máy nhà nước. Giữa Quốc hội đối với Chính phủ; Cơ quan tư pháp đối với Chính phủ; Tổ chức chính trị như Mặt trận tổ quốc đối với Chính phủ; Đảng cộng sản đối với Chính phủ.
v     Giám sát từ bên ngoài: Là giám sát giữa các cơ quan bên ngoài bộ máy nhà nước. Giữa cơ quan truyền thông ( báo chí,..) đối với Chính phủ; Nhân dân đối với Chính phủ; Tổ chức xã hội (tổ chức phi Chính phủ trong nước, nước ngoài…) đối với Chính phủ…
v     Ngoài ra, còn có sự giám sát của các tổ chức chính trị như Mặt trận tổ quốc đối với Chính phủ; Đảng cộng sản đối với Chính phủ.

a)    Giám sát từ bên trong:
a)     Giữa Quốc hội đối với Chính phủ:
        Theo điều 83 Hiến pháp năm 1992 [4], giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội nhưng không phải là hoạt động có ý nghĩa độc lập mà có quan hệ tác động qua lại, liên quan đến chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó việc giám sát Chính phủ của Quốc hội là công việc vô cùng quan trọng, cần tập trung hành động. Do đó việc giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ thể hiện rõ nét ở các mặt sau: giữa cơ quan lập pháp và hành pháp; giữa Quốc hội và cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của nó.
o       Giám sát của cơ quan lập pháp đối với hành pháp:
         Ý kiến thứ nhất cho rằng, ‘‘Hành pháp là quyền tổ chức đời sống xã hội và đời sống nhà nước trên cơ sở luật và nhằm thực hiện luật’’[5], nói rõ hơn Chính phủ-hành pháp phải cai trị đất nước bằng cách phối hợp họat động với Quốc hội, cụ thể hóa luật mà Quốc hội ban hành, nhằm tổ chức thực hiện pháp luật. Từ đó việc giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ được hiểu là giữa cơ quan làm ra luật và cơ quan thực hiện luật đó trên thực tế cuộc sống.
         Ý kiến thứ hai cho rằng, ‘‘Quốc hội lập pháp, Quốc hội làm luật không có nghĩa là Quốc hội làm mọi công đoạn của quy trình lập pháp. Quốc hội lập pháp, làm luật được hiểu Quốc hội thông qua luật’’[6]. Ý kiến này được hiểu là mối quan hệ lập pháp và hành pháp thể hiện qua việc thông qua hay không thông qua luật của Quốc hội.
       Từ đó rút ra được, việc giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ vừa phải giữa cơ quan làm ra luật và cơ quan thực hiện luật đó trên thực tế vừa phải có sự giám sát, kiểm tra tính đúng đắn của Quốc hội đối với các dự án luật của Chính phủ trước khi ban hành trong cuộc sống.
        Theo khoản 2 điều 84 Hiến pháp năm 1992 [7], Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với việc tuân theo Hiến pháp, luật và Nghị quyết của Quốc hội đối với Chính phủ. Và ngược lại, tại điều 109 Chính phủ phải chịu trách nhiệm, báo cáo công tác trước Quốc hội. Khoản 3 điều 112, Chính phủ phải trình dự án luật, pháp lệnh và dự án khác trước Quốc hội và UBTVQH. Điều đó có nghĩa là Quốc hội giám sát việc thực hiện quyền hành pháp thông qua các văn bản pháp luật mà chính phủ ban hành.
       Thực tế cho thấy, cơ chế kiểm tra các văn bản luật của Quốc hội đối với Chính phủ chưa hình thành rõ nét và có hiệu quả. Điều 84 có quy định Quốc hội thực hiện giám sát tối cao với việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, và bãi bỏ các văn bản trái Hiến pháp đối với văn bản của Chính phủ. Tuy nhiên trong thực tế Quốc hội lại không có trách nhiệm gì rõ ràng về việc xử lý các đạo luật mà Quốc hội đã thông qua. Vấn đề đặt ra là, để dễ dàng ‘‘hoàn thành nhiệm vụ’’ đề ra mà Chính phủ đã ban hành một số văn bản luật trong một mặt nào đó đã vi phạm đến Hiến pháp, đến luật của Quốc hội nhưng Quốc hội vẫn dễ dàng thông qua hoặc nếu đã phát hiện ra sai sót nhưng lờ đi không giải quyết.
         Hành pháp đã ‘‘lấn sân’’ sang hoạt động của lập pháp, điều này vô tình hay hữu ý đã vi phạm đến thẩm quyền lập pháp, đây là nguy cơ của sự vi phạm quyền con người. Do đó phải xác lập ranh giới rõ ràng giữa lập pháp và hành pháp[8].
          Những phân tích trên cho thấy việc giám sát lập pháp đối với hành pháp là cần thiết và quan trọng, đặc biệt đối với hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện của nước ta.
o       Giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của nó.
          Thứ nhất, là sự giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất.
          Hành chính hiểu đơn giản là công việc thi hành chính sách và pháp luật của chính phủ. Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất thể hiện ở việc lập quy, ban hành chính sách Quốc gia. Ngoài việc thi hành pháp luật thì việc thi hành, ban hành chính sách là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Chính phủ. Qua đó việc giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất thể hiện đặt biệt rõ nét qua giám sát việc ban hành và thi hành chính sách của Chính phủ.
          Khoản 2 điều 84 Hiến pháp 1992, Quốc hội xét báo cáo họat động của Chính phủ. Khoản 5 điều 91, UBTVQH giám sát họat động của Chính phủ, HĐND. Điều 94, trước khi ban hành các chính sách dân tộc, Chính phủ phải tham khảo ý kiến của Hội đồng dân tộc…
          Tuy nhiên trên thực tế, ngoài những chính sách được kiểm tra gắt gao và đem ra thảo luận thì một số chính sách của Chính phủ được Quốc hội thông qua hết, việc giám sát chỉ là hình thức. Đó là những chính sách mà các cơ quan của Quốc hội không đủ thông tin để xem xét và đủ trình độ để phát hiện ra sai sót.
          Thứ hai, là sự giám sát của Quốc hội đối với cơ quan chấp hành của nó.
           Điều đó thể hiện rõ nét trong Hiến pháp. Khoản 7 điều 84 Hiến pháp 1992, Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thành viên của Chính phủ. Điều 96 quy định Hội đồng dân tộc, UBTVQH có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ cung cấp tài liệu về vấn đề cần thiết. Điều 109, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội.,UBTVQH. Điều 117, Bộ trưởng và thành viên khác chịu trách nhiệm trước Quốc hội về lĩnh vực mình phụ trách…Đặc biệt là khoản 7 điều 84 sửa đổi của Hiến pháp 1992, quy định  Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
           Việc nâng cao tính giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong các mặt trên là công việc mà Nhà nước ta luôn quan tâm và đẩy mạnh. Tuy nhiên để làm tốt được điều đó đòi hỏi một quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng. ‘‘Không thể dùng một Quốc hội nghiệp dư để kiểm soát một Chính phủ chuyên nghiệp được; không thể dùng một Quốc hội họp ‘‘xuân thu nhị kỳ’’ để bám sát dòng chảy liên tục của công việc quản lý nhà nước.’’[9]
b)     Giữa cơ quan tư pháp đối với Chính phủ:
             Theo luật học, cơ quan tư pháp hay hệ thống tư pháp là một hệ thống tòa án nhân danh quyền tối cao hoặc nhà nước để thực thi công lý, một cơ chế để giải quyết các tranh chấp[10].
              Mặc dù sự giám sát của tư pháp đối với Chính phủ chưa được quy định rõ ràng trong luật, tuy nhiên sự giám sát này phần nào thể hiện ở việc xét xử và phán quyết của Tòa hành chính đối với một số văn bản hành chính cá biệt của Chính phủ; Việc giải quyết tranh chấp hành chính giữa một bên là công dân, tổ chức và một bên là cơ quan hành chính nhà nước; Việc kiểm sát của VKSND đối với các cơ quan thuộc Chính phủ.
              Theo điều 11, Pháp lệnh thủ tục giái quyết vụ án hành chính năm 1996:
            Một số khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án:
-Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
-Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan;
-Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý hộ tịch;
-Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
-Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc cán bộ, công chức giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống
-Khiếu kiện quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết khiếu nại đối với quyết định của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư.......
           Việc giám sát của cơ quan tư pháp đối với Chính phủ thông qua việc tòa án xét xử các vụ án hành chính đã góp phần làm giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng của bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế thì số vụ việc giải quyết thỏa đáng là không đáng kể và thẩm quyền xét xử của tòa thì có giới hạn do luật định. Nguyên nhân cũng có thể  là việc e ngại khi xét xử của các thẩm phán, những áp lực nặng nề đối với người khiếu kiện, hệ thống pháp luật hiện hành…
          Việc giám sát của cơ quan tư pháp đối với Chính phủ còn thông qua việc Viện Kiểm sát giám sát. Có ý kiến cho rằng, việc giám sát của VKS đối với các cơ quan tư pháp đặc biệt các cơ quan trực thuộc các Bộ, ngành của Chính phủ khó thực hiện trên thực tế ví dụ như cơ quan điều tra trực thuộc Bộ Công an ‘‘Mặc dù pháp luật hiện hành vẫn có quy định các hoạt động điều tra của tư pháp phải dưới sự giám sát của Viện Kiểm sát. Việc giám sát này không dễ gì thực hiện, chỉ bởi một lẽ rằng, các cơ quan điều tra không trực thuộc Viện Kiểm sát.’’[11].
2)     Giám sát từ bên ngoài:
          Cơ chế giám sát bên ngoài đối với Chính phủ là việc giám sát của cơ quan báo chí, nhân dân và tổ chức phi chính phủ…đối với Chính phủ. Việc giám sát bên ngoài khác việc giám sát bên trong ở chỗ các cơ quan giám sát bên ngoài nhiều lúc phối hợp với nhau, chứ không họat động riêng lẻ, độc lập như cơ quan giám sát bên trong và việc giám sát bên ngoài đôi lúc bị hạn chế, chỉ mang hình thức là phát hiện, tư vấn, phản biện, chứ không sử dụng biện pháp nhà nước để xử lý kết quả giám sát. Và cơ chế họat động đều giống nhau, dựa trên cơ sở các quyền hiến định của công dân và những điểm khác quy định riêng tùy thuộc vào từng tổ chức. Trong đó xuyên suốt là một nguyên tắc quan trọng: công dân có thể làm  tất cả những gì mà luật không cấm, nhà nước chỉ làm những gì mà luật cho phép.
         Việc giám sát bên ngoài rất đa dạng và không ngừng thay đổi theo thời gian, do đó tôi sẽ chỉ phân tích một số hình thức giám sát chính như sau:
o       Giám sát Chính phủ  bằng họat động tự do báo chí:
          Điều 69 Hiến pháp 1992, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật. Khoản 6 điều 114, Chính phủ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết. Điều 5 luật Báo chí năm 1999, các cơ quan báo chí phải đăng phát sóng tác phẩm ý kiến của công dân, trong trường hợp không đăng phải giải thích rõ; trả lời hoặc yêu cầu người có trách nhiệm về khiếu kiện, kiến nghị công dân gửi…
          Do đó vai trò của cơ quan báo chí trong việc giám sát của chính cơ quan báo chí và thể hiện sự giám sát của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước là vô cùng cần thiết hiện nay.
          Người dân từ đó qua một lăng kính mới để thực hiện quyền giám sát của mình đối với Chính phủ. Tuy nhiên người dân cần biết lựa chọn lăng kính, nếu nhìn qua lăng kính đen thì tất cả mọi thứ sẽ toàn màu đen, còn nếu nhìn qua lăng kính trắng thì mọi thứ sẽ xác thực và chính xác hơn. Đó là việc cần biết lựa chọn nguồn báo chí trên mạng hoặc báo giấy trong một xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay. Hiện nay có một số trang mạng báo chí có nguồn thông tin khá chuẩn xác như vietnamnet.vn, tuanvietnam.vietnamnet.vn, nclp.org.vn, baodientu.chinhphu.vn, mattran.org.vn, phaply.net.vn, dddn.com.vn…
o       Giám sát Chính phủ bằng các quyền tự do dân chủ  như quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia quản lý nhà nước…thông qua các quy định của pháp luật:
              Điều 69 quy định công dân có quyền… được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Trong luật phòng, chống tham nhũng 2005 có quy định việc công khai trong mua sắm công và xây dựng cơ bản; trong quản lý dự án đầu tư xây dựng;  trong việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của dân; trong lĩnh vực tư pháp…Nghị định 37/2007/NĐ- CP về minh bạch tài sản, thu nhập quy định những người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập :cán bộ, công chức của UBND từ cấp huyện; điều tra viên, kiểm sát viên, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước…Điều 8 Hiến pháp 1992, quy định các cơ quan Nhà nước, cán bộ Nhà nước phải tôn trọng nhân dân…lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân…
  Việc giám sát này đều nhằm hướng tới việc nhận lại sự công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước, ở đây là Chính phủ. Qua đó người dân được thực hiện những quyền tự do dân chủ của mình. Thực tế cho thấy rằng, ở đâu nhân dân thực hiện được quyền dân chủ đúng nghĩa của mình thì ở đó có thể chủ động phòng, chống lại việc cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức lạm dụng quyền, bưng bít thông tin, ban hành các quyết định để bảo vệ lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân trong cơ quan nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, lợi ích của nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên việc giám sát của nhân dân đối với một cơ quan ‘‘cấp cao’’ như Chính phủ thì hầu như không khả thi trên thực tế. Nhân dân không thể giám sát một Chính phủ ở xa như vậy, vì vậy cần những cầu nối. Việc nhân dân giám sát và làm chủ ở cơ sở là cầu nối đó, từ đó mọi đóng góp của nhân dân mới được biết đến và phát huy một cách hệ thống. Do đó, Nhà nước ta đã ban hành Quy chế dân chủ cơ sở năm 1998 và Pháp lệnh dân chủ cơ sở năm 2007 để hiện thực hóa điều đó.
Tất nhiên, muốn hoạt động giám sát của nhân dân có hiệu quả thiết thực, cần phải đề ra cơ chế, quy định giám sát rõ ràng, cụ thể để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, phạm vi, nội dung giám sát của mình đối với cơ quan Nhà nước. Do đó đã có ý kiến cần thiết cho ra Luật trưng cầu dân ý, để thể chế hóa và hiện thực hóa việc nhân dân đóng góp vào công việc Nhà nước.
                3)  Ngoài ra, còn có sự giám sát của Đảng cộng sản và tổ chức chính trị, xã hội như MTTQVN:
a)     Mặt trận tổ quốc đối với Chính phủ.
           Khoản 11 điều 112, Chính phủ phối hợp với MTTQVN khi thực hiện nhiệm vụ của mình, tạo điều kiện để các tổ chức đó họat động. Điều 9 sửa đổi quy định MTTQ là tổ chức liên minh chính trị…của các cá nhân tiêu biểu trong giai cấp, tầng lớp xã hội, tôn giáo, người định cư ở nước ngoài. Điều 111, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN được mời tham dự các phiên họp Chính phủ khi bàn vấn đề có liên quan.
           Điều đó có nghĩa là MTTQVN có vai trò giám sát họat động của cơ quan nhà nước với tư cách là cơ quan đại diện nhân dân, là tổ chức có chức năng tập hợp, vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đưa các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận trong xã hội.
             Theo điều 8 luật MTTQVN: MTTQVN tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử…Quy định này đã thể hiện vị trí quan trọng của MTTQ trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước ta qua việc giám sát quá trình bầu cử.
          Thực tế hiện nay, thì vai trò của MTTQ ở hầu hết các cấp không được đề cao. Nhiều người nói đùa rằng MTTQ là trận nào cũng có mặt, việc giám sát của MTTQ chỉ là hình thức.
           Hiện nay MTTQVN đang triển khai đề án ‘‘phản biện xã hội’’ nhằm triển khai nghị quyết đại hội X. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận xét dân chủ bị vi phạm rất nặng nề, giám sát và phản biện xã hội là yêu cầu rất bức thiết[12].
b)     Đảng cộng sản  đối với Chính phủ:
Đảng là một tổ chức chính trị quan trọng bậc nhất của nước ta, là một chính  Đảng duy nhất đưa nước ta, dân tộc ta khỏi ách nô lệ và đô hộ của thực dân và đế quốc, để có được độc lập và tự do. Điều 4 Hiến pháp 1992, quy định ĐCSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân VN...,là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng họat động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Đại hội lần thứ III năm 1960 của Đảng đã yêu cầu: Tăng cường công tác giám sát của Đảng đối với cán bộ, cơ quan nhà nước. Quy định 23 QĐ/ TW ngày 31 tháng 10 năm 2006 BCT đã nêu rõ: Giám sát của Đảng là việc các cấp ủy, tổ chức đảng theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên chịu sự giám sát trong việc chấp hành cương lĩnh chính trị, Điều Lệ Đảng, Nghị quyết, chỉ thị của Đảng và đạo đức lối sống theo quy định của BCHTW.[13].
 Qua đó, thấy được việc giám sát của Đảng đối với Chính phủ thể hiện qua việc Đảng giám sát cán bộ vừa là Đảng viên vừa là người làm trong bộ máy Chính phủ. Thực tế cho thấy hầu hết công chức, viên chức trong Chính phủ đều là Đảng viên. Vì vậy, việc giám sát này mang hình thức là giám sát nhân sự, chứ không phải giám sát tổng thể họat động của Chính phủ. Tuy nhiên, mọi luật, chính sách, phương hướng của Chính phủ đề ra đều bị chi phối bởi đường lối, cương lĩnh, chính sách của Đảng.

K
ết luận: Các cơ chế giám sát đối với Chính phủ nước ta hiện nay đã và đang dần được hoàn thiện. Tuy nhiên để việc giám sát này khả thi, thì cần sự cải cách đồng bộ bộ máy cơ quan nhà nước và sự hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta.









[1] Viện ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr 389.
[2] GS.TS Nguyễn Đăng Dung(2005), Sự hạn chế quyền lực Nhà nước,Nxb ĐH Quốc Gia HN, tr 386.
[3] Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, tr 443
[4] Điều 83 Hiến pháp năm 1992: …Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ họat động của Nhà nước.
[5] GS.TS Đinh Văn Mậu (2010), Sửa đổi Hiến pháp-cần sự lựa chọn có lý luận, in trong cuốn Hội thảo Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp,Khoa luật ĐHQGHN
[6] Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, tr 358.
[7] Khoản 2 điều  84 Hiến pháp 1992: Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, UBTVQH, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC.
[8] GS.TSKH Đào Trí Úc(2010), Hiến pháp Việt Nam và cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, in trong cuốn Hội thảo Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp,Khoa luật ĐHQGHN

[9] Võ Trí Hảo, http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-12-02-tang-tinh-chiu-trach-nhiem-cua-chinh-phu-truoc-quoc-hoi
[10] http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0_ph%C3%A1p
[11] GS.TS Nguyễn Đăng Dung(2005), Sự hạn chế quyền lực Nhà nước,Nxb ĐH Quốc Gia HN, tr 651.
[12] http://www.mattran.org.vn/home/GSPBxahoi/gspb1.htm#10
[13] http://truongchinhtrina.gov.vn/ArticleDetail.aspx?_Article_ID=215

Con đường công lý chông gai



Người ta bảo “con người nô lệ pháp luật là con người tự do”. Trong chế độ pháp quyền, nơi pháp luật minh bạch, dễ tiên liệu, tạo nên những chuẩn mực đáng tin cậy, con người sẽ đỡ run sợ trước cường quyền, thần thế và sức mạnh tiền bạc. Công lý được đảm bảo cho bất kỳ ai có lẽ vẫn chỉ là một giấc mơ, ở cả nước giàu lẫn nước nghèo. Tuy vậy nếu không sớm đặt những nền móng kiến tạo công lý thì mười năm sẽ trôi qua rất nhanh, hệ thống pháp luật giúp Nhà nước cai quản xã hội có thể phình nhanh, song dân tộc chúng ta không tiến xa trên con đường tiến tới chế độ pháp quyền. 
Nhà kinh tế học nổi danh Milton Friedman khi nhìn lại hơn một thập kỷ chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường ở các nước XHCN trước kia đã bộc bạch rằng: “lời khuyên của tôi cho các quốc gia này chỉ gồm có ba chữ: tư nhân hóa, tư nhân hóa, tư nhân hóa(1)…nhưng tôi đã lầm. Hóa ra xây dựng một chế độ pháp quyền xem ra là một nền tảng còn quan trọng hơn cả tư nhân hóa”. Những thế hệ công dân thời chuyển đổi ở Liên Xô cũ và nhiều nước Đông Âu đã khó mà nhận ra quốc gia của họ sau hơn một thập kỷ thực hiện liệu pháp sốc theo lời khuyên của những người theo chủ nghĩa Tân tự do. Ông chủ đã thay khuôn mặt mới, song trong hoang tàn của nền pháp chế XHCN bị quên lãng, một trật tự của cường lực, tiền bạc và những đặc quyền mới được thiết lập. Một nền công lý đáng tin cậy với bất kỳ ai trở nên ngày càng xa vời.
     Nhận biết cải cách thể chế cần cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, thay vì hối thúc tư nhân hóa, các nhà tài trợ chuyển sang hỗ trợ xây dựng Nhà nước, hỗ trợ xây dựng các nền tảng của quản trị quốc gia và chế độ pháp quyền. Và tại Việt Nam, sự giúp đỡ từ bên ngoài đó cũng bắt gặp những nỗ lực nội tại nhằm xây dựng một trật tự xã hội được quản lý bằng pháp luật.
Sửa Hiến pháp, ghi nhận định hướng xây dựng Việt Nam thành một Nhà nước pháp quyền XHCN, thập kỷ đã qua chứng kiến cuộc xây dựng pháp luật mạnh mẽ, có lẽ là mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước ta cho đến nay. Có thể so sánh phần nào với thời Minh Trị canh tân ở Nhật Bản cuối thế kỷ XIX, hơn 100 năm sau, Việt Nam cũng bắt tay vào xây dựng những nền móng pháp luật quan trọng cho một xã hội công nghiệp bằng việc ban hành kế tiếp những bộ luật đồ sộ chịu ảnh hưởng từ phương Tây.
Ban hành văn bản pháp luật (VBPL) là một trong vô số những nỗ lực lớn hơn nhằm xây dựng một chế độ pháp quyền, nơi mà quyền tự do sở hữu, tự do cạnh tranh dựa trên những chuẩn mực ứng xử đáng tin cậy, tự do khế ước và quyền tiệm cận công lý của mọi người dân được đảm bảo là sự khác biệt cơ bản giữa một quốc gia công nghiệp và những nước nghèo. Luật pháp dày đặc, song nếu chúng chỉ nhằm thay thế những ông chủ giữ độc quyền, thì danh tước được đổi tên một cách tân thời nhưng nguồn lực trong quốc gia vẫn bị kiểm soát bởi những nhóm lợi ích đặc quyền. Khi ấy hệ thống luật pháp trở thành pháo đài chiến lũy bảo vệ người có quyền và thế lực, ngăn cản quyền tiệm cận nguồn lực và cơ hội thi thố tài năng của người dân. Nếu điều ấy xảy ra, cũng tựa như vô số nước đang phát triển khác, chúng ta có nhà máy lọc dầu và có thể có đường sắt cao tốc, song chưa có nền pháp quyền cần cho một xã hội công nghiệp. Vì lẽ ấy, từ lời tự vấn của M Friedman, nên nhìn nhận quá trình xây dựng hệ thống pháp luật ở Việt Nam với một tầm nhìn lớn hơn, tức là xây dựng một chế độ pháp quyền, bảo đảm công lý cho bất kỳ ai.
Nếu chỉ giúp Nhà nước quản lý xã hội thì chưa đủ, hệ thống pháp luật phải gắn với chế độ pháp quyền, đảm bảo công lý cho bất kỳ ai, không phân biệt họ thuộc nhóm xã hội nào. Nếu pháp luật là những chuẩn mực, thì trong chế độ pháp quyền cần loại bỏ chuẩn mực kép, mọi người dân trong xã hội đều có cơ hội được tiệm cận công lý.
Thập kỷ đã qua đánh dấu nhiều thành tựu lập pháp to lớn, song việc xây dựng chế độ pháp quyền ở Việt Nam vẫn còn là một mục đích xa vời.
***
Pháp luật không chỉ là công cụ của Nhà nước, luật thành văn được ghi trong VBPL chỉ là một phần nổi của những gì được gọi là luật cai trị trật tự con người. Điều mà con người hiểu, nhận ra, thỏa thuận với nhau và ghi thành luật (luật thế tục, do con người làm ra, positive law) chỉ là một phần trong vô tận quy luật tất nhiên, ung dung tự tồn tại trên đời này (luật tự nhiên, natural law). Trong cuộc ganh đua trí tuệ khám phá ra luật ở đời, quy phạm cũ không hợp lý bị loại bỏ thay thế bằng điều mới hơn, hệ thống pháp luật vì thế không tĩnh, mà động, vô tận, không ngừng nghỉ, đào thải cái cũ, nhận ra cái mới tiến dần đến những quy luật này càng hợp với công lý của tự nhiên. Góp phần vào hệ thống pháp luật, vì lẽ đó ngoài VBPL còn có học lý của giới nghiên cứu luật học, lẽ công bằng mà người thẩm phán cảm nhận được. Những nguồn pháp luật đa dạng này tựa như lá cành thân rễ, tất cả tạo nên một hệ thống pháp luật vững chãi khởi nguyên từ pháp luật tự nhiên.
Nếu hiểu pháp luật là một thể chế xã hội, thay cho con người ghi nhớ lại những chuẩn mực ứng xử, khi ấy hệ thống pháp luật còn bao gồm những thiết chế góp phần thực thi pháp luật, ví dụ cơ quan chấp pháp bảo đảm thực thi pháp luật, cơ quan bảo đảm và giữ gìn công lý trong thực hiện quy phạm pháp luật. Khi ấy xây dựng hệ thống pháp luật không thể tách rời xây dựng hệ thống tòa án, cơ quan điều tra, công tố và các cơ quan bổ trợ tư pháp khác. Nếu nhìn nhận như vậy, Việt Nam đã qua một thập kỷ xây dựng văn bản pháp quy với tốc độ gia tăng một cách dày đặc dần, song cuộc du nạp các tòa án độc lập và những thiết chế thực thi pháp luật vẫn còn rất dang dở. Cuộc tranh luận về án đụng trần, về quyền giám sát của Quốc hội đối với các bản án của tòa án, thậm chí những cuộc tiến thoái không rõ chủ đích trong tầm nhìn cải cách đối với Viện kiểm sát nhân dân cho thấy một thái độ chưa thật dứt khoát, chưa đủ quyết tâm xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập, đủ mạnh. Trong tương quan với sức mạnh của Chính phủ, ngành tòa án của Việt Nam đang có một vị thế khiêm tốn hơn rất nhiều.
Những cản trở từ văn hóa pháp luật và ý thức hệ tư tưởng
Không thể xây dựng một chế độ pháp quyền ở một nước nghèo như Việt Nam bằng cách thả dù một toán cố vấn từ các nước giàu hoặc vay tiền nước ngoài để làm luật và du nhập các thể chế thực thi pháp luật. Nhà nước và pháp luật hiệu quả (rational Staat, rationales Recht) theo ngôn ngữ của Max Weber cần cho một xứ công nghiệp là những thể chế khan hiếm, chỉ xuất hiện và thành công ở một số nơi trên Trái đất này dưới những điều kiện nhất định(2). Quyền tư hữu và mơ ước làm giàu có ở mọi nơi, mọi lúc, đúng với mọi giống người, song điều gì đã làm cho chủ nghĩa tư bản đã ra đời ở Hà Lan và Anh lan dần sang Bắc Mỹ và Tây Âu, giúp họ sớm trở thành các quốc gia công nghiệp giàu có, trong khi phần còn lại của Trái đất thuở đó vẫn chìm đắm trong đói nghèo? Một chế độ pháp quyền cần tới những tiền đề nhất định để xuất hiện và được duy trì một cách bền vững. Những điều này liệu đã có ở Việt Nam trong thập kỷ tới đây?
Trong truyền thống pháp luật phong kiến phương Đông cũng như theo tư duy của nền pháp chế XHCN người ta đều quan niệm pháp luật là công cụ của Nhà nước nhằm thiết lập kỷ cương và trật tự xã hội theo ý chí của người cầm quyền. Một thập kỷ qua, Việt Nam đã du nhập đáng kể các văn bản pháp luật trên giấy cần cho Chính phủ để điều hành đất nước. Tuy nhiên, nếu quan niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN” nặng về tư duy “pháp trị” với chữ “Nhà nước” viết hoa còn chữ “nhân dân” thì viết thường có nghĩa là, người Việt Nam vẫn thượng tôn Nhà nước. Chúng ta đã gắng du nhập những công cụ quản lý mới, tiện và hợp thời cho Nhà nước cai trị xã hội, song cái gọi là chế độ thượng tôn pháp luật có thể vẫn còn xa vời.
Văn hóa pháp luật Việt Nam, một cuộc hôn nhân lịch sử giữa tư tưởng pháp luật thời phong kiến bén duyên nhanh với quan niệm pháp chế XHCN dùng pháp luật như một công cụ để triển khai các đường lối của Đảng và giúp Nhà nước quản lý được xã hội, có thể sẽ là một cản trở đáng kể để du nhập chế độ pháp quyền, nơi mọi công dân, mọi nhóm lợi ích đều bình đẳng về cơ hội tiệm cận các nguồn tài nguyên và quyền lực trong quốc gia.
Từ quan niệm cần có pháp luật như công cụ để quản lý, không ngạc nhiên Chính phủ nước ta đã là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn bộ quy trình làm luật. Chính phủ đã đứng sau tất cả những thành tựu lập pháp đồ sộ trong một thập kỷ qua, bởi Chính phủ có nhu cầu cần pháp luật để thể hiện các chính sách điều hành quốc gia. Chính phủ đã trở nên mạnh mẽ, có trong tay nhiều quyền lực điều hành quốc gia, tất cả các quyền lực ấy đều được hợp pháp hóa bằng pháp luật. Đó là một mặt của tấm huy chương. Song nếu không có sự gia tăng quyền lực một cách hợp lý cho cơ quan dân cử và tòa án, sẽ không có lực lượng nào đủ sức mạnh để giám sát và ép buộc được trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Sự thiếu vắng của trách nhiệm giải trình là một trong những điểm yếu rõ rệt cho thấy một hệ thống pháp luật ngày càng dày đặc tuy là cần, song chưa hẳn đã đủ để tiến tới một chế độ thượng tôn pháp luật.
Vì lẽ đó, một thập kỷ tới phải là san sẻ và phân bổ quyền lực nhằm xác lập trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Không chỉ là công cụ quản lý quốc gia trong tay Chính phủ, pháp luật phải trở thành công cụ trong tay người dân để giám sát, ép buộc Chính phủ phải làm việc minh bạch hơn, hiệu quả hơn. Vì lẽ ấy, kiểm soát Nhà nước, nâng cao trách nhiệm giải trình của các thiết chế quản trị quốc gia, đặc biệt là của Chính phủ và nền hành pháp, có thể nên là một chủ đề cần nhấn mạnh gắn liền với xây dựng hệ thống pháp luật ở Việt Nam trong thập kỷ tiếp theo.
---------------------
1 Milton Friedman (2002), in Economic Freedom of the World: 2002 Annual Report, pp xvii-xxi
2 Max Weber, Die protestantische Ethik und der Geist des Kapitalismus- Đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (1920, NXB Tri Thức 2008)


 Nguồn: Tạp chí Tia sáng


Phạm Duy Nghĩa

Kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam



     Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”1; tổ chức và hoạt động của nó dựa trên một trong những nguyên tắc nền tảng: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ”2. So với Cương lĩnh năm 1991, lần này Cương lĩnh chẳng những bổ sung thêm “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN” mà còn đưa một nội dung mới vào nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước là “Kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Sự bổ sung và phát triển này có ý nghĩa gì? Và nội dung của nó như thế nào?
1. Ý nghĩa của kiểm soát quyền lực
      - Trước hết, kiểm soát quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nguồn gốc và bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN là “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Quyền lực nhà nước không phải là quyền lực tự có của Nhà nước mà quyền lực của nhân dân, được nhân dân ủy quyền, nhân dân giao quyền. Nhân dân không trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước của mình mà lại giao cho Nhà nước thay mình thực hiện, nên tất yếu nảy sinh đòi hỏi chính đáng và tự nhiên phải kiểm soát quyền lực nhà nước. Mặt khác, khi ủy quyền cho Nhà nước, quyền lực nhà nước lại thường vận động theo xu hướng tự phủ định mình, trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu (từ của nhân dân là số đông chuyển sang số ít của một nhóm người hoặc của một người). C.Mác gọi hiện tượng này là sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước là của nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước suy cho cùng là giao cho những con người cụ thể thực thi. Mà hành động của con người thì luôn luôn chịu sự tác động của các loại tình cảm và dục vọng khiến cho lý tính đôi khi bị chìm khuất3. Đặc biệt là khi lý tính bị chi phối bởi các dục vọng, thói quen hay tình cảm thì khả năng sai lầm trong việc thực thi quyền lực nhà nước càng lớn. Với đặc điểm đó của con người, không thể khẳng định người được ủy quyền luôn luôn làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền. Vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhu cầu khách quan từ phía người ủy quyền là nhân dân đối với người được ủy quyền là Nhà nước. Hơn thế nữa, quyền lực nhà nước không phải là một đại lượng có thể cân, đong, đo, đếm xác định được một cách chính xác, để có thể giao quyền một cách cụ thể. Điều đó lại càng đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực nhà nước để hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền, mâu thuẫn chồng chéo hoặc trùng lắp trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước giữa các cơ quan nhà nước, làm cho hiệu lực và hiệu quả thực thi quyền lực nhà nước bị hạn chế.
      Xuất phát từ đòi hỏi khách quan nói trên, quyền lực nhà nước thường được lượng hóa, phân định thành các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự lượng hóa này là để giao cho các cơ quan nhà nước khác nhau, thay mặt nhân dân thực hiện. Sự phân định các quyền như vậy là điều kiện cơ bản để nhân dân giao quyền mà không bị lạm quyền, nhân dân kiểm soát và đánh giá được hiệu lực và hiệu quả thực hiện các quyền mà mình đã giao. Đồng thời cũng là để cho các cơ quan tương ứng được giao quyền đề cao trách nhiệm trong việc thực thi quyền lực nhà nước và tự kiểm tra việc thực hiện quyền lực nhà nước được giao của mình. Vì thế, phân công quyền lực nhà nước là cơ sở, là đòi hỏi khách quan để thực hiện được việc kiểm soát quyền lực nhà nước.
     Quyền lập pháp là quyền đại diện cho nhân dân thể hiện ý chí chung của quốc gia. Những người được nhân dân trao quyền này là những người do phổ thông đầu phiếu bầu ra hợp thành cơ quan gọi là Quốc hội. Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này là đại diện cho nhân dân, bảo đảm cho ý chí chung của nhân dân được thể hiện trong các đạo luật mà mình là cơ quan duy nhất được nhân dân giao quyền biểu quyết thông qua luật là quyền lập pháp. Đồng thời, là người thay mặt nhân dân giám sát tối cao mọi hoạt động của Nhà nước, nhất là hoạt động thực hiện quyền hành pháp. Đây là một hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong tổ chức bộ máy nhà nước để góp phần giúp cho các cơ quan hành pháp và tư pháp làm đúng, làm đủ nhiệm vụ quyền hạn được giao, hạn chế sự lạm quyền, lộng quyền.
      Quyền hành pháp là quyền tổ chức thực hiện ý chí chung của quốc gia do Chính phủ đảm trách. Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này là quản lý nhà nước (hay cai trị) mà thực chất là tổ chức thực hiện pháp luật để bảo đảm an ninh, an toàn và phát triển xã hội. Không có một Chính phủ quản lý nhà nước hữu hiệu, thông minh thì không thể có một Nhà nước giàu có, phát triển ổn định cả về mặt kinh tế lẫn mặt xã hội. Thực hiện quyền này đòi hỏi Chính phủ và các thành viên của Chính phủ phải nhanh nhạy, quyết đoán kịp thời và quyền uy tập trung thống nhất. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra - một hình thức kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy hành pháp.
      Quyền tư pháp là quyền xét xử, được nhân dân giao cho Tòa án và các cơ quan tư pháp. Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc xuyên suốt và cao nhất trong tổ chức thực hiện quyền này. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức không được phép can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án. Đây thực chất là quyền bảo vệ ý chí chung của quốc gia bằng việc xét xử các hành vi vi phạm Hiến pháp, pháp luật từ phía công dân và cơ quan nhà nước. Vì vậy, bảo vệ pháp luật, công lý, tự do của công dân là trách nhiệm hàng đầu của quyền tư pháp. Mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ tính pháp quyền và công lý trong các phán quyết của Tòa án. Kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án - là các hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy tư pháp để đảm bảo cho quyền tư pháp độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
     Như vậy, xuất phát từ đặc điểm của quyền lực nhà nước, việc phân định thành ba quyền nói trên là một nhu cầu khách quan. Thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta chỉ ra rằng, việc phân định rành mạch ba quyền là cách thức tốt nhất để phát huy vai trò của nhà nước đồng thời là cơ sở để kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.
     Ngoài ra, trong quan hệ với quyền lực nhà nước, một thực tế khách quan thường xảy ra là công dân không được bình đẳng với Nhà nước về thông tin, nên thường xảy ra tình trạng: (1) người chủ quyền lực nhà nước (nhân dân) thiếu thông tin hoặc không được thông tin đầy đủ; (2) khả năng Nhà nước không nắm bắt đúng mục đích, lợi ích của nhân dân; (3) khả năng những người thực thi quyền lực cụ thể không hiểu rõ mục đích; (4) khả năng hiểu đúng mục đích nhưng không sử dụng quyền lực đúng cách, hợp lý; (5) khả năng các đại diện vì lợi ích riêng có thể vượt quyền, lạm quyền làm tổn hại đến mục đích chung. Hơn nữa, Nhà nước là tổ chức duy nhất có thuộc tính cưỡng chế. “Thuộc tính cưỡng chế mang lại cho Nhà nước quyền lực can thiệp một cách có hiệu quả vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, nhưng với độc quyền này, Nhà nước có thể can thiệp một cách độc đoán, chuyên quyền, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của con người. Quyền này cộng với bất bình đẳng về thông tin giữa dân chúng và Nhà nước tạo ra những cơ hội cho các công chức xúc tiến những lợi ích của riêng họ hay những bạn bè đồng minh của họ, làm thiệt hại cho lợi ích chung. Những khả năng kiếm lợi và tham nhũng là rất lớn4.
     - Hai là, kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền XHCN còn là tất yếu kỹ thuật để thực thi quyền lực đạt hiệu quả. Quyền lực nhà nước nếu không được tổ chức thành hệ thống, tuân theo những nguyên tắc, cơ chế, quy trình nhất định và được thực thi bởi những con người cụ thể thì quyền lực không phát huy được vai trò của mình. Ngày nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, xã hội càng trở nên hiện đại, tổ chức quyền lực nhà nước lại càng phải có sự phân công, phối hợp và kiểm soát. Đây là một yêu cầu khách quan do sự phân công lao động xã hội, do tính chuyên nghiệp hóa của hoạt động quyền lực. Đồng thời trong lao động quyền lực cũng có những hạn chế. Trước hết, khả năng của con người là hữu hạn bắt nguồn từ sự hữu hạn của trí tuệ và lý tính của mình. Dù một người có trí tuệ siêu việt, là “thánh nhân” như thế nào đi nữa thì khả năng sai lầm vẫn có thể xảy ra “loài người không phải là thánh thần không bao giờ sai lầm, chân lý của họ phần nhiều chỉ là các chân lý một nửa”5.
     Do vậy, khả năng sai lệch trong nhận thức và thực thi quyền lực nhà nước, khả năng sử dụng quyền lực thiếu hiệu quả là có thể xảy ra.
     Hơn nữa, con người bị điều khiển bởi nhiều khát vọng, trong đó có khát vọng về quyền lực vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để đạt được các khát vọng khác. Hobbes nhấn mạnh: “Tinh thần vị kỷ trong loài người là một khát vọng không ngừng đối với quyền lực và điều này chỉ mất đi khi con người chết”6. C. Mác - cũng như Locke và Hobbes - đều cho rằng, bản chất của con người là có thể thay đổi được. Do đó, không thể khẳng định người được ủy quyền luôn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Vì vậy, trong tổ chức quyền lực nhà nước cần phải có sự kiểm soát một cách chặt chẽ những con người làm việc trong bộ máy quyền lực nhà nước, để có thể phát hiện và xử lý được khi những người này không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
     - Ba là, kiểm soát quyền lực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam còn bắt nguồn từ đặc trưng Nhà nước ta do một Đảng duy nhất lãnh đạo. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là một tất yếu lịch sử. Tất yếu đó đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực giữa các chủ thể cấu thành hệ thống chính trị ở nước ta. Đó là:
+ Kiểm soát của nhân dân, chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước đối với quyền lực nhà nước.
+ Kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa quyền lực nhà nước ở trung ương và quyền lực nhà nước ở địa phương.
+ Kiểm soát của chủ thể lãnh đạo nhà nước là Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước.
      Kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các chủ thể nói trên là nhằm đảm bảo cho tổ chức và hoạt động của Nhà nước vận hành nhịp nhàng, ăn khớp và thông suốt, chống được lạm quyền, lộng quyền. Tổ chức và hoạt động của quyền lực nhà nước có sự kiểm soát thì “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” không chỉ tuyên bố trong Cương lĩnh, trong Hiến pháp mà là điều kiện làm cho nó trở thành hiện thực. Do đó, “kiểm soát quyền lực” thực chất là kiểm soát quyền lực nhà nước để đảm bảo cho tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN mà Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới xây dựng.

2. Nội dung cơ bản của kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta
     Kiểm soát quyền lực nhà nước là một vấn đề phức tạp, bởi sự phức tạp của tổ chức quyền lực nhà nước và hoạt động thực thi quyền lực nhà nước. Tính phức tạp đó, một mặt do kiểm soát việc sử dụng quyền lực nhà nước để chống sự lạm dụng nó là đòi hỏi bắt buộc đối với bất kỳ nhà nước dân chủ và pháp quyền nào. Nhưng mặt khác, kiểm soát được việc sử dụng quyền lực nhà nước mà lại không làm mất đi tính năng động, mềm dẻo cần phải có để tiến hành các công việc nhà nước. Cái khó nhất trong thiết kế một chính quyền nhà nước trước hết là làm cho bộ máy nhà nước có khả năng kiểm soát được xã hội và sau nữa - không kém phần quan trọng - là buộc Nhà nước phải tự kiểm soát được chính mình. Vì thế, kiểm soát quyền lực nhà nước theo nghĩa rộng chính là việc thiết kế tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước sao cho đạt được mục đích chính trị chung và đạt được hiệu quả cao nhất. Xét theo nghĩa hẹp, kiểm soát quyền lực nhà nước là toàn bộ những phương thức, quy trình, quy định mà dựa vào đó, Nhà nước và xã hội có thể ngăn chặn, loại bỏ những hoạt động sai trái của các thiết chế quyền lực nhà nước, phát hiện và điều chỉnh được việc thực thi quyền lực nhà nước, đảm bảo cho quyền lực nhà nước thực thi đúng mục đích chung và đạt được hiệu quả cao nhất. Vì thế, quyền lực nhà nước chỉ có thể kiểm soát được khi có cơ chế xác định và các điều kiện cần thiết cho sự vận hành của nó trên thực tế. Cơ chế đó bao gồm kiểm soát bên ngoài, lẫn kiểm soát bên trong quyền lực nhà nước.
     Mục đích của kiểm soát quyền lực nhà nước, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, là loại bỏ những điều kiện xã hội đã sản sinh ra Nhà nước và giai cấp. Đây chính là quá trình khắc phục sự tha hóa của quyền lực nhà nước, đưa quyền lực nhà nước trở về với đúng nghĩa của nó là quyền lực của nhân dân, quyền lực thực hiện chức năng công quản xã hội. Vì thế, có thể nói, nội dung của kiểm soát quyền lực nhà nước là: (i) đảm bảo cho quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích; (ii) đảm bảo cho quyền lực nhà nước thực thi có hiệu lực, hiệu quả.
     Cần phải nhận thức sâu sắc vai trò của kiểm soát quyền lực nhà nước. Bởi trong Nhà nước dân chủ và pháp quyền thì quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân là quan hệ đại diện, ủy quyền. Bản thân quan hệ này cần phải khắc phục các biểu hiện sau:
     Một là, giữa người chủ và người đại diện có thể xảy ra mâu thuẫn về lợi ích. Nếu xảy ra điều đó thì kết quả là người chủ phải chịu sự thiệt thòi nào đó về lợi ích của mình, do người đại diện không làm đúng, làm đủ nhiệm vụ và quyền hạn được giao; người chủ phải chịu những tổn thất do người đại diện gây ra.
     Hai là, sự không bình đẳng về thông tin và hành động giữa người chủ và người đại diện nhất là trong điều kiện của nền kinh tế tri thức và khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Người đại diện vốn có những thông tin mà người chủ không thể có hoặc phải chi phí lớn mới có được. Người đại diện lại có thể sử dụng nhiều hành động khác nhau làm cho người chủ khó lòng mà nhận xét và kết luận về tính đúng đắn của các kết quả do họ đưa ra.
     Ba là, trong các thể chế dân chủ, tổ chức và hoạt động quyền lực nhà nước thường xảy ra một thực tế là: có trường hợp thiểu số là đúng và hợp lý nhưng vẫn phải chịu sự chi phối và quyết định của đa số thiển cận. Đây là vấn đề nan giải đã được đặt ra từ lâu trong lịch sử chính trị và được Madison khái quát thành “sự chuyên chế của đa số”.
     Để khắc phục những nhược điểm nói trên của lao động quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực được xem là một nguyên tắc hiến định. Vì thế, kiểm soát quyền lực phải được ghi nhận và bổ sung vào Hiến pháp năm 1992 và tiếp tục thể chế trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Việc thể chế nguyên tắc kiểm soát quyền lực của Cương lĩnh thành nguyên tắc hiến định và tiếp tục cụ thể hóa trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước trong thời gian sắp tới, cần tập trung vào các nội dung sau đây:
     - Xuất phát từ bản chất của hệ thống chính trị nước ta được tổ chức và hoạt động theo cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và Nhà nước quản lý, nên kiểm soát quyền lực nhà nước là kiểm soát quyền lực nhà nước giữa Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước quản lý. Đây là đặc điểm thể hiện mối quan hệ tất yếu lịch sử và khách quan ở nước ta. Trong suốt 80 năm qua, Đảng ta đã trải qua 15 năm lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng giành chính quyền, hơn 65 năm cầm quyền - trong đó 30 năm cầm quyền trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt chống thực dân và đế quốc xâm lược giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và 35 năm cầm quyền trong hòa bình xây dựng đất nước. Lịch sử đã chứng minh một cách thuyết phục về tính tất yếu khách quan của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước. Với đặc điểm khách quan này, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi phải có sự kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, hạn chế sự dựa dẫm, ỷ lại của Nhà nước, làm cho cả hai đều yếu, không phát huy đúng vị trí và vai trò của mình. Dưới ánh sáng của đường lối xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của dân, do dân và vì dân với nguyên tắc: “Quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” đã được ghi nhận trong Cương lĩnh của Đảng, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, để xứng đáng là một Đảng cầm quyền về trí tuệ, về tư tưởng, về phẩm chất năng lực lãnh đạo và hoạt động thực tiễn. Vấn đề trước hết trong mối quan hệ này là phân công trách nhiệm giữa Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý như thế nào cho rõ ràng, minh bạch, có hiệu lực và hiệu quả, để Đảng không quyết định thay Nhà nước, để phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những quyết định trọng đại của đất nước (trừ những quyết định bí mật quốc gia). Dựa trên sự phân công trách nhiệm rõ ràng đó, Đảng thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước và phát huy vai trò của Nhà nước là một nội dung quan trọng trong tổ chức và hoạt động quyền lực ở nước ta. 
      - Kiểm soát quyền lực nhà nước giữa nhân dân - chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước, đối với Nhà nước - chủ thể quản lý. Đây là mối quan hệ kiểm soát quyền lực của người chủ đối với Nhà nước. Thực tiễn chỉ ra rằng, chỉ có phân định một cách thực chất, giao quyền một cách rõ ràng những nhiệm vụ quyền hạn gì cho Nhà nước, còn những gì nhân dân thực thi quyền lực nhà nước một cách trực tiếp hoặc thông qua tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của mình, thì nhân dân mới thực hiện được quyền kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả. Đồng thời, xây dựng một cơ chế giám sát hữu hiệu để nhân dân kiểm soát được quyền lực nhà nước đã giao, đã ủy quyền cho Nhà nước, đặc biệt là hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế nhân dân thực hiện được quyền bãi nhiệm và miễn nhiệm những người do mình bầu ra khi họ không còn xứng đáng (đã được Hiến pháp quy định nhưng trong thực tiễn, nhân dân chưa thực hiện được).
     - Kiểm soát quyền lực bên trong tổ chức quyền lực nhà nước (giữa các thành tố cấu thành quyền lực nhà nước: giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp và giữa quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương). Đây là mối quan hệ kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Chỉ trên cơ sở phân công một cách đúng đắn, hợp lý, minh bạch, rõ ràng giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để cho các quyền này có điều kiện thực hiện đầy đủ và đúng đắn ý nguyện của nhân dân đã được ghi nhận thành các quy định của Hiến pháp và các đạo luật; đồng thời, phân cấp, phân quyền giữa quyền lực nhà nước ở trung ương và ở địa phương một cách phù hợp, mới thực hiện được việc kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước. Theo kinh nghiệm tổ chức quyền lực nhà nước ở các nhà nước đương đại, kiểm soát quyền lực nhà nước là yếu tố thể hiện tính pháp quyền và dân chủ của một bộ máy nhà nước, là nhân tố góp phần làm nên sự giàu có của một quốc gia. Với vai trò to lớn như vậy, việc kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong tổ chức quyền lực nhà nước là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Tiếp tục phân công, phân nhiệm một cách rạch ròi, hợp lý, khoa học nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi quyền, tăng cường kiểm soát lẫn nhau trong thực thi quyền lực nhà nước giữa các quyền và phối hợp chặt chẽ giữa ba quyền trên cơ sở nhiệm vụ quyền hạn được giao, là một công việc phải được tiến hành thường xuyên trong quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước.
(1 và  2)  Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb. Chính trị Quốc gia. H., 2011, trang 85.
(3) JonMills. Luận về tự do, Nxb, Chính trị Quốc gia, H., 2005, tr 131.
(4) Ngân hàng Thế giới (1998), Nhà nước trong một thế giới chuyển đổi,  H., 1998, tr. 126.
(5) John Mills. Sđd, tr13
(6) Hobbes. Leviathan, Harmondsworth, Penguin, 1968, p 161.

GS,TS. Trần Ngọc Đường - Văn phòng Quốc hội.