Friday, January 13, 2012

Bàn về nội dung của một bản hiến pháp ( Phần đầu)



Bàn về nội dung của một bản hiến pháp

Nội dung của một bản Hiến pháp là mặt bên trong của Hiến pháp, là những gì chứa đựng và thể hiện trong một bản Hiến pháp. Lịch sử Lập hiến hơn 200 năm nay của nhân loại chỉ ra rằng tuy có sự khác nhau về những quy định cụ thể trong một bản Hiến pháp của các quốc gia khác nhau, nhưng nội dung tổng thể của một bản Hiến pháp theo quan niệm truyền thống bao gồm bốn phần cơ bản sau đây:

Một là, Chính thể của một nước;
Hai là, Các quyền cơ bản của con người, của công dân;
Ba là, Tổ chức quyền lực Nhà nước;
Bốn là, Quy trình ban hành và sửa đổi Hiến pháp.
Nhân dịp sửa đổi Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001), chúng tôi xin có một số ý kiến bàn về nội dung của một bản Hiến pháp.
Về chính thể của một nước hay chế độ chính trị
Đây là nội dung thường được bố trí chương đầu tiên của một bản Hiến pháp dẫu là theo Hiến pháp nguyên thủy hay hiện đại. Bởi, nội dung của nó là những tuyên bố trang trọng mang tính nền tảng của một quốc gia về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; về bản chất của quyền lực nhà nước (theo hình thức chính thể nào); và về một số nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và đời sống xã hội. Đây là những nội dung được thể hiện xuyên suốt toàn bộ Hiến pháp. Các chương sau của Hiến pháp là sự cụ thể hoá thêm một bước nội dung của chương này. Tư tưởng và quan điểm trong chương này, quyết định nội dung của các chương tiếp theo của Hiến pháp, nó là cơ sở bảo đảm sự thống nhất của toàn bộ bản Hiến pháp. Vì thế, đây là chương không có nhiều điều khoản, nhưng lại là chương đặc biệt quan trọng quyết định nội dung của toàn bộ bản Hiến pháp.
Hiến pháp năm 1992 hiện hành của nước ta cũng đã thể hiện những nội dung này ở chương I: Nhà nước CHXHCN Việt Nam - chế độ chính trị. Tuy nhiên, theo chúng tôi còn một số điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu để đổi mới và hoàn thiện trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này.
Một là, Hiến pháp cần phải quy định rõ nước ta theo hình thức chính thể nào? Bởi hình thức chính thể sẽ quyết định cách thức tổ chức các cơ quan nhà nước tối cao và xác lập những mối quan hệ giữa các cơ quan đó. Tại điều 1 Hiến pháp năm 1992 mới chỉ quy định nước ta là nước Cộng hòa XHCN. Điều đó mới chỉ nói lên được tên nước mà chưa nói nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là một nước theo hình thức chính thể nào? Nên chăng viết theo cách thể hiện Điều 1 của Hiến pháp năm 1946: Nước Việt Nam XHCN là một nước dân chủ cộng hòa.
Hai là, Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, hay chủ quyền nhân dân là nguyên tắc nền tảng chẳng những được quy định trong chương I mà còn phải xuyên suốt toàn bộ nội dung của Hiến pháp. Điều 2 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Tất cả quyền lực nhà nuớc thuộc về nhân dân”. Đây là một quy định chỉ rõ nguồn gốc, bản chất và mục đích của quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân. Nguyên lý này không những được quy định trong Hiến pháp nước ta mà còn được quy định trong hầu hết Hiến pháp của các nhà nước dân chủ và pháp quyền… Điều 2 nói trên là đúng và phù hợp. Tuy nhiên, tại điều 6 Hiến pháp năm 1992 hiện hành lại quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Nội dung của điều khoản này mâu thuẫn với điều 2 nói trên. Bởi nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua các cơ quan đại diện mà còn phải thông qua các cơ quan nhà nước khác như hành pháp, tư pháp và các hình thức thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp như phúc quyết Hiến pháp, trưng cầu dân ý…
Ba là, có một số quy định trong Chương I, không phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của chương chính thể. Ví dụ Điều 7 quy định quyền bầu cử và quyền bãi miễn ĐBQH và đại biểu HĐND là các quyền chính trị cơ bản của công dân thuộc đối tuợng quy định ở chương quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương V). Hay Điều 12 quy định về quyền làm chủ của công dân ở cơ sở cũng không phù hợp với chương này.
Bốn là, có một số điều luật quy định quá cụ thể, thiếu khái quát chưa ngang tầm Hiến pháp và còn trùng lắp. Ví dụ về nhà nước có đến 5 điều, quy định cả chính sách dân tộc (điều 5), chính sách đối ngoại (điều 14); quy định nguyên tắc (điều 2, điều 12, điều 8); vừa quy định bản chất nhà nước (điều 2) vừa quy định mục tiêu của nhà nước (điều 3)… Có thể nói các quy định về nhà nước trong Chương I không theo một lôgíc nào cả, lộn xộn cần phải được sắp xếp lại và bỏ bớt các yếu tố trùng lắp hoặc chưa xứng tầm được quy định trong Chương I Hiến pháp. Điều 9 quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều 10 lại quy định công đoàn. Hai điều này có sự trùng lắp.
Từ những tồn tại nói trên, chế độ chính trị, cần được thể hiện trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, theo định hướng sau:
Một là, xác định phạm vi, nội dung những vấn đề cần phải thể hiện trong chương này. Theo tôi có các vấn đề cơ bản sau đây nhất thiết phải thể hiện trong chương I:
Nhà nước ta theo hình thức chính thể gì? Hiến pháp hiện hành chưa viết rõ điều này;
Tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ;
Bản chất, vai trò và các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của nhà nước ta và xã hội ta.
Hệ thống chính trị nước ta gồm Đảng lãnh đạo và các tổ chức chính trị xã hội.
Hai là, kỹ thuật lập hiến thể hiện theo cách viết bao quát, không quy định quá cụ thể. Theo đó, tên Chương I chỉ nên viết là chế độ chính trị hay chính thể như Hiến pháp năm 1946.
Về các quyền cơ bản của con người, của công dân ghi nhận trong Hiến pháp
Đây là một nội dung quan trọng, cơ bản thường được quy định trong các chương đầu của một bản Hiến pháp. Bởi sự ra đời và tồn tại của Hiến pháp theo quan niệm truyền thống bắt nguồn từ lý thuyết về chủ quyền nhân dân. Nhân dân được xem là chủ thể của quyền lập hiến và với tư cách là một khế ước xã hội, trước hết Hiến pháp thể hiện chủ quyền của nhân dân. Mà một trong những nội dung quan trọng của chủ quyền nhân dân là người dân trong một nhà nước có những quyền gì? Nội dung của các quyền con người, quyền công dân trong các bản Hiến pháp theo mô hình Hiến pháp truyền thống thường là các quyền tự nhiên do tạo hóa ban cho con người, chứ không phải Hiến pháp hay nhà nước ban phát tặng cho. Đó thường là các quyền dân sự - chính trị tức là các quyền tự do, bình đẳng cho cá nhân con người mà nhà nước phải tôn trọng và có nghĩa vụ bảo vệ. Từ thế hệ một với các quyền dân sự và chính trị của cá nhân, đã dần dần phát triển lên thế hệ thứ hai về quyền con người, bao gồm các quyền kinh tế - xã hội và văn hóa, các quyền dân tộc cơ bản, tự quyết bình đẳng giữa các quốc gia và dân tộc. Và ngày nay, thế hệ thứ ba về quyền con người, với các quyền mới như: Quyền được phát triển, quyền được thông tin, quyền được sống trong môi trường trong sạch… đang được ghi nhận và khẳng định trong nhiều bản Hiến pháp của các nước. Ngoài việc liệt kê các quyền con người, quyền công dân, theo xu hướng ngày càng mở rộng và phát triển, Hiến pháp còn quy định trách nhiệm và giới hạn của nhà nước trong việc bảo đảm và tạo điều kiện cho con người và công dân thực hiện các quyền và làm tròn các nghĩa vụ.
Nghiên cứu nội dung về quyền con người, quyền công dân, qua 4 bản Hiến pháp của nước ta, có thể rút ra một số nhận xét sau đây làm cơ sở cho việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp sắp tới:
Một là, quyền con người, quyền công dân ở nước ta gắn liền với sự ra đời của nhà nước kiểu mới, với việc xác lập chủ quyền quốc gia, chủ quyền dân tộc, đưa con người từ thân phận nô lệ trở thành người chủ của đất nước và mưu cầu hạnh phúc. Do đó, có thể nói rằng quyền con người, quyền công dân ở nước ta ra đời và phát triển gắn liền với sự ra đời và phát triển của nhà nước sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến nay và quan hệ chặt chẽ với nhà nước. Dường như nhà nước là điểm khởi đầu để con người và công dân Việt Nam được hưởng quyền. Hơn nữa, Hiến pháp trong chủ nghĩa xã hội hiện thực trước đây được quan niệm là của nhà nước, phục vụ cho việc quản lý nhà nước. Do vậy, trong nhận thức của xã hội nói chung, của nhà nước nói riêng coi các quyền và nghĩa vụ của công dân là do nhà nước quy định, dường như là một sự ban phát tặng cho từ phía nhà nước. Vì thế, nội dung của các quyền ghi nhận trong Hiến pháp quá lý tưởng cao hơn điều kiện kinh tế - xã hội nên nhiều quyền không có điều kiện và cơ chế thực hiện trong thực tế (như Hiến pháp năm 1980); cách thể hiện còn mang tính chất ban phát tặng cho từ phía nhà nước mà không phải là quyền của chính con người, của chính công dân: chưa xem các quyền Hiến định của công dân là một phạm vi giới hạn pháp lý đối với công quyền. Với những tồn tại đó, sửa đổi Hiến pháp lần này, cần có một sự đổi mới cơ bản về nhận thức và cách thức thể hiện các quyền con người và quyền công dân trong Hiến pháp.
Trước hết về nhận thức cần có quan niệm đầy đủ, thống nhất về quyền con người, quyền công dân trong mối quan hệ với nhà nước. Trước đây, trong quan niệm của các học giả tư sản đã tồn tại hai khuynh hướng đối lập nhau trong việc giải quyết mối quan hệ này. Một khuynh hướng cho rằng cần phải thu hẹp quyền lực nhà nước trong mối quan hệ với quyền con người, quyền công dân mà đại biểu là Joi Lốc Cơ (nhà triết học chính trị người Anh 1632-1704). Đây là điều kiện để thỏa mãn quyền của từng cá nhân con người, nhằm bảo đảm sự an toàn cho từng cá nhân khỏi bị quyền lực nhà nước xâm hại. Ngược lại, có khuynh hướng đòi hỏi được mở rộng quyền lực nhà nước trong mối quan hệ với cá nhân con người và công dân. Theo quan điểm này, quyền lực nhà nước cần được tăng cường, cần được thiết lập để bảo đảm và thoả mãn các yêu sách về các quyền của con người. Đại diện cho khuynh hướng này là Tô Mát Hốp Xơ (nhà triết học 1588-1679). Trong điều kiện ngày nay, việc quan niệm đúng đắn quyền con người, quyền công dân phải hướng đến việc giải quyết các quan hệ giữa cá nhân với xã hội; giữa tính nhân loại với tính giai cấp; giữa lợi ích quốc gia và quan hệ quốc tế; giữa giá trị đạo đức với giá trị pháp luật và quyền lực nhà nước; giữa lợi ích quốc gia và quan hệ quốc tế, giữa khả năng và nhu cầu tự nhiên. Như vậy, trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền và toàn cầu hóa, nội dung quyền con người, quyền công dân ghi nhận trong Hiến pháp theo chúng tôi cần quan tâm đến các vấn đề sau:
Quyền con người là những giá trị gắn liền với mỗi con người vừa với tư cách cá nhân vừa với tư cách là thành viên của xã hội, thành viên của một nhà nước nhất định. Vì vậy, quyền con người vừa mang thuộc tính cá nhân, vừa thể hiện lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng.
Quyền con người là những giá trị phải được thừa nhận chung bằng cách thể chế hóa trong Hiến pháp và Luật thành các quyền năng cụ thể, có tính phổ cập, cần thiết cho mọi người không phân biệt chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, giới tính.
Quyền con người vừa là thuộc tính tự nhiên của con người, vừa là những giá trị nảy sinh trong đời sống cộng đồng gắn liền với một nhà nước cụ thể, với một chế độ chính trị - pháp lý cụ thể. Ghi nhận các quyền con người trong Hiến pháp phải thể hiện được các nhu cầu và khả năng khách quan phù hợp với chế độ chính trị, kinh tế, lịch sử, dân trí cụ thể… Chỉ có thông qua Hiến pháp và pháp luật thì các giá trị của con người với tư cách là tự nhiên và xã hội mới trở thành quyền được xác định và mới bảo đảm trở thành hiện thực trong thực tiễn. Với nhận thức đó, việc thể hiện trong Hiến pháp trước hết phải khẳng định chủ thể của quyền là con người và công dân trong nhà nước. Đồng thời đó chính là nghĩa vụ của nhà nước trong việc bảo đảm và tạo điều kiện cho con người và công dân thực hiện các quyền.
Hai là, quyền và nghĩa vụ của công dân được thể hiện một cách thống nhất và nhất quán trong cả 4 bản Hiến pháp nước ta. Hiến pháp sau có bước phát triển so với Hiến pháp trước về nội dung các quyền của công dân. Thế hệ thứ ba về các quyền, cơ bản của con người của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 như quyền được thông tin (điều 69). Hiến pháp năm 1992 thừa nhận thuật ngữ quyền con người, chưa có sự phân biệt giữa quyền con người với quyền công dân và cho rằng quyền con người thể hiện ở quyền công dân (điều 50). Theo đó, các quyền con người, quyền công dân được quan niệm đồng nhất trong Hiến pháp nước ta. Quan điểm đó cần được khắc phục trong việc sửa đổi Hiến pháp lần này. Theo chúng tôi, mặc dầu quyền con người và quyền công dân không tách rời nhau một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc thừa nhận quyền con người và quyền công dân với tính cách là các khái niệm vừa mang tính độc lập vừa có mối liên hệ biện chứng là hoàn toàn phù hợp. Quyền con người và quyền công dân trong mối quan hệ thống nhất biện chứng đều ghi nhận các quyền của cá nhân. Song không vì thế mà đồng nhất hai khái niệm đó xét cả về phương diện chủ thể của quyền và nội dung của quyền. Quyền con người là khái niệm rộng hơn, nó vừa ghi nhận trạng thái pháp lý về quyền cá nhân ở phạm vi quốc tế, vừa là quyền công dân ở trong phạm vi từng quốc gia nhất định. Do vậy, nội dung, số lượng và chất lượng quyền công dân ở mỗi quốc gia thường không giống nhau. Một mặt, quyền con người không loại trừ khái niệm quyền công dân, bao hàm quyền công dân như là một bộ phận, nội dung cơ bản của quyền con người; song, mặt khác cũng không thể thay thế được khái niệm đó. Ngược lại, quyền công dân là khái niệm hẹp hơn. Trong ý nghĩa pháp lý, khái niệm quyền công dân để chỉ trong phạm vi từng quốc gia nhất định, không bao quát hết tất cả các quyền của cá nhân con người. Về phương diện chủ thể quyền con người ngoài những cá nhân được xác định là công dân còn bao hàm những người không phải là công dân (người nước ngoài, những người không có quốc tịch, người bị pháp luật tước quyền công dân); những người này tuy không được hưởng các quyền công dân, nhưng vẫn có các quyền về con người với tính cách là một thành viên của một quốc gia mà còn là thành viên “công dân” của cộng đồng loài người. Mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền công dân thể hiện trong nội dung của quyền con người trên bình diện quốc tế và quyền công dân trong phạm vi từng quốc gia. Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền đã đề ra nguyên tắc:
Tất cả mọi người đều có những quyền bình đẳng và không thể chuyển nhượng, đó là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới.
Sự phủ nhận và coi thường các quyền con người đều dẫn đến các hành vi man rợ, làm công phẩn lương tâm của loài người. Một thế giới mới ra đời, trong đó mọi người sẽ có quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng, được giải phóng khỏi mọi khủng bố và nghèo khổ, xã hội đó được nêu lên thành khát vọng cao nhất của con người.
Từ nhận thức nói trên, chẳng những trong Hiến pháp phải viết rõ tên chương là quyền con người và quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân mà còn phải thể hiện đầy đủ nội dung của các quyền, bao gồm:
Các quyền tự do dân chủ về chính trị bao gồm: quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, quyền bình đẳng nam nữ, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền được lập hội, quyền biểu tình, bãi công, quyền tự do tín ngưỡng.
Các quyền dân sự (quyền tự do cá nhân) bao gồm: quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền được an toàn bí mật về thư tín, điện thoại; quyền tự do đi lại và cư trú trong nước; quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền khiếu nại, tố cáo…
Các quyền về kinh tế - xã hội bao gồm: quyền lao động, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền thừa kế; quyền sáng chế phát minh; quyền được bảo vệ sức khỏe; các quyền mang tính chất ưu tiên như quyền trẻ em; quyền của người già, người cô đơn không  nơi nương tựa; quyền được sống trong  môi trường trong sạch không bị ô nhiễm, quyền được phát triển của cá nhân…
(còn nữa)
Gs.Ts. Trần Ngọc Đường--ĐBND

No comments:

Post a Comment