Friday, January 13, 2012

Hiến pháp CHLB Đức Chủ quyền nhân dân và quyền con người

Đại biểu nhân dân...
07:35 | 13/01/2012
Lời nói đầu của hiến pháp bao giờ cũng phản ánh triết lý hiến pháp mà một quốc gia theo đuổi. Kỹ thuật viết lời nói đầu như thế nào cũng phụ thuộc vào nền tảng triết lý của bản hiến pháp. Theo thông lệ này, cách viết lời nói đầu của Hiến pháp Đức phản ánh quan niệm của người Đức về hiến pháp được thiết lập theo học thuyết chủ quyền nhân dân, theo đó mọi quyền lực trong quốc gia có nguồn gốc từ nhân dân, Hiến pháp được thiết lập bởi nhân dân.


Ngày 8.5.1949, các nhà lập pháp Đức thông qua Đạo luật cơ bản (Hiến pháp)
        
                      Nguồn: Spiegel
Ngay sau lời nói đầu, những điều khoản đầu tiên của Luật cơ bản là các quy định về “các quyền cơ bản” (chương 1). Các quy định về chính quyền được đặt sau các quy định về quyền con người, thể hiện một quan niệm hiến pháp coi quyền con người là mục tiêu mà hiến pháp cần bảo vệ, và chính quyền được xây dựng để bảo vệ quyền.
Các quy định về quyền cơ bản được xây dựng theo một nguyên tắc hiệu lực trực tiếp: “Các quyền sau đây sẽ ràng buộc các ngành lập pháp, hành pháp, và tư pháp như luật có hiệu lực trực tiếp” (Điều 1, khoản 3). Các quyền hiến định có giá trị ràng buộc đối với cả ba ngành quyền lực, toàn bộ các định chế của liên bang chỉ được sử dụng quyền lực theo những giới hạn hiến pháp. Do đó, các quy định về quyền thể hiện tinh thần là làm sao cho các quyền có thể thực thi được trên thực tế, chứ không chỉ là các tuyên ngôn chung chung nằm trên văn bản.
Để làm được điều đó, trước tiên ta thấy nội dung các quyền được định nghĩa cụ thể. Người ta không chỉ quy định chung chung rằng công dân có quyền tự do ngôn luận mà đã chỉ ra những nội dung cụ thể của quyền tự do ngôn luận đó: nói, viết, hình ảnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, nghệ thuật... Không chỉ xác định nội dung của quyền, các phương tiện để thực hiện quyền cũng được chỉ ra: tiếp cận với các nguồn thông tin, đài phát thanh, phim ảnh... Ngoài ra, để bảo đảm cho quyền tự do ngôn luận được thực hiện, hiến pháp giới hạn hành vi của nhà nước trong việc áp đặt chế độ kiểm duyệt.
Một điều đáng lưu ý là, để bảo đảm tính khả thi của quyền, các nhà soạn thảo Hiến pháp Đức đã đưa ra những giới hạn cụ thể đối với quyền. Một trong những nguyên tắc của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại là sự giới hạn trong những mong muốn của chính quyền. Cam kết với các giá trị xa vời và lãng mạn là một điều kiện cho chế độ toàn trị nẩy nở. Các nhà lãnh đạo toàn trị có thể lấy lòng dân chúng bằng những cam kết mỹ miều. Nhưng chính những cam kết này sẽ được viện dẫn để biện minh cho những hành động độc đoán: người ta có thể giải thích rằng những hành động độc đoán là cần thiết để thực hiện những cam kết vốn không được xác định. Chủ nghĩa hợp hiến hiện đại nhận thấy nguy cơ này nên yêu cầu rằng những mong muốn, những cam kết của chính quyền đối với các giá trị nhân quyền phải có những giới hạn.
Chính vì vậy, chúng ta thấy các nhà soạn thảo hiến pháp Đức không quá lãng mạn để cam kết một cách vô giới hạn đối với các quyền con người nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng như được quy định ở trên. Các quyền tự do ngôn luận bị giới hạn bởi các quy định về quyền của người chưa thành niên, quyền được tôn trọng nhân phẩm, và sự trung thành đối với hiến pháp. Cụ thể như các quyền tự do ngôn luận không thể được sử dụng để cản trở sự phát triển về sau của những người chưa thành niên, để xâm phạm bí mật đời tư hay làm xói mòn những giá trị nền tảng của chính thể.
Hoài Thu

No comments:

Post a Comment