Friday, January 13, 2012

Hiến pháp CHLB Đức Sự ra đời của hiến pháp hậu phát xít

Đại biếu nhân dân...
07:37 | 13/01/2012
Sau khi đầu hàng đồng minh ở thế chiến thứ 2 năm 1945, nước Đức bị chia thành 4 vùng chiếm đóng, mỗi nước đồng minh chiếm cứ một vùng. Năm 1948, Tây Đức trở thành vùng bị chiếm đóng bởi ba bên Anh, Pháp, Mỹ. Ba nước đồng minh đã thống nhất việc thành lập Hội đồng lập hiến và xây dựng Hiến pháp cho Tây Đức, ban hành Các văn kiện Frankfurt chỉ đạo, hướng dẫn quá trình xây dựng Hiến pháp LB Đức gồm cấu trúc, các nội dung lớn.
Tuy nhiên, những người đứng đầu của các tiểu bang phản ứng lại những hướng dẫn đó. Họ cho rằng việc thành lập Hội đồng lập hiến cũng như việc soạn thảo Hiến pháp Đức phải được hoãn lại cho đến khi có đầy đủ điều kiện cho một Chính phủ toàn nước Đức và chủ quyền của nước Đức được khôi phục. Họ đề nghị các hội đồng lập pháp ở ba vùng chiếm đóng nên thành lập một cơ quan đại diện để soạn thảo một “Grundgesetz” (Luật cơ bản) cho việc quản lý thống nhất các vùng Tây Đức. Các chính phủ quân sự nhượng bộ về mặt thuật ngữ và chấp nhận “hội đồng nghị viện” với tư cách là hội đồng lập hiến, và “luật cơ bản” là văn bản mà hội đồng đó sẽ soạn thảo.
Trước khi đi đến cam kết cuối cùng với các nhà lãnh đạo quân sự, những người đứng đầu của các chính quyền tiểu bang ở Tây Đức đã cùng thỏa thuận triệu tập một cuộc họp của các chuyên gia luật hiến pháp với nhiệm vụ là đưa ra những nguyên tắc hướng dẫn cho việc soạn thảo Luật cơ bản. Ủy ban chuyên gia có 46 đại biểu hợp thành một ủy ban chính và 3 phân ủy ban không những đưa ra những nguyên tắc định hướng cho Luật cơ bản, mà còn soạn thảo một hiến pháp hoàn chỉnh, cùng với những báo cáo phân tích chi tiết về các đề xuất của ủy ban và từng điều khoản một.
Đại diện tham gia Hội đồng nghị viện được lựa chọn từ các tiểu bang khác nhau, gồm 65 người được bầu cử và 5 đại biểu không bỏ phiếu từ Tây Berlin. Các đảng phái chính trị chính đều có mặt trong Hội đồng theo thế mạnh của họ ở cơ quan lập pháp tiểu bang. Hội đồng Nghị viện họp ngày 1.9.1948 ở Bonn dưới sự lãnh đạo của Konrad Adenauer, người sau này trở thành Thủ tướng của Cộng hòa Liên bang Đức. Những công việc chính của Hội đồng được triển khai ở ủy ban chính và các ủy ban chuyên gia.
Cuộc thương thảo về Luật cơ bản trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Hiến pháp sau khi được chấp thuận bởi Hội đồng Nghị viện được chuyển cho các lãnh đạo quân sự và họ đã chấp thuận ngày 12.5.1949. Sau đó, trừ hội đồng lập pháp của bang Bavaria cho rằng Hiến pháp (Luật cơ bản) không bảo đảm đầy đủ quyền tự trị của tiểu bang, tất cả các nghị viện tiểu bang đều phê chuẩn Hiến pháp. Sau đó, Hội đồng Nghị viện đã phê chuẩn Hiến pháp, công bố hiến pháp vào ngày 23.5.1949 và Hiến pháp CHLB Đức có hiệu lực vào thời điểm cuối cùng của ngày đó.
Kể từ ngày có hiệu lực đến nay, Hiến pháp của Đức đã trải qua 57 lần sửa đổi, nhưng cấu trúc cơ bản của chính quyền vẫn được giữ lại. Nhiều sửa đổi Hiến pháp liên quan đến các vấn đề kỹ thuật như tư nhân hóa đường sắt, các dịch vụ bưu chính viễn thông. Một số sửa đổi khác liên quan đến việc khôi phục lại chủ quyền toàn vẹn của nước Đức và việc nước Đức trở thành thành viên của Liên minh châu Âu. Năm 1990, sự hợp nhất cộng hòa liên bang Đức và cộng hòa dân chủ Đức được diễn ra dưới hình thức sửa đổi Luật cơ bản chứ không phải xây dựng một Hiến pháp mới với sự phê chuẩn của nhân dân theo thủ tục trưng cầu dân ý.
Lê Anh

No comments:

Post a Comment