Friday, January 13, 2012

Hiến pháp mới thoát ly nền kinh tế tập trung, giới hạn quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền của người


Chức năng, vị trí, vai trò, ý nghĩa, phạm vi, nội dung, cách thức thể hiện và thực hiện của hiến pháp… là những vấn đề liên quan đến nhận thức về hiến pháp. Nhận thức đúng về hiến pháp sẽ giúp chúng ta có Hiến pháp đúng, tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực hiện nghiêm chỉnh Hiến pháp. Tất cả những nhận thức đó được gọi là lý thuyết hiến pháp, còn được gọi là chủ nghĩa Hiến pháp. Thuật ngữ “Chủ nghĩa Hiến pháp” hay “Chủ nghĩa hợp hiến” đều được dịch ra từ tiếng Anh là Constitutionalism. Nội dung ý tưởng của thuật ngữ này có từ thời triết học Hy Lạp cổ đại của Plato và Aristotle, sau đó được phát triển ở Tư tưởng Khế ước xã hội thế kỷ XVII và XVIII của Lokce, Montesquieu, J. Rousseau, J. Mill… với nội dung là những biểu hiện về một chính phủ hữu hạn, mà thẩm quyền tối hậu của Chính phủ luôn luôn phải tuân thủ sự đồng ý của nhân dân.
Học thuyết Chủ nghĩa Hiến pháp có nhiều dấu ấn như Học thuyết nhà nước pháp quyền/ The Rule of law, cho nên không ít ý kiến cho rằng nhà nước pháp quyền tương đương với chủ nghĩa hiến pháp, có người lại quan điểm chủ nghĩa Hiến pháp là 1 phần quan trọng của nhà nước pháp quyền. Cho dù là một phần hay là tương đương đi chăng nữa, một khi chúng ta đã nói đến nhà nước pháp quyền thì, kèm theo đó phải hiểu được chủ nghĩa hiến pháp.
Hiến pháp một văn bản tối cao của nhà nước như là một văn bản ghi nhận những biểu hiện của Chủ nghĩa hiến pháp; giữa chúng có sự khăng khít với nhau, nhưng là những thực thể khác nhau. Một nhà nước có hiến pháp thành văn chưa chắc ở đó đã có chủ nghĩa hiến pháp. Chủ nghĩa hiến pháp/ chủ nghĩa hợp hiến đòi hỏi không những có một bản Hiến pháp theo đúng nghĩa của từ này, mà còn phải thực thi nghiêm túc các quy định và cả tinh thần của hiến pháp. Có thể có quốc gia không có hiến pháp thành văn, nhưng đời sống của họ rất tuân thủ các quy định mà họ được hiểu ngầm là hiến pháp. Ví dụ như trường hợp nhà nước Anh. Nhiều nước có hiến pháp, và hiến pháp của họ được chỉnh lý nhiều lần, nhưng ở đó vẫn không thể hình thành một tinh thần của chủ nghĩa hiến pháp, cũng như tinh thần của một nhà nước pháp quyền. Vì ở đó vẫn còn hiện tượng vi phạm hiến pháp, tức là không có chủ nghĩa hiến pháp, không có tinh thần của một nhà nước pháp quyền.
Hiến pháp của nước Anh là hiến pháp bất thành văn. Bất thành văn nhưng không có nghĩa là không có hiến pháp. Nước Anh vẫn có hiến pháp bao gồm nhiều đạo luật, nhưng những đạo luật này không được thừa nhận là đạo luật cơ bản. Bên cạnh những đạo luật do Quốc hội Anh thông qua và được nhà Vua ban hành còn có các tập tục chính trị khác được hình thành từ xa xưa, mà khi thi hành quyền lực nhà nước, lực lượng cầm quyền buộc phải áp dụng.
Giới hạn quyền lực nhà nước đã trở thành chức năng căn bản của Hiến pháp Anh quốc. Chức năng này được hình thành trong những điều kiện trăn trở giữa các thế lực khác nhau. Thuở ban đầu giữa nhà Vua đang có quyền lực vô hạn định, với tầng lớp quý tộc đang lên. Muốn khẳng định quyền lực nhà nước, tầng lớp quý tộc đòi phải được chia sẻ với nhà Vua; Nhà Vua muốn giữ gìn quyền lực nhà nước buộc phải thỏa hiệp với quý tộc. Thời sau của Cách mạng Dân chủ tư sản, khi nhà Vua chỉ còn lại “quyền hành pháp tượng trưng”, mối quan hệ thỏa hiệp này được chuyển cho đảng cầm quyền và đảng đối lập. Hiến pháp có chức năng quan trọng trong việc thể hiện sự chuyển giao quyền lực giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập, mà thay thế cho những biện pháp chuyển giao quyền lực bằng gươm đao, vũ khí thô sơ của thời trung cổ bằng vũ khí tối tân như bom đạn của thời hiện đại ngày nay.
Kể từ khi có bản manh nha của hiến pháp đến khi có một bản hiến pháp thành văn ở nghĩa hẹp nhất của Mỹ năm 1787 phải mất đến hơn một nửa thiên niên kỷ tiếp theo. Bản hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới cũng được thông qua trong một điều kiện trăn trở không kém, cho dù thời gian có ngắn hơn. Đó là những sự lo lắng cho tồn tại mà không bị quay trở lại thành thuộc địa một lần nữa của 13 bang, tiểu bang đang được tổ chức trong một điều kiện lỏng lẻo của một hợp bang vừa thoát khỏi sự phụ thuộc vào nước Anh mẫu quốc. Việc thành lập ra nhà nước liên bang của Mỹ cũng nằm trong điều kiện phải trăn trở giữa hai thế lực liên bang, muốn có một nhà nước liên bang mạnh mẽ bằng mọi giá để có thể phòng chống sự xâm lược của các cường quốc lúc bấy giờ, với phe chống liên bang muốn bảo vệ quyền của người dân và chủ quyền của các tiểu bang vừa mới giành được từ tay Anh quốc.
Sự giới hạn quyền lực nhà nước của Hợp chủng quốëc Hoa Kỳ được thể hiện 2 điểm nhấn cơ bản: Ghi nhận quyền con người trong 10 tu chính sửa đổi đầu tiên ngay sau khi thông qua và hệ thống phân quyền thành kiềm chế và đối trọng giữa các quyền. Đằng sau khái niệm “kiểm soát và cân bằng” là một quan điểm hiện thực sâu sắc về bản chất con người của Hiến pháp Hợp chủng quốc. Con người sinh ra bản chất có cái ác, trong con người luôn luôn có tính dễ bị tổn thương trước sự đam mê, cố chấp và ích kỷ, nhất là trong trường hợp con người có quyền lực nhà nước, mà không phải tính bản thiện như quan niệm Nho giáo chính thống (Khổng Tử: Nhân chi sơ tính bản thiện; Tuân Tử: Nhân chi sơ tính bản ác) đã ngự trị ở phương Đông, khi tin tưởng rằng con người luôn ở trạng thái hoàn thiện, luôn có lý trí, luôn kỷ luật và luôn luôn công bằng theo mẫu người quân tử hiền tài.
Giới hạn quyền lực nhà nước hay là kiểm soát quyền lực nhà nước như là một tiêu chí đầu tiên và quan trọng của Chủ nghĩa hiến pháp cũng như của lý thuyết nhà nước pháp quyền.
Sang đến thế kỷ XVIII, XIX và XX với sự thay đổi của thời gian, hiến pháp cũng có chức năng thay đổi nhất định, trở thành một văn bản phủ nhận quyền lực nhà nước của những thế lực cầm quyền, khẳng định nền dân chủ - quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quy định hình thức cơ cấu quyền lực của một nhà nước, hiến pháp nhiều khi không còn nguyên nghĩa của một bản văn giới hạn quyền lực, mà lại nghiêng về việc tổ chức quyền lực nhà nước, góp phần tạo nên sự chính đáng của nhà nước. Số lượng các nhà nước có hiến pháp tăng lên không ngừng, từ chỗ chỉ một số ít nước đến có chỗ có hàng trăm nước. Số lượng các quốc gia có hiến pháp gần bằng với số các quốc gia tự nhận hay phải xem mình là một nhà nước dân chủ.
Theo thời gian, chức năng của Hiến pháp có một sự biến đổi nhanh chóng, thường được thông qua trong điều kiện thành công của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong điều kiện khải hoàn ca của chiến thắng - thái lai, mà không phải ở giai đoạn khủng hoảng của bĩ cực, phải tính toán cẩn trọng để có điều kiện cho việc thoát ra khỏi thế khủng hoảng. Việc soạn thảo và thông qua bản hiến pháp của các nhà nước sau này rất vội vàng, mà không có sự trăn trở đẻ đau, thậm chí như là một sự thỏa hiệp giữa các quan điểm và nhận thức khác nhau, như của các hiến pháp trước đây, mà được gọi là Hiến pháp cổ điển. Lực lượng thắng thế khẳng định quyền lực thuộc về mình bằng cách thông qua một bản Hiến pháp mới, được gọi là Hiến pháp của thời kỳ hiện đại.
Cũng nằm trong trào lưu nói trên, Hiến pháp Việt Nam được thông qua sau chiến thắng của công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Và sau này tiếp theo, cùng với những nhận thức về chủ nghĩa xã hội có lúc còn xơ cứng, các bản Hiến pháp của các nhà nước XHCN đã làm cho hệ thống xã hội chủ nghĩa rơi vào tình trạng khủng hoảng, buộc phải nhận thức lại con đường phát triển của mình bằng các công cuộc cải tổ và đổi mới. Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 1980 được thay bằng Hiến pháp năm 1992. Khác với các Hiến pháp trước đây 1959 và 1980 đều được thông qua trong cao trào cảm xúc của sự chiến thắng, còn có yếu tố dễ dãi cho việc tiếp thu không tính toán các kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp năm 1992 có nhiệm vụ cao cả phải tính toán cho việc thay đổi những tư duy bảo thủ, tập trung của chủ nghĩa xã hội đang tạo cho một sự khủng hoảng cả về mặt KT - XH, mà kết quả của bản Hiến pháp này đã tạo ra một xã hội ít nhiều có sự phát triển như ngày nay. Sự thay đổi đó được khẳng định trong nhiều điều khoản hiện hành. Đó là điều khoản thừa nhận trở lại sự hiện hữu của sở hữu tư nhân, như là một trong nhữäng quyền cơ bản của công dân (Điều 58).  Với sự đổi mới công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có nhiều thắng lợi, chế độ chính trị ngày càng trở nên ổn định hơn, và hiện nay để tiếp tục cho công cuộc phát triển tiếp theo vững chắc hơn và bền vững hơn, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI khẳng định tiếp tục sửa đổi và bổ sung Hiến pháp.
Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Hiến pháp lần này là làm sao cho các quy định của Hiến pháp Việt Nam phải tính toán chi li không có sự rơi rớt lại biểu hiện của cơ chế cũ của CNXH, của nền kinh tế tập trung, và cần thể hiện hơn nữa chức năng cơ bản Hiến pháp là giới hạn quyền lực nhà nước để bảo vệ quyền của người dân, chống sự lạm dụng quyền lực nhà nước.
Nguyễn Đăng Dung--ĐBND

No comments:

Post a Comment