Friday, January 13, 2012

Một số trao đổi xung quanh vấn đề có hay không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường


Một số trao đổi xung quanh vấn đề có hay không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường trong bộ máy chính quyền ở địa phương

Việc tổng kết quá trình thực hiện Hiến pháp lần này là dịp để chúng ta thấy cái được, cái chưa được; cái có thể thay đổi và những cái không thể thay đổi trong cơ cấu tổ chức bộ máy của chính quyền ở địa phương. Quan trọng hơn là để thấy được những tồn tại, yếu kém trong quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Và, điều cốt lõi là xác định rõ nguyên nhân: Do thiết chế của bộ máy có vấn đề hay do quá trình tổ chức thực hiện chưa tốt?
Theo quy định của Hiến pháp, chính quyền địa phương gồm có 03 cấp: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gọi chung là cấp tỉnh; Huyện, quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh gọi chung là cấp huyện; xã, phường, thị trấn gọi chung là cấp xã; chính quyền mỗi cấp bao gồm HĐND, UBND và đều là cơ quan hành pháp ở địa phương. Do yêu cầu của quá trình đổi mới và phát triển, việc nghiên cứu và xem xét lại tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và tổ chức HĐND huyện, quận, phường nói riêng là vấn đề khách quan, cần thiết. Đây là vấn đề hệ trọng vì thế được nhân dân hết sức quan tâm trong quá trình đánh giá lại quá trình gần 20 thực hiện hiến pháp năm 1992. Xung quanh vấn đề có hay không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, có nhiều ý kiến khác nhau và có thể chia thành hai nhóm ý kiến chủ yếu: Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng để tinh gọn bộ máy không cần tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong hệ thống chính trị; nhóm ý kiến thứ hai thì lại cho rằng cần phải tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong hệ thống chính trị như mô hình hiện tại. Từ những ý kiến nói trên xin đưa ra một vài thông tin để cùng trao đổi:
Đối với nhóm ý kiến thứ nhất: Để lý giải cho việc không cần có tổ chức HĐND huyện, quận trong hệ thống chính trị, một số ý kiến cho rằng HĐND huyện, quận là cấp trung gian. Tuy nhiên nói như vậy là chưa chính xác. Bởi lẽ, trong 4 cấp hành chính, không chỉ cấp huyện mà cấp tỉnh, thành phố, cũng là cấp trung gian. Nhân đây cũng phải nói thêm: Cứ cho HĐND huyện, quận là cấp trung gian giữa tỉnh và xã, thì UBND, UBMTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội khác của huyện cũng là cấp trung gian giữa tỉnh với xã.
Tương tự cách nói thiếu chính xác như trên, đã có những ý kiến nên bỏ HĐND huyện, quận, phường vì hoạt động hình thức, không thực quyền, kém hiệu quả. Nhưng có ý kiến đặt vấn đề trở lại là dựa vào cơ sở với những thông tin thực tế nào để đánh giá HĐND huyện, quận, phường hoạt động hình thức, không thực quyền và kém hiệu quả thì chưa có câu trả lời. Không những thế, nếu đặt vấn đề thêm: Chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh và HĐND xã hiện nay có những gì khác biệt so với chất lượng hoạt động của HĐND huyện, quận, phường - Thì câu trả lời lại càng khó hơn.
Nói đến không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã có ý kiến cho rằng như vậy bộ máy sẽ giảm bớt cồng kềnh, tốn kém. Cứ cho là HĐND huyện, quận, phường làm tăng gánh nặng biên chế thì điều đó vẫn chưa phải là lý do để bỏ tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Vấn đề quan trọng hơn rất nhiều là: Cho dù HĐND các cấp nói trên làm tăng biên chế hành chính, nhưng nó là yếu tố cấu thành không thể thiếu trong thiết chế của bộ máy chính quyền nhà nước của nhân dân vì nhân dân thì cũng không thể bớt bỏ đi được.
Cũng với cách nhận định một chiều và duy ý chí, trong báo cáo tổng kết của một số địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã ghi: Qua thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường cho thấy: “kinh tế - xã hội phát triển; đời sống của nhân dân được cải thiện; quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững”. Đây là một mệnh đề quen thuộc, rập khuôn mà báo cáo nào cũng ghi chứ không riêng gì ở những nơi thí điểm. Và, hàng chục năm về trước, khi chưa thí điểm bỏ HĐND thì các báo cáo cũng đã ghi như thế. Cách đánh giá như vậy làm cho dư luận buộc phải đặt lại câu hỏi: Khi đang có tổ chức HĐND thì HĐND đã làm gì để cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao có HĐND thì đời sống của nhân dân không được cải thiện? Và, lẽ nào HĐND lại làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng an ninh? Hoạt động của cơ quan dân cử lại có thể làm cho trật tự an toàn xã hội không được giữ vững sao? Những câu hỏi nói trên chắc chắn không ai có thể lý giải được. Thực tiễn không hoàn toàn như vậy và đang cho thấy, những địa phương có tổ chức HĐND hoạt động tốt thì ở đó UBND cũng vững vàng và tốt hơn trong quản lý điều hành; mạnh lên; hiệu lực và hiệu quả hoạt động được khẳng định - đáp ứng tốt hơn ý nguyện chính đáng của nhân dân.
Đối với nhóm ý kiến thứ hai: Đó là những lập luận cho rằng thiết chế của bộ máy chính quyền các cấp hiện nay đang là một thiết chế đồng bộ, thống nhất, bảo đảm cho định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, vì nhân dân.
Đồng tình với quan điểm nói trên, nhiều ý kiến cho rằng, một trong 3 cấp chính quyền ở địa phương không có tổ chức HĐND thì thiết chế của hệ thống bộ máy sẽ bị phá vỡ. Theo đó, pháp luật và hệ thống các văn bản sẽ khó để điều chỉnh một cách thống nhất giữa các cấp; việc quản lý điều hành vì thế cũng sẽ vướng mắc và không thể thông suốt. Xin được nêu một vài ý kiến để cùng trao đổi thêm về vấn đề này:
Trước hết là đối với HĐND phường, nhiều ý kiến cho rằng nếu bỏ HĐND phường thì sẽ rất khó nhận được sự đồng tình của nhân dân. Bởi lẽ, cũng như chính quyền xã, HĐND phường cùng với UBND cùng cấp tạo nên một thiết chế bộ máy chính quyền cơ sở gần gũi với nhân dân, sâu sát và trực tiếp hàng ngày với nhân dân, là chỗ dựa về tinh thần, vật chất và pháp lý cho mọi hoàn cảnh trong xã hội vì thế cùng với UBND, HĐND phường cần phải tiếp tục thực hiện theo mô hình hiện hành là đúng với nguyên lý và phù hợp với thực tiễn.
Về HĐND huyện, quận: Nhiều ý kiến cho rằng, không tổ chức HĐND cấp huyện thì giữa HĐND cấp tỉnh và HĐND cấp xã sẽ là một khoảng trống bất lợi về tính hệ thống. Trong thực tế, mối quan hệ giữa các cơ quan dân cử lâu nay vốn đã rời rạc và thiếu tính hệ thống. Vì thế, nếu bỏ HĐND của một trong 3 cấp chính quyền ở địa phương thì mối quan hệ nói trên sẽ càng rời rạc và thiếu tính hệ thống hơn.
Liên quan đến công việc của HĐND cấp tỉnh và cấp xã, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tổ chức HĐND cấp huyện thì khối lượng công việc của HĐND cấp tỉnh sẽ tăng thêm và đây là một thách thức rất lớn, tỉnh không chỉ quyết định và theo dõi quán xuyến đến cấp huyện mà còn phải thay thế huyện quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của huyện đối với cấp xã và phải quán xuyến đến cấp xã. Đồng thời, khi không còn HĐND cấp huyện, HĐND cấp xã nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với HĐND cấp trên. Vì thế, HĐND cấp xã đã khó khăn, và chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn.
Bàn về tính đồng bộ và thống nhất về mô hình bộ máy chính quyền ở địa phương, nhiều ý kiến băn khoăn về mô hình không tổ chức HĐND huyện, quận và phường. Bởi lẽ, nếu như vậy thì trong cùng một cấp chính quyền mà nơi này thì đầy đủ một thiết chế bộ máy gồm có HĐND và UBND; nơi kia lại chỉ có UBND. Theo đó, ở trong cùng một tỉnh: Các thành phố và thị xã trực thuộc thành phố thì có HĐND còn các huyện trực thuộc thành phố thì không có HĐND. Hoặc, trong cùng một thành phố: Gồm các đơn vị trực thuộc là xã và phường, ở xã thì có HĐND còn các phường không có HĐND. Theo đó, trong cùng một cấp chính quyền, cơ chế quản lý và điều hành cũng phải khác nhau giữa những nơi có HĐND và những nơi không có HĐND. Và, càng rối rắm hơn bởi lẽ các văn bản quy phạm pháp luật do trung ương và địa phương ban hành cũng phải quy định riêng cho từng loại chính quyền. Theo đó, quá trình tổ chức thực hiện rất khó để đảm bảo được sự rành mạch và thông suốt.
Trao đổi một số vấn đề nói trên chúng ta sẽ có cách nhìn khách quan hơn đối với những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy HĐND và UBND mà Hiến pháp đã quy định. Việc tổng kết quá trình thực hiện Hiến pháp lần này sẽ là dịp để chúng ta nhận thấy cái được, cái chưa được; cái có thể thay đổi và những cái không thể thay đổi trong cơ cấu tổ chức bộ máy. Quan trọng hơn là để thấy được những yếu kém trong quản lý điều hành của chính quyền các cấp, xác định rõ nguyên nhân là do thiết chế của bộ máy có vấn đề hay do quá trình tổ chức thực hiện chưa tốt? Đây là vấn đề cốt lõi. Nếu thiết chế bộ máy có vấn đề thì phải nghiên cứu để xây dựng lại một thiết chế mới đáp ứng tốt hơn mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, vì nhân dân. Ngược lại nếu thiết chế đã đúng và không thể có một thiết chế mới nào tốt hơn thì phải xem lại cách thức tổ chức hoạt động của HĐND và UBND các cấp để làm cơ sở cho quá trình tiếp tục củng cố, và hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của chính quyền các cấp, đáp ứng lòng mong mong đợi của nhân dân.
ĐBQH Trần Minh Diệu--ĐBND

No comments:

Post a Comment