Wednesday, January 11, 2012

Quyền tự do giao kết hợp đồng ở Việt Nam - lý luận và thực tiễn

Quyền tự do kinh doanh (TDKD) là quyền cơ bản của công dân, của các chủ thể kinh doanh (CTKD), được hầu hết các nước trên thế giới tôn trọng, bảo vệ. Ở Việt Nam, Điều 57 của Hiến pháp 1992 có ý nghĩa khẳng định quyền TDKD là một quyền hiến định và là quy định nền tảng cơ sở cho các quyền pháp định khác về TDKD được phát triển trong Bộ luật Dân sự (BLDS) các năm 1995, 2005; Luật Doanh nghiệp 1999, 2005; Luật Thương mại (Luật TM) các năm 1998, 2005; Luật Đầu tư 2000, 2005… Song song đó, các văn bản pháp quy khác cũng được ban hành nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể được thực hiện quyền TDKD của mình như các Nghị định 88/2006/NĐ-CP, 108/2006/NĐ-CP, 139/2007/NĐ-CP, 43/2010/NĐ-CP, l02/2010/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể các thủ tục để gia nhập thị trường, quản trị điều hành kinh doanh…
Quyền TDKD là một hệ thống quyền của CTKD được pháp luật quy định bao gồm: (i) quyền tự do lựa chọn thành lập loại hình kinh doanh, (ii) ngành nghề kinh doanh, (iii) địa điểm kinh doanh, (iv) quyền được đảm bảo sở hữu tài sản, (v) quyền tự do hợp đồng, (vi) quyền tự do cạnh tranh theo quy định của pháp luật, (vii) quyền tự định đoạt cơ quan tài phán tranh chấp, (viii) quyền tự do lựa chọn luật giải quyết tranh chấp… Chúng tôi tập trung nghiên cứu phân tích về quyền tự do hợp đồng thông qua các quy định của pháp luật Việt Nam.
Quyền tự do hợp đồng là quyền của các CTKD được thể hiện ở các khía cạnh sau đây: (i) quyền được tự do bình đẳng, tự nguyện giao kết hợp đồng (GKHĐ), (ii) quyền được tự do lựa chọn đối tác GKHĐ, (iii) quyền được tự do thỏa thuận nội dung GKHĐ, (iv) quyền được tự do thỏa thuận thay đổi nội dung hợp đồng trong quá trình thực hiện, (v) quyền được tự do thỏa thuận các điều kiện đảm bảo để thực hiện hợp đồng, (vi) quyền được tự do thỏa thuận cơ quan tài phán và luật giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Hình thức pháp lý chủ yếu của các quan hệ kinh doanh chính là hợp đồng. Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận và thống nhất ý chí giữa các chủ thể nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trên cơ sở tự do, tự nguyện, bình đẳng. Tự do ý chí luôn được xác định là nguyên tắc cốt lõi của hợp đồng. Quyền tự do hợp đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các nhà kinh doanh. Thông qua việc thiết lập và thực hiện các hợp đồng, các CTKD có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh một cách chủ động, sáng tạo và đạt hiệu quả cao. Về mặt lý luận, quyền tự do hợp đồng được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng, là biểu hiện sinh động nhất của quyền TDKD. Việc ghi nhận và bảo đảm quyền tự do hợp đồng bằng pháp luật có tác động lớn tới quyền TDKD của các CTKD1.
Từ khi hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước được xác định chuyển sang cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, để đảm bảo thực hiện các cam kết khi Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế, thực hiện các điều ước quốc tế, thì Nhà nước đã sửa đổi pháp luật về hợp đồng cho phù hợp với các luật chơi chung, nên pháp luật về hợp đồng kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi căn bản cả về đối tượng và phương pháp điều chỉnh. Trên cơ sở đó, quyền tự do hợp đồng, mà quan trọng nhất là tự do hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh, từng bước được ghi nhận và bảo đảm trên thực tế. Có thể khái quát về quyền tự do hợp đồng trong pháp luật hiện hành ở những nội dung dưới đây:
Quyền được tự do, bình đẳng, tự nguyện giao kết hợp đồng
Tự do GKHĐ là nguyên tắc cơ bản của GKHĐ nói chung. Theo đó, dù thiết lập quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực nào (dân sự, thương mại hay lao động), các chủ thể đều được tự do về mặt ý chí, không có chủ thể nào có quyền áp đặt ý chí để bắt buộc hay ngăn cản chủ thể khác GKHĐ. Quyền tự do GKHĐ xuất phát từ bản chất của hợp đồng. Hợp đồng là sự thỏa thuận và thống nhất về mặt ý chí giữa các chủ thể, nhưng không phải tất cả những thỏa thuận giữa các chủ thể đều là hợp đồng. Sự thỏa thuận chỉ có thể trở thành hợp đồng khi ý chí của các chủ thể được thể hiện (trong sự thỏa thuận) phù hợp với “ý chí thực” của họ. Với yêu cầu đó, tự do trong GKHĐ phải được ghi nhận là một nguyên tắc cơ bản2.
Quyền tự do GKHĐ được thể hiện trong pháp luật hợp đồng khá nhất quán. Điều 389 BLDS 2005 quy định việc GKHĐ dân sự được thực hiện theo các nguyên tắc: “1. Tự do GKHĐ nhưng không trái pháp luật, đạo đức xã hội; 2. Tự nguyện bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng”. Điều 11 Luật TM 2005 quy định nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại: “1. Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó. 2. Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào”. Điều 9 Bộ luật Lao động (BLLĐ) 1994, sửa đổi bổ sung (sđbs) các năm 2002, 2006, 2007 quy định: “Quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được xác lập và tiến hành qua thương lượng, thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng  quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, thực hiện đầy đủ những điều đã cam kết”.
Quyền tự do GKHĐ còn được thể hiện ở quy định về phạm vi những chủ thể có quyền GKHĐ. Tùy thuộc vào tính chất của từng loại hợp đồng, phạm vi chủ thể có quyền giao kết có những sự khác nhau nhất định: (i) Theo BLDS, chủ thể của hợp đồng dân sự bao gồm: cá nhân có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình (Điều 14,15,16,17, 84, 106, 111 BLDS 2005); (ii) Theo Luật TM, chủ thể của hợp đồng thương mại là thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh (khoản 1, Điều 6 Luật TM 2005); (iii) Theo BLLĐ, chủ thể của hợp đồng lao động là người sử dụng lao động và người lao động (Điều 26 BLLĐ 1994, Sđbs 2002, 2006, 2007)…
Quyền tự do bình đẳng GKHĐ không được thực hiện trong thực tiễn trong một số lĩnh vực nhất định, điển hình nhất là các hợp đồng cung cấp, các dịch vụ công từ các chủ thể là các công ty nhà nước độc quyền phân phối các dịch vụ như điện, nước, điện thoại, chủ thể giao kết là người dân sử dụng các dịch vụ này thì bị ép ký kết các hợp đồng mẫu đã được soạn sẵn (không được thay đổi) thậm chí gây thiệt hại cho người sử dụng cũng không có điều khoản để bồi thường như việc các công ty cung cấp điện tự động ngắt điện làm hư hỏng các thiết bị điện hoặc hư các sản phẩm đang được sản xuất chưa thành phẩm…
Mặc dù trong các quy định cụ thể về chủ thể của các loại hợp đồng vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý và chặt chẽ, song về cơ bản, pháp luật hiện hành đã ghi nhận một phạm vi rộng rãi các chủ thể tự do GKHĐ. Điều này tạo điệu kiện thuận lợi cho các chủ thể, đặc biệt là các CTKD có khả năng chủ động trong việc thiết lập các giao dịch nhằm phục vụ hoạt động của mình. Với quyền tự do GKHĐ, các CTKD hoàn toàn có thể chủ động quyết định các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, mọi quyền tự do trong xã hội có Nhà nước đều phải đặt trong khuôn khổ pháp luật. Để bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó có lợi ích của bản thân các chủ thể hợp đồng, pháp luật các nước cũng như pháp luật Việt Nam đều có những giới hạn nhất định đối với các chủ thể khi thực hiện quyền tự do GKHĐ. Các quy định hạn chế đối với quyền tự do GKHĐ thể hiện ở chỗ khi thực hiện quyền này, các chủ thể hợp đồng phải đáp ứng các yêu cầu: không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội, người giao kết có năng lực GKHĐ3.
Quyền được tự do lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng 
Quyền tự do lựa chọn đối tác GKHĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các CTKD, bởi lẽ, họ sẽ lựa chọn đối tác nào để giao kết phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: văn hóa ứng xử của đối tác, khả năng, kinh nghiệm kinh doanh của đối tác, uy tín của đối tác, các điều kiện lợi ích kinh tế phát sinh từ sự thương thảo hợp đồng… CTKD chỉ cần căn cứ vào các quy định pháp luật tương ứng với nội dung hợp đồng ký để thỏa thuận, tuân thủ khi ký kết và thực hiện.
Pháp luật dân sự, thương mại và lao động chỉ quy định điều kiện các chủ thể được quyền giao kết các loại hợp đồng: đối với cá nhân phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi (Điều 14, 15 BLDS 2005); đại diện của pháp nhân (Điều 91 BLDS 2005) người đại diện pháp luật của pháp nhân (khoản 4 Điều 141 BLDS 2005), thương nhân (khoản 1, Điều 6 Luật TM 2005), người sử dụng lao động và người lao động (khoản 1, 2 Điều 26 BLLĐ 1994, Sđbs 2002, 2006, 2007). Hệ thống pháp luật hiện hành không quy định cá nhân nào, pháp nhân nào, hay thương nhân nào, người sử dụng lao động hay người lao động nào được quyền GKHĐ với nhau. Đây chính là sự thể hiện tôn trọng quyền được lựa chọn đối tác GKHĐ cho các CTKD.
Trong thực tiễn thì quyền tự do lựa chọn đối tác GKHĐ giữa các bên được thực hiện khá phổ biến, rộng rãi, các bên GKHĐ đều nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt về quyền năng này trong phạm vi có thể, thể hiện rõ nhất là (i) các bên lợi thế trong hợp đồng sẽ có sự lựa chọn đối tác yếu thế hơn để lấn át ý chí khi GKHĐ với mục đích tìm lợi ích cao nhất trong quá trình thực hiện hợp đồng với đối tác đó. Ví dụ như hành vi của thương nhân mua ép giá nông dân, ngư dân đối với hàng nông sản hoặc hải sản khi trúng mùa; (ii) hoặc một thương nhân xuất khẩu hàng may mặc được tự do lựa chọn một đối tác sản xuất, gia công hàng may mặc có uy tín về chất lượng để GKHĐ gia công hàng may mặc xuất khẩu.
Quyền được tự do thỏa thuận nội dung giao kết hợp đồng 
Quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng là quyền hết sức cơ bản của quyền TDKD vì đây là yếu tố cơ bản nhất tác động đến lợi ích của các bên GKHĐ. Các bên hoàn toàn có quyền lựa chọn đối tượng hàng hóa để mua bán hoặc dịch vụ để cung cấp, thỏa thuận giá cả, cách tính giá, phương thức thanh toán; điều kiện giao nhận hàng, vận chuyển, đóng gói bao bì và các nội dung khác trong hợp đồng trên cơ sở đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của hai bên. Để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên khi thực hiện quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng, BLDS, Luật TM, Bộ luật Hàng hải, BLLĐ cũng như các văn bản pháp quy hướng dẫn đều có những quy định về nội dung của hợp đồng theo hướng các chủ thể phải thỏa thuận đầy đủ các điều khoản chủ yếu để đảm bảo hiệu lực của hợp đồng; thỏa thuận về nội dung hợp đồng không thể trái với các nội dung thường lệ được quy định bởi pháp luật.
Quyền tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng của các bên bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm sự thỏa thuận của các bên không xâm hại đến những lợi ích mà pháp luật cần bảo vệ hay trật tự công cộng (các nguyên tắc cơ bản của pháp luật) như việc các bên không thể tự thỏa thuận trước trong hợp đồng việc bồi thường thiệt hại hợp đồng bằng một mức ấn định trước trong hợp đồng vì nguyên tắc bồi thường thiệt hại của pháp luật Việt Nam là chỉ chấp nhận cho việc bồi thường đối với những thiệt hại thực tế từ hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia (Điều 302 và 303 Luật TM 2005.)
Quyền tự do thỏa thuận hợp đồng còn bị giới hạn về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa (Điều 24 Luật TM 2005) được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể, ngoại trừ đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó. Đối với mua bán hàng hoá quốc tế (khoản 2 Điều 27 Luật TM 2005), phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, trong khi đó, Công ước Viên 1980 quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế còn có hình thức đa dạng hơn, chỉ cần có người làm chứng thì hợp đồng cũng được công nhận. Sự giới hạn này hiện nay là một rào cản gây trở ngại cho các CTKD trong nước, hạn chế quyền TDKD khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp hợp đồng trong nước, không thể kiện các đối tác nước ngoài khi họ ký kết hợp đồng theo hình thức có người làm chứng là bên môi giới.
Quyền được tự do thỏa thuận thay đổi nội dung hợp đồng trong quá trình thực hiện
Quyền tự do thỏa thuận để thay đổi, đình chỉ hay hủy bỏ hợp đồng đã giao kết trong quá trình thực hiện hợp đồng là sự khẳng định quyền trọn vẹn của các CTKD trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng. Quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tôn trọng sự quyết định ý chí của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, có thể là quyết định thay đổi một phần hợp đồng, hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng khi ý chí của cả hai bên trong hợp đồng muốn thay đổi, bổ sung hợp đồng đã ký kết.
Quyền tự do trên được pháp luật hiện hành quy định tại Điều 423 BLĐS 2005 về sửa đổi hợp đồng dân sự: “1. Các bên có thể thoả thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Trong trường hợp hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chúng thực, đăng ký hoặc cho phép thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó” và Điều 33 BLLĐ 1994, Sđbs 2002, 2006, 2007: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phái báo cho bên kia biết trước ít nhất ba ngày. Việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động có thể được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc GKHĐ lao động mới...”
Quyền tự do này được các CTKD lựa chọn theo thực tiễn của quá trình thực hiện hợp đồng: bổ sung hợp đồng, thay đổi một phần nội dung hợp đồng, chấm dứt không tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Quyền được tự do thỏa thuận các điều kiện đảm bảo để thực hiện hợp đồng
Điều kiện đảm bảo thực hiện hợp đồng là một trong các nội dung cơ bản để quyết định sự thành công của hợp đồng, đảm bảo các quyền nghĩa vụ của hợp đồng được thực hiện bằng một giao dịch thế chấp tài sản, hoặc giao dịch bảo đảm thanh toán của tổ chức tín dụng, hoặc một bên thứ ba bằng một tài sản là bất động sản hay một nguồn tiền từ một tài khoản ngân hàng; điều kiện đảm bảo thực hiện hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng liên quan mật thiết đối với trách nhiệm tài chính hữu hạn phát sinh trong một hợp đồng.
Pháp luật dân sự đã đảm bảo quyền tự do thỏa thuận các điều kiện đảm bảo để thực hiện hợp đồng bằng các quy định (i) về biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự (từ Điều 318 đến Điều 325 BLDS 2005); (ii) về cầm cố tài sản (từ Điều 326 đến Điều 341 BLDS 2005; (iii) về hợp đồng thế chấp (từ Điều 342 đến Điều 357 BLDS 2005); (iv) về đặt cọc (Điều 358 BLDS 2005);(v) về ký cược (Điều 359 BLDS 2005);(vi) về ký quỹ (Điều 360 BLDS 2005); (vii) về bảo lãnh (từ Điều 361 đến Điều 371 BLDS 2005); (viii) về tín chấp (từ Điều 372 đến Điều 373 BLDS 2005).
Trên thực tiễn hiện nay, tình trạng đăng ký vốn ảo trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã gây nên tâm lý bất an của các đối tác trong nghĩa vụ thanh toán cho các hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có giá trị lớn. Đồng thời, sự bất cập của Luật Nhà ở quy định thời điểm chuyển dịch quyền sở hữu tài sản là nhà ở từ người bán sang người mua là sau khi công chứng xong và BLDS lại quy định thời điểm chuyển dịch quyền sở hữu tài sản là nhà ở từ người bán sang người mua là sau khi đăng bộ xong (căn nhà trên đất đã xác định quyền chủ sở hữu đối với người mua khi công chứng xong, nhưng diện tích đất người mua được xác định là có quyền sử dụng đất ở lại là khi hoàn thành thủ tục đăng bộ xong) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thế chấp tài sản, bảo lãnh để thực hiện việc đảm bảo thực hiện hợp đồng.
Quyền được tự do thỏa thuận cơ quan tài phán và luật giải quyết tranh chấp hợp đồng
Quyền tự do thỏa thuận về cơ quan tài phán được quy định tại Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 2004 quy định về quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, theo đó, CTKD có quyền lựa chọn Tòa án nhân dân có thẩm quyền để tài phán tranh chấp hợp đồng. Điều 5 Luật Trọng tài Thương mại (Luật TTTM) 2010 quy định điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, theo đó, nếu các bên muốn lựa chọn cơ quan tài phán là trọng tài thương mại thì cần thỏa thuận trước trong hợp đồng hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Điều 6 Luật TTTM 2010 quy định Tòa án từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận trọng tài, theo đó, trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được. Theo Điều 25, 29, 31 BLTTDS 2004 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại và hợp đồng lao động, thì nếu các bên không lựa chọn cơ quan tài phán tranh chấp hợp đồng là Tòa án hoặc trọng tài thì thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hợp đồng nêu trên thuộc thẩm quyền của cơ quan Tòa án nhân dân có thẩm quyền cấp huyện hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các quy định trên của pháp luật dân sự và trọng tài đã đảm bảo quyền tự do lựa chọn của các bên về cơ quan tài phán và đảm bảo cơ quan Tòa án nhân dân có thẩm quyền đương nhiên tài phán tranh chấp hợp đồng kinh doanh cho các CTKD nếu các bên không có sự lựa chọn trước đó, hoặc khi xảy ra tranh chấp, các bên không thỏa thuận được việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Về quyền tự do lựa chọn luật giải quyết tranh chấp được quy định tại Điều 769 BLDS 2005. Theo đó, khi lựa chọn cơ quan tài phán là Tòa án (i) nếu không có thoả thuận khác thì áp dụng pháp luật nơi thực hiện hợp đồng; (ii) nếu hợp đồng được giao kết tại Việt Nam; (iii) thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam; (iv) hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam thì áp dụng theo pháp luật Việt Nam. Điều 14 Luật TTTM 2010 quy định: khi lựa chọn cơ quan tài phán là Trọng tài thương mại thì (i) đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài thì áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp; (ii) đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, thì áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; (iii) nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định luật để giải quyết tranh chấp; (iv) trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Theo các quy định trên, chỉ ngoại trừ trường hợp đã được luật quy định thì các bên có quyền lựa chọn luật áp dụng tranh chấp theo sự thỏa thuận và khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại thì cơ hội lựa chọn luật áp dụng nước ngoài giải quyết tranh chấp được rộng hơn, còn lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp thì hạn chế hơn.
Những nội dung phân tích trên cho thấy, quyền tự do hợp đồng được thể hiện khá đa dạng và sự tồn tại của thực tiễn vận hành quyền tự do hợp đồng theo quy định của pháp luật hiện hành đã đặt ra cho chúng ta một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật cho các CTKD. Không phải tất cả các CTKD đều có sự nhận thức đầy đủ các quyền năng của mình trong hệ thống các quyền TDKD để phát huy trong quá trình tổ chức hoạt động, nhất là khi thương lượng, ký kết thực hiện hợp đồng. Do đó, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền pháp luật quy định về quyền TDKD nói chung, quyền tự do trong giao kết thực hiện hợp đồng nói riêng để các CTKD có thể nắm bắt đầy đủ các quyền năng của mình mà pháp luật đã quy định, bảo vệ, cho phép các CTKD thực hiện. Sự nắm bắt của các CTKD có ý nghĩa rất lớn là tạo điều kiện cho các CTKD biết những quy định của pháp luật cần phải tuân thủ trong quá trình kinh doanh. Việc tăng cường hoạt động tuyên truyền quyền TDKD cho các CTKD có ý nghĩa kép, vừa tạo điều kiện cho các CTKD biết các quyền của mình để phát huy tối đa, vừa biết những quy định của pháp luật để tuân thủ.
Thứ hai, tăng cường hiệu quả áp dụng pháp luật của cán bộ công chức nhà nước. Có quan điểm cho rằng, hệ thống pháp luật hiện hành là không đầy đủ, không hiệu quả nhưng quan điểm của chúng tôi lại khác. Chúng tôi cho rằng, hệ thống pháp luật hiện hành là đầy đủ, vấn đề là hoạt động áp dụng pháp luật của cán bộ công chức nhà nước hiện nay chưa hiệu quả, thể hiện khá rõ qua chính sách hậu kiểm việc đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp, nên việc đăng ký vốn ảo ngày càng nghiêm trọng. Tuy hiện nay, Nghị định 120/2010/NĐ-CP đã hóa giải giao quyền cho cơ quan đăng ký kinh doanh được quyền kiểm tra, thu hồi, thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho phù hợp với thực tế việc góp vốn, nhưng rất tiếc, hiệu quả áp dụng pháp luật vẫn không được phát huy; vẫn chưa có cuộc kiểm tra nào về việc góp vốn của các doanh nghiệp. Theo chúng tôi, cần phải tăng cường hoạt động áp dụng pháp luật nói chung, tăng cường việc hậu kiểm nhằm phát huy hiệu quả chính sách hậu kiểm đối với các doanh nghiệp. 
Thứ ba, cần có sự thống nhất với một nguyên tắc pháp luật, hạn chế tối đa sự xung đột. Sự xung đột của quy định về thời điểm xác định quyền sở hữu tài sản là nhà ở giữa Luật Nhà ở với BLDS là một minh chứng cụ thể: Xét tính hiệu lực của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì do cấp độ của hai văn bản luật này bằng nhau; xét tính chuyên ngành thì hai văn bản luật này đều có tính chuyên ngành về nhà ở và sở hữu tài sản; xét tính thời hiệu thì do Luật Nhà ở ban hành sau nên có hiệu lực thực hiện. Theo chúng tôi, khi sửa đổi hoặc ban hành luật mới cần xem xét tính nguyên tắc chung để quy định thống nhất, tránh sự xung đột trái khoáy như hiện nay. 
Thứ tư, cần tiếp thu luật nước ngoài để cải thiện quyền TDKD của các CTKD trong nước với đối tác nước ngoài. Tiếp nhận pháp luật nước ngoài là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Tiếp nhận pháp luật nước ngoài trong quá trình chuyển đổi, hội nhập hiện nay của Việt Nam là cần thiết, nó mang tính thực tiễn và kinh tế. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, việc tiếp thu luật nước ngoài là các điều ước quốc tế rất cần thiết để thích nghi với các luật chơi chung và đảm bảo quyền lợi của các CTKD trong nước. Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) là một minh chứng đã được chúng tôi phân tích nêu trên về hình thức GKHĐ đã gây cản trở không ít cho các CTKD Việt Nam khi ký kết các hợp đồng mua bán quốc tế với các đối tác nước ngoài.
Sở dĩ chúng tôi tiếp cận và kiến nghị cần tiếp thu CISG bởi các lý do sau: CISG được soạn thảo và thực thi dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc - tổ chức quốc tế liên chính phủ lớn nhất hành tinh; cách thức soạn thảo CISG cho thấy những nỗ lực thực sự trong việc tạo ra các quy phạm thực chất thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế; nội dung của Công ước được đánh giá là hiện đại, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế. Tham gia càng sớm Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế sẽ đem lại cho Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam những lợi ích đáng kể, bao gồm cả các lợi ích về pháp lý và lợi ích kinh tế, là nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước đối với tiến trình hội nhập, nhằm thống nhất pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới; đánh dấu một mốc mới trong quá trình tham gia vào các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam, góp phần hoàn thiện pháp luật về mua - bán hàng hóa quốc tế nói riêng và pháp luật về mua bán hàng hóa nói chung của Việt Nam ; giúp cho các CTKD Việt Nam tiết kiệm được chi phí và thời gian trong việc lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng, có được một khung pháp lý hiện đại, công bằng và an toàn để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và có căn cứ hợp lý để giải quyết tranh chấp nếu phát sinh; tránh được những rủi ro, tranh chấp trong kinh doanh quốc tế do xung đột pháp luật.
Thước đo sự tiến bộ và phát triển của một Nhà nước có thể được xem xét đánh giá trong nhiều góc độ khác nhau, sự công nhận, thừa nhận, khuyến khích quyền TDKD của công dân cũng là một trong những chuẩn mực của khung thước đo chung. Sự thể hiện các chuẩn mực của khung thước đo đó chính là sự minh bạch của của hệ thống pháp luật, sự cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và công dân, sự tôn trọng của Nhà nước một cách bình đẳng giữa các CTKD không lệ thuộc vào nguồn gốc thành phần chủ sở hữu… Khung thước đo ngày càng chuẩn mực hơn khi cơ chế vận hành quyền TDKD của các CTKD ngày càng phù hợp với luật chơi chung của khu vực và các tổ chức quốc tế. Để có thể xây dựng được những chuẩn mực cơ bản nêu trên, theo chúng tôi, Nhà nước ta cần có sự thích nghi với các quy phạm của luật nước ngoài, tiếp thu vào hệ thống pháp luật quốc gia trên một nguyên tắc cầu thị, chọn lọc những nội dung phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, cần bảo lưu những nét riêng của Việt Nam phù hợp với bản chất của thể chế chính trị hiện nay, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

(1) TS. Bùi Ngọc Cường, Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành, Nxb Chính trị Quốc gia,H., 2004, tr.109.
(2) Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành - TS.Bùi Ngọc Cường, NXBCTQG, 2004, tr.110.
(3) Bùi Ngọc Cường, Sđd, tr.112.
(4)Về vấn đề này, có thể xem thêm quan điểm của giáo sư Hideki Kanda và Curtis J.Mihaupt, trong “Re-examining Legal Transplants: the Director’s Fiduciary Duty in Japanese Corporate Law “; Trung tâm nghiên cứu Luật và kinh tế, Law School. Đại học Columbia, Mỹ, 2003 (trong Tiếp nhận pháp luật nước ngoài: Lý thuyết và thực tiễn trong pháp luật công ty Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp 2006).
(5) Bản đề xuất gia nhập Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế - TS. Đinh Thị Mỹ Loan; TS. Nguyễn Minh Hằng, Hà Nội, tháng 04/2011, Phần II.
(6) Tlđd.
(7) Tlđd.
ThS. Phan Thông Anh - Giám đốc công ty Luật Hợp danh Việt Nam.

No comments:

Post a Comment