Wednesday, February 22, 2012

Pháp quyền và Hiến pháp


David Williams
Trong một xã hội pháp quyền, nguyên tắc pháp quyền cơ bản là quyền lực của chính quyền phải chịu ràng buộc trong khuôn khổ các nguyên tắc pháp lý bền vững, được bảo vệ bởi một bản hiến pháp khó thay đổi. Để pháp quyền trở thành hiện thực, hệ thống tòa án cần được đào tạo về chuyên môn, trung thành với pháp luật, và đặc biệt phải được đảm bảo tính độc lập cao.
Quyền lực chính quyền phải chịu ràng buộc bởi các nguyên tắc pháp lý bền vững

Ở một số quốc gia, chính quyền hoàn toàn tự do làm bất cứ điều gì mà họ muốn mà không phải chịu bất cứ ràng buộc nào từ bên ngoài. Ở những nơi này, chính quyền nắm quyền lực tối cao. Họ dùng luật để cai trị người dân, nhưng chính họ lại không phải là đối tượng chịu điều chỉnh bởi bất cứ một hệ thống những nguyên tắc pháp lý tối thượng nào đứng trên những mong muốn của họ. Những quốc gia như thế được gọi là những quốc gia pháp trị (rule by law): luật pháp chỉ là công cụ của những người có quyền lực dùng để thống trị người khác. Kinh nghiệm thế giới cho thấy những chính quyền như thế là rất nguy hiểm cho người dân. Những chính quyền này có thể vi phạm quyền của công dân, như tước đoạt đất đai tùy tiện hay nhũng nhiễu hối lộ. Dù có thể họ được bầu lên một cách dân chủ nhưng sau đó họ có thể toan tính cầm quyền mãi mãi và giao những vai trò quan trọng trong chính quyền cho thân bằng quyến thuộc của họ. Sau một cuộc bầu cử, phe thắng cử có thể dùng quyền lực mới giành được để đàn áp đối lập, như bằng cách đặt các đảng chính trị khác ra ngoài vòng pháp luật và bỏ tù lãnh đạo của các đảng đó, hoặc chỉ dành những quyền lợi tài chính cho những người đã ủng hộ họ mà không dành cho ai khác. 

Nếu được cho phép có quyền hạn tối thượng, một chính quyền có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn mà không chịu trách nhiệm trước người dân. Một chính quyền như thế sớm muộn cũng sẽ trở nên một chính quyền áp bức.
Nếu được cho phép có quyền hạn tối thượng, một chính quyền có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn mà không chịu trách nhiệm trước người dân. Một chính quyền như thế sớm muộn cũng sẽ trở nên một chính quyền áp bức. Khi quyền lực không bị kiềm chế và kiểm soát, người đức hạnh cũng có khuynh hướng trở nên bạo ngược.


Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của người dân, không thể để chính quyền có thể tự do làm bất cứ điều gì họ muốn. Thay vào đó, chính quyền phải bị ràng buộc bởi những nguyên tắc pháp lý bền vững. Những nguyên tắc này, bên cạnh những ràng buộc khác, là nhằm bảo vệ quyền cá nhân, định ra những cuộc bầu cử định kỳ, tự do, công bằng, và giới hạn những gì những người thắng cử có thể làm với những người thất cử. Những quốc gia có chính quyền như thế được gọi là những quốc giapháp quyền (rule of law): luật pháp, chứ không phải chính quyền, mới là thực thể có quyền lực cuối cùng. Ngày nay hầu như mọi người đều tin rằng pháp quyền là yếu tố quan trọng cho một chính quyền hợp thức và công minh.

Pháp quyền được bảo vệ hữu hiệu nhất bởi một bản hiến pháp khó thay đổi 


Nhiều quốc gia pháp trị muốn trở thành pháp quyền. Trong quá trình chuyển đổi, họ phải tìm cách thiết lập và bảo vệ các nguyên tắc pháp lý bền vững nhằm hạn chế quyền hạn của chính quyền. Nếu người dân không thực sự coi trọng nguyên tắc pháp quyền, thì nền pháp quyền đó sẽ không phát triển. Vì vậy, để bảo vệ nền pháp quyền, đầu tiên có thể tính đến yếu tố văn hóa: một xã hội coi trọng pháp quyền là điều kiện cần để tạo nền tảng cho một nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, yếu tố văn hóa không đủ, vì chính quyền không phải lúc nào cũng tôn trọng ý chí của nhân dân. Do đó, minh định các nguyên tắc pháp quyền trong một hiến pháp được viết ra và tồn tại lâu dài là cần thiết.

Hiến pháp bảo vệ pháp quyền bằng nhiều cách.

…xét theo một góc độ lý tưởng, việc toàn dân tham gia làm ra hiến pháp giúp họ trực tiếp xây dựng và xác lập các “pháp quyền” cho đất nước. Khi đó, thành quả lập hiến đại chúng sẽ bảo vệ nền pháp quyền hữu hiệu hơn nhiều so với một bản hiến pháp áp đặt bởi các cơ quan quyền lực… hiến pháp được toàn dân thông qua sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của mỗi người dân. Kết quả là người dân sẽ thấy gắn bó và muốn bảo vệ hiến pháp.
•    Thứ nhất, bởi vì hiến pháp được soạn thảo với những điều khoản cụ thể và bất kỳ ai quan tâm cũng có thể nắm bắt ngay nội dung của pháp quyền, cũng như những quy tắc pháp lý nhằm bảo vệ người dân mà pháp quyền đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng. Điều đó cũng có nghĩa là giới hạn quyền lực của các quan chức chính quyền cũng được đề ra cụ thể. Nếu họ không tôn trọng những giới hạn đó, các quan chức khác và công dân sẽ có cơ sở pháp lý, vốn đã được viết ra một cách rõ ràng, để áp dụng nhằm bảo vệ hiến pháp và kiểm soát những quan chức vi phạm.


•    Thứ hai, xét theo một góc độ lý tưởng, việc toàn dân tham gia làm ra hiến pháp giúp họ trực tiếp xây dựng và xác lập các “pháp quyền” cho đất nước. Khi đó, thành quả lập hiến đại chúng sẽ bảo vệ nền pháp quyền hữu hiệu hơn nhiều so với một bản hiến pháp áp đặt bởi các cơ quan quyền lực. Bởi vì, khi quần chúng tham gia thiết lập nền pháp quyền cho chính quốc gia của họ, họ sẽ có cơ hội đề ra những nguyên tắc pháp quyền đáp ứng được nhu cầu và hoàn cảnh cụ thể của họ. Qua đó giúp các cơ quan quyền lực được giới hạn bởi những nguyên tắc pháp quyền phù hợp để vận hành tốt hơn, và sinh hoạt chính trị của đất nước cũng sẽ lành mạnh hơn. Chính trị lành mạnh hơn sẽ tạo ra những điều kiện sống tốt hơn: kinh tế phát triển hơn, trường học và y tế tốt hơn, bảo vệ môi trường hiệu quả hơn, v.v… Nói một cách khác, hiến pháp được toàn dân thông qua sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của mỗi người dân. Kết quả là người dân sẽ thấy gắn bó và muốn bảo vệ hiến pháp: nếu hiến pháp đã được làm ra để bảo vệ người dân, người dân cũng sẽ muốn bảo vệ nó. 

•    Thứ ba, một bản hiến pháp tốt sẽ phân chia quyền lực cho nhiều cơ quan nhà nước khác nhau, do đó sẽ rất khó cho một cá nhân hoặc một cơ quan nhà nước thâu tóm hết tất cả quyền lực. Kết quả là, nếu một cá nhân hoặc cơ quan nhà nước tìm cách vi phạm hiến pháp, những cá nhân hoặc cơ quan nhà nước khác có thể ngăn chặn các vi phạm đó. Ví dụ rõ ràng nhất là một cơ chế bảo vệ hiến pháp, dù đó là một tòa án hoặc một cơ quan bảo hiến nào khác, sẽ xem xét kỹ lưỡng văn bản và hành động của các quan chức để xác định xem họ có hành xử phù hợp với hiến pháp hay không. Tất nhiên, cơ quan bảo hiến không phải là định chế duy nhất có thể bảo vệ pháp quyền. Nếu một quan chức, ở bất kể cương vị nào, hành xử một cách vi hiến, các thành phần khác của hệ thống chính trị có thể có khả năng kiểm soát và ngăn chặn quan chức đó - các thành phần khác ở đây có thể là cơ quan lập pháp, các cơ quan hành chính, chính quyền địa phương, công dân, hoặc thậm chí là thành viên nội các. Như vậy, một bản hiến pháp tốt không chỉ xác định các nguyên tắc pháp quyền, nó còn cần đặt ra một cơ cấu chính quyền để bảo vệ các nguyên tắc pháp quyền đó. 

•    Cuối cùng, một hiến pháp tốt phải là một hiến pháp khó sửa đổi và không cần phải sửa đổi thường xuyên. Tốt nhất là những sửa đổi hiến pháp phải được nhân dân phúc quyết phê chuẩn. Sửa đổi hiến pháp chỉ có thể được thông qua bởi đa số hoặc thậm chí siêu đa số phiếu thuận. Điều quan trọng nhất là chính quyền không được phép tự sửa đổi hiến pháp. Khi bản hiến pháp được bảo vệ bằng cách này, nền pháp quyền sẽ bền vững, vì một hiến pháp tốt chính là hiện thân của pháp quyền. 

Những nguyên tắc pháp lý bền vững cốt lõi

Các quốc gia khác nhau có thể chọn những nguyên tắc pháp lý khác nhau, phù hợp đối với hoàn cảnh của quốc gia đó. Nhưng nền pháp quyền đòi hỏi một số nguyên tắc pháp lý cốt lõi mà mọi quốc gia pháp quyền cần tuân thủ. 

...khi muốn xác định ý nghĩa của “pháp quyền” cho một quốc gia, câu hỏi thực sự cần được đặt ra là “chúng ta đang muốn đặt ra trong hiến pháp những giới hạn pháp lý lâu dài nào đối với chính quyền?” Hiện nay, hầu như cả thế giới đều đồng thuận rằng một chính quyền tốt là một chính quyền dân chủ, tôn trọng các quyền cá nhân, và chỉ hành xử theo các quy chuẩn pháp lý minh bạch.
Có nhiều cách hiểu khác nhau về “pháp quyền”, và cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về một định nghĩa phổ quát cho khái niệm này. Các chính trị gia hoặc các nhà bình luận đôi khi sử dụng cụm từ này một cách mơ hồ mà không xác định ý nghĩa của nó. Các học giả tuy chưa đạt đồng thuận về một định nghĩa nhất quán, nhưng ít ra họ cũng đề xuất những định nghĩa cụ thể hơn. Đến nay, tất cả học giả đều đồng ý rằng, trong một quốc gia pháp quyền, quyền lực nhà nước nhất thiết phải bị giới hạn bởi một số nguyên tắc pháp lý bền vững. Nhưng các nguyên tắc pháp lý này cụ thể là những gì thì họ chưa thống nhất. Một số học giả cho rằng nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi những quy chuẩn pháp lý minh bạch. Một số học giả khác tin rằng pháp quyền đòi hỏi dân chủ và quyền con người.


•    Quy chuẩn pháp lý minh bạch đòi hỏi khi các nhà lập pháp phải soạn ra những điều luật rõ ràng, sao cho người dân dễ dàng nắm bắt các quy định có liên quan đến đời sống của họ, nhằm hoạch định cuộc sống của họ cho phù hợp. Chẳng hạn, luật hình sự không được mập mờ khi quy định những hành vi nào là bất hợp pháp, để người dân biết và tránh các hành vi đó. Luật hợp đồng cần rõ ràng về những biện pháp thi hành, dù đối với giao kèo mua đất hay thỏa thuận thành lập hiệp hội kinh doanh, để người dân có thể quyết định một cách sáng suốt trước khi đặt bút ký và chấp nhận những nghĩa vụ pháp lý đi kèm. Tương tự, trong tất cả các lĩnh vực khác của pháp luật, người dân cần có điều kiện hợp lý để nắm bắt luật pháp. Nếu không, nhà nước luôn có thể tùy tiện can thiệp và xâm phạm vào cuộc sống của công dân mà họ không lường trước được – điều này cũng đồng nghĩa với việc để cho chính quyền hành xử độc đoán. Để đảm bảo rằng mọi công dân hiểu biết luật và điều chỉnh cuộc sống của họ cho phù hợp, quy chuẩn pháp lý minh bạch đòi hỏi luật pháp phải được phổ biến công khai (không bí mật), không hồi tố (không áp dụng đối với các hành vi trước khi luật được thông qua), rõ ràng (để ai cũng có thể hiểu cụ thể các quy định pháp luật), và phổ quát (áp dụng cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, yếu mạnh, quan chức hay dân thường v.v...).

•    Dân chủ về cơ bản là một chế độ chính trị trong đó người dân tự cai trị. Chế độ dân chủ đại diện là phổ biến nhất: người dân tham gia vào những cuộc bầu cử có tính tự do, công bằng, và thật sự có tính đại diện cao cho những quyền lợi và nhu cầu thực tiễn phong phú, đa dạng của người dân, từ đó bầu ra những dân biểu thực sự có năng lực để thay mặt họ quản lý nhà nước. Nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi chế độ dân chủ để pháp quyền được thực thi, nhưng nó không chỉ định một hình thức dân chủ cụ thể nào, miễn là người dân thực sự kiểm soát chính quyền chứ không phải là chính quyền cai trị họ. Vì có nhiều chế độ dân chủ khác nhau, mỗi quốc gia có thể lựa chọn chế độ mà họ cho là phù hợp. Một số nước theo tổng thống chế, một số khác theo chế độ nghị viện. Một số nước chọn chế độ lập pháp lưỡng viện, trong khi đó một số khác lại chọn lập pháp đơn viện. Một số nước chọn nguyên tắc đại diện theo tỷ lệ, một số khác theo hệ thống đa số đại diện. Và còn nhiều ví dụ khác. 

•    Quyền cá nhân thuộc phạm vi tự chủ, là quyền đòi hỏi có được những điều kiện cần thiết cho những lĩnh vực đời sống quan trọng nhất của cá nhân, trước hết là với tư cách công dân, như quyền bầu cử, hay với tư cách cá nhân riêng tư, như quyền thành hôn. Chính  quyền không thể xâm phạm các quyền này, trừ những trường hợp đặc biệt cần thiết, như khi an ninh quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng, hay trong nỗ lực ngăn chặn một âm mưu khủng bố nơi công cộng. Tuy nhiên, chính quyền không thể hạn chế quyền của các cá nhân chỉ đơn giản với lý do chung chung, ví dụ như “trật tự công cộng”. Hầu hết những người cổ vũ pháp quyền đều tin rằng mọi quốc gia phải tôn trọng một số quyền căn bản, vốn thường được gọi là “nhân quyền” trong luật quốc tế. Bên cạnh những quyền căn bản đó, quốc gia có thể lựa chọn bảo vệ những quyền cá nhân khác, tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể của từng nước. Ví dụ, hiến pháp Hoa Kỳ công nhận quyền sở hữu súng tư nhân, nhưng không bảo vệ quyền hưởng y tế công cộng; ngược lại, hiến pháp của Đức lại bảo vệ quyền hưởng y tế công cộng mà không cho phép cá nhân sở hữu súng. 

Như vậy, rõ ràng định nghĩa khái niệm “pháp quyền” chỉ là một quy ước, có thể mang bất kỳ ý nghĩa gì mà một xã hội quyết định. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, để bảo vệ quyền lợi của người dân, một nền pháp quyền đòi hỏi chính quyền phải bị giới hạn bằng những nguyên tắc pháp lý bền vững. Vì vậy, khi muốn xác định ý nghĩa của “pháp quyền” cho một quốc gia, câu hỏi thực sự cần được đặt ra là “chúng ta đang muốn đặt ra trong hiến pháp những giới hạn pháp lý lâu dài nào đối với chính quyền?” Hiện nay, hầu như cả thế giới đều đồng thuận rằng một chính quyền tốt là một chính quyền dân chủ, tôn trọng các quyền cá nhân, và chỉ hành xử theo các quy chuẩn pháp lý minh bạch.

Để pháp quyền trở thành hiện thực, hệ thống tòa án cần đảm bảo tính độc lập, được đào tạo chuyên môn, và trung thành với pháp luật

Pháp quyền là các nguyên tắc pháp lý được soạn thảo trong hiến pháp nhằm giới hạn quyền lực của chính quyền. Chính quyền không thể coi nhẹ các nguyên tắc này, vì quyền lực chính quyền bị giới hạn bằng pháp luật là đòi hỏi tiên quyết của pháp quyền. Tuy vậy, chỉ đề ra các nguyên tắc pháp quyền là chưa đủ, còn cần có cơ quan áp dụng và giám sát việc thi hành các nguyên tắc này.  

Để làm tốt vai trò của mình, tòa án không cần nhiều tiền hoặc cảnh sát hỗ trợ. Yếu tố đầu tiên tòa án cần là sự độc lập với các cơ quan khác trong chính quyền, để tòa án có thể đảm bảo tất cả các bộ phận của chính quyền tuân thủ pháp quyền mà không có sự thiên vị hoặc nể nang, kiêng dè.
Toà án, hoặc các định chế tương tự, không có nhiều quyền lực để thực thi quyết định họ thông qua – như ngạn ngữ thường nói, tòa án “không có tiền mà cũng chẳng có vũ khí.” Chiếu theo các tiêu chuẩn đánh giá quyền lực thông thường, tòa án là một trong những định chế nhà nước yếu nhất. Nếu một bộ phận chính quyền cố ý vi phạm pháp luật, chỉ có nhân dân (qua cơ chế chính trị dân chủ - bầu cử) hoặc các bộ phận khác của chính quyền (qua kiểm soát và cân bằng quyền lực) mới có sức mạnh ngăn chặn các vi phạm đó. Dù vậy, tòa án, hoặc các định chế bảo hiến, giữ một vai trò khác nhưng không kém phần quan trọng: họ có thể giải thích luật, giúp nhân dân và các cơ quan khác của chính quyền biết một người hoặc một cơ quan chính quyền đang tìm cách vi phạm pháp luật. Với căn cứ chính tắc là kết luận của toà án, nhân dân và các cơ quan công quyền có quyền lực mạnh hơn tòa án, sẽ hợp lực để bảo đảm pháp quyền được thực thi.


Để làm tốt vai trò của mình, tòa án không cần nhiều tiền hoặc cảnh sát hỗ trợ. Yếu tố đầu tiên tòa án cần là sự độc lập với các cơ quan khác trong chính quyền, để tòa án có thể đảm bảo tất cả các bộ phận của chính quyền tuân thủ pháp quyền mà không có sự thiên vị hoặc nể nang, kiêng dè. Trong công việc của mình, các thẩm phán đôi khi sẽ cần phải đưa ra những quyết định gây tranh cãi, có thể làm một số quan chức chính quyền khó chịu, và đôi khi có thể làm đa số người dân phật ý. Để có thể thực hiện bổn phận, các thẩm phán cần phải được bảo vệ để tránh bị trả thù: an ninh thân thể của họ phải được bảo vệ, và nhiệm kỳ của họ phải được bảo đảm, cùng với mức lương cố định. 

Ngoài ra, bản thân các thẩm phán không được coi họ là chính trị gia. Vai trò chính trị gia đòi hỏi nhà chính trị phải trung thành với cử tri hoặc với các chính trị gia khác. Trong khi đó, các thẩm phán phải tâm niệm bản thân mình làm việc theo chuyên môn và trung thành với pháp luật. Để làm được điều đó, các thẩm phán phải là những người được đào tạo chuyên sâu về luật. Các thẩm phán cũng cần phải trung dung: họ không được dính líu hay phụ thuộc vào các cơ quan quyền lực khác của chính quyền, các tổ chức chính trị, hoặc các nhóm lợi ích kinh tế. Với tư cách công dân, họ có quyền đi bầu cử. Thậm chí, họ có thể là một thành viên của một tổ chức chính trị, nhưng không được tham gia vào các hoạt động đảng chính trị, hay nắm giữ chức vụ trong các đảng chính trị, nếu những điều này ảnh hưởng tới tính trung dung mà vai trò của một người thẩm phán đòi hỏi.
Nguyễn Thị Hường và đồng nghiệp dịch

---
* Giám đốc Trung tâm Hiến pháp Dân Chủ , Đại học Indiana, Hoa Kỳ

TRAO ĐỔI VỀ BÀI VIẾT: “TỘI GIẾT NGƯỜI KHÔNG CÓ NGƯỜI CHẾT?”

lấy từ blog http://tuanhsl.blogspot.com
Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng khiến người dân bất an (Ảnh: Tia sáng)
Tác giả: Nguyễn Minh Tuấn
(Bài viết đã gửi Tia sáng ngày 21/2/2012)

Tạp chí Tia sáng ngày 20/2/2012 có đăng bài viết Tội "giết người" không có người chết? của tác giả TS. Nguyễn Sỹ Phương. Bài viết có rất nhiều thông tin thú vị, đề cập đến những vấn đề rất bức xúc hiện nay. Tuy nhiên, sau khi đọc bài viết, tôi thấy có một vài vấn đề còn chưa rõ, rất mong được trao đổi, học hỏi thêm về mặt khoa học cùng với tác giả và bạn đọc dưới đây:

- Cần phân biệt “tội giết người đã hoàn thành” và “tội giết người chưa đạt”

TS. Nguyễn Sĩ Phương cho rằng: "Không luật pháp quốc gia tiên tiến nào cáo buộc phi thực tế, khép tội giết người lại không có người chết như vậy cả. Trong trường hợp này, pháp luật ở ta đã không hội nhập cộng đồng thế giới. Ở họ dấu hiệu đầu tiên cấu thành tội danh giết người phải có bằng chứng là nạn nhân đã chết. [….]Trong khi đó ở Việt Nam, nhiều tài liệu kể cả từ điển mở tiếng Việt, lại định nghĩa: “Hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người”, “Có khả năng gây ra”, chứ không phải đã gây ra, mang thì tương lai, tức hành vi phạm tội chưa hoàn thành, nhưng vẫn bị khép tội, hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên lý, chỉ được phép khép tội khi hành vi tội phạm đã hoàn thành.”

Tôi cho rằng luận điểm này của tác giả đưa ra về pháp luật Việt Nam là chưa thực sự thuyết phục. Theo Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam 2009, đối với tội giết người (Điều 93 và các Điều liên quan khác), hậu quả chết người vẫn là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm hoàn thành.
Vấn đề đặt ra là có những trường hợp trên thực tế chủ thể thực hiện hành vi cố ý giết người, mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của chủ thể đó. Xin nêu một ví dụ, năm 2009 có trường hợp một người phụ nữ tên là D. đã thực hiện một hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, do ghen tuông mà D. đã dùng chiếc kim khâu bao tải dài đến 8cm đâm vào đầu một cháu bé mới 40 ngày tuổi để trả thù tình địch, nhưng rất may là cháu bé đã thoát chết. Vấn đề ở đây là hung thủ chưa giết người thành công (theo cách nói của tác giả chưa có “người chết”) là do nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn của D.[1]Vậy trường hợp này sẽ xử lý như thế nào?
Dị vật nằm trong đầu cháu bé (Ảnh: VTC News)

Dị vật nằm trong đầu cháu bé (Ảnh: VTC News)
Do yêu cu phi xử lý đồng bộ các hành vi nguy him cho xã hi[2], trong trường hợp này nhà làm luật Việt Nam đã dự liệu rằng nếu hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan, nằm ngoài ý muốn của người phạm tội thì hành vi phạm tội vẫn có thể bị coi là giết người chưa đạt (khi có lỗi cố ý trực tiếp) theo Điều 18 BLHS 2009 hoặc là cố ý gây thương tích (khi có lỗi cố ý gián tiếp) theo Điều 104 BLHS 2009.
Trở lại trường hợp đã nêu ở trên, muốn xác định D có phạm tội giết người chưa đạt không, cần phải chứng minh ý chí của người phạm tội có mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng hậu quả đã không xảy ra do các nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội không. Nếu xác định được đúng như vậy, D. vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt.[3] Do hậu quả chưa xảy ra (cháu bé vẫn còn sống), nên thực hiện chính sách nhân đạo của nhà nước, D sẽ được xử lý nhẹ hơn tội giết người đã hoàn thành. Hay nói cách khác, không có hậu quả “người chết” nhưng theo pháp luật Việt Nam đây vẫn là “tội giết người chưa đạt”.

-  Luật pháp của Đức có qui định về phạm tội chưa đạt (Versuchsstadium, Strafbarkeit nach § 22, 23 StGB) và vấn đề phòng vệ chính đáng trong trường hợp khẩn cấp (§ 32 Notwehr)

Thứ nhất, ở Đức cũng có qui định về phạm tội chưa đạt (Tiếng Đức: Der Versuch) tại các Điều 22, 23 Bộ luật hình sự[4] , theo đó tại Điều 23 Khoản 2, tội phạm chưa đạt có thể được xử phạt nhẹ hơn tội phạm đã hoàn thành.[5] Mức độ miễn giảm cụ thể ra sao được qui định tại Điều 49 Khoản 1 Bộ luật hình sự. Như vậy, Bộ luật hình sự của Đức bên cạnh việc qui định tội phạm hoàn thành, cũng đã dự liệu cho cả những trường hợp phạm tội chưa đạt (Versuchsstadium, Strafbarkeit nach § 22, 23 StGB). Hay nói cách khác, những trường hợp cố ý giết người nhưng chưa đạt vì lý do khách quan (Tiếng Đức: Mordversuch) vẫn bị xử lý theo qui định của pháp luật Đức. (Xem thêm: Peter Kasiske, Strafrecht I: Grundlagen und Allgemeiner Teil, Stuttgart, 2011, Rn. 238 f.)
Thứ hai, phòng vệ chính đáng thì không bị coi là tội phạm. Tác giả cho rằng: “[…] hành động chống cự đó chỉ được coi phạm tội ở dạng tự vệ khẩn cấp, như Đức quy định tại điều 32 Bộ Luật Hình sự của họ”. Thông tin này theo tôi là không chính xác. Điều 32 Khoản 1 Bộ luật hình sự Đức không coi phòng vệ chính đáng trong trường hợp khẩn cấp (hay theo tác giả dịch là tự vệ khẩn cấp - Notwehr) là hành vi phạm tội. Điều khoản này qui định: Bất cứ ai thực hiện hành vi tự vệ chính đáng trong trường hợp khẩn cấp thì hành vi đó không bị coi là trái luật.[6] (Xem thêm: Peter Kasiske, Strafrecht I: Grundlagen und Allgemeiner Teil, Stuttgart, 2011, Rn. 96 f.) 

Thứ baTác giả đã nêu: “Như ở Đức tội danh này được quy định tại điều 215 Giết người, điều 216 Bức tử, điều 212 Làm chết người không chủ đích, điều 222 Ngộ sát, và điều 32 Làm chết người do tự vệ khẩn cấp.” Sau khi tra cứu lại thì tôi thấy có sự không thống nhất giữa trích dẫn của tác giả và những Điều luật hiện hành của Bộ luật hình sự Đức[7] và có kết quả khác như sau:

Trích dẫn của tác giả
Điều luật tra cứu trong Bộ luật hình sự của Đức
(có chú thích tham khảo dịch nghĩa theo cách hiểu của tôi)
Điều 215 Giết người
Điều 215 đã bị hủy bỏ (weggefallen)
Điều 211 - Mord - Tội giết người trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, mức xử phạt: tù chung thân, mức cao nhất trong BLHS của Đức (Tiếng Đức: Mord/ Tiếng Anh: Murder under specific aggravating circumstances).[8]
Điều 216 Bức tử
Điều 216 - Tötung auf Verlangen - Tội giúp người khác tự sát, mức xử phạt: phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm (Tiếng Đức: Tötung auf Verlangen/ Tiếng Anh: voluntary euthasasia, assisted suicide).[9]
Điều 212 Làm chết người không chủ đích
Điều 212 - Totschlag - Tội giết người (không thuộc trường hợp giết người trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của Điều 211), mức xử phạt: không dưới 5 năm tù (Tiếng Đức: Totschlag/ Tiếng Anh: Murder).[10]
Điều 222 Ngộ sát
Điều 222 - Fahrlässige Tötung - Tội vô ý giết người, mức xử phạt: bị phạt tù đến 5 năm hoặc bị phạt tiền (Tiếng Đức: Fahrlässige Tötung / Tiếng Anh: negligent homicide).[11]
Điều 32 Làm chết người do tự vệ khẩn cấp
Điều 32 - Notwehr - Phòng vệ chính đáng (Tiếng Đức: Notwehr/ Tiếng Anh: self-defence).[12]

Như vậy qua phân tích đã trình bày ở trên có thể thấy, luật pháp Việt Nam và luật pháp CHLB Đức đều phân biệt rõ hành vi phạm tội chưa đạt (Versuchsstadium, Strafbarkeit nach §§ 22, 23 StGB) phạm tội đã hoàn thành (Vollendung, Alle Merkmale sind verwirklicht). Mục đích của qui định này làkhông làm oan người vô tội và không để lọt tội phạm, đồng thời phi xử lý đồng bộ các hành vi nguy him cho xã hi. (Xem thêm: Peter Kasiske, Strafrecht I: Grundlagen und Allgemeiner Teil, Stuttgart, 2011, Rn. 250). 

-               Quan điểm về trường hợp của Đoàn Văn Vươn

Liên quan đến vụ gia đình anh Vươn, tôi đồng tình với quan điểm của tác giả khi cho rằng không nên cáo buộc tội giết người trong khi vụ việc đang được tiến hành điều tra.
Đi vào cụ thể, tôi cho rằng cần làm rõ anh Vươn “có ý định giết người” hay không hay hành vi của anh chỉ là “phòng vệ chính đáng” theo Điều 15 khoản 1 BLHS 2009.
Thực tế, muốn xác định chính xác cần phải nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách đầy đủ, toàn diện, tỉ mỉ, trong đó cần chú trọng đánh giá các nội dung, diễn biến của các yếu tố khác nhau như:
Ảnh: Tuần Việt Nam
- Địa điểm nơi anh Vươn thực hiện hành vi (Khi xem xét hành vi của anh Vươn cũng cần hết sức lưu ý rằng địa điểm thực hiện hành vi là chỗ ở riêng của họ, không nằm trong diện tích đất bị cưỡng chế)
- Hoàn cảnh cụ thể (Cần xem xét rằng hành vi của anh Vươn thực chất là chống trả lại người đang có hành vi trái pháp luật trực tiếp xâm phạm lợi ích chính đáng của mình, xâm hại chỗ ở hợp pháp của mình).
- Mối quan hệ giữa nạn nhân và anh Vươn như thế nào, nhất là mâu thuẫn giữa đôi bên sâu sắc ở mức nào (Cần lưu ý là gia đình Đoàn Văn Vươn đã tiến hành các thủ tục theo đúng qui định pháp luật, gia đình anh đã khởi kiện lên Tòa án huyện, khởi kiện tiếp lên Tòa án tỉnh thì không được giải quyết…)
- Tác dụng, tính năng của loại phương tiện mà anh Vươn sử dụng, cách thức tiến hành trên thực tế (Súng hoa cải mức độ sát thương ra sao, với loại súng tự tạo, có đủ gây chết người không);
- Hành vi tấn công, cường độ tấn công của hành vi có mức độ mãnh liệt ra sao;
- Vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân (Xem xét vị trí tấn công đó có chứa đựng khả năng chết người hay không);
- Động cơ nào đã thúc đẩy anh Vươn thực hiện hành vi đó (Cần xem xét động cơ thực hiện hành vi của anh Vươn là để bảo vệ tài sản, tính mạng, bảo vệ gia đình);
- Thái độ của anh Vươn biểu hiện trước và sau khi sự việc đã xảy ra như thế nào v.v… Trên thực tế, tôi cho rằng chính việc giao đất, thu hồi đất và việc cưỡng chế sai trái là nguồn gốc dẫn đến hành vi chống trả của anh em Đoàn Văn Vươn. Đến nay khi mà hành vi thu hồi đất, cưỡng chế của chính quyền đã được kết luận là bất hợp pháp (dù là từ phía Thủ tướng chính phủ, không phải Tòa án), thì có nên đặt ra vấn đề xem xét hành vi của anh Vươn theo hướng là một hành vi phòng vệ chính đáng theo Điều 15 Khoản 1 BLHS 2009 hay không? Tất nhiên để chứng minh được điều này là không dễ, nhưng đó vẫn là hướng có lợi nhất cho anh Vươn và gia đình lúc này.
Vụ việc Tiên Lãng xét rộng ra thực chất không chỉ là việc của gia đình anh Vươn mà còn liên quan đến số phận của hàng triệu người nông dân có đất và đang trong nguy cơ mất đất khác trên cả nước. Người dân rất nóng lòng chờ đợi và hy vọng với cách xử lý vấn đề hợp tình hợp lý, chính quyền sẽ tạo được niềm tin với nhân dân, đem lại nhiều điều tốt đẹp không chỉ với gia đình anh Vươn, mà còn với tất cả những người nông dân cả nước. 


[1] Xem cụ thể bài viết: Cháu bé 40 ngày tuổi bị kim khâu lốp đóng ngập đầu, đăng ngày 11/11/2009, tại đây: http://www.vtc.vn/2-231279/xa-hoi/chau-be-40-ngay-tuoi-bi-kim-khau-lop-dong-ngap-dau.htm.
[2] Xem thêm: Trịnh Tiến Việt, Về tội phạm chưa đạt và một số hình thức phạm tội khác trong quá trình thực hiện tội phạm, Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà nội, Luật học 25 (2009), tr. 125–133.
[3] Xem thêm ý kiến bình luận của Luật sư Phạm Hồng Hải trong bài viết Vụ đâm kim xuyên não: Giết người vì động cơ đê hèn, đăng ngày 16/11/2009, truy cập tại địa chỉ:http://www.baomoi.com/Home/HinhSu/vtc.vn/Luat-su-Pham-Hong-Hai-Chac-chan-la-toi-giet-nguoi/3505030.epi
[4] Bộ luật hình sự của Đức (Strafgesetzbuch - StGB) được thông qua lần đầu ngày 15/5/1871, có hiệu lực 1/1/1872, sửa đổi, bổ sung gần nhất ngày 6/12/2011, hiệu lực lần sửa đổi gần nhất từ ngày 14/12/2011.
[5] Nguyên văn Tiếng Đức: „§ 23 Strafbarkeit des Versuchs (2) Der Versuch kann milder bestraft werden als die vollendete Tat.“/ Dịch tham khảo Tiếng Anh: “Section 23 (2) An attempt may be punished more leniently than the completed offence”. Theo Điều 22 BLHS Đức hành vi phạm tội chưa đạt phải thỏa mãn hai điều kiện người thực hiện hành vi có lỗi cố ý trực tiếp (ein unmittelbares Ansetzen zur Verwirklichung des Tatbestands) và hậu quả không xảy ra là do nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người thực hiện hành vi đó (einen vorbehaltlosen Entschluss zur Verwirklichung des Tatbestandes).
[6] Nguyên văn Tiếng Đức: „§ 32 (1) Wer eine Tat begeht, die durch Notwehr geboten ist, handelt nicht rechtswidrig.“/ Dịch tham khảo Tiếng Anh: “Section 32 (1) A person who commits an act in self-defence does not act unlawfully”.
[7] Truy cập trang web chính thức của Bộ Tư pháp liên bang Đức (Bundesministerium der Justiz), ngày 21/2/2012, truy cập tại địa chỉ  http://www.gesetze-im-internet.de/stgb/index.html hoặc Cổng thông tin pháp luật Đức (Dejure) tại địa chỉ: http://dejure.org/gesetze/StGB (Tình trạng cập nhật văn bản luật (Gesetzesstand): 14/2/2012).
[8] Nguyên bản Tiếng Đức: „§ 211 Mord (1) Der Mörder wird mit lebenslanger Freiheitsstrafe bestraft. (2) Mörder ist, wer aus Mordlust, zur Befriedigung des Geschlechtstriebs, aus Habgier oder sonst aus niedrigen Beweggründen, heimtückisch oder grausam oder mit gemeingefährlichen Mitteln oder um eine andere Straftat zu ermöglichen oder zu verdecken, einen Menschen tötet.“ Dịch tham khảo Tiếng Anh: “Section 211 - Murder under specific aggravating circumstances (1) Whosoever commits murder under the conditions of this provision shall be liable to imprisonment for life. (2) A murderer under this provision is any person who kills a person for pleasure, for sexual gratification, out of greed or otherwise base motives, by stealth or cruelly or by means that pose a danger to the public or in order to facilitate or to cover up another offence.
[9] Nguyên bản Tiếng Đức: „§ 216 Tötung auf Verlangen (1) Ist jemand durch das ausdrückliche und ernstliche Verlangen des Getöteten zur Tötung bestimmt worden, so ist auf Freiheitsstrafe von sechs Monaten bis zu fünf Jahren zu erkennen. (2) Der Versuch ist strafbar”./ Dịch tham khảo Tiếng Anh:“Section 216 - voluntary euthasasia, assisted suicide (1) If a person is induced to kill by the express and earnest request of the victim the penalty shall be imprisonment from six months to five years. (2) The attempt shall be punishable”.
[10] Nguyên bản Tiếng Đức: “§ 212 Totschlag (1) Wer einen Menschen tötet, ohne Mörder zu sein, wird als Totschläger mit Freiheitsstrafe nicht unter fünf Jahren bestraft. (2) In besonders schweren Fällen ist auf lebenslange Freiheitsstrafe zu erkennen.“/  Dịch tham khảo Tiếng Anh: “Section 212 Murder (1) Whosoever kills a person without being a murderer under section 211 shall be convicted of murder and be liable to imprisonment of not less than five years. (2) In especially serious cases the penalty shall be imprisonment for life”.
[11] Nguyên bản Tiếng Đức: „§ 222 Fahrlässige Tötung - Wer durch Fahrlässigkeit den Tod eines Menschen verursacht, wird mit Freiheitsstrafe bis zu fünf Jahren oder mit Geldstrafe bestraft.“ Dịch tham khảo Tiếng Anh: “Section 222 Negligent homicide - Whosoever through negligence causes the death of a person shall be liable to imprisonment of not more than five years or a fine.
[12] Nguyên bản Tiếng Đức: „§ 32 (1) Wer eine Tat begeht, die durch Notwehr geboten ist, handelt nicht rechtswidrig.“/ Dịch tham khảo Tiếng Anh: “Section 32 (1) A person who commits an act in self-defence does not act unlawfully”.

Saturday, February 18, 2012

DÂN CHỦ VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TỪ GÓC ĐỘ CỦA KHỔNG TỬ


Ngô Thu Trang, 18-2-2012
Theo một vài nguồn tác giả thì thuật ngữ dân chủ có nguồn gốc đầu tiên từ Hy Lạp vào khoảng thế kỷ thứ 5 đến thứ 4 trước công nguyên với tên gọi là quyền lực nhân dân[1].
Nhưng theo tôi dấu hiệu của thuật ngữ dân chủ đã xuất hiện từ thời Nho giáo vào khoảng thế kỷ thứ 5 đến thứ 3 trước công nguyên. Và Nho giáo được  biết đến do công khai phát của Khổng Tử.
Thứ nhất, dân chủ hay được hiểu là dân làm chủ, người dân được tham gia công việc nhà nước, công việc chính trị. Theo như thuật ngữ ‘‘quân tử’’ của Khổng Tử thì có thể nhận định rằng dân chủ là điều tất yếu trong xã hội.
Sở dĩ như vậy vì theo như quan điểm ‘‘chính danh’’ của Khổng Tử thì quân tử không phải dùng để chỉ con vua hay người người giúp việc cho vua, mà quân tử dùng để chỉ những người có tài, có đức không phân biệt là quí tộc hay người bình dân.
Và trong thời Trung Hoa cổ đại thì xu hướng ‘‘nhân đạo chính vi đại’’ là chủ đạo, tức là mọi học thuyết triết học đều có xu hướng giải quyết các vấn đề chính trị[2]. Có nghĩa là vấn đề chính trị hay nói rõ hơn là nhu cầu cai trị đất nước luôn là mối quan tâm thường trực của các nhà triết học Trung Quốc cổ đại. Do đó người quân tử không phải ngoại lệ, họ có tài đức và đáng phải tham gia vào công việc quốc gia.
Do đó, chúng ta thấy được những người có tài đức, không phân biệt tầng lớp, đều được tham gia công việc quốc gia. Vấn đề đã được đặt ra, đó chính là những người dân bình thường, nhưng có tài đức há chi lại không được tham gia vào công việc quốc gia?
Vậy nên một phần biểu hiện của sự dân chủ đã được đề cập từ rất sớm ở thời Khổng Tử.
Thứ hai,  theo Khổng Tử công thức của nhà nước nhân bản là ‘‘Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’’. Do đó việc đầu tiên là tu thân rồi cuối cùng mới đến công việc nhà nước. Vì thế một nhà nước muốn tạo điều kiện cho nhân dân tham gia quản lý nhà nước ( dân chủ) trước tiên phải cho người dân no ấm, sau đó là dạy họ, giáo hóa họ. Đó chính là chính sách mà Khổng Tử đưa ra ở một nhà nước nhân bản: trước tiên dưỡng dân sau đó là an dân.
Do đó, khi nhìn vào một nhà nước dân chủ hiện đại, muốn hướng tới một nền dân chủ đúng nghĩa phải lấy con người làm trung tâm, phải chăm lo cho dân, cho dân no ấm. Sau đó mới nghĩ đến việc hướng người dân vào công việc nhà nước, dạy dân tham gia vào cai trị đất nước. Khi đó việc thực hiện dân chủ trong dân mới thực sự có chất lượng. Suy nghĩ này cũng từng được đặt ra, khi có sự tranh cãi nên có dân chủ trước hay phát triển kinh tế trước, theo tôi là xây dựng nền kinh tế trước sau đó mới xây dựng nền dân chủ đúng nghĩa.
Thứ ba, quan điểm của Khổng Tử là không coi trọng vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước cũng có cái đáng để học tập, ông không phủ nhận hoàn toàn pháp luật nhưng coi pháp luật là một công cụ bất đắc dĩ.
Theo ông: ‘‘Dùng chính lệnh để dẫn dắt dân, dùng hình phạt để đưa dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội, nhưng không biết hổ thẹn mà theo đường chính; dùng đức mà dẫn dắt dân, dùng lễ mà đưa dân vào khuôn phép thì dân có lòng hổ thẹn mà lại cố làm điều hay’’[3]
Liên hệ với thực tế hiện nay, sự sa sút của một số không nhỏ cán bộ nhà nước, đang là vấn đề Nhà nước ta quan tâm. Do đó, Nhà nước ta muốn cải cách, muốn đổi mới bộ máy thì phải nói đạo đức, nhân nghĩa thay vì đơn thuần nói pháp luật với nhau, có chăng nên đề cao đạo đức hơn là những hình phạt, nếu những hình phạt đôi khi không tương xứng với hành vi vi phạm. Khi mà xã hội hiện nay đạo đức con người đang xuống cấp trầm trọng. Mà theo Khổng Tử thì đó là những hành động của bản năng và đã là bản năng hành động thì không phải là người.
Kết luận:
Cũng như nhân quyền thì dân chủ đã xuất hiện từ rất sớm với nhiều hình thức và một vài dấu hiệu của dân chủ đã có từ thời Khổng Tử.
Một Nhà nước muốn có một nền dân chủ đúng nghĩa, việc đầu tiên là phải bảo đảm cuộc sống cho người dân, chính sách gì liên quan đến cuộc sống của dân phải được giải quyết trước tiên, rồi mới đến những chính sách khác.
Đạo đức phải được đề cao, có chăng trở thành một khẩu hiệu trong toàn tổ chức, trong toàn dân. Và không ai không hổ thẹn khi mà bị gọi là vô đạo đức, trong xã hội toàn người đạo đức.
< Cảm hứng viết của người viết: Do vừa mới học Lịch sử học thuyết chính trị, xem clip cắt cổ chủ tiệm vàng, mấy bài báo về Đòan Văn Vươn, đề tài dân chủ> =))))




[2] Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, Các học thuyết chính trị Trung Quốc cổ đại, Giáo trình lịch sử các học thuyết chính trị,NxbĐHQGHN, tr 37
[3] Thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, Các học thuyết chính trị Trung Quốc cổ đại, Giáo trình lịch sử các học thuyết chính trị,NxbĐHQGHN, tr 85

Friday, February 17, 2012

Thực trạng, quan điểm và hướng sửa đổi các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam (Phần 1)


Thực trạng các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Hiến pháp năm 1992 dành 55 điều (Điều 3, 5, 6, 7, 10, 11, 12, 16, 18, 20, 22, 25, 28, 29, 32, 34, 35, 36, 40, 42, 44, 49, 50 - 82) quy định 11 nguyên tắc chung (có 6 nguyên tắc mới so với Hiến pháp năm 1980), 96 quyền cơ bản (có 33 quyền mới) và 43 nghĩa vụ cơ bản (có 15 nghĩa vụ mới) của công dân.
Hiến pháp năm 1992 dành 8 điều (Điều 25, 49, 50 – 52, 75, 81, 82) quy định 11 nguyên tắc. Cụ thể gồm: nguyên tắc pháp lý để một cá nhân được thừa nhận là công dân Nước CHXHCN Việt Nam (Điều 49); tôn trọng quyền con người (Điều 50 - mới); quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân (Điều 51); Nhà nước bảo đảm quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội (Điều 51); quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định (Điều 51 - mới); mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật (Điều 52); Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với vốn, tài sản và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (Điều 25 - mới); Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Điều 75 - mới); người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam (Điều 81 - mới), Nhà nước Việt Nam bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam (Điều 81 - mới); Nhà nước Việt Nam xem xét việc cho cư trú đối với người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ, hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại (Điều 82).
Các quy định về các quyền cơ bản của công dân Việt Nam nằm trong các Chương I, II, III và V của Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1992 đã dành 34 điều (Điều 3, 5, 6, 7, 11, 16, 18, 20, 28, 32, 49, 53 – 74, 77) quy định 96 quyền cơ bản của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế và xã hội, trong đó có 33 quyền mới so với Hiến pháp năm 1980. Có 56 quyền được quy định một cách trực tiếp theo các công thức: chủ thể quyền + có quyền...; chủ thể quyền + động từ; hoặc chủ thể quyền + được. Và có 40 quyền được quy định một cách gián tiếp bằng nhiều phương thức khác nhau: hoặc chủ thể quyền + được Nhà nước, xã hội bảo đảm, giúp đỡ; hoặc định nghĩa khái niệm pháp lý...
Các quy định về quyền chính trị của công dân. Đối với mọi cá nhân công dân nói chung, tại 5 điều (các Điều 11, 49, 53, 74 và 77), Hiến pháp năm 1992 quy định 9 quyền chính trị, trong đó có 3 quyền mới. Đó là: làm chủ ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của Nhà nước và xã hội (Điều 11), quyền có quốc tịch Việt Nam (Điều 49), tham gia quản lý Nhà nước và xã hội (Điều 53), thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương (Điều 53 - mới), kiến nghị với cơ quan Nhà nước (Điều 53 - mới), biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 53 - mới), khiếu nại (Điều 74), tố cáo (Điều 74) và bảo vệ Tổ quốc (Điều 77). Đối với những cá nhân công dân mang tư cách nhất định, Hiến pháp năm 1992 quy định 3 quyền trong 2 điều (Điều 7 và 54), đó là: quyền của cử tri bãi miễn ĐBQH và HĐND (Điều 7), của cử tri bầu ĐBQH và HĐND các cấp (Điều 54), của người đủ 21 tuổi trở lên ứng cử vào QH và HĐND (Điều 54). Về quyền chính trị của nhóm (tập thể) cá nhân công dân, Hiến pháp năm 1992 quy định quyền làm chủ của nhân dân (Điều 3) và quyền của nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua QH và HĐND (Điều 6).
Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định 32 quyền dân sự của cá nhân công dân trong 9 điều, trong đó có 9 quyền mới (các Điều 58, 60, 68 - 74), gồm: sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt (Điều 58); được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt (Điều 58); thừa kế (Điều 58); được Nhà nước bảo hộ quyền thừa kế (Điều 58); quyền tác giả (Điều 60); được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả (Điều 60 - mới); quyền sở hữu công nghiệp (Điều 60) và được Nhà nước bảo hộ quyền này (Điều 60 - mới); tự do đi lại ở trong nước (Điều 68), cư trú ở trong nước (Điều 68), ra nước ngoài (Điều 68 - mới) và từ nước ngoài về nước (Điều 68 - mới); tự do ngôn luận (Điều 69), báo chí (Điều 69); được thông tin (Điều 69 - mới); hội họp (Điều 69); lập hội (Điều 69); biểu tình (Điều 69); tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 70); được Nhà nước bảo hộ những nơi thờ tự (Điều 70 - mới); bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 71); được pháp luật bảo hộ về tính mạng (Điều 71); được pháp luật bảo hộ về sức khỏe (Điều 71 - mới), danh dự (Điều 71), nhân phẩm (Điều 71); được suy đoán vô tội (Điều 72 - mới); được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự khi bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật (Điều 72 - mới); bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 73); được bảo đảm an toàn và bí mật về thư tín (Điều 73); được bảo đảm an toàn và bí mật về điện thoại (Điều 73), điện tín (Điều 73); được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự của người bị thiệt hại bởi hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang hoặc bất cứ cá nhân nào (Điều 74).
Hiến pháp năm 1992 dành 8 điều (Điều 3, 16, 18, 20, 28, 55, 57, 58) quy định 14 quyền kinh tế của công dân (có 12 quyền mới). Các quy định này phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, định hướng XHCN ở nước ta. Đối với mọi cá nhân công dân, có quyền: quyền được sản xuất, kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 16 - mới); được chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật (Điều 18 - mới); chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (Điều 20 - mới); thành lập doanh nghiệp (Điều 20 - mới); lao động (Điều 55); tự do kinh doanh (Điều 57 - mới); sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác và được Nhà nước bảo hộ quyền này (Điều 58 - mới); sở hữu tư nhân đối với vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác (Điều 58 - mới) và được Nhà nước bảo hộ quyền này (Điều 58 - mới). Đối với cá nhân công dân mang tư cách nhất định, có quyền: quyền của người sản xuất được Nhà nước bảo hộ quyền lợi (Điều 28 - mới) và quyền của người tiêu dùng được Nhà nước bảo hộ quyền lợi (Điều 28 - mới). Về các nhóm (tập thể) công dân, có quyền: quyền của nhân dân làm chủ về kinh tế (Điều 3) và của tổ chức thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm (Điều 16 - mới).
Các quy định về quyền văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của công dân. Tại 4 điều (Điều 5, 32, 59 và 60), Hiến pháp năm 1992 tiếp tục quy định 11 quyền của công dân về văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ, trong 7 quyền đã được quy định trong Hiến pháp 1980, 4 quyền mới được bổ sung. Đối với mọi cá nhân công dân nói chung, Hiến pháp năm 1992 quy định các quyền: học tập (Điều 59); nghiên cứu khoa học (Điều 60); nghiên cứu kỹ thuật (Điều 60); phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất (Điều 60 - mới); sáng tác văn học (Điều 60); sáng tác nghệ thuật (Điều 60), phê bình văn học (Điều 60 - mới); phê bình nghệ thuật (Điều 60 - mới); tham gia các hoạt động văn hóa khác (Điều 60). Hiến pháp năm 1992 còn quy định quyền của các dân tộc được dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình (Điều 5) và của nhân dân được thưởng thức những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị (Điều 32 - mới).
Hiến pháp năm 1992 dành 8 điều (Điều 56, 61 - 67) quy định 25 quyền xã hội của công dân (có 5 quyền mới). Đối với công dân nói chung, có các quyền: được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe (Điều 61); xây dựng nhà ở (Điều 62 - mới); cho thuê nhà (Điều 62 - mới); thuê nhà (Điều 62 - mới); được Nhà nước bảo hộ đối với người thuê nhà (Điều 62 - mới); được Nhà nước bảo hộ đối với người có nhà cho thuê (Điều 62 - mới); bình đẳng nam nữ (Điều 63); được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình (Điều 64). Về công dân trong những tư cách nhất định, Hiến pháp năm 1992 quy định các quyền của viên chức nhà nước được nghỉ ngơi (Điều 56), được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (Điều 56); của người lao động làm công ăn lương được nghỉ ngơi (Điều 56) và được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (Điều 56); quyền của lao động nữ được hưởng chế độ thai sản (Điều 63). Đối với một số công dân trong hoàn cảnh đặc biệt, có quyền: quyền của nữ viên chức nhà nước và nữ làm công ăn lương được nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương (Điều 63). Đặc biệt, Hiến pháp 1992 quy định quyền của một số công dân được hưởng chế độ ưu đãi và chế độ khen thưởng, chăm sóc đặc biệt của Nhà nước – đó là: thương binh, bệnh binh được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong đó đối với bệnh binh là quyền mới (Điều 67); người có công với nước được Nhà nước khen thưởng, chăm sóc (Điều 67). Đối với công dân thuộc nhóm người cần được Nhà nước, xã hội quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ hơn hoặc trong tình trạng yếu thế, dễ bị tổn thương, có quyền của trẻ em được gia đình, Nhà nước, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục (Điều 65); thanh niên được gia đình, Nhà nước, xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí... (Điều 66); người già được Nhà nước và xã hội giúp đỡ (Điều 67); người tàn tật được Nhà nước và xã hội giúp đỡ (Điều 67); trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ (Điều 67). Đối với nhóm (tập thể) cá nhân công dân, Hiến pháp năm 1992 quy định quyền của gia đình liệt sỹ được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước (Điều 67) và quyền của gia đình có công với nước được Nhà nước khen thưởng, chăm sóc (Điều 67).
Hiến pháp năm 1992 dành 21 điều (Điều 10, 11, 12, 18, 22, 29. 34 – 36, 40, 42, 44, 55, 59, 61, 64, 76 - 80) quy định 44 nghĩa vụ của công dân, tổ chức của công dân, trong đó có15 nghĩa vụ mới. Đối với công dân nói chung, có: bảo vệ của công (Điều 11); bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (Điều 11 - mới); giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội (Điều 11); tổ chức đời sống cộng đồng (Điều 11); chấp hành Hiến pháp và pháp luật (Điều 12); đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác (Điều 12); bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm đất (Điều 18); sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường (Điều 29); bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em (Điều 40 - mới); thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình (Điều 40 - mới); thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh (Điều 44); lao động (Điều 55); học tập (Điều 59); thực hiện vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng (Điều 61 - mới); trung thành với Tổ quốc (Điều 76); bảo vệ Tổ quốc (Điều 77); tôn trọng và bảo vệ tài sản của Nhà nước và lợi ích công cộng (Điều 78); tuân theo pháp luật (Điều 79); bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 79); giữ gìn bí mật quốc gia (Điều 79); chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 79); đóng thuế (Điều 80); lao động công ích (Điều 80). Về nghĩa vụ của công dân mang tư cách nhất định, có: cha mẹ nuôi dạy con thành những công dân tốt (Điều 64); con cháu kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ (Điều 64). Hiến pháp năm 1992 dành 10 điều (Điều 10, 18, 22, 29, 34 – 36, 40, 42, 44) quy định 17 nghĩa vụ của nhóm (tập thể, tổ chức, cộng đồng) công dân, trong đó có 11 nghĩa vụ mới. Đó là: Công đoàn chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Điều 10); tổ chức có nghĩa vụ bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm đất (Điều 18); các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước (Điều 22 - mới); tổ chức kinh tế phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường (Điều 29); tổ chức xã hội thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường (Điều 29 - mới); xã hội bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa dân tộc; chăm lo công tác bảo tồn, bảo tàng, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy tác dụng của các di tích lịch sử, cách mạng, các di sản văn hóa, các công trình nghệ thuật, các danh lam thắng cảnh (Điều 34 - mới); xã hội phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, bồi dưỡng nhân cách (Điều 35 - mới); tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, gia đình giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, trong đó đối với tổ chức kinh tế là quyền mới (Điều 36); xã hội bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em (Điều 40 - mới); gia đình bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em (Điều 40 – mới); xã hội thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình (Điều 40 – mới); gia đình thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình (Điều 40 – mới); xã hội phát triển du lịch, mở rộng hoạt động du lịch trong nước và du lịch quốc tế (Điều 42 – mới); tổ chức kinh tế thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do pháp luật quy định (Điều 44 – mới); tổ chức xã hội thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do pháp luật quy định (Điều 44).
Có thể nói, Hiến pháp năm 1992 – Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế - đã có bước tiến lớn trên con đường phát triển và hoàn thiện các quy định hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý vững chắc vừa để bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam, vừa là công cụ pháp lý hữu hiệu để giáo dục, nhắc nhở và nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và của Nhà nước trong việc thực hiện các quy định hiến pháp đó ở Việt Nam hiện nay.
Từ những trình bày ở trên có thể rút ra mấy nhận xét. Về ưu điểm, một là, các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người và quyền của công dân Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các văn bản mang tính tuyên bố và mang tính pháp lý của Liên Hợp Quốc về quyền con người và với chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người, quyền của công dân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.
Hai là, số lượng về điều luật, các nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (trong đó có số lượng nguyên tắc chung mới, các quyền và nghĩa vụ mới của công dân) tăng lên so với các Hiến pháp trước: từ 16 điều, 4 nguyên tắc chung, 27 quyền, 4 nghĩa vụ (trong Hiến pháp năm 1946) tới 32 điều, 5 nguyên tắc chung (có hai nguyên tắc mới), 50 quyền (có 31 quyền mới) và 12 nghĩa vụ (có 9 nghĩa vụ mới) của Hiến pháp năm 1959; đến 44 điều, 7 nguyên tắc chung (có 3 nguyên tắc mới), 71 quyền (có 35 quyền mới), 35 nghĩa vụ (có 26 nghĩa vụ mới) trong Hiến pháp năm 1980 và tới 55 điều, 11 nguyên tắc chung (có 6 nguyên tắc mới), 96 quyền (có 33 quyền mới), 43 nghĩa vụ (có 15 nghĩa vụ mới) của Hiến pháp năm 1992. Sự gia tăng này chứng tỏ quyền con người, quyền cơ bản của công dân ngày càng được ghi nhận, mở rộng và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng ngày một nhiều hơn.
Ba là, so với các Hiến pháp trước, quyền và nghĩa vụ Hiến định của công dân đa dạng, phong phú hơn về chủng loại (các quyền, nghĩa vụ về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội) và về chủ thể (quyền và nghĩa vụ của mọi cá nhân công dân nói chung, của các cá nhân công dân mang những tư cách hay trong hoàn cảnh nhất định và của các nhóm công dân). Điều đó, một mặt, thể hiện sự quan tâm ngày càng đầy đủ hơn của Nhà nước đối với các quyền và lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân; mặt khác, cũng nói lên sự đòi hỏi ngày càng lớn của Nhà nước đối với trách nhiệm của người dân khi họ được hưởng những quyền và lợi ích đó.
Bốn là, các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 so với các Hiến pháp trước có tính hiện thực (tính khả thi) hơn bằng các quy định của Hiến pháp về nghĩa vụ bảo đảm của Nhà nước cho các quyền ấy. Điều đó vừa thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm ngày càng tăng của Nhà nước đối với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vừa phản ánh sự phát triển ngày càng cao của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Về nhược điểm, thứ nhất, nếu tính từ năm 1992 – năm ban hành Hiến pháp hiện hành đến nay đã trải qua 20 năm, xã hội Việt Nam và thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc về mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; trình độ phát triển của xã hội Việt Nam ngày càng cao; nhu cầu và lợi ích chính đáng của con người ngày càng phong phú, đa dạng cần được đáp ứng, thế nhưng những biến đổi đó chưa được phản ánh trong Hiến pháp năm 1992 và các nhu cầu, lợi ích đó chưa được nâng lên thành các quyền hiến định.
Thứ hai, giống như Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980, các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam không được tập trung trong một chương mà nằm rải rác trong nhiều chương. Điều đó gây trở ngại cho việc theo dõi, nghiên cứu và thực hiện.
Thứ ba, nội dung và hình thức của Chương V – chương chuyên biệt về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân - không tương xứng nhau và việc xếp đặt các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân chưa thật khoa học.
Thứ tư, còn có khá nhiều điều quy định về quyền của công dân Việt Nam không có nghĩa vụ bảo đảm của Nhà nước kèm theo, làm cho các điều luật này mang tính tuyên ngônnhiều hơn tính hiện thực. Bên cạnh đó, cũng có không ít các quy định về nghĩa vụ của công dân không kèm theo quyền của Nhà nước được áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện, làm cho các quy định này không có hiệu lực cao.
Thứ năm, có không ít quyền của công dân được quy định một cách gián tiếp thông qua việc quy định nghĩa vụ bảo đảm của Nhà nước đối với quyền công dân hoặc bằng các định nghĩa khái niệm pháp lý; còn tình trạng một điều luật quy định nhiều nghĩa vụ của công dân, hoặc vừa quy định quyền vừa quy định nghĩa vụ của công dân; lời văn trong một số điều luật còn dài dòng.
(Còn nữa)
Pgs.Ts Nguyễn Văn Động