Wednesday, February 1, 2012

Chất vấn và kỹ năng chất vấn



 1. Chất vấn là gì?
Chất vấn là công cụ giám sát mạnh nhất của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, vì nó quy trách nhiệm chính trị. Đối với cá nhân đại biểu chất vấn là cách thức quan trọng để giám sát hoạt động của các quan chức nhà nước, trong đó có các quan chức Chính phủ. Trong mối quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Thậm chí ở các nước, chất vấn có thể dẫn đến việc đặt vấn đề ủng hộ hay phản đối hoạt động của Chính phủ, cơ sở để ra nghị quyết bất tín nhiệm và dẫn đến sự từ chức của Chính phủ. “Bất kỳ sự chất vấn nào cũng có thể là lý do để đưa ra nghị quyết, qua đó các viện phản ánh quan điểm của mình”. (Điều 111 Hiến pháp Tây Ban Nha).
Ở nước ta, số lượng câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ ngày càng lớn. Kết quả thống kê cho thấy, trước mỗi kỳ họp, các thành viên Chính phủ luôn nhận được hàng trăm câu hỏi chất vấn với số lượng ngày càng tăng theo mỗi kỳ họp.
Theo kết quả của một cuộc điều tra dư luận, chỉ có 20% ĐBQH, 32,9% đại diện tổ chức xã hội, 11,1% chuyên gia đánh giá là “tốt” về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Trong khi đó quá nửa chuyên gia (55,6%) cho rằng hoạt động này “chưa đạt yêu cầu”. Tỷ lệ đại diện tổ chức xã hội và ĐBQH được phỏng vấn cho rằng hoạt động này “chưa đạt yêu cầu” cũng khá đáng kể (tỷ lệ lần lượt là 22,6% và 30%).
2. Mục đích của chất vấn là gì?
Chất vấn là để làm rõ trách nhiệm. Trách nhiệm thì có nhiều loại và được xác định thông qua những cách thức và thủ tục khác nhau. Trách nhiệm kỷ luật được xác định thông qua hoạt động kiểm tra, trách nhiệm hành chính thông qua hoạt động thanh tra, trách nhiệm hình sự thông qua hoạt động điều tra. Chất vấn, như một hình thức giám sát của Quốc hội, không nhằm xác định bất cứ trách nhiệm nào như đã nói ở trên, mà để làm rõ trách nhiệm chính trị.
Nếu chính sách đầu tư là dàn tri, nếu bệnh thành tích là căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục, nếu năng lực điều chỉnh giá thuốc là bất cập đối với ngành y tế thì chế độ trách nhiệm ở đây trước hết là trách nhiệm chính trị. Và hoạt động chất vấn của Quốc hội được sinh ra để làm rõ loại trách nhiệm này.
Trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý là hai loại trách nhiệm khác nhau. Ví dụ, chúng ta không thể áp dụng điều luật về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cho quyết sách liên quan đến ngành mía đường. Đơn giản vì hậu quả nghiêm trọng thì có, nhưng sự thiếu tinh thần trách nhiệm thì không. Những quyết sách rất có tinh thần trách nhiệm thì vẫn có thể thiếu một tầm nhìn. Mà thiếu tầm nhìn, người ta chỉ có thể chịu trách nhiệm về chính trị. Như vậy, trách nhiệm chính trị là trách nhiệm về chính sách, không phải trách nhiệm về hành vi. Hoạt động chất vấn vì vậy sẽ lạc đề nên tập trung vào các vụ việc cụ thể mà không làm rõ được các vấn đề ở tầm chính sách. Ngoài ra, một chính sách được cải thiện, lợi ích sẽ đến với hàng triệu người. Một vụ việc được gii quyết, lợi ích có thể đến được với một hoặc vài người. Giải quyết được công việc cho một người cũng tốt, thế nhưng công việc của muôn người thì sao? Nếu chất vấn vào các vụ việc cụ thể, Quốc hội không bao giờ có đủ thời gian để xem xét những vấn đề to lớn của đất nước.
Một mục đích khác của chất vấn là kiểm tra năng lực của quan chức trong nắm bắt và điều chỉnh lĩnh vực được phân công. Để thực hiện mục đích này, Quốc hội nhiều nước, nhất là Quốc hội của các nước theo mô hình của Anh thường không cho biết trước các câu hỏi chất vấn. Một vị Bộ trưởng nắm vững công việc sẽ trả lời lưu loát các câu hỏi đặt ra, còn nếu ngược lại - uy tín sẽ bị giảm sút.
Chất vấn, xét về một khía cạnh nào đó, là sự cảnh báo của Quốc hội về một vấn đề hay một tình trạng cần được lưu ý giải quyết. (Ví dụ như tình trạng các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ nhưng những người đứng đầu doanh nghiệp này lại giàu lên nhanh chóng; việc tinh giảm biên chế và gánh nặng đối với xã hội...). Sự cảnh báo này nhằm nâng cao tính dự đoán và trách nhiệm phải nhìn nhận trước vấn đề của người quản lý.
Chất vấn cũng có mục đích cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho Quốc hội đánh giá, phê bình Chính phủ vì làm hay không làm điều gì đó. Bằng cách này, các đại biểu có thể buộc các Bộ trưởng chia sẻ thông tin.
Chất vấn thu hút sự chú ý rộng rãi của công luận về vấn đề nào đó, do đó tạo sức ép lên Chính phủ để nó được giải quyết nhanh hơn. Hoạt động chất vấn của Quốc hội, nhất là trong kỳ họp của Quốc hội ở nước ta được coi là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp thu hút được sự chú ý của đông đảo quần chúng nhân dân, của công luận về các vấn đề đang đặt ra trong đời sống xã hội cần được giải quyết. Ví dụ vấn đề giáo dục, vấn đề dịch bệnh, vấn đề trật tự an toàn giao thông, vấn đề thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, vấn đề tham nhũng, vấn đề xét xử oan sai v..v.. Trong điều kiện bùng nổ về thông tin như hiện nay, các vấn đề được đưa ra chất vấn tại diễn đàn của Quốc hội đều được đăng tải trên báo chí và được truyền hình trực tiếp nên chất vấn tạo điều kiện cho nhân dân giám sát cơ quan dân cử, giám sát đại biểu Quốc hội và giám sát các cán bộ cao cấp trong bộ máy nhà nước.
3. Làm rõ trách nhiệm khi chất vấn như thế nào?
Khi các vị đại biểu Quốc hội hỏi một quan chức nào đó theo thủ tục chất vấn thì thông tin, số liệu không phải là vấn đề chính. Vấn đề chính ở đây là: Người bị chất vấn có biết về việc đó không? Tại sao lại để nó xảy ra? Hướng xử lý như thế nào? Cần phải rút kinh nghiệm ở đâu? Chế độ trách nhiệm ra sao?
Có thể hình dung đường đi nước bước của việc áp đặt trách nhiệm như sau: Đầu tiên là xác định phạm vi trách nhiệm của người trả lời chất vấn; tiếp theo, người trả lời cần phải giải trình trước Quốc hội những vấn đề được hỏi đến, nếu Quốc hội thỏa mãn, hài lòng với sự giải trình đó, coi như đã “trả bài” xong. Nếu không, bước tiếp theo sẽ là quy trách nhiệm - có thể dưới hình thức một nghị quyết (mà bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là một trong những hình thức quy trách nhiệm).
Khi câu hỏi đã khoanh vùng trách nhiệm của từng người trả lời chất vấn, thì người chất vấn mong chờ ở các vị Bộ trưởng năng lực giải trình, thể hiện mức độ nắm bắt vấn đề, cũng như giải pháp và thời hạn khắc phục vấn đề. Thế nhưng có nhiều câu trả lời chưa làm các đại biểu hài lòng. Khi chất vấn về nguyên nhân chậm trễ của việc đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất và đề nghị Bộ trưởng làm rõ sự nhất quán trong chủ trương đầu tư cũng như các vấn đề tồn tại lớn mà Chính phủ cần xử lý, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, họ chỉ nhận được câu trả lời với nội dung “kể lại” hiện nay dự án đã đến đâu, chứ không được giải trình rõ các hạng mục chậm cụ thể là bao nhiêu so với kế hoạch chính thức.
Không ai có thể chịu trách nhiệm về mọi việc. Ranh giới của quyền hạn đồng thời cũng là ranh giới của trách nhiệm. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo không thể chịu trách nhiệm về việc đa số người Việt chỉ thích học để làm thầy hơn là để làm thợ. Tuy nhiên, phản ứng chậm chạp và thiếu mạch lạc của hệ thống giáo dục và đào tạo trước nhu cầu của thị trường, “sự gắn kết giữa kết quả đào tạo với việc sử dụng còn hạn chế” lại là một câu chuyện khác.
Cũng như vậy, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội không thể chịu trách nhiệm trực tiếp về các trường dạy nghề, nếu như chúng đã được phân cấp về cho các địa phương; về “tình trạng chảy máu chất xám” từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, thậm chí từ các cơ quan nhà nước ra các công ty tư nhân, khi cơ chế thị trường và quyền tự do lao động đang được xác lập ở đất nước ta. Tuy nhiên, xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm sự hài hoà của các mối quan hệ lao động mới phát sinh lại khó có thể là trách nhiệm của ai khác.
Rủi ro chất vấn “lạc đề” của các vị đại biểu Quốc hội sẽ rất cao, nếu như khái niệm “quản lý ngành” không được làm rõ trong khoa học quản lý của chúng ta. Tất cả các vị Bộ trưởng đều phải chịu trách nhiệm quản lý ngành. Tuy nhiên, “quản lý ngành” là một khái niệm mang nặng tính bao cấp. Nếu chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường, thì có rất nhiều việc các vị Bộ trưởng không thể làm thay các lực lượng của thị trường (và cũng chẳng bao giờ có thể làm tốt hơn). Vì vậy, buộc các vị Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi chuyện xảy ra trong ngành chưa chắc đã là một xu hướng lành mạnh.
4. Tại sao phải chất vấn nhiều lần về cùng một vấn đề?
Thực tế, 3 ngày chất vấn tại Hội trường cho thấy vẫn còn những vấn đề đã nêu tại các lần chất vấn trước - những “câu chuyện cũ” như: tai nạn giao thông, giáo dục; tham nhũng… Vì sao vẫn còn những câu hỏi cũ? Có đại biểu Quốc hội cho biết: “Sở dĩ các đại biểu vẫn hỏi lại câu hỏi cũ vì tình hình của vấn đề cũ chưa chuyển biến là bao”.
Bởi vậy, các vị đại biểu Quốc hội có thể chất vấn nhiều lần về một vấn đề, cho đến khi vấn đề đó được xử lý mới chấm dứt. Một vài quan chức có thể không hài lòng và cho rằng sự việc nào đó đã được “hỏi” và đã được “trả lời”, nên không cần phải hỏi lại. Nhưng rõ ràng biết rồi không có nghĩa là đã giải quyết xong. Điều quan trọng là phải theo vấn đề đến cùng để làm rõ chính sách thì các vị đại biểu Quốc hội lại chưa làm được. Thực ra, để giải quyết các vấn đề của đất nước, các vị Bộ trưởng phải đề ra được chính sách phù hợp. Làm rõ được chính sách là cách tốt nhất để làm rõ trách nhiệm.
 5. Hậu quả của chất vấn là gì?
Ở một số nước, việc chất vấn có thể dẫn đến việc Quốc hội biểu quyết thông qua kiến nghị (motion) đưa ra thảo luận tại Quốc hội về trách nhiệm của một quan chức nào đó. Và cao hơn nữa, một số nước quy định khi kiến nghị thu được một số lượng chữ ký nhất định thì vị quan chức này phải giải trình trước Quốc hội và Quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với một chính sách của Chính phủ. Ví dụ ở Pháp có quy định: nếu một kiến nghị bất tín nhiệm Chính phủ thu nhận được chữ ký của ít nhất 10 nghị sĩ thì vấn đề đó sẽ được đưa ra thảo luận. Một số nước khác quy định cần có khoảng 20 hoặc 50 chữ ký... Đây là hậu quả chính trị của chất vấn.
Chất vấn cũng mang lại hậu quả xã hội to lớn, thường là có tác động rộng rãi hơn hậu quả pháp lý. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, việc truyền hình hay truyền thanh trực tiếp và các bình luận của báo chí về những buổi trả lời chất vấn của các quan chức Chính phủ đã tạo nên một luồng công luận mạnh mẽ và gây áp lực xã hội to lớn. Vì vậy, ở một số nước đa số Bộ trưởng phải từ chức do áp lực của công luận chứ không nhất thiết là áp lực từ phía Quốc hội.
Như đã thấy, chế tài cao nhất mà hoạt động chất vấn có thể dẫn đến là bỏ phiếu tín nhiệm ít khi được áp dụng. Do đó, tác dụng lớn nhất của chất vấn là tạo nên một sức ép áp đặt trách nhiệm lên những người trả lời chất vấn. Chất vấn là nhằm để các Bộ trưởng luôn cảm thấy áp lực đó mà làm việc tốt hơn.
 Bảng 1: Chất vấn tại kỳ họp 
Bước 1Thu thập và phân tích thông tin
Bước 2Lựa chọn vấn đề chất vấn
Bước 3Gửi chất vấn đến đoàn thư ký Quốc hội
Bước 4Theo dõi việc phân bổ lịch chất vấn tại phiên họp
Bước 5Trình bày chất vấn
Bước 6Đưa câu hỏi bổ sung
Bước 7Đề nghị thảo luận về vấn đề được đưa ra chất vấn
Bước 8Kiến nghị
Bước 9Theo dõi việc thực hiện các vấn đề chất vấn
  (Biên soạn theo “Thường thức về hoạt động giám sát của Quốc hội”,
Văn phòng Quốc hội, 2004)
 Nguồn: ttbd.gov.vn--TCNCLP

No comments:

Post a Comment