Tuesday, February 7, 2012

Hiến pháp với việc tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam

Hiến pháp với việc tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam
1. Hiến pháp và vai trò của nó đối với việc tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền 
1.1. Cội nguồn xuất hiện của Hiến pháp, khái niệm và bản chất chính trị, tư tưởng và pháp lý của Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền 
1.1.1. Cội nguồn xuất hiện của Hiến pháp
Thuật ngữ “Hiến pháp” có cội nguồn xa xưa từ tiếng Latinh cổ là “Constutio” và có thể hiểu theo rất nhiều nghĩa như: “quy định”, “thành lập”, “tổ chức”, “cơ cấu”, “thiết lập”, v.v.. Tuy nhiên, lịch sử xuất hiện của các hiến pháp thành văn đầu tiên là ở châu Mỹ vì ngay từ thế kỷ XVII khi những người Anh khám phá, chinh phục lục địa này đã thảo ra “Platation Covenant” (Hiệp ước của các thuộc địa). Tiếp theo đó, 13 bang đầu tiên của Hoa Kỳ tuyên bố độc lập đã lần lượt thông qua các hiến pháp của họ như: bang Virghinia, Pensilvania, Merilenđa và Bắc Kalôrina (năm 1776), bang Vermônt (năm 1777), bang Masachusetts (năm 1780), bang Niugepsir (năm 1783) và cuối cùng là Hiến pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (năm 1787) - bản Hiến pháp thành văn đầu tiên hoàn chỉnh nhất của nhân loại. Bước sang thế kỷ XVIII, các quốc gia ở châu Âu như Ba Lan và Pháp cũng lần lượt thông qua các bản hiến pháp (năm 1791)1 và cho đến nay, khoảng 200 nước trên thế giới đã có hiến pháp của mình2
1.1.2. Khái niệm và các chức năng cơ bản của Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền  
Việc phân tích nội dung các quy định được ghi nhận trong các hiến pháp của các nước trên thế giới trong suốt năm thế kỷ qua (XVII-XXI) có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về Hiến pháp. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền (NNPQ) là đạo luật cơ bản của nhà nước có tính pháp chế tối thượng và hiệu lực pháp lý trực tiếp cao nhất trên toàn bộ lãnh thổ của một quốc gia, mà trong đó ghi nhận và điều chỉnh các chế định trung tâm và chủ yếu nhất liên quan đến những cơ sở của chế độ hiến định, các quyền và tự do của con người và của công dân, các lĩnh vực cơ bản và quan trọng hơn cả trong việc tổ chức, thực hiện và kiểm soát quyền lực (KSQL) nhà nước của bộ máy công quyền, cũng như trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước. Như vậy, từ nội hàm của khái niệm này có thể khẳng định rằng, bản chất chính trị, tư tưởng và pháp lý của Hiến pháp trong NNPQ là ở chỗ: với tư cách là một văn kiện chính trị, pháp l‎ý chủ yếu và là “khế ước xã hội” quan trọng nhất của một quốc gia, Hiến pháp trong NNPQ bao giờ cũng mang tính pháp chế tối thượng so với tất cả các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác trong hệ thống pháp luật của quốc gia ấy, có hiệu lực pháp lý trực tiếp cao nhất, đồng thời là nền tảng của quyền lực nhà nước và trật tự pháp luật, là cơ sở để thực thi và bảo vệ một cách vững chắc và hữu hiệu các quyền, tự do hiến định của con người, của công dân tránh khỏi sự xâm hại của quyền lực nhà nước. Lịch sử lập hiến trên thế giới hàng trăm năm qua đã chứng minh rằng, nếu như bản chất chính trị, tư tưởng và pháp lý của các Hiến pháp trong các nhà nước cực quyền hay các chế độ chuyên chế luôn khẳng định vai trò toàn trị của Nhà nước để tạo cho Nhà nước có khả năng can thiệp vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì với khái niệm nêu trên cho thấy, bản chất chính trị, tư tưởng và pháp lý của Hiến pháp trong NNPQ có chức năng ghi nhận và điều chỉnh ba nhóm quan hệ xã hội (QHXH) chủ yếu và quan trọng nhất sau đây: 1) các chế định trung tâm và chủ yếu nhất liên quan đến những cơ sở của chế độ hiến định, các quyền và tự do của con người và của công dân; 2) các lĩnh vực cơ bản và quan trọng hơn cả trong việc tổ chức, thực hiện và KSQL nhà nước của bộ máy công quyền và; 3) các lĩnh vực cơ bản và quan trọng hơn cả trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.
1.2. Vai trò của Hiến pháp đối với việc tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền  
Chúng tôi tập trung phân tích vai trò của Hiến pháp trong việc thực hiện chức năng thứ hai của Hiến pháp như đã nêu (gọi tắt là điều chỉnh các lĩnh vực cơ bản và quan trọng hơn cả trong việc tổ chức bộ máy quyền lực (BMQL) nhà nước). Việc nghiên cứu các quy phạm về tổ chức BMQL nhà nước trong một loạt các NNPQ trên thế giới đương đại3 cho phép khẳng định rằng, nếu các quy phạm này trong Hiến pháp được soạn thảo một cách khoa học (chặt chẽ về mặt kỹ thuật lập hiến, nhất quán về logic pháp lý và khả thi - tức là đáp ứng được việc điều chỉnh các nhóm QHXH chủ yếu nhất), thì Hiến pháp sẽ có vai trò rất quan trọng đối với việc tổ chức BMQL nhà nước trong NNPQ trên ba khía cạnh chính sau:  
Thứ nhất, bằng việc ghi nhận đầy đủ những nguyên tắc cơ bản, các quy phạm và các chế định quan trọng hơn cả về tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước tương ứng với ba nhánh quyền lực truyền thống (quyền lập pháp - QLP, quyền hành pháp - QHP và quyền tư pháp - QTP), Hiến pháp trong NNPQ khẳng định một chân lý tối thượng - tinh hoa của nền văn minh nhân loại là “nhân dân - người sáng tạo nên lịch sử”- tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, chủ quyền của nhân dân cao hơn chủ quyền của nhà nước (vấn đề này phản ánh rõ nhất qua quyền lập hiến của nhân dân).   
Thứ hai, bằng việc phân công một cách rõ ràng, rành mạch những thẩm quyền và chức năng của các cơ quan công quyền tương ứng với ba nhánh quyền lực truyền thống đã nêu, Hiến pháp trong NNPQ góp phần tạo nên các cơ sở hiến định để các quan chức của các cơ quan này có thể thực thi đúng, đầy đủ và hiệu quả chức trách công vụ của mình với tư cách là những “công bộc”, “người đầy tớ” của nhân dân.
Thứ ba, bằng việc ghi nhận một cách đầy đủ, khoa học và chặt chẽ những nguyên tắc cơ bản, các quy phạm và các chế định quan trọng hơn cả về KSQL nhà nước tương ứng với ba nhánh quyền lực truyền thống đã nêu, Hiến pháp trong NNPQ góp phần điều chỉnh ở mức cao nhất sự phối hợp, phân công và cân bằng, cũng như sự kiểm tra và chế ước lẫn nhau giữa các cơ quan công quyền của các nhánh này nhằm loại trừ các biểu hiện tùy tiện, lạm quyền, tệ quan liêu, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, xâm phạm các quyền và tự do hiến định của công dân, đồng thời đem lại các dịch vụ công tốt nhất cho xã hội.   
2. Một số khiếm khuyết chủ yếu của các quy phạm cơ bản về tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 
Khi nghiên cứu các quy định này trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992, các nhà luật học có thể dễ dàng nhận thấy một loạt những khiếm khuyết chủ yếu (về tính logic pháp lý, sự chặt chẽ về mặt kỹ thuật lập pháp và tính chính xác về mặt khoa học) mà có lẽ trong quá trình sửa đổi Hiến pháp (SĐHP) năm 1992 (lần thứ 2) chúng ta cần phải khắc phục, như:
Một là, không có sự điều chỉnh về mặt lập hiến quy trình lập pháp, quy trình miễn nhiệm các chức vụ nhà nước cao cấp do Quốc hội bầu, phê chuẩn và do Chủ tịch nước bổ nhiệm.
Hai là, chưa thực sự bảo đảm tính chính xác về mặt khoa học khi không có ranh giới rõ rệt giữa các cơ quan thuộc các nhánh quyền lực nhà nước khác nhau vì không rõ các cơ quan tư pháp là những cơ quan nào khi Tòa án nhân dân (TAND) và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) đều được quy định trong cùng Chương X.
Ba là, còn thiếu các quy phạm đề cập đến cơ chế KSQL nhà nước nói chung ngay trong chính nội bộ hệ thống BMQL nhà nước để có thể tạo nên được sự phối hợp và cân bằng, cũng như sự kiểm tra và chế ước nhau giữa các cơ quan công quyền thuộc các nhánh quyền lực nhà nước - đây chính là vấn đề cơ bản nhất tạo ra kẽ hở cho sự tùy tiện, hiệu quả thấp và năng lực quản lý nhà nước yếu trong hoạt động của các cơ quan công quyền. Có lẽ chính từ những kẽ hở này mà “việc sử dụng quyền lực nhà nước cũng luôn tiềm ẩn khả năng lạm dụng quyền lực, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”, “bộ máy nhà nước cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém và đã xuất hiện nhiều cảnh báo về nguy cơ từ phía các cơ quan nhà nước”4.
Bốn là, các quy phạm liên quan đến cơ chế bảo vệ Hiến pháp (BVHP) nói riêng mới chỉ mang tính một chiều và chưa đầy đủ vì trong khi hai nhánh QLP và QHP được Hiến pháp trao cho rất nhiều thẩm quyền để thực hiện sự KSQL đối với nhánh quyền lực thứ ba (QTP), thì ngược lại, không hề có bất kỳ quy định nào ghi nhận sự KSQL của nhánh QTP đối với hai nhánh quyền lực nhà nước kia. “Nếu tổ chức như hiện nay ở Việt Nam, Quốc hội hay Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có hoạt động vi phạm Hiến pháp hay pháp luật thì không có một cơ chế nào để xem xét vi phạm đó”5. Hay “Đa số các ý đều nhận xét rằng, việc BVHP ở nước ta không được giao cho một cơ quan chuyên trách mà tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước đều có nghĩa vụ BVHP thì hiệu quả và hiệu lực không cao; không đề cao được trách nhiệm BVHP của nhà nước và xã hội. BVHP theo cơ chế hiện hành chủ yếu dựa vào quyền giám sát tối cao của Quốc hội thì có sự lẫn lộn giữa quyền lập pháp và quyền tài phán (tư pháp)”6; và đặc biệt là từ sau Đại hội X của Đảng đến nay trong các sách báo khoa học pháp lý Việt Nam có nhiều ý kiến về sự bất cập của các quy định hiện hành về BVHP7.
Năm là, quy trình lập hiến và hiệu lực của Hiến pháp mặc dù cũng là phần rất quan trọng mà lẽ ra cần phải được điều chỉnh cụ thể và công khai từng công đoạn để toàn thể nhân dân được biết như: soạn thảo, sửa đổi, bổ sung, thông qua và công bố Hiến pháp; nhưng rất tiếc Hiến pháp năm 1992 mới chỉ ghi nhận rất sơ sài công đoạn khi nào thì Hiến pháp được “sửa đổi” (Điều 147).
Sáu là, một loạt các quy phạm khác của Hiến pháp năm 1992 mà ở các mức độ khác nhau có liên quan đến việc tổ chức BMQL nhà nước cũng còn thể hiện những nhược điểm cơ bản như:
Các quy phạm về các chế độ hiến định của một đất nước là rất quan trọng và lẽ ra phải có ít nhất là ba chế định với các lĩnh vực chủ yếu cần được điều chỉnh về mặt lập hiến, nhưng Hiến pháp năm 1992 lại mới chỉ quy định hai chế định là “Chế độ chính trị”, “Chế độ kinh tế” với 48 điều, còn lại thiếu hẳn một chế độ hiến định cơ bản là “Chế độ xã hội” với sự điều chỉnh chưa đầy đủ hoặc bỏ sót nhiều lĩnh vực liên quan đến đời sống xã hội của một quốc gia và các lợi ích thiết thực của nhân dân (như: bảo vệ môi trường), cũng như một loạt các đối tượng yếu thế trong xã hội (như: phụ nữ, trẻ em, thương binh, cựu chiến binh, v.v..).  
Các quy phạm về các chế định quyền con người và quyền công dân cũng là một trong những giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại trong các NNPQ mà lẽ ra phải được đề cập riêng biệt trong hẳn một phần của Hiến pháp, nhưng Hiến pháp năm 1992 chỉ nêu vẻn vẹn trong Chương V “Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” nhưng có một số nhược điểm rất cơ bản và quan trọng là: 1) Ngay tên gọi của Chương này cũng chưa chính xác về mặt khoa học và chưa đạt về mặt kỹ thuật lập hiến khi đã không sử dụng thuật ngữ “con người” (vì các quyền con người rõ ràng khác với quyền công dân); 2) Nếu chỉ quy định các quyền “cơ bản”, vậy thì các quyền “không cơ bản” là quyền nào và không được ghi nhận trong Hiến pháp hay sao (?); 3) Thiếu quy phạm về các cơ chế pháp lý (cả quốc gia và quốc tế) để bảo vệ các quyền hiến định này. Đó là kẽ hở “chết người” của Hiến pháp vì nó làm cho các công dân không có kiến thức về pháp luật rất khó tự bảo vệ được các quyền hiến định của mình khi bị xâm phạm (nhất là khi sự xâm phạm đó xuất phát từ phía công quyền); 4) Trong Chương này lẽ ra phải ghi nhận đầy đủ các quyền tự nhiên mà bất kỳ một người nào sinh ra đều đương nhiên được hưởng với tư cách là các giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận chung của nhân loại tiến bộ đã được ghi nhận trong Bộ luật quốc tế về nhân quyền với ba văn bản nổi tiếng - Tuyên ngôn thế giới “Về các quyền con người” năm 1948, hai Công ước Liên hiệp quốc “Về  các quyền chính trị và dân sự” và “Về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội” năm 1966 - mà Việt Nam và hầu như các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc đã ký và cam kết thực hiện, thế nhưng trong 33 điều của Chương này thì có đến 30 lần xuất hiện thuật ngữ “Nhà nước” (một khi đã là quyền tự nhiên của con người thì họ đương nhiên được hưởng chứ không phải là “quà tặng” của nhà nước hay bất cứ pháp nhân, ban lãnh đạo hay hay cá nhân người cầm quyền); 5) Có lẽ chính vì vậy, “khi quy định về quyền của người dân, Hiến pháp Việt Nam hiện hành có khuynh hướng tạo thuận lợi cho Nhà nước nên không có cam kết có thể xác định trách nhiệm của Nhà nước trước công dân”8.
3. Các giải pháp nhằm tăng cường vai trò của Hiến pháp đối với việc tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam 
3.1. Hệ thống các giải pháp
Theo quan điểm của chúng tôi, hệ thống các giải pháp này trong quá trình SĐHP có thể được triển khai trên rất nhiều bình diện tương ứng theo từng nhóm riêng biệt, như: chính trị, tư tưởng, pháp lý, kinh tế, xã hội, giáo dục, khảo sát thực tiễn, biên soạn các Dự thảo, v.v..
3.2. Bảo đảm sự nhận thức khoa học thống nhất và biện chứng về việc sửa đổi Hiến pháp dưới ánh sáng tư tưởng về nhân dân, dân chủ, pháp quyền của Hồ Chí Minh
Việc tham khảo Hiến pháp của một loạt các quốc gia trên thế giới, mà cụ thể là cơ cấu chung Hiến pháp của 7 nước Đông Âu (Bungari, Hungari, Balan, Rumani, CH Xlôvakia, CH Séc và CH Nam Tư)9 và toàn văn nội dung Hiến pháp của 24 nước khác10 (mà về cơ bản là các NNPQ trên thế giới) cho thấy, trong các Hiến pháp của các quốc gia là NNPQ đích thực đều có sự phân công quyền lực rất cụ thể và rõ ràng, cũng như có cơ chế KSQL nhà nước đối với tất cả các nhánh quyền lực (chứ không đơn giản là chỉ có cơ chế KSQL nhà nước của một nhánh QLP đối với các nhánh quyền lực khác) từ ngay chính bên trong hệ thống quyền lực. Tuy nhiên, trong lần SĐHP này, trước hết chúng ta cần bảo đảm sự nhận thức khoa học thống nhất và biện chứng về SĐHP Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh mà sự phản ánh rõ hơn cả là trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để từ đó, kế thừa các giá trị của nó, cũng như lĩnh hội những tinh hoa qúy báu từ chủ nghĩa lập hiến của nhân loại (đáng chú ý nhất là kinh nghiệm soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của thế giới - Hiến pháp Mỹ năm 1787). Điều này có thể được lý giải bởi nhiều lý do, như:
Thứ nhất, trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích nguyên văn những lời bất hủ về các quyền tự nhiên của con người trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 04/7/1776 nổi tiếng toàn thế giới của nước Mỹ như: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. 
Thứ hai, khi SĐHP Việt Nam trong giai đoạn xây dựng NNPQ hiện nay, việc học hỏi, tham khảo kinh nghiệm lập hiến của Mỹ là cần thiết vì chính thế hệ những người đã tiến hành cuộc chiến tranh Cách mạng vì độc lập của Mỹ - những người Cha đã có công sáng lập ra nền Cộng hòa Mỹ như George Washington và Thomas Jefferson là các tác giả của bản Hiến pháp năm 1787 - nên vì thế, các nhà luật học Việt Nam cần phải: “tìm hiểu kỹ xem họ đã làm ra bản hiến pháp đó như thế nào và cùng với việc học hỏi bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, chúng ta có thể học hỏi được gì từ quá trình soạn thảo Hiến pháp Mỹ trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng một chính quyền mạnh và hiệu quả”11
Thứ ba, lịch sử tổ chức BMQL nhà nước của các quốc gia trên thế giới hàng nghìn năm qua đã chứng minh rằng, dù có được trong tay quyền lực nhà nước nhưng bất kỳ người cầm quyền nào dù có tài giỏi đến đâu cũng có thể phạm phải những sai lầm nhất định, nên chúng ta cần học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các NNPQ trên thế giới (nhất là khi năng lực quản lý yếu kém), vì qua vụ Vinasin đã “cho thấy sự yếu kém của công tác quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô”12.
Thứ tư, từ những khiếm khuyết của Hiến pháp năm 1992 đã phân tích trên đây, cũng như trên cơ sở nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật kiểu mới của Việt Nam cho phép khẳng định rằng, ba đặc tính nhân dân, dân chủ và pháp quyền là nội dung quan trọng nhất của một Nhà nước và nền pháp luật kiểu mới sau Cách mạng tháng 8/1945 mà Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng (thể hiện rõ nét nhất điều này là sự chỉ đạo sáng suốt của Người trong quá trình soạn thảo bản Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á). Thiết nghĩ, ba đặc tính cơ bản và đầy lòng nhân ái đối với nhân dân ta của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật cần phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong nhận thức khoa học đối với mỗi cán bộ, đảng viên có tâm vì Tổ quốc và nhân dân trong quá trình SĐHP Việt Nam lần thứ hai, cụ thể:
1) Về đặc tính nhân dân – HPSĐ lần thứ hai nhất thiết phải là bản Hiến pháp phản ánh rõ nét chủ quyền của nhân dân trong toàn bộ các quy định về tổ chức BMQL nhà nước. Vì theo Hồ Chí Minh, “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân...”, “là đày tớ, công bộc của nhân dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu cưỡi cổ dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”. “Nhân  dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ... nếu Chính phủ mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải lật đổ Chính phủ đó”, “Trong bầu trời này không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ bất kỳ ở cấp nào và ngành nào đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”, “Bao nhiêu lợi ích đều phải vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”; v.v..13.     
2) Về đặc tính dân chủ – HPSĐ lần thứ hai nhất thiết phải là bản Hiến pháp thể hiện trên thực tế sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào các hoạt động của quá trình tổ chức BMQL nhà nước. Vì Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được nhân dân...”, “Nước ta là nước dân chủ. Địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “Chính quyền nhân dân lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực... và có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng”, “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền”, nên “quyền phải giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”; v.v..14.
3) Và cuối cùng, về đặc tính pháp quyền, HPSĐ lần thứ hai nhất thiết phải là bản Hiến pháp ghi nhận đầy đủ và rõ ràng, khoa học và chính xác các cơ chế KSQL nhà nước (đặc biệt là cơ chế bảo hiến bằng nhánh QTP) để khắc phục thực trạng bất cập (đã phân tích trên đây) của các quy định trong Hiến pháp năm 1992. Vì quan niệm chủ quyền của nhân dân và dân chủ chỉ có thể được thực hiện trên thực tế bằng Hiến pháp và pháp luật trong NNPQ nên ngay từ năm 1922, trong tác phẩm “Việt Nam yêu cầu ca” Hồ Chí Minh đã khẳng định “Bảy xin hiến pháp ban hành; Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”15.  
Thứ năm, nếu có được nhận thức khoa học đúng đắn đối với những điều trên đây về một bản Hiến pháp mới dân chủ, nhân dân và pháp quyền thì hơn bao giờ hết, đó chính là sự thể hiện sinh động và thiết thực nhất kết quả của cuộc học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mà toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang triển khai suốt mấy năm qua. Vì rõ ràng là ngay từ Hiến pháp năm 1946, được soạn thảo dưới sự chỉ đạo anh minh và sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã ghi nhận tại Điều 21 rằng: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia”. Bởi lẽ, việc bảo đảm nguyên tắc chủ quyền của nhân dân trong tổ chức BMQL nhà nước Việt Nam hiện nay là ở chỗ: khi các cơ cấu trong BMQL nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đi theo truyền thống và tư tưởng “nhân dân làm nên tất cả” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hiện nay đều gắn bó mật thiết với hai từ “nhân dân” (như: các HĐND, UBND, VKSND, TAND, CAND hay QĐND, v.v..), thì HPSĐ cần trao cho nhân dân quyền trực tiếp bầu ra những người “công bộc” đại diện cho họ để thực hiện quyền lực ở cả hai nhánh quyền lực nhà nước còn lại mà Hiến pháp năm 1992 chưa quy định như: 1) Nhánh QHP - bầu Chủ tịch nước và các Chủ tịch UBND; 3) Nhánh QTP - các Thẩm phán TAND và Kiểm sát viên VKSND địa phương các cấp.
3.3. Xác định một cách đồng bộ những cơ sở khoa học, thực tiễn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam
Từ việc bảo đảm sự nhận thức, khoa học thống nhất và biện chứng đã được phân tích trên đây, theo chúng tôi, việc SĐHP năm 1992 (lần thứ hai) trong giai đoạn xây dựng NNPQ Việt Nam cần phải được xác định một cách đồng bộ và dựa trên những cơ sở khoa học, thực tiễn khách quan, có căn cứ và bảo đảm sức thuyết phục sau đây:
Một là, việc SĐHP cần bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn pháp lý, cũng như những điều kiện cụ thể hiện nay của Việt Nam (về kinh tế, xã hội, tâm lý, đạo đức, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, truyền thống, v.v..) để sau khi được thông qua, các quy định của Hiến pháp đã được sửa đổi, bổ sung (Hiến pháp sửa đổi - HPSĐ) sẽ thực sự là những căn cứ pháp lý nền tảng cho hệ thống pháp luật quốc gia, cũng như cho việc điều chỉnh những nhóm vấn đề chủ yếu tương ứng với các lĩnh vực cơ bản và quan trọng nhất trong sinh hoạt nhà nước, xã hội.
Hai là, việc SĐHP cần phải đáp ứng được các quan hệ xã hội đang tồn tại ở Việt Nam đương đại trong gần 20 năm qua (kể từ khi Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực) và có tính đến sự phát triển tiếp tục của các QHXH này trong tương lai để sau khi được thông qua, các quy định của HPSĐ có thể đi vào cuộc sống.
Ba là, việc SĐHP cần có sự lĩnh hội được các tư tưởng pháp lý tiến bộ và dân chủ với tư cách là những tinh hoa của nền văn minh nhân loại (như: sự tôn trọng và bảo vệ các quyền và tự do của con người và của công dân; sự phân công, phối hợp và kiểm soát để tạo ra cơ chế kiểm tra và cân bằng giữa các nhánh quyền lực nhà nước; sự BVHP bằng nhánh QTP, v.v..) – các nguyên tắc và các quy phạm được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế, cũng như có sự tham khảo và lựa chọn kinh nghiệm lập hiến tốt, tiến bộ và dân chủ của các NNPQ trên thế giới.
Bốn là, việc SĐHP phải góp phần thúc đẩy một cách tích cực cho thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp xây dựng NNPQ, phát triển và củng cố các thiết chế của xã hội dân sự và, thành công của công cuộc cải cách tư pháp trên đất nước Việt Nam. 
Và cuối cùng, năm là, việc SĐHP cần phải dựa trên tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh, mà sự thể hiện rõ nét nhất quan điểm này của Người là thực tiễn lập hiến của đất nước thông qua các quy định của Hiến pháp Việt Nam năm 1946.
3.4. Xác định một cách đầy đủ, khoa học và chính xác phạm vi những vấn đề chủ yếu cần được điều chỉnh trong Hiến pháp sửa đổi
Từ sự suy ngẫm về những vấn đề đã được phân tích trên đây, đối chiếu với các quy định trong Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở các quy luật chung, biện chứng và tất yếu của lịch sử nhà nước và pháp luật đang diễn ra trên thế giới, cũng như khát vọng nhân dân ta và những điều kiện cụ thể của đất nước, đồng thời căn cứ vào các QHXH đang tồn tại và sẽ phát triển trong tương lai ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng, nên chăng trong lần sửa đổi, bổ sung thứ hai này, Hiến pháp mới của nước ta cần điều chỉnh ít nhất là năm nhóm QHXH chủ yếu tương ứng với ít nhất là 18 lĩnh vực chủ yếu và quan trọng nhất trong sinh hoạt nhà nước, xã hội sau đây16:
Thứ nhất, nhóm những vấn đề liên quan đến ba chế độ hiến định lớn của một quốc gia là: chế độ chính trị (1), chế độ kinh tế (2) và chế độ xã hội (3).
Thứ hai, nhóm những vấn đề liên quan đến địa vị pháp lý của cá nhân là: chế định các quyền con người (4), chế định nghĩa vụ của công dân (5) và hệ thống các cơ chế pháp lý để bảo vệ các quyền hiến định này ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế (6).
Thứ ba, nhóm những vấn đề liên quan đến một loạt các chế  định về tổ chức, thực hiện và KSQL nhà nước là: QLP (7), QHP (8), QTP (9), quyền kiểm sát - QKS (10) nếu Quốc hội vẫn tiếp tục giữ nguyên việc tổ chức hệ thống VKS như hiện nay và, chính quyền địa phương (11).
Thứ tư, nhóm những vấn đề liên quan đến quy trình lập hiến bao gồm: soạn thảo (12), sửa đổi (13), bổ sung (14), thông qua (15) và công bố (16) Hiến pháp, cũng như hiệu lực của Hiến pháp (17).
Và cuối cùng, thứ năm - nhóm những vấn đề liên quan đến các quy định chuyển tiếp (18) để điều chỉnh hiệu lực tạm thời của các quy định pháp luật hiện hành và thẩm quyền của một số chức vụ nhà nước thuộc các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nếu không trái với các quy định của HPSĐ.
(1) Êbzeev B.X, Hiến pháp-Nhà nước pháp quyền-Tòa án Hiến pháp, Tập bài giảng dành cho các Trường Đại học, NXB. Đạo luật và pháp luật, Maxcova, 1997, tr. 12 (tiếng Nga).
(2) TSKH. GS A.E.Kozlôv (chủ biên), Luật Hiến pháp, Giáo trình dành cho các Trường Đại học luật và các khoa luật, NXB. BEK, Maxcơva, 1996, tr. 28 (tiếng Nga).
(3) Xem cụ thể hơn: Các Hiến pháp của các nước ngoài Đông Âu, Tập bài giảng và tra cứu, NXB. Norma-Infra. Maxcova, 1996 (tiếng Nga); Các Hiến pháp của các nước ngoài - Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Nhật Bản, Canada (Xuất bản lần thứ 2 có sửa đổi và bổ sung), NXB. BEC, Maxcơva, 1997 (tiếng Nga).
(4) Phạm Văn Hùng, Sự cần thiết phải kế thừa, bổ sung cơ chế tổ chức quyền lực trong Dự thảo Cương lĩnh, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 19 -tháng 10/2010, tr. 12.
(5) Ngô Huy Cương, Luật hiến pháp và văn hóa chính trị, trong sách: Bàn về lập hiến (Tập thể tác giả do TS. Phạm Văn Hùng chủ biên), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2010, tr. 50.
(6) Hồng Chanh, Tìm cơ chế bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, Trong Bản tin “Luật sư ngày nay” (Bản tin của Đoàn Luật sư Hà Nội), số 6/2005,  tr. 5. Bài viết tổng thuật các ý kiến tại Hội thảo khoa học “Cơ chế bảo hiến ở Việt Nam” do Ban Công tác lập pháp của UBTVQH khóa XI tổ chức tại Nghệ An (TP. Vinh, tháng 5/2005).
(7) Xem cụ thể hơn: Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế về bảo hiến, NXB. Thời đại, Hà Nội, 2009; Đào Trí Úc, Nguyễn Như Phát (Đồng chủ biên), Tài phán Hiến pháp và vấn đề xây dựng mô hình tài phán Hiến pháp ở Việt Nam (Sách chuyên khảo), NXB. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007; Đào Trí Úc, Võ Khánh Vinh (Đồng chủ biên), Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay (Sách chuyên khảo), NXB. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003.
(8) Bùi Ngọc Sơn, Tiền cảnh chế độ bảo hiến ở Việt Nam, Trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế về bảo hiến, NXB. Thời đại, Hà Nội, 2009, tr. 69.
(9) Xem cụ thể hơn: Các Hiến pháp của các nước ngoài Đông Âu,... (Tlđd).
(10) Xem cụ thể hơn: Các Hiến pháp của các nước ngoài- Hợp chúng quốc Hoa Kỳ,... (Tlđd;  Các Hiến pháp mới của các nước SNG và Ban Tích, Tập các văn kiện (Xuất bản lần thứ 2 do Nhà hoạt động khoa học Công huân của Liên bang Nga, GS.TSKH  N.A.Mikhaleva  chủ biên và viết Lời giới thiệu), NXB. Manuxcpirint, Maxcơva, 1997 (tiếng Nga).
(11) Nguyễn Cảnh Bình (Biên soạn), Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?, Tái bản lần thứ ba, NXB. Tri thức, Hà Nội, 2009,  tr. 27.
(12) Phạm Văn Hùng, Sự cần thiết phải kế thừa... (tlđd), tr. 12.
(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 270; Tập 4, NXB. Sự thật. 1984, tr. 15-19; Toàn tập, Tập 7, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 35-36; Tập 1, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 438; Phạm Ngọc Anh, Quan niệm của Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5/2011, tr. 5.
(14) Nguyễn Năng Nam, Trịnh Vương Cường, Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ trong xã hội, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 9, tháng 5/2011, tr. 6.
(15) Thái Vĩnh Thắng, Tìm hiểu triết học pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 2+3, tháng 1+2 /2011, tr. 25-28.
(16) Xem thêm: Lê Văn Cảm, Chế định kiểm tra Hiến pháp trong NNPQ và mô hình lý luận về việc tổ chức thực thi chế định này ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước & Pháp luật, số 5/2009; Lê Văn Cảm, Sửa đổi Hiến pháp năm 1992- cơ cấu chung và các quy định cơ bản về tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 22, tháng 11/2010; Lê Văn Cảm, Nguyễn Cảnh Hợp, Các quy phạm hiến định về quyền lập pháp trong giai đoạn xây dựng NNPQ Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 5, tháng 3/2011; Lê Văn Cảm, Nguyễn Khắc Hải, Tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước trong xây dựng NNPQ Việt Nam dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12, tháng 6/2011; Lê Văn Cảm, Trịnh Tiến Việt, Nguyễn Khắc Hải, Các quy định cơ bản về quyền tư pháp trong Hiến pháp của giai đoạn xây dựng NNPQ Việt Nam, Tạp chí Khoa học (Chuyên san Luật) của Đại học Quốc gia Hà Nội, số 02/2011.


GS, TSKH. Lê Văn Cảm - Trưởng Bộ môn Tư pháp hình sự của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Vũ Văn Huân - Văn phòng Quốc hội.

No comments:

Post a Comment