Thursday, February 9, 2012

Lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp – những vấn đề phổ biến và đặc thù quốc gia

Lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp – những vấn đề phổ biến và đặc thù quốc gia
Lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp – những vấn đề phổ biến và đặc thù quốc gia
       Hiện nay, khi vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992 được đặt ra, thì việc nghiên cứu để “xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”1 là cần thiết. Việc xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp theo hướng nào đang là vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau. Trên cơ sở phân tích những yếu tố lịch sử, văn hóa và bối cảnh chính trị nước ta, bài viết kiến nghị một mô hình tài phán hiến pháp. Mô hình này phản ánh, bám sát hoàn cảnh chính trị hiện tại của Việt Nam và cũng tham chiếu thông lệ quốc tế, những chuẩn mực được xem là phổ biến, văn minh, tiến bộ.
1. Mô hình tài phán hiến pháp tập trung hay phi tập trung
Khi một quốc gia có ý định xây dựng nền tài phán hiến pháp, họ thường tham khảo mô hình của các quốc gia láng giềng. Điều này giống việc chúng ta quyết định xây một ngôi nhà mới thì cần khảo sát địa chất của mảnh đất nhà mình và tham khảo mẫu thiết kế của những ngôi nhà đẹp trong làng.
Tài phán hiến pháp của các quốc gia trên thế giới có thể được chia làm hai mô hình chính: mô hình tài phán hiến pháp phi tập trung, có khởi nguồn từ Hoa Kỳ và mô hình tài phán hiến pháp tập trung có khởi nguồn từ nước Áo và sau đó được hiện đại hóa ở nước Đức. Vì vậy, việc cân nhắc mô hình tài phán hiến pháp cho Việt Nam ngày nay cũng xuất phát từ việc phân tích ưu, nhược điểm của hai mô hình trên điều kiện “thổ nhưỡng” Việt Nam.
Đứng trước lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp tập trung hay phi tập trung, thì những băn khoăn, lập luận của Hans Kelsen người Đức gần một trăm năm trước vẫn có giá trị tham khảo rất lớn cho Việt Nam hôm nay.
Vào năm 1920, khi tài phán hiến pháp được thiết lập tại nước Áo, mô hình phi tập trung của Hoa Kỳ được cân nhắc, nhưng mô hình này không được tiếp nhận tại nước Áo, cũng như toàn châu Âu sau này. Ở châu Âu lục địa thế kỷ 19, ảnh hưởng của nguyên tắc “nghị viện là tối cao” (nghị viện là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất) còn rất mạnh, vì vậy rất khó thuyết phục các chính trị gia đương thời chấp nhận việc tòa án hiến pháp có thể xem xét lại và tuyên bố một đạo luật là vi hiến. Để tránh xung đột với nguyên tắc “nghị viện là tối cao”, Hans Kelsen đã tìm ra cách giải thích mới về tài phán hiến pháp. Kelsen cho rằng, tài phán hiến pháp không phải là tư pháp mà là lập pháp phủ định (một phần của lập pháp): “việc hủy bỏ một đạo luật có đặc điểm quy phạm như việc ban hành một đạo luật. Việc hủy bỏ một đạo luật tương đương với việc ban hành một đạo luật nhưng chỉ thêm dấu trừ (dấu phủ định) ở đằng trước. Bởi vậy, việc hủy một đạo luật cũng là thực hiện chức năng lập pháp và một tòa án hủy một đạo luật cũng là một cơ quan thuộc quyền lực lập pháp. Do đó, chúng ta có thể tưởng tượng việc hủy bỏ một đạo luật thông qua tòa án tương đương một cuộc “giải phẫu” quyền lực lập pháp và trao quyền lực lập pháp cho hai cơ quan”2.
Việc trong mô hình phi tập trung của Hoa Kỳ cho phép bất kỳ tòa án nào cũng có thể từ chối áp dụng một đạo luật của Quốc hội với lý do vi hiến là điều không thể chấp nhận được theo suy nghĩ của người châu Âu lúc bấy giờ. Cho đến tận ngày nay, mô hình tài phán hiến pháp phi tập trung vẫn không thể áp dụng ở châu Âu còn bởi ở châu Âu lục địa không có truyền thống án lệ mạnh như Hoa Kỳ. “Nguyên tắc stare decisis còn xa lạ với các thẩm phán thuộc hệ thống luật châu Âu lục địa, và nếu trong bối cảnh như vậy, chúng ta cho phép mỗi thẩm phán tự mình quyết định về tính hợp hiến của một đạo luật thì có thể dẫn đến hiện tượng một đạo luật có thể bị thẩm phán thứ nhất từ chối áp dụng với lý do bất hợp pháp, nhưng lại được các thẩm phán ở một tòa án khác coi là hợp hiến và áp dụng nó. Thêm vào đó, việc thiếu nguyên tắc stare decisis có thể dẫn đến hiện tượng, cùng một tòa án, nhưng hôm nay tòa án cho rằng một đạo luật nào đó là bất hợp hiến, từ chối áp dụng nó; nhưng ngày kia, trong một vụ án khác, các thẩm phán lại thay đổi ý kiến ”.3
Thêm nữa, kinh nghiệm và kỹ năng của các thẩm phán châu Âu (cho đến tận ngày nay) vẫn có cái gì đó khác biệt với các đồng nghiệp Hoa Kỳ. Ở châu Âu, các thẩm phán tương lai thông thường đi theo lộ trình: học đại học, sau đó làm thư ký tòa án trước khi được bổ nhiệm làm thẩm phán. Bởi vậy, Hans Kelsen cho rằng các thẩm phán thông thường ở châu Âu không có đủ kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết để có thể trở thành “thẩm phán hiến pháp” (thẩm phán làm việc tại một tòa án có quyền tài phán hiến pháp).
Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, tất cả các thẩm phán, không phân biệt cấp nào, tòa nào đều có kinh nghiệm khá dày dặn bởi hai lý do mà thẩm phán châu Âu lục địa không có được.
Thứ nhất, để trở thành sinh viên luật học ở châu Âu, ứng viên chỉ cần tốt nghiệp phổ thông; trong khi đó, để trở thành sinh viên luật học ở Hoa Kỳ bắt buộc ứng viên phải có bằng cử nhân hoặc kỹ sư của một lĩnh vực khác. Điều này có nghĩa sinh viên luật học ở Hoa Kỳ đã am hiểu sâu một ngành lĩnh vực cụ thể của cuộc sống ngay từ lúc bước vào giảng đường luật học.
Thứ hai, các thẩm phán ở châu Âu lục địa thường được lựa chọn trong số các thư ký tòa án. Ngược lại, các thẩm phán ở Hoa Kỳ chủ yếu được lựa chọn từ các luật sư danh tiếng và có đạo đức tốt. So với các thư ký tòa án thì kinh nghiệm và kỹ năng của các luật sư này có thể sánh như bậc thầy4.
Liệu bối cảnh, đặc thù của châu Âu lục địa có nét tương đồng nào với Việt Nam ngày nay? Liệu những những quan ngại của GS Hans Kelsen và GS Cappellti về việc áp dụng mô hình tài phán Hoa Kỳ có giống những quan ngại mà chúng ta cần xem xét ở Việt Nam?
Chúng tôi cho rằng, sẽ có nhiều nét tương đồng, vì hệ thống pháp luật Việt Nam thuộc họ pháp luật châu Âu lục địa. Chế độ thuộc địa của người Pháp trong tám mươi năm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là dân luật và hệ thống tòa án. Những đặc điểm pháp luật châu Âu lục địa lại được củng cố, gia tăng thêm lần nữa trong hai mươi năm “tình hữu nghị Việt - Xô”. Những tư tưởng, học thuyết pháp luật châu Âu lục địa lần này đến với luật gia, chính trị gia Việt Nam bằng những phiên bản tiếng Nga.
Khác với thời kỳ Pháp thuộc, ba mươi năm chiến tranh của Hoa Kỳ (chủ nghĩa đế quốc) để lại rất ít dấu vết của hệ thống Common Law. Và các dấu vết ít ỏi này cũng bị tẩy rửa sau năm 1975.
Dấu vết rõ ràng nhất của hệ thống pháp luật châu Âu lục địa có thể tìm thấy tại Điều 83 Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam. Quan điểm Quốc hội là “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” rất gần với quan điểm “volonté générale” của người Pháp ở thế kỷ 20 và đặc biệt gần gũi với quan niệm về Soviet của người Nga.
Lý do thứ hai liên quan tới quan ngại của Capellti về thiếu hệ thống án lệ thì những quan ngại đó còn nguyên giá trị. Vì nếu như ở châu Âu lục địa lúc bấy giờ thiếu truyền thống án lệ mạnh, hiện nay ở Việt Nam án lệ còn chưa được công nhận chính thức, mà chỉ tồn tại rải rác, “ẩn” trong các Nghị quyết tổng kết công tác xét xử của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Thời gian gần đây, án lệ mới bắt đầu được đề cập đến trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Ngoài ra, kinh nghiệm, kỹ năng của thẩm phán Việt Nam hiện nay cũng còn yếu. Con đường trở thành thẩm phán ở Việt Nam rất giống ở châu Âu lục địa. Bởi nguyên tắc Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cũng như thực trạng chất lượng thẩm phán chưa cao nên việc áp dụng mô hình tài phán hiến pháp phi tập trung ở Việt Nam là điều không tưởng.
Việc từ chối áp dụng mô hình tài phán hiến pháp phi tập trung không có nghĩa rằng tất cả các luật gia Việt Nam sẽ nhất trí lựa chọn mô hình Áo - Đức, mà vẫn có ý kiến gợi ý mô hình Hội đồng Hiến pháp của người Pháp (Conseil constitutionnel)5 vì mô hình Hội đồng Hiến pháp đưa ra chỗ về hưu danh giá cho các chính trị gia hàng đầu, nên sẽ dễ bề nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia này. Hơn nữa, mô hình Hội đồng Hiến pháp đã được một quốc gia cận kề là Căm-pu-chia áp dụng.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, mô hình này là không hợp lý, bởi lẽ trước hết, mô hình Hội đồng Hiến pháp không thể hoàn toàn phán quyết về tất cả những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, cái mà đường lối của Đảng yêu cầu cũng như rất nhiều luật gia Việt Nam mong mỏi. Điều đó là dễ hiểu bởi Hội đồng Hiến pháp chỉ có chức năng phòng hiến (phòng ngừa vi phạm hiến pháp), còn đối với các vi phạm hiến pháp đã xảy ra, Hội đồng Hiến pháp đành bất lực quay mặt đi6. Đối với công dân Pháp, sau năm 1992 họ có thể mang vụ việc, trong đó quyền lợi của họ bị xâm hại bởi các hành vi vi hiến lên Tòa án Cộng đồng châu Âu. Dĩ nhiên, khi Hội đồng Hiến pháp Việt Nam (nếu được thành lập theo kiến nghị nói trên) thúc thủ trước hành vi vi hiến, thì công dân Việt Nam không thể kêu cứu lên Tòa án Cộng đồng châu Âu, và càng không thể kêu cứu lên Tòa án ASEAN, vì một thiết chế tương tự như Tòa án Cộng đồng châu Âu chưa được thiết lập cho công dân Việt Nam. Thứ hai, Hội đồng Hiến pháp mang nhiều đặc điểm là một cơ quan chính trị, chứ không phải là một cơ quan tài phán bởi theo mô hình này, một số thành viên của Hội đồng Hiến pháp không cần có trình độ cử nhân luật học, không cần trình độ chuyên môn7. Thứ ba, thủ tục tại Hội đồng Hiến pháp không công khai và thiếu đặc trưng của thủ tục tố tụng. Cuối cùng, mặc dầu đã có thêm một lớp lưới an toàn là Tòa án Cộng đồng châu Âu, nhưng người Pháp hiện nay cũng không hài lòng với Hội đồng Hiến pháp, nên đang thảo luận việc sửa đổi, hủy bỏ nó8.
Ngoài mô hình Hội đồng Hiến pháp, một vài chính trị gia còn đề xuất mô hình mà chức năng tài phán hiến pháp sẽ được thực hiện bởi Ủy ban của Quốc hội, tương tự như chức năng giải thích hiến pháp hiện nay được thực hiện bởi Ủy ban thường vụ Quốc hội. Mô hình này cũng từng được thảo luận vào thời điểm nước Áo lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp cho mình. Hans Kelsen lúc đó cho rằng, mô hình này là một ý tưởng ngây thơ về mặt chính trị. Ông viết: “trong bất kỳ trường hợp nào, dù là nhằm bảo đảm tính hợp pháp cũng như bảo đảm tính hợp hiến thì không nên trao quyền xem xét và hủy bỏ hành vi bất hợp pháp, bất hợp hiến cho chính cơ quan đã có hành vi (ban hành ra) hành vi bất hợp pháp, bất hợp hiến9”. Và “Chỉ có thể cầu đến một cơ quan độc lập với cơ quan lập pháp, cũng như độc lập với bất kỳ cơ quan nhà nước khác thì mới có thể hủy các hành vi vi hiến của các nhà lập pháp. Đó chính là định chế của một tòa án hiến pháp10”.
Việc phân tích hai mô hình tài phán hiến pháp chính trên thế giới và hai luồng ý kiến khác nhau cho chúng ta kết quả rằng: mô hình tài phán hiến pháp tập trung theo kiểu Áo - Đức, với một số điểm cải biên, là phù hợp nhất với bối cảnh lịch sử, văn hóa, chính trị của Việt Nam hiện nay. Kinh nghiệm về tài phán hiến pháp của hai quốc gia láng giềng Hàn Quốc, Thái Lan cũng cho thấy mô hình phi tập trung kiểu Áo - Đức là phù hợp nhất với bối cảnh văn hóa châu Á. Thật thú vị là mô hình tài phán hiến pháp tập trung đã tồn tại và thu được nhiều thành công trên chính mảnh đất Việt Nam trước những năm 1975.

2. Xây dựng một tòa án hiến pháp độc lập
Các luật gia Việt Nam có thể dễ dàng thống nhất về mô hình tài phán hiến pháp tập trung vì những lý do nêu trên, nhưng việc tổ chức cơ quan tài phán hiến pháp tập trung như thế nào thì thường có hai phiên bản. Ở phiên bản thứ nhất, chức năng tài phán hiến pháp sẽ được thực hiện bởi một tòa án riêng độc lập với tòa án tối cao. Ví dụ như ở Đức, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga. Ở phiên bản thứ hai, chức năng tài phán hiến pháp sẽ được thực hiện bởi chính tòa án tối cao. Tòa án tối cao trong mô hình này sẽ thực hiện các chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các loại tài phán hình sự, dân sự, hành chính... đồng thời thực hiện tài phán hiến pháp. Trong tòa án tối cao có thể thành lập ra Ban tài phán hiến pháp nhưng ban này chỉ có chức năng nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ, đưa ra ý kiến tư vấn cho Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao, ví dụ như Tối cao pháp viện theo Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa 1967.
Về chiến lược dài hạn cho Việt Nam, chúng tôi cho rằng, chúng ta nên theo phiên bản thứ nhất: Thành lập một Tòa án hiến pháp độc lập, bởi:
Thứ nhất , sợi dây giữa tài phán hiến pháp và chính trị phức tạp hơn, gần hơn so với các loại tài phán khác như tài phán hình sự, dân sự. Vì vậy, nhằm bảo đảm sự vô tư cho tài phán hiến pháp cần áp dụng các biện pháp bổ sung so với các loại hình tài phán khác. Việc tách biệt tòa án hiến pháp ra khỏi tòa án tối cao sẽ tạo điều kiện dễ dàng và hiệu quả hơn cho việc áp dụng các biện pháp này, qua đó tạo ra sự độc lập cao cho tòa án hiến pháp.
Thứ hai, điều này nằm ở khả năng lựa chọn nơi đặt trụ sở của tòa án hiến pháp. Kinh nghiệm từ việc Tòa án hiến pháp Liên bang Đức không đặt tại trung tâm chính trị Berlin hay Bonn mà đặt ở Karlsruhe có thể xem là một bài học quý trong vấn đề bảo đảm sự độc lập cho tài phán hiến pháp ở Việt Nam. Về điểm này, Otto Depenheuer, trong cuốn sách “Tài phán hiến pháp và vấn đề xây dựng mô hình tài phán hiến pháp ở Việt Nam”11 đã viết như sau: Nhằm tăng cường niềm tin vào thẩm phán thì các thẩm phán cần tự mình giữ khoảng cách với các quyền lực chính trị. Sự xa cách về mặt địa lý giữa tòa án và trung tâm chính trị (tác giả ám chỉ Berlin) sẽ làm cho việc giữ gìn kỷ luật và trách nhiệm vô tư của thẩm phán sẽ được nhẹ nhàng hơn.
Nếu muốn giữ khoảng cách về mặt địa lý giữa trụ sở của tài phán hiến pháp với trung tâm chính trị thì phiên bản thứ hai (tài phán hiến pháp là một chức năng của tòa án tối cao) sẽ không thể đáp ứng được vì Tòa án nhân dân tối cao đã đặt trụ sở tại Hà Nội. Theo ý kiến cá nhân, sẽ rất có ý nghĩa nếu Tòa án hiến pháp tương lai của Việt Nam đặt trụ sở tại thành phố trung tâm khác Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài việc giảm thiểu sự can thiệp chính trị, tăng tính độc lập của tòa án, thì việc đặt trụ sở tòa hiến pháp ngoài hai thành phố này còn có ý nghĩa giảm áp lực đô thị hóa cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Thứ ba , lương bổng của thẩm phán, cũng như công chức hiện nay là khá thấp, nói chung chủ yếu dựa vào thâm niên mà ít căn cứ vào tài năng hay vị trí công việc đảm nhận. Bất cập này chưa thể một sớm một chiều khắc phục được trên diện rộng thì cũng cần phải được khắc phục trong phạm vi các thẩm phán hiến pháp. Ngoài ra, chu trình bổ nhiệm, nhiệm kỳ, trách nhiệm của thẩm phán hiến pháp - những người được xem là tinh túy của nền luật học Việt Nam - cũng cần phải khác biệt với các thẩm phán của Tòa án nhân dân hiện nay. Những biện pháp đãi ngộ riêng nói trên nhằm nâng cao tính độc lập, đạo đức, chuyên môn của thẩm phán hiến pháp chỉ có thể phát huy dễ dàng trong mô hình thiết lập một Tòa án hiến pháp độc lập với Tòa án nhân dân hiện nay.
Thứ tư , Tòa án hiến pháp độc lập sẽ tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho tài phán hiến pháp, tách biệt so với diện mạo của hệ thống tòa án hiện nay. Chúng ta không nên xem nhẹ ý nghĩa của điều này, vì tài phán hiến pháp hầu như không có cơ quan cưỡng chế riêng biệt. Việc tuân thủ phán quyết của Tòa án hiến pháp phụ thuộc vào tập quán chính trị, bối cảnh chính trị và sự tôn trọng của công chúng cũng như của các chính trị gia dành cho Tòa án hiến pháp. Nói cách khác, danh tiếng của Tòa án hiến pháp càng cao thì khả năng công luận đòi hỏi sự tuân thủ phán quyết của Tòa án hiến pháp càng lớn. Trong khi đó, danh tiếng của Tòa án nhân dân tối cao qua những vụ án rắc rối tương tự như vụ án Huỳnh Văn Nam12 hay vụ án Vườn Điều chưa thể một sớm một chiều nhận được sự ủng hộ cần thiết13 của công luận đủ để tạo nên áp lực chính trị buộc các cơ quan chính trị hàng đầu của Việt Nam với tư cách là bị đơn tuân thủ phán quyết của Tòa án. Việc thành lập Tòa án hiến pháp mới sẽ cho phép danh tiếng của tổ chức này thoát ly những vụ án bị chỉ trích nhiều của Tòa án nhân dân tối cao14.
Thứ năm, vấn đề liên quan đến tính mở trong nguồn bổ nhiệm thẩm phán hiến pháp. Nếu phiên bản thứ hai được lựa chọn, thì khả năng lớn là chức năng tài phán hiến pháp sẽ được thực hiện bởi một bộ phận của Tòa án nhân dân tối cao, giống như việc thiết lập tài phán hành chính ở Việt Nam năm 1996. Khi đó, một hiện tượng tương tự sẽ xảy ra: các thẩm phán tài phán hiến pháp (năm 1996 là thẩm phán hành chính) sẽ được lựa chọn không phải từ bên ngoài, mà chủ yếu thuyên chuyển các thẩm phán đương nhiệm ở tòa hình sự, dân sự, kinh tế của Tòa án nhân dân tối cao sang làm thẩm phán hiến pháp (năm 1996 là thẩm phán hành chính). Nếu điều này xảy ra sẽ khó lòng bảo đảm tính chuyên môn, vì hầu hết các thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ thạo về luật hình sự, dân sự, kinh doanh, hành chính... chứ không phải là luật hiến pháp. 
Nếu phiên bản thứ nhất được chấp nhận (thiết lập Tòa án hiến pháp độc lập) thì tính mở của việc bổ nhiệm thẩm phán sẽ được cải thiện hơn nhiều; đặc biệt là các giáo sư luật học, chính trị học, các luật gia nổi tiếng sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại Tòa án hiến pháp.
Thứ sáu, điều này liên quan đến kinh nghiệm đã từng xảy ra với tài phán hành chính. Năm 1996, tài phán hành chính được thiết lập ở Việt Nam như là một bộ phận của Tòa án nhân dân tối cao. Các thẩm phán hình sự, dân sự đương nhiệm sau một đêm “được” trở thành - hay “bị” trở thành - thẩm phán hành chính. Họ đều có chung dự đoán là trong năm năm đầu thì tài phán hành chính sẽ trong tình trạng “vườn hồng có lối nhưng không ai vào”, nên các thẩm phán hình sự, dân sự giỏi không muốn trở thành thẩm phán hành chính. Và sự tiên tri này dường như đã ứng vận trong năm năm đầu tiên của tài phán hành chính: Các thẩm phán hành chính có thời gian trung bình dành cho uống trà, đọc báo nhiều hơn các đồng nghiệp của mình. Nếu lựa chọn phiên bản thứ hai thì khả năng lớn là kinh nghiệm không mấy vui vẻ của thẩm phán hành chính năm 1996 sẽ lặp lại với thẩm phán hiến pháp. 
Mặc dầu có sáu ưu điểm vượt trội nói trên, nhưng trong vòng bảy năm tới, khả năng hiện thực hóa của phiên bản thứ nhất thấp hơn phiên bản thứ hai. Do phiên bản thứ nhất, trước mắt thiếu những động lực chính trị vận động hành lang cho nó. Hay nói cách khác, trong giai đoạn quá độ có thể chấp nhận phiên bản thứ hai trong mười năm đầu tiên của tài phán hiến pháp. Tác giả sẽ phân tích những động lực chính trị này và trình bày sâu về phiên bản thứ hai ở một bài viết khác.
Việc chấp nhận phiên bản thứ hai (trao cho Tòa án nhân dân tối cao hiện hành thực hiện chức năng tài phán hiến pháp) như là một giải pháp quá độ là hợp lý. Nhưng việc chấp nhận mô hình Hội đồng Hiến pháp như là một giải pháp quá độ thì không nên, vì việc chuyển đổi từ phiên bản thứ hai sang phiên bản thứ nhất sau mười năm quá độ sẽ diễn ra dễ dàng, còn việc chuyển đổi từ mô hình Hội đồng Hiến pháp sang một nền tài phán hiến pháp thực thụ như Áo, Đức, Hoa Kỳ là điều nan giải mà người Pháp hiện nay đang phải đối mặt.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 127.
(2) Hans Kelsen, im Wesen und Entwicklung der Staatsgerichtsbarkeit - Überprüfung von Verwaltungsakten durch die ordentlichen Gerichte, Walter de Gruyter & Co. Berlin, 1928, tr. 54.
(3) Cappelleti (1989:140) dẫn theo Georg Vanberg, G. (2005), The politics of constitutional review in Germany, Cambridge Univ. Press, 2005, S, 79.
(4) Georg Vanberg, sđd , tr. 79.
(5) Bùi Ngọc Sơn, Bảo hiến ở Việt Nam, NXB Tư pháp. Hà Nội. 2005, Tr. 110.
(6) Mels, P. (2003). Bundesverfassungsgericht und Conseil de Constitution: ein Vergleich der Verfassungsgerichtsbarkeit in Deutschland und Frankreich im Spannungsfeld zwischen der Euphorie für die Krönung des Rechtsstaats und der Furcht vor einem “gouvernement des juges”. München, Vahlen.
(7) Philipp Mels, sđd, tr. 130.
(8) Võ Trí Hảo, Hà Thu Thủy, Những vấn đề lý luận của việc thành lập tài phán Hiến pháp ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 5(121), tháng 5/2008.
(9) Hans Kelsen, sđd, tr. 53.
(10) Hans Kelsen, sđd, tr. 53.
(11) Đào Trí Úc - Nguyễn Như Phát (Chủ biên), Tài phán hiến pháp và vấn đề xây dựng mô hình tài phán hiến pháp tại Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 57.
(12) LS. Ngô Bảo Trâm, Ngô Minh Hưng, Công lý không thể có “điểm dừng”, xem tại: http://phapluattp.vn/198556p1015c1074/cong-ly-khong-the-co-diem-dung.htm; Nghĩa Nhân, Quốc hội cần bảo vệ quan điểm tăng quyền cho luật sư, xem tại: http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2003/06/3b9c8b21/; Án “đụng trần” vẫn có thể xét xử lại, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, xem tại: http://www.baomoi.com/An-dung-tran-van-co-the-xu-lai/121/3080967.epi
(13) LS. Ngô Bảo Trâm, Ngô Minh Hưng, Công lý không thể có “điểm dừng”,
          xem tại: http://phapluattp.vn/198556p1015c1074/cong-ly-khong-the-co-diem-dung.htm 
(14) Trả lời phỏng vấn của Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển trong bài viết, Án “đụng trần” vẫn có thể xét xử lại, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, xem tại:http://www.baomoi.com/An-dung-tran-van-co-the-xu-lai/121/3080967.epi

TS. Võ Trí Hảo - Khoa Luật kinh tế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

No comments:

Post a Comment