Friday, February 17, 2012

Thực trạng, quan điểm và hướng sửa đổi các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam (Phần 1)


Thực trạng các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Hiến pháp năm 1992 dành 55 điều (Điều 3, 5, 6, 7, 10, 11, 12, 16, 18, 20, 22, 25, 28, 29, 32, 34, 35, 36, 40, 42, 44, 49, 50 - 82) quy định 11 nguyên tắc chung (có 6 nguyên tắc mới so với Hiến pháp năm 1980), 96 quyền cơ bản (có 33 quyền mới) và 43 nghĩa vụ cơ bản (có 15 nghĩa vụ mới) của công dân.
Hiến pháp năm 1992 dành 8 điều (Điều 25, 49, 50 – 52, 75, 81, 82) quy định 11 nguyên tắc. Cụ thể gồm: nguyên tắc pháp lý để một cá nhân được thừa nhận là công dân Nước CHXHCN Việt Nam (Điều 49); tôn trọng quyền con người (Điều 50 - mới); quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân (Điều 51); Nhà nước bảo đảm quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội (Điều 51); quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định (Điều 51 - mới); mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật (Điều 52); Nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp đối với vốn, tài sản và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (Điều 25 - mới); Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Điều 75 - mới); người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam (Điều 81 - mới), Nhà nước Việt Nam bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam (Điều 81 - mới); Nhà nước Việt Nam xem xét việc cho cư trú đối với người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ, hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại (Điều 82).
Các quy định về các quyền cơ bản của công dân Việt Nam nằm trong các Chương I, II, III và V của Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1992 đã dành 34 điều (Điều 3, 5, 6, 7, 11, 16, 18, 20, 28, 32, 49, 53 – 74, 77) quy định 96 quyền cơ bản của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế và xã hội, trong đó có 33 quyền mới so với Hiến pháp năm 1980. Có 56 quyền được quy định một cách trực tiếp theo các công thức: chủ thể quyền + có quyền...; chủ thể quyền + động từ; hoặc chủ thể quyền + được. Và có 40 quyền được quy định một cách gián tiếp bằng nhiều phương thức khác nhau: hoặc chủ thể quyền + được Nhà nước, xã hội bảo đảm, giúp đỡ; hoặc định nghĩa khái niệm pháp lý...
Các quy định về quyền chính trị của công dân. Đối với mọi cá nhân công dân nói chung, tại 5 điều (các Điều 11, 49, 53, 74 và 77), Hiến pháp năm 1992 quy định 9 quyền chính trị, trong đó có 3 quyền mới. Đó là: làm chủ ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của Nhà nước và xã hội (Điều 11), quyền có quốc tịch Việt Nam (Điều 49), tham gia quản lý Nhà nước và xã hội (Điều 53), thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương (Điều 53 - mới), kiến nghị với cơ quan Nhà nước (Điều 53 - mới), biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 53 - mới), khiếu nại (Điều 74), tố cáo (Điều 74) và bảo vệ Tổ quốc (Điều 77). Đối với những cá nhân công dân mang tư cách nhất định, Hiến pháp năm 1992 quy định 3 quyền trong 2 điều (Điều 7 và 54), đó là: quyền của cử tri bãi miễn ĐBQH và HĐND (Điều 7), của cử tri bầu ĐBQH và HĐND các cấp (Điều 54), của người đủ 21 tuổi trở lên ứng cử vào QH và HĐND (Điều 54). Về quyền chính trị của nhóm (tập thể) cá nhân công dân, Hiến pháp năm 1992 quy định quyền làm chủ của nhân dân (Điều 3) và quyền của nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua QH và HĐND (Điều 6).
Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định 32 quyền dân sự của cá nhân công dân trong 9 điều, trong đó có 9 quyền mới (các Điều 58, 60, 68 - 74), gồm: sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt (Điều 58); được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt (Điều 58); thừa kế (Điều 58); được Nhà nước bảo hộ quyền thừa kế (Điều 58); quyền tác giả (Điều 60); được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả (Điều 60 - mới); quyền sở hữu công nghiệp (Điều 60) và được Nhà nước bảo hộ quyền này (Điều 60 - mới); tự do đi lại ở trong nước (Điều 68), cư trú ở trong nước (Điều 68), ra nước ngoài (Điều 68 - mới) và từ nước ngoài về nước (Điều 68 - mới); tự do ngôn luận (Điều 69), báo chí (Điều 69); được thông tin (Điều 69 - mới); hội họp (Điều 69); lập hội (Điều 69); biểu tình (Điều 69); tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 70); được Nhà nước bảo hộ những nơi thờ tự (Điều 70 - mới); bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 71); được pháp luật bảo hộ về tính mạng (Điều 71); được pháp luật bảo hộ về sức khỏe (Điều 71 - mới), danh dự (Điều 71), nhân phẩm (Điều 71); được suy đoán vô tội (Điều 72 - mới); được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự khi bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, xét xử trái pháp luật (Điều 72 - mới); bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 73); được bảo đảm an toàn và bí mật về thư tín (Điều 73); được bảo đảm an toàn và bí mật về điện thoại (Điều 73), điện tín (Điều 73); được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự của người bị thiệt hại bởi hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang hoặc bất cứ cá nhân nào (Điều 74).
Hiến pháp năm 1992 dành 8 điều (Điều 3, 16, 18, 20, 28, 55, 57, 58) quy định 14 quyền kinh tế của công dân (có 12 quyền mới). Các quy định này phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, định hướng XHCN ở nước ta. Đối với mọi cá nhân công dân, có quyền: quyền được sản xuất, kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm (Điều 16 - mới); được chuyển quyền sử dụng đất được Nhà nước giao theo quy định của pháp luật (Điều 18 - mới); chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (Điều 20 - mới); thành lập doanh nghiệp (Điều 20 - mới); lao động (Điều 55); tự do kinh doanh (Điều 57 - mới); sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác và được Nhà nước bảo hộ quyền này (Điều 58 - mới); sở hữu tư nhân đối với vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác (Điều 58 - mới) và được Nhà nước bảo hộ quyền này (Điều 58 - mới). Đối với cá nhân công dân mang tư cách nhất định, có quyền: quyền của người sản xuất được Nhà nước bảo hộ quyền lợi (Điều 28 - mới) và quyền của người tiêu dùng được Nhà nước bảo hộ quyền lợi (Điều 28 - mới). Về các nhóm (tập thể) công dân, có quyền: quyền của nhân dân làm chủ về kinh tế (Điều 3) và của tổ chức thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm (Điều 16 - mới).
Các quy định về quyền văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của công dân. Tại 4 điều (Điều 5, 32, 59 và 60), Hiến pháp năm 1992 tiếp tục quy định 11 quyền của công dân về văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ, trong 7 quyền đã được quy định trong Hiến pháp 1980, 4 quyền mới được bổ sung. Đối với mọi cá nhân công dân nói chung, Hiến pháp năm 1992 quy định các quyền: học tập (Điều 59); nghiên cứu khoa học (Điều 60); nghiên cứu kỹ thuật (Điều 60); phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất (Điều 60 - mới); sáng tác văn học (Điều 60); sáng tác nghệ thuật (Điều 60), phê bình văn học (Điều 60 - mới); phê bình nghệ thuật (Điều 60 - mới); tham gia các hoạt động văn hóa khác (Điều 60). Hiến pháp năm 1992 còn quy định quyền của các dân tộc được dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình (Điều 5) và của nhân dân được thưởng thức những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị (Điều 32 - mới).
Hiến pháp năm 1992 dành 8 điều (Điều 56, 61 - 67) quy định 25 quyền xã hội của công dân (có 5 quyền mới). Đối với công dân nói chung, có các quyền: được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe (Điều 61); xây dựng nhà ở (Điều 62 - mới); cho thuê nhà (Điều 62 - mới); thuê nhà (Điều 62 - mới); được Nhà nước bảo hộ đối với người thuê nhà (Điều 62 - mới); được Nhà nước bảo hộ đối với người có nhà cho thuê (Điều 62 - mới); bình đẳng nam nữ (Điều 63); được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình (Điều 64). Về công dân trong những tư cách nhất định, Hiến pháp năm 1992 quy định các quyền của viên chức nhà nước được nghỉ ngơi (Điều 56), được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (Điều 56); của người lao động làm công ăn lương được nghỉ ngơi (Điều 56) và được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (Điều 56); quyền của lao động nữ được hưởng chế độ thai sản (Điều 63). Đối với một số công dân trong hoàn cảnh đặc biệt, có quyền: quyền của nữ viên chức nhà nước và nữ làm công ăn lương được nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương (Điều 63). Đặc biệt, Hiến pháp 1992 quy định quyền của một số công dân được hưởng chế độ ưu đãi và chế độ khen thưởng, chăm sóc đặc biệt của Nhà nước – đó là: thương binh, bệnh binh được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong đó đối với bệnh binh là quyền mới (Điều 67); người có công với nước được Nhà nước khen thưởng, chăm sóc (Điều 67). Đối với công dân thuộc nhóm người cần được Nhà nước, xã hội quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ hơn hoặc trong tình trạng yếu thế, dễ bị tổn thương, có quyền của trẻ em được gia đình, Nhà nước, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục (Điều 65); thanh niên được gia đình, Nhà nước, xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí... (Điều 66); người già được Nhà nước và xã hội giúp đỡ (Điều 67); người tàn tật được Nhà nước và xã hội giúp đỡ (Điều 67); trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ (Điều 67). Đối với nhóm (tập thể) cá nhân công dân, Hiến pháp năm 1992 quy định quyền của gia đình liệt sỹ được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước (Điều 67) và quyền của gia đình có công với nước được Nhà nước khen thưởng, chăm sóc (Điều 67).
Hiến pháp năm 1992 dành 21 điều (Điều 10, 11, 12, 18, 22, 29. 34 – 36, 40, 42, 44, 55, 59, 61, 64, 76 - 80) quy định 44 nghĩa vụ của công dân, tổ chức của công dân, trong đó có15 nghĩa vụ mới. Đối với công dân nói chung, có: bảo vệ của công (Điều 11); bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (Điều 11 - mới); giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội (Điều 11); tổ chức đời sống cộng đồng (Điều 11); chấp hành Hiến pháp và pháp luật (Điều 12); đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác (Điều 12); bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm đất (Điều 18); sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường (Điều 29); bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em (Điều 40 - mới); thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình (Điều 40 - mới); thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh (Điều 44); lao động (Điều 55); học tập (Điều 59); thực hiện vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng (Điều 61 - mới); trung thành với Tổ quốc (Điều 76); bảo vệ Tổ quốc (Điều 77); tôn trọng và bảo vệ tài sản của Nhà nước và lợi ích công cộng (Điều 78); tuân theo pháp luật (Điều 79); bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (Điều 79); giữ gìn bí mật quốc gia (Điều 79); chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 79); đóng thuế (Điều 80); lao động công ích (Điều 80). Về nghĩa vụ của công dân mang tư cách nhất định, có: cha mẹ nuôi dạy con thành những công dân tốt (Điều 64); con cháu kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ (Điều 64). Hiến pháp năm 1992 dành 10 điều (Điều 10, 18, 22, 29, 34 – 36, 40, 42, 44) quy định 17 nghĩa vụ của nhóm (tập thể, tổ chức, cộng đồng) công dân, trong đó có 11 nghĩa vụ mới. Đó là: Công đoàn chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội; kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (Điều 10); tổ chức có nghĩa vụ bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm đất (Điều 18); các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước (Điều 22 - mới); tổ chức kinh tế phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường (Điều 29); tổ chức xã hội thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường (Điều 29 - mới); xã hội bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa dân tộc; chăm lo công tác bảo tồn, bảo tàng, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy tác dụng của các di tích lịch sử, cách mạng, các di sản văn hóa, các công trình nghệ thuật, các danh lam thắng cảnh (Điều 34 - mới); xã hội phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, bồi dưỡng nhân cách (Điều 35 - mới); tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, gia đình giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, trong đó đối với tổ chức kinh tế là quyền mới (Điều 36); xã hội bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em (Điều 40 - mới); gia đình bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em (Điều 40 – mới); xã hội thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình (Điều 40 – mới); gia đình thực hiện chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình (Điều 40 – mới); xã hội phát triển du lịch, mở rộng hoạt động du lịch trong nước và du lịch quốc tế (Điều 42 – mới); tổ chức kinh tế thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do pháp luật quy định (Điều 44 – mới); tổ chức xã hội thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do pháp luật quy định (Điều 44).
Có thể nói, Hiến pháp năm 1992 – Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế - đã có bước tiến lớn trên con đường phát triển và hoàn thiện các quy định hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý vững chắc vừa để bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam, vừa là công cụ pháp lý hữu hiệu để giáo dục, nhắc nhở và nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và của Nhà nước trong việc thực hiện các quy định hiến pháp đó ở Việt Nam hiện nay.
Từ những trình bày ở trên có thể rút ra mấy nhận xét. Về ưu điểm, một là, các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người và quyền của công dân Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các văn bản mang tính tuyên bố và mang tính pháp lý của Liên Hợp Quốc về quyền con người và với chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền con người, quyền của công dân Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.
Hai là, số lượng về điều luật, các nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (trong đó có số lượng nguyên tắc chung mới, các quyền và nghĩa vụ mới của công dân) tăng lên so với các Hiến pháp trước: từ 16 điều, 4 nguyên tắc chung, 27 quyền, 4 nghĩa vụ (trong Hiến pháp năm 1946) tới 32 điều, 5 nguyên tắc chung (có hai nguyên tắc mới), 50 quyền (có 31 quyền mới) và 12 nghĩa vụ (có 9 nghĩa vụ mới) của Hiến pháp năm 1959; đến 44 điều, 7 nguyên tắc chung (có 3 nguyên tắc mới), 71 quyền (có 35 quyền mới), 35 nghĩa vụ (có 26 nghĩa vụ mới) trong Hiến pháp năm 1980 và tới 55 điều, 11 nguyên tắc chung (có 6 nguyên tắc mới), 96 quyền (có 33 quyền mới), 43 nghĩa vụ (có 15 nghĩa vụ mới) của Hiến pháp năm 1992. Sự gia tăng này chứng tỏ quyền con người, quyền cơ bản của công dân ngày càng được ghi nhận, mở rộng và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng ngày một nhiều hơn.
Ba là, so với các Hiến pháp trước, quyền và nghĩa vụ Hiến định của công dân đa dạng, phong phú hơn về chủng loại (các quyền, nghĩa vụ về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội) và về chủ thể (quyền và nghĩa vụ của mọi cá nhân công dân nói chung, của các cá nhân công dân mang những tư cách hay trong hoàn cảnh nhất định và của các nhóm công dân). Điều đó, một mặt, thể hiện sự quan tâm ngày càng đầy đủ hơn của Nhà nước đối với các quyền và lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân; mặt khác, cũng nói lên sự đòi hỏi ngày càng lớn của Nhà nước đối với trách nhiệm của người dân khi họ được hưởng những quyền và lợi ích đó.
Bốn là, các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 so với các Hiến pháp trước có tính hiện thực (tính khả thi) hơn bằng các quy định của Hiến pháp về nghĩa vụ bảo đảm của Nhà nước cho các quyền ấy. Điều đó vừa thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm ngày càng tăng của Nhà nước đối với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vừa phản ánh sự phát triển ngày càng cao của xã hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Về nhược điểm, thứ nhất, nếu tính từ năm 1992 – năm ban hành Hiến pháp hiện hành đến nay đã trải qua 20 năm, xã hội Việt Nam và thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc về mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; trình độ phát triển của xã hội Việt Nam ngày càng cao; nhu cầu và lợi ích chính đáng của con người ngày càng phong phú, đa dạng cần được đáp ứng, thế nhưng những biến đổi đó chưa được phản ánh trong Hiến pháp năm 1992 và các nhu cầu, lợi ích đó chưa được nâng lên thành các quyền hiến định.
Thứ hai, giống như Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980, các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam không được tập trung trong một chương mà nằm rải rác trong nhiều chương. Điều đó gây trở ngại cho việc theo dõi, nghiên cứu và thực hiện.
Thứ ba, nội dung và hình thức của Chương V – chương chuyên biệt về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân - không tương xứng nhau và việc xếp đặt các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân chưa thật khoa học.
Thứ tư, còn có khá nhiều điều quy định về quyền của công dân Việt Nam không có nghĩa vụ bảo đảm của Nhà nước kèm theo, làm cho các điều luật này mang tính tuyên ngônnhiều hơn tính hiện thực. Bên cạnh đó, cũng có không ít các quy định về nghĩa vụ của công dân không kèm theo quyền của Nhà nước được áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện, làm cho các quy định này không có hiệu lực cao.
Thứ năm, có không ít quyền của công dân được quy định một cách gián tiếp thông qua việc quy định nghĩa vụ bảo đảm của Nhà nước đối với quyền công dân hoặc bằng các định nghĩa khái niệm pháp lý; còn tình trạng một điều luật quy định nhiều nghĩa vụ của công dân, hoặc vừa quy định quyền vừa quy định nghĩa vụ của công dân; lời văn trong một số điều luật còn dài dòng.
(Còn nữa)
Pgs.Ts Nguyễn Văn Động

No comments:

Post a Comment