Sunday, January 1, 2012

Truyền thống pháp luật XHCN tại Việt Nam: Đôi điều suy ngẫm

Truyền thống pháp luật XHCN tại Việt Nam: Đôi điều suy ngẫm
1. Pháp luật chính là truyền thống
Văn hoá pháp luật (legal culture), hệ thống pháp luật (legal system), dòng họ pháp luật (legal family), bản đồ pháp luật (geo-jurisprudence), kiểu pháp luật (pattern of law), truyền thống pháp luật (legal tradition) là những thuật ngữ đã được sử dụng khá thông dụng trong lĩnh vực luật học so sánh của nền khoa học pháp lý trên thế giới. Trong các cách tiếp cận nêu trên, truyền thống pháp luật là phương pháp giúp các luật gia so sánh tiếp cận được các hệ thống pháp luật quốc gia từ chiều sâu văn hoá, lịch sử cũng như các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội khác. Giáo sư Pierre Legrand thuộc Đại học Panthéon-Sorbonne Cộng hoà Pháp đã khẳng định: Văn hoá là một thứ ngôn ngữ lặng câm, có vai trò vô cùng quan trọng giúp chúng ta không chỉ hiểu luật pháp về mặt vật chất (các định đề, các quy định luật pháp thực định) mà điều quan trọng hơn nó giúp chúng ta hiểu được lý do, phương thức ra đời và tồn tại của mỗi hệ thống pháp luật, những mục tiêu mà một cộng đồng dân cư kỳ vọng đạt được qua việc ban hành đạo luật đó. Luật pháp là một hiện tượng văn hoá, các luật gia sẽ không thể hoàn toàn hiểu được một hệ thống pháp luật nếu đặt hệ thống đó bên ngoài bối cảnh văn hoá mà nó tồn tại.
Truyền thống chính là yếu tố cốt lõi và là bộ phận bền vững nhất của mỗi nền văn hoá, đây cũng chính là là bộ phận ổn định nhất của văn hoá, giúp cho văn hoá có tính kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Văn hoá và truyền thống có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nói một cách cô đọng, văn hoá chính là những khoảnh khắc hiện tại của truyền thống và truyền thống là những lớp trầm tích lắng đọng của văn hoá. Truyền thống chính là quá trình chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác những yếu tố văn hoá và xã hội, những tư tưởng, chuẩn mực xã hội, phong tục, tập quán, lễ nghi.. và được duy trì trong các tầng lớp xã hội trong một thời gian dài. Truyền thống chính là quá trình đối thoại giữa các thế hệ. Truyền thống tốt đẹp góp phần tích cực xây dựng xã hội mới, con người mới. Ngược lại, truyền thống xấu có tác dụng duy trì chế độ xã hội, văn hoá lỗi thời. Sự nguy hiểm của của thói quen cố thủ đằng sau thành luỹ tập quán, truyền thống pháp luật đã được Thomas Jefferson - Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ đã nhận định trong lá thư gửi Samuel Kercheval ngày 12 tháng 7 năm 1816:
Luật pháp và các định chế của nó luôn bước song hành với sự tiến bộ của tâm thức nhân loại. Khi yếu tố tâm thức ấy được phát triển và khai sáng đến một mức độ cao hơn, khi các phát kiến tân kỳ được hình thành, khi các chân lý mới mẻ được phơi lộ, và khi tập quán và các quan điểm nhìn nhận đổi thay cùng với sự thay đổi của hoàn cảnh, thì các định chế đó cũng phải tiến bộ để bước cùng một nhịp với thời đại. Có thể nào chúng ta buộc con người tiếp tục khoác chiếc áo mà anh ta đã từng bận thuở còn bé…”.
Trong quá trình phát triển của lịch sử, những truyền thống cũ, không phù hợp với tình hình mới sẽ mất dần, những yếu tố mới sẽ nảy sinh và dần dần trở thành truyền thống. Tuy nhiên, tính bền vững của truyền thống cũng là tương đối. Có thể nói, các hệ thống pháp luật đều có đầy đủ các yếu tố của một truyền thống, bao gồm tính quá khứ, khả năng chi phối hiện tại và tính truyền tải các giá trị từ quá khứ đến hiện tại. Pháp luật là một hiện tượng xã hội mang tính truyền thống sâu sắc, chúng ta có thể tìm thấy những yếu tố truyền thống ở hầu hết các hệ thống pháp luật. Luật pháp của các quốc gia, do đó, chính là truyền thống, là một hiện tượng, biểu hiện văn hoá sâu sắc.
2. Truyền thống pháp luật XHCN
Truyền thống pháp luật được hiểu là các quan điểm có nguồn gốc lịch sử sâu xa quy định bản chất của pháp luật, vai trò của pháp luật trong xã hội và chính thể, quy định cấu trúc và hiệu lực của hệ thống pháp luật và cách mà pháp luật được hoặc có thể làm ra. Trong nền khoa học pháp lý thế giới, truyền thống pháp luật nói chung, truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa nói riêng luôn là một đề tài giành được sự quan tâm, phân tích, so sánh của các luật gia trên thế giới.
Sự kiện ngắn ngủi của Công xã Pari từ ngày 18 tháng 3 đến ngày 28 tháng 5 năm 1871 được coi là sự kiện đầu tiên gợi nhớ về cội nguồn của chủ nghĩa xã hội. Truyền thống pháp luật XHCN là một truyền thống pháp luật non trẻ, khởi nguồn từ năm 1917 tại nước Nga Sôviết. Ngọn lửa cách mạng đã nhanh chóng lan sang Mông Cổ năm 1920 và Mông Cổ đã trở thành quốc gia có chế độ XHCN lâu đời thứ 2 trên thế giới, tiếp theo là các quốc gia Đông Âu bao gồm Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Rumani, Bulgari, các quốc gia Châu Á bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, chế độ xã hội chủ nghĩa còn lan rộng đến Cu Ba và một số quốc gia khác trên thế giới.
Có thể nói, mục tiêu ban đầu của các nhà kiến trúc sư hệ thống pháp luật XHCN là thiết lập một trật tự pháp lý xoá bỏ mọi sự bất bình đẳng về pháp luật của chế độ Sa hoàng. Hệ thống pháp luật riêng này không được có bất cứ một sự liên hệ lịch sử nào với một “quá khứ suy đồi”trước đây, chính vì vậy, hệ thống pháp luật này “đoạn tuyệt”, không chấp nhận bất cứ án lệ nào ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Trong giai đoạn khởi đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa từ năm 1917 đến giữa những năm 1930, nhà nước Xô viết chưa thiết lập được một hệ thống pháp luật XHCN theo đúng nghĩa của nó mà mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng được một trật tự pháp luật (legal order). Từ năm 1936 đến năm 1953, Joseph Stalin - người khởi xướng hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa hiện đại nhận thấy những yếu tố ổn định của luật pháp phương Tây, trong đó, hệ thống dân luật (civil law) có thể được mở rộng hoặc cô đọng cho phù hợp với những yêu cầu củng cố bộ máy Đảng và nhà nước. Chính vì vậy, hầu hết các nghiên cứu ngày nay đều cho rằng hệ thống pháp luật XHCN có nhiều điểm gần gũi và tương đồng với những khía cạnh thực định của hệ thống dân luật.
Học thuyết Mác - Lê nin quan niệm pháp luật là một hiện tượng lịch sử, chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp, pháp luật xã hội chủ nghĩa là một sản phẩm của hành động có ý thức của con người, là biểu hiện tập trung của chính trị và là ý chí của giai cấp thống trị trong một xã hội. Pháp luật luôn có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ, không thể tách rời với nhà nước và là một loại hoạt động của nhà nước. Pháp luật sẽ vô nghĩa nếu không có bộ máy có đủ sức mạnh thực hiện việc cưỡng chế tuân thủ pháp luật. Trong một thời gian dài trước khi nền kinh tế kế hoạch thất bại, Chủ nghĩa Mác - Lênin có xu hướng phân tích mọi hiện tượng dựa trên quan điểm giai cấp. Nhà nước và pháp luật luôn được coi là công cụ để thực hiện nhiệm vụ chuyên chính vô sản. Chính bản thân cụm từ Nhà nước XHCN là “Nhà nước chuyên chính vô sản”, theo Giáo sư Michael Bogdan của Đại học Lund Thuỵ Điển nhận định,  trong một thời gian dài đã bị hiểu sai khi coi đó là nhà nước có xu hướng trở thành một chính quyền dựa trên sự sợ hãi và một xã hội không có quyền và tự do cá nhân.
Học thuyết Mác-Lênin coi pháp luật là một yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc và cũng như những yếu tố thuộc thượng tầng kiến trúc khác, pháp luật có tính độc lập tương đối và có ảnh hưởng trở lại, biện chứng đối với sự phát triển của các yếu tố kinh tế. Trong lịch sử, quá trình phát triển của pháp luật đã chuyển qua các giai đoạn chính là pháp luật của xã hội nô lệ, pháp luật của xã hội phong kiến, pháp luật của xã hội tư sản và pháp luật của xã hội chủ nghĩa. Ba kiểu pháp luật đầu đều có chung một đặc điểm là chúng cùng được hình thành trên cơ sở quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và phân phối và dựa trên cơ sở người bóc lột người, là công cụ để thiểu số giai cấp thống trị thực hiện đàn áp đa số giai cấp bị trị. Điều này là phi lý, phi đạo đức, do đó, pháp luật xã hội chủ nghĩa phải dựa trên hai nguyên tắc cơ bản là sở hữu nhà nước về các tư liệu sản xuất cơ bản và hoạt động phân phối và việc loại bỏ không khoan nhượng đối với việc bóc lột giữa người với người.
Truyền thống pháp luật XHCN phản đối học thuyết phân chia quyền lực và thay vào đó, chấp nhận học thuyết quyền lực thống nhất. Đặc điểm cơ bản nhất của học thuyết này là quyền lực trong tổng thể là một và không thể phân chia. Chức năng kiểm soát tối cao việc thực thi quyền lực của các cơ quan chính phủ thuộc về Đảng cộng sản với các cơ chế vô hình. Tuy nhiên, các chức năng của nhà nước có thể được phân công cho các cơ quan khác nhau nhưng không có nghĩa là các cơ quan này có vị trí bình đẳng như nhau. Trong sơ đồ hình tháp quyền lực, theo truyền thống, quyền lực của cơ quan lập pháp đứng ở đỉnh chóp, tiếp theo là quyền lực của cơ quan hành pháp, hoạt động tư pháp được coi là nhánh quyền lực ít nguy hiểm nhất, được xếp ở những nấc cuối của phân công lao động quyền lực trong bộ máy nhà nước XHCN. Ngoài ra, quyền công tố, mặc dù xét về bản chất là chức năng thi hành của Chính phủ, nhưng dần dần đã được coi là nhánh thứ tư trong bộ máy nhà nước XHCN, trực thuộc cơ quan lập pháp mà không thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, do thẩm quyền của cơ quan này không thể với tới những cơ quan cấp cao của nhánh chính phủ, cũng như lập pháp nên đây cũng được coi là nhánh yếu thế trong bộ máy nhà nước.    
Theo truyền thống pháp luật XHCN, các nhà nước XHCN không coi Hiến pháp như một tín điều pháp lý mà là cơ sở pháp lý cho các mục tiêu chính trị. Chính vì vậy, các điều khoản của Hiến pháp có thể được sửa đổi khá dễ dàng theo yêu cầu của những mục tiêu chính trị.
Một trong những đặc điểm nổi bật khác của học thuyết Mác - Lênin về pháp luật là quan niệm pháp luật là một trật tự bắt nguồn từ chủ quyền làm luật, vì vậy, mỗi cá nhân công dân không có quyền “bất tuân pháp luật” cho dù việc bất tuân pháp luật đó trên cơ sở phản đối có ý thức hoặc bất tuân dân sự nào đó. Học thuyết về pháp chế XHCN với nội dung chính là yêu cầu về sự nghiêm ngặt, kỷ luật thép trong thực thi pháp luật được hình thành một phần quan trọng trên cơ sở luận điểm này. Ngoài ra, do hoạt động làm luật xuất phát từ chủ quyền tối cao, được xây dựng trên cơ sở đạo đức xã hội mới xã hội chủ nghĩa nên học thuyết Mác - Lênin không chấp nhận luật tự nhiên - một học thuyết được cho là có thể là suy yếu chủ quyền làm luật tối cao của nhà nước XHCN.
Ngoài ra, sự không phân biệt rạch ròi ranh giới giữa luật công và luật tư trong hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa cũng là một đặc điểm nổi bật của truyền thống pháp luật XHCN. Dựa trên cơ sở quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về yêu cầu vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế; tư liệu sản xuất phải được tập thể hoá, quốc hữu hoá nên một số lĩnh vực đáng lẽ ra là những quan hệ được điều chỉnh bởi luật tư - giữa cá nhân với cá nhân, đã bị hạn chế đáng kể. Những lĩnh vực cho sự tồn tại của luật tư không còn nhiều không gian để tồn tại, một số lĩnh vực chủ yếu còn lại là các quan hệ hôn nhân, thừa kế, sở hữu tài sản cá nhân. Chính vì vậy, trong hệ thống pháp luật XHCN, luật tư bị mất đi tính nổi trội của mình và bị chuyển hoá thành luật công.
3. Truyền thống pháp luật XHCN tại Việt Nam
Cho đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu sâu sắc và toàn diện về truyền thống pháp luật XHCN tại Việt Nam. Gần đây, giáo trình Luật So sánh của Trường Đại học Luật Hà Nội mới dành 27/497 trang (từ trang 301-327) để phân tích về hệ thống pháp luật XHCN. Trong khi đó, phần giới thiệu dân luật civil law (từ trang 99 đến trang 192) và luật án lệ common law (từ trang 193 đến trang 300) đã dành trên dưới 100 trang cho mỗi bài. Điều này phần nào cho thấy tại Việt Nam, truyền thống pháp luật XHCN chưa được thực sự đầu tư quan tâm nghiên cứu đúng mức.
Các nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam cho thấy hệ thống pháp luật XHCN tại Việt Nam kế thừa nhiều đặc điểm của truyền thống pháp luật XHCN khởi nguồn từ Nhà nước Nga Xô viết. Theo Giáo sư John Gillespie của Đại học Monash Australia, hệ thống pháp luật Việt Nam bị thống trị bởi 03 học thuyết quan trọng (1)  Pháp chế XHCN, (2) Tập trung dân chủ và (3) Làm chủ tập thể. Ba học thuyết này đã đưa ra 04 nguyên tắc cơ bản của pháp luật XHCN tại Việt Nam: Thứ nhất, luật pháp khởi nguồn từ nhà nước và không cao hơn nhà nước. Thứ hai, Đảng và Nhà nước sở hữu những đặc quyền dùng chính sách thay pháp luật. Thứ ba, tuy pháp luật hoạt động nhưng không kiểm soát quyền lực nhà nước. Thứ tư, những quyền pháp lý cá nhân phải dành sự ưu tiên cho lợi ích tập thể công cộng.
Trong giai đoạn đổi mới, một số lý luận nhà nước và pháp luật của Việt Nam đã được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Những bổ sung và phát triển nổi bật trong thời gian 25 năm đổi mới tại Việt Nam cần phải kể đến là sự thừa nhận yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, chấp nhận và phát triển lý luận về nhà nước pháp quyền XHCN, quyền con người, quyền công dân được ghi nhận và bảo đảm, vai trò của xã hội dân sự trong quá trình xây dựng nền dân chủ XHCN được nhìn nhận, từng bước minh bạch vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng quản lý của nhà nước, nhận thức được yêu cầu xây dựng và phát triển một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch. Trong công tác xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước, mặc dù vẫn tiếp tục khẳng định nguyên tắc tập quyền XHCN, quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng bước đầu cũng đã thừa nhận ba khái niệm của học thuyết phân quyền là lập pháp, hành pháp, tư pháp, thừa nhận yêu cầu “kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Đây chính là những bước tiến mới về tư duy lý luận xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân tại Việt Nam.
Quá trình du nhập và phát triển hệ thống pháp luật XHCN tại Việt Nam cũng thể hiện những yếu tố đặc thù của truyền thống văn hoá dân tộc. Trong nghiên cứu về phân loại hệ thống pháp luật, Giáo sư Ugo Mattei đã chia các hệ thống pháp luật trên thế giới thành ba nhóm chính: Nhóm luật mang tính chất chuyên môn (Rule of professional law) mà đại diện là truyền thống pháp luật phương Tây, Nhóm luật mang tính chất chính trị (Rule of Political law) mà đại diện là pháp luật của các quốc gia đang phát triển hoặc chuyển đổi, trong đó có hệ thống pháp luật XHCN và Nhóm luật truyền thống (Rule of Tradition law). Mặc dù hầu hết các quốc gia theo hệ thống pháp luật XHCN được coi là có hệ thống pháp luật chính trị nhưng Trung Quốc, Việt Nam, Mông Cổ, Lào và Bắc Triều Tiên lại được coi là quốc gia có hệ thống pháp luật truyền thống bởi hệ thống pháp luật của các quốc gia này chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá, tôn giáo và truyền thống phương Đông. Ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ hai đặc điểm truyền thống ảnh hưởng đến hệ thống pháp luật XHCN sau: 
Thứ nhất, mối quan hệ giữa đạo đức và luật pháp. Truyền thống và triết lý đạo đức và pháp luật của Việt Nam được cô đọng khá rõ nét trong Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950. Theo Người, mỗi một hệ thống pháp luật phải được hình thành trên cơ sở nền tảng đạo đức của xã hội mà hệ thống pháp luật đó tồn tại. Pháp luật phong kiến dựa vào đạo đức phong kiến: tôn vua, kính thầy, hiếu với cha. Pháp luật tư sản dựa trên nền tảng đạo đức gian ngoan và tinh vi hơn: tự do, bình đẳng nhưng thực sự chỉ có được đối với bọn tư bản. Trong chế độ mới - pháp luật phải được dùng để bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động, ngăn chặn những kẻ lợi dụng quyền tư hữu để bóc lột nhân dân lao động, bảo vệ quyền tự do, dân chủ cho nhân dân lao động. Người nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ”. Có thể nói, đạo đức cách mạng phải là cái gốc, xây dựng hệ thống quan điểm pháp luật XHCN phải phù hợp với quan điểm đạo đức mới. Đây chính là quan điểm pháp luật thấm sâu quan điểm đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. “Thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức” phải là những giá trị đạo đức cơ bản, phải được lấy làm chỗ dựa cho việc xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật trong chế độ mới. Tôn trọng quyền được hưởng hạnh phúc tự do không chỉ cho số ít người mà là cho tuyệt đại đa số nhân dân lao động là chính là đạo lý “ở đời và làm người”, đồng thời cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của mỗi công dân.  
Thứ hai, các yếu tố phi quan phương. Có một nghịch lý lớn trong lịch sử Việt Nam là những bộ luật thành văn đầu tiên được áp dụng trên đất Việt lại do chính quyền đô hộ Trung Hoa soạn thảo và ban hành. Chính vì vậy, dưới con mắt người Việt, luật pháp - một sản phẩm của xã hội văn minh, lại là công cụ nô dịch, áp bức và đồng hoá của ngoại bang. Ý thức chống đối pháp luật xuất hiện ngay từ những buổi đầu và phát triển ngày càng mạnh mẽ trong suốt thời kỳ Bắc thuộc - một thời kỳ khá đặc biệt kéo dài tới trên một nghìn năm. Truyền thống coi tục lệ là luật còn luật pháp của nhà nước là cái đối lập với mình để tìm mọi cách lẩn tránh hoặc chống đối đã được hình thành trong thời kỳ này. Các chính quyền độc lập sau này khi xây dựng pháp luật đã lường tính khả năng để pháp luật được dân chúng tôn trọng và thi hành thì phải luôn chú ý tới tính chất dung hoà giữa luật và tục. Quyền lập pháp của vua và triều đình thực ra đã bị hạn chế ngay từ cơ chế ban đầu. Luật Hồng Đức là một dấu ấn đậm nét của những phong tục, tập quán truyền thống và những sự nhượng bộ của nhà nước trước các phong tục tập quán lâu đời. Một số nhà khoa học đã gọi tục lệ Việt Nam là những định chế phi quan phương, đưa tục lệ vào pháp luật chính thống với các định chế phi quan phương là một đặc điểm quan trọng trong lịch sử pháp luật Việt Nam.
4. Đôi điều suy ngẫm
Trong thực tế, mỗi hệ thống pháp luật đều có những điểm mạnh yếu, ưu điểm, nhược điểm khác nhau nhưng một tinh thần cầu thị, một cách nhìn nhận thẳng thắn trong quá trình đánh giá, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc kế thừa, phát huy các truyền thống pháp luật.
1. Hiến pháp là đạo luật gốc và là một văn bản chính trị - pháp lý quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Trong thực tế chúng ta đã có Hiến pháp ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước cách mạng nhân dân, bản Hiến pháp đầu tiên của toàn cõi Đông Á. Nhưng cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn chưa xây dựng được một tinh thần thượng tôn, một cơ chế bảo vệ Hiến pháp hữu hiệu. Quá trình hình thành và phát triển hệ thống pháp luật XHCN tại Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử và để lại nhiều bài học lịch sử về nhận thức, vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội. GS. Văn Tạo trong Công trình được tặng giải thưởng nhà nước năm 2000 “Chúng ta kế thừa di sản nào? đã nhận định:
Trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa, về mặt khoa học, trong một thời gian khá dài chúng ta đã coi nhẹ pháp lý, coi nó như một môn “khoa học tư sản”. Còn trong thực tế, do chúng ta phải đấu tranh lâu dài bảo vệ miền Bắc, giải pháp miền Nam, thống nhất đất nước - một cuộc đấu tranh vô cùng gay go, phức tạp, nên có lúc, có nơi pháp luật đã bị buông lỏng. Cơ chế quan liêu, bao cấp tồn tại lâu dài cộng với tệ vô chính phủ từ bên dưới đã gây tác hại không nhỏ tới tinh thần pháp luật. Có nơi, cái tàn bạo, dã man đã tạm thời lấn át cái văn minh, văn hiến đã xây đắp được từ nghìn đời. Nhân quyền và dân quyền có lúc bị vi phạm tới mức ít ai lường tới được”.
2. Việc không phân định rõ luật công và luật tư, dùng luật công thay thế luật tư để xử lý các mối quan hệ cá nhân trong một thời gian dài đã dẫn đến các hiện tượng hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế hoặc ngược lại, dân sự hoá, hành chính hoá những quan hệ hình sự, từ đó dẫn đến việc bỏ sót tội phạm, pháp luật không được thực hiện nghiêm minh. Trong thực tế, tư duy phân định giữa luật công và luật tư có thể giúp Việt Nam khắc phục được hiện tượng tiêu cực này. Tại Australia, có một án lệ về việc phân biệt giữa luật công và luật tư thể hiện vai trò của việc phân định này trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của cá nhân:
“Một chàng trai người Trung Quốc thường xuyên đến một sòng bạc tư nhân để thử vận may rủi mong sớm trở thành một triệu phú trẻ. Và quả thật, chàng trai này thường xuyên thắng lớn sau mỗi lần thử vận may rủi tại sòng bạc. Chủ của sòng bạc  sau khi kiểm tra an ninh thấy rằng chàng trai này thực hiện đúng quy định của sòng bạc. Tuy nhiên, để tránh thua lỗ, chủ sòng bạc đã không cho chàng trai được vào sòng bạc vì lý do tài sản, đất đai, nhà cửa của sòng bạc là thuộc sở hữu cá nhân. Nếu không được phép của chủ sở hữu, chàng trai đó sẽ phạm tội xâm phạm tài sản, đất đai của cá nhân khác.
Chàng trai người Trung Quốc đã kiện ra Toà án của Australia về lệnh cấm của chủ sòng bạc. Toà án đã phán quyết bác lệnh cấm của chủ sòng bạc với lập luận cho rằng việc cấp phép mở sòng bạc là độc quyền của chính phủ Australia. Những hoạt động kinh doanh liên quan đến hoạt động phân phối độc quyền của Chính phủ Australia cần được điều chỉnh bằng luật công và sòng bạc cần được coi là nơi công cộng để các cá nhân có thể tiếp cận. Chủ sòng bạc không có quyền viện dẫn luật tư để hạn chế quyền tiếp cận nơi công cộng của chàng trai người Trung Quốc mặc dù sòng bạc là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Ngoài ra, trên địa hạt của bang, chỉ có duy nhất một sòng bạc, vì vậy chàng trai Trung Quốc không thể có lựa chọn khác”.
3. Việc không cho phép các cá nhân trong xã hội “bất tuân pháp luật” đòi hỏi Chính phủ phải tích cực nâng cao tính dân chủ và pháp quyền trong công tác quản lý, điều hành của mình. Trong một quyết định hành chính nhà nước, tính hợp pháp và tính hợp lý có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đảm bảo cho một quyết định có khả năng thực thi và được xã hội đồng thuận, chấp nhận. Tính hợp pháp chính là hiện thân của nguyên tắc pháp chế, trong khi đó tính hợp lý lại tạo ra sức sống của một văn bản thông qua tính khả thi và hiệu quả về kinh tế - xã hội của văn bản. Theo nguyên tắc pháp chế, trong trường hợp có sự không đồng thuận giữa hai thuộc tính nói trên, trong mọi trường hợp tính hợp pháp đều có ưu thế hơn so với tính hợp lý. Tuy nhiên, khi xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, yêu cầu tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người cần được tôn trọng. Khi đất nước ta đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tính dân chủ và tính hợp lý đã ngày càng giành được một vị trí quan trọng, đảm bảo cho một quyết định hành chính mang đầy đủ bản chất khoa học, dân chủ và “vì nhân dân”. Ví dụ về phản ứng “bất tuân pháp luật” tại Quảng Ninh là một ví dụ điển hình về yêu cầu nâng cao tính dân chủ và pháp quyền trong công tác quản lý, điều hành của chính phủ:
“Sáng ngày 10/6/2011, hơn 500 tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long đã từ chối chở khách nhằm phản ứng lại quy định mới siết chặt quản lý tàu du lịch của UBND tỉnh Quảng Ninh mặc cho hàng trăm du khách chờ đợi và phải huỷ tour du lịch. Theo đánh giá, hiện nay có khoảng 500 tàu hoạt động kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên vịnh, trong đó có 150 tàu lưu trú qua đêm, Nếu áp dụng quy định mới sẽ có khá nhiều tàu lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long sắp hết thời hạn bảy năm khai thác phải năm bờ hoặc phải chuyển xuống hạng thấp hơn để khai thác thêm một năm. Ông Bùi Huy Trường, chủ 02 tàu du lịch Sóng Biển 05 và Sóng Biển 08 cho rằng quy định mỗi tàu phải có 05 thuyền viên có bằng THPT nhưng mỗi tàu chỉ có ba thuyền viên mà tất cả đều chưa có bằng nên phải ngừng chạy. Ngoài ra, các quy định mới về chứng chỉ chuyên môn, thiết bị tàu thuyền nhất là phòng cháy, chữa cháy đòi hỏi cao nên chủ tàu cần có khoảng thời gian dài mới có thể điều chỉnh kịp.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Trịnh Đặng Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh lùi thời gian thực hiện các quy định về trang thiết bị phòng cháy chữa cháy. Mặc dù quyết định hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục bàn bạc với chủ tàu, xem xét lại các quy định, nếu có điểm nào chưa phù hợp sẽ điều chỉnh chứ không quá cứng nhắc”.
Tài liệu tham khảo:
1. GS.Văn Tạo: Chúng ta kế thừa di sản nào?, Nhà xuất bản lý luận chính trị, năm 2007.
2. GS. TSKH. Vũ Minh Giang (chủ biên): Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2008, tr. 106-109.
3. Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình Luật so sánh, Nxb. Công an nhân dân, năm 2008.
4. GS.TS. Phạm Xuân Nam (Chủ biên): Triết lý phát triển ở Việt Nam: Mấy vấn đề cốt yếu, Nxb. Khoa học xã hội, năm 2008, tr. 315.
5. Bộ Tư pháp: Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nxb. Tư pháp, năm 2005, tr. 20.
6. Michael W. Alssid và William Kenney: Các vấn đề tư tưởng căn bản, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, năm 2008.
7. Gerald L. Bruns: What is Tradition? Hermeneutics Ancient and Modern, New Haven: Yale University Press, 1992, p. 195-212.
8. Mary Ann Glendon, Comparative Legal Traditions (1985) 691.
9. Martin Krygier: Law as Tradition (1986) 5 Law and Philosophy, p.237-262.
10. Michael Bogdan: Luật so sánh, Kluwer Law and Taxation, PGS.TS.Lê Hồng Hạnh và Th.S. Dương Thị Hiền (dịch) dưới sự tài trợ của SIDA.
11. Pierre Legrand: Comparative legal Studies and the matter of authenticity (2006) 1 Journal of Comparative Law, 365.
12. John Gillespie: Changing Concépt of Socialist Law in Vietnam.
13. John Quigley: Socialist law and the Civil Law Tradition (1989) The American Journal of Comparative Law, Vol.37, No 4, 781.
14. Ugo Mattei: Three patterns of law: Taxonomy and Change in the World’s Legal System (1997) The American Journal of Comparative Law, Vol.45, No 1, 5.
Nguồn: www.moj.gov.vn

Ths. Luật so sánh Nguyễn Xuân Tùng - Bộ Tư pháp