Sunday, January 15, 2012

2012 được mùa bầu cử

Theo daibieunhandan.vn
Những sự kiện lớn nào sẽ chờ đợi chúng ta trong năm nay? Câu trả lời chính xác tất nhiên chưa thể có vào thời điểm này, nhưng vẫn có thể dự báo chắc chắn rằng năm 2012 là năm của những đổi thay, với sự xuất hiện của các gương mặt lãnh đạo mới. Hầu như tháng nào cũng vậy, không ở nước này thì nước khác sẽ diễn ra các cuộc bầu cử tổng thống hoặc Quốc hội. Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất và cũng là điểm đặc biệt nhất trong năm 2012, đó là các cuộc bầu cử quan trọng tại 4 trong 5 cường quốc hàng đầu thế giới gồm Nga, Pháp, Mỹ và Trung Quốc.
 
Nguồn: economist
Tâm điểm của chính trường thế giới năm 2012 là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 6.11 tại cường quốc số một thế giới. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã chính thức bắt đầu hôm 3.1 tại bang Iowa, nơi diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên trong mùa tranh cử tổng thống Mỹ. Sau khoảng 10 tháng nữa, nước Mỹ hoặc sẽ có một tổng thống mới là người của đảng Cộng hòa hoặc Tổng thống Barack Obama sẽ đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ nữa. Kết quả phụ thuộc vào tình hình kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp và đối thủ nào sẽ đương đầu với Tổng thống Obama. Song trong bối cảnh có nhiều thay đổi về kinh tế và chiến lược toàn cầu, dù ai trở thành ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng cũng sẽ phải có những điều chỉnh chính sách thích hợp mới có thể giải quyết những khó khăn trên cả hai mặt trận đối nội và đối ngoại.
Ngoài cuộc bầu cử tổng thống, việc đảng Cộng hòa hay Dân chủ sẽ giành quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện cũng sẽ là điều đáng chú ý trong năm bầu cử ở Mỹ.
Thu hút sự quan tâm lớn không kém là cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc - cường quốc số 2 thế giới. Từ tháng 10, Trung Quốc sẽ tiến hành Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ 5. Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình được dự đoán là người có nhiều khả năng nhất trong việc kế nhiệm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, còn Phó thủ tướng Lý Khắc Cường hầu như chắc chắn sẽ tiếp quản chiếc ghế của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Ôn Gia Bảo.
Với vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế, đường lối của giới lãnh đạo mới ở Trung Quốc sẽ không chỉ quyết định hướng đi của quốc gia 1,3 tỷ người này mà còn tác động đến kinh tế và an ninh chung của thế giới.
Tâm điểm của tháng ba sẽ là cuộc chạy đua vào Điện Kremlin. Cuộc bỏ phiếu bầu người đứng đầu xứ sở Bạch Dương được coi là dễ đoán nhất. Cho dù uy tín có phần sụt giảm song Thủ tướng Vladimir Putin vẫn tràn đầy cơ hội để trở thành Tổng thống Nga nhiệm kỳ 3 (kéo dài 6 năm) bởi ông không có những đối thủ thực sự. Theo kết quả điều tra mới nhất do Quỹ Dư luận Xã hội thực hiện, 52% cử tri được hỏi tuyên bố ủng hộ Thủ tướng Putin trở lại làm tổng thống của Liên bang Nga.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử ở Nga sắp tới không vì thế mà kém hấp dẫn. Yếu tố bất ngờ vẫn đang ở phía trước bởi con đường tiến vào điện Kremlin của ông Putin được đánh giá là đang có một số khó khăn sau những diễn biến gần đây trên chính trường Nga. Sự kiện Đảng Nước Nga thống nhất của Thủ tướng Putin mất thế áp đảo tại Quốc hội trong cuộc bầu cử Duma Quốc gia tháng 12.2011 đang làm uy tín của ông Putin suy giảm.
Trong bối cảnh châu âu đang rối ren vì cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng, cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 ở Pháp sẽ là một sự kiện gây chú ý lớn bởi nó không chỉ ảnh hưởng quan trọng đến nước Pháp mà còn tác động nhất định đến những quyết sách lớn trong Liên minh châu Âu.
Bầu cử Tổng thống Pháp được chia làm 2 vòng diễn ra từ ngày 22.4 đến 6.5. Cuộc bầu cử này cũng hứa hẹn nhiều yếu tố kịch tính và bất ngờ với cuộc chạy đua giữa đương kim Tổng thống Nikolas Sarkozy với ứng cử viên của đảng Xã hội Francois Hollande và lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen. Trong những cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông Hollande có phần chiếm ưu thế và sẽ không ngạc nhiên nếu như điện Elysee sẽ có ông chủ mới. Nhưng cũng thể loại trừ khả năng Tổng thống Sarkozy đảo ngược tình thế trong cuộc bầu cử sắp tới bởi thời gian qua cũng có lúc ông có những bước hồi phục khá ngoạn mục.
Trong khi đó, Venezuela cũng tiến hành bầu cử Tổng thống với dự báo ông Hugo Chavez sẽ tái cử. Thay đổi cũng có thể xảy ra sau các cuộc bỏ phiếu ở Mexico, Ai Cập, Kenya...
Hy Lạp và Iran cũng sẽ là hai trong số những điểm nóng vào đầu năm với cuộc bầu cử Quốc hội sớm diễn ra trong tháng 2 và 3 tới. Sở dĩ cuộc bầu cử ở Hy Lạp được cả châu âu dõi theo bởi đây là một trong những ngòi nổ của cuộc khủng hoảng nợ công đe dọa phá vỡ khối sử dụng đồng tiền chung euro. Về phần Iran, hiện căng thẳng giữa nước này và phương Tây đang ngày một gia tăng sau một loạt cuộc đấu khẩu liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, cuộc tập trận gần đây của quốc gia Hồi giáo này ở eo biển Hormuz hay vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân người Iran...
Tổng kết lại, năm 2012 chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ. Với sự thay đổi (hy vọng là dễ chịu) này, chúng ta sẽ thấy một châu Âu khác, một Trung Quốc khác, một nước Mỹ khác trong vài năm tới.
Kim Chi

Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thể hiện trong Hiến pháp năm 1992 - Những vấn đề đặt ra

Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thể hiện trong Hiến pháp năm 1992 - Những vấn đề đặt ra
Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là vấn đề đã được quy định trong các bản Hiến pháp của nước ta. Tuy nhiên, dưới ánh sáng của các quan điểm mới của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (sửa đổi, bổ sung năm 2011) như: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, trang 85); vấn đề quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân còn cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để thể hiện sâu sắc, nhất quán, xuyên suốt trong bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này.
Một là, “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” quy định ở Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) là một quy định nền tảng chỉ rõ nguồn gốc, bản chất và mục đích của quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân. Nguyên lý đó không những được quy định trong Hiến pháp nước ta mà còn được quy định trong hầu hết các bản Hiến pháp các nước có chế độ chính trị dân chủ và pháp quyền trên thế giới. Điều quy định này phải được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong toàn bộ các điều khoản của Hiến pháp. Bởi khác biệt với các văn bản khác, Hiến pháp là văn bản thể hiện quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến. Do đó, thông qua Hiến pháp nhân dân giao quyền, uỷ quyền quyền lực nhà nước của mình cho Nhà nước. Điều 2 quy định nội dung nói trên là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Tuy nhiên, tại Điều 6 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) lại quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Nội dung của điều khoản này lại mâu thuẫn với Điều 2 nói trên. Bởi nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua các cơ quan đại diện mà còn thông qua các cơ quan nhà nước khác như hành pháp, tư pháp và các hình thức thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp như phúc quyết Hiến pháp, trưng cầu dân ý. Để đảm bảo tính thống nhất của Hiến pháp, phải sửa lại Điều 6 để quy định đầy đủ hơn các phương thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước.
Hai là, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nên nhân dân phải kiểm soát được quyền lực nhà nước là một quyền tất yếu, một đòi hỏi chính đáng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ ở nước ta (sửa đổi bổ sung năm 2011) đã xác định kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Kiểm soát quyền lực nhà nước đòi hỏi phải hình thành một cơ cấu bao gồm kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp và trong nội bộ mỗi quyền và kiểm soát quyền lực nhà nước bên ngoài bao gồm kiểm soát của nhân dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy kiểm soát quyền lực nhà nước cần phải thể hiện xuyên suốt trong tất cả các chương của Hiến pháp. Ví dụ, các điều quy định về vị trí, vai trò và trách nhiệm của các thành tố cấu thành hệ thống chính trị ở nước ta viết ở Chương I, như: Đảng lãnh đạo (Điều 4), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 9), Công đoàn (Điều 10), công dân ở cơ sở (Điều 11) và đặc biệt là nhà nước nói chung (Điều 12), các cơ quan nhà nước, cán bộ viên chức nhà nước nói riêng (Điều 8) và đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (Điều 7) cũng phải thể hiện xuyên suốt tư tưởng chủ quyền nhân dân trong việc sử dụng các phương tiện kiểm soát quyền lực nhà nước.
Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chưa ghi nhận vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước. Vì thế, nói chung Hiến pháp chưa thể hiện mạnh mẽ yếu tố kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Với quan niệm kiểm soát quyền lực nhằm mục đích làm cho quyền lực thống nhất nên Hiến pháp chỉ quy định kiểm soát theo chiều dọc tức là chiều từ trên xuống, không chú ý quy định kiểm soát theo chiều ngang và chiều ngược. Vì thế chỉ có Quốc hội kiểm soát quyền hành pháp và quyền tư pháp bằng giám sát tối cao. Hành pháp và tư pháp chưa được quy định có quyền kiểm soát lập pháp. Chỉ trong nội bộ hành pháp có kiểm soát quyền lực của cấp trên đối với cấp dưới bằng thanh tra, kiểm tra. Tư pháp mới kiểm soát được hành vi hành chính và quyết định hành chính của hành pháp; chưa kiểm soát được lập pháp và văn bản quy phạm pháp luật của hành pháp. Chưa hình thành cơ chế để công dân thực hiện quyền yêu cầu xem xét lại bản án áp dụng điều luật trái tinh thần và nội dung của Hiến pháp.
Cũng vì mục đích kiểm soát quyền lực nhà nước để cho quyền lực nhà nước thống nhất nên Quốc hội kiểm soát hành pháp bằng phương thức bỏ phiếu tín nhiệm chứ không phải bỏ phiếu bất tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội không bỏ phiếu tín nhiệm đối với tập thể Chính phủ. Quốc hội không có quyền điều trần.
Kiểm soát quyền lực nhà nước là nhằm ngăn ngừa nguy cơ lạm quyền, lộng quyền, phòng chống sự tha hoá của quyền lực nhà nước như Mác trước đây đã nhiều lần khẳng định. Vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm mục đích phòng chống sự tha hoá của quyền lực nhà nước đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát.
Trước hết cần tăng cường cơ chế kiểm soát của Quốc hội đối với Chính phủ và tư pháp. Cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm cần thay đổi bằng cơ chế bỏ phiếu bất tín nhiệm để xem Quốc hội không còn tín nhiệm như thế nào, chứ không phải bỏ phiếu tín nhiệm để thăm dò xem Quốc hội có tín nhiệm hay không? Nếu qua bỏ phiếu bất tín nhiệm, đương sự nhận được đa số phiếu không tín nhiệm thì đương sự phải từ chức, không cần Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm một lần nữa. Ngoài ra, vì Quốc hội hoạt động không thường xuyên nhưng nguy cơ lạm dụng quyền lực lại thường xuyên nên việc điều trần tại các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội, những cơ quan hoạt động thường xuyên của Quốc hội là rất cần thiết.
Quyền tư pháp cần được mở rộng để kiểm soát quyền lập pháp và hành pháp. Cần có cơ chế kiểm soát tính hợp hiến của hoạt động lập pháp và tài phán tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.
Ba là, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước ta, thuật ngữ quyền con người được sử dụng trong Hiến pháp năm 1992. Đó là bước phát triển về quan niệm và nhận thức lý luận. Trước đây, trong tư duy chính trị pháp lý ở một số nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), thuật ngữ quyền con người không được thừa nhận. Vì vậy, Hiến pháp cũng như các đạo luật không sử dụng thuật ngữ này, đồng nhất quyền con người với quyền công dân, không thừa nhận quyền con người là một khái niệm độc lập, có nội hàm riêng so với khái niệm quyền công dân. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phải thừa nhận rằng cá nhân con người là thực thể tự nhiên - xã hội có những quyền cơ bản, xác định, việc thừa nhận các quyền này đã được cộng đồng loài người ghi nhận trong nhiều công ước quốc tế. Cá nhân con người chính là giá trị, giá trị con người không tách rời giá trị loài người thành một thể thống nhất hoàn chỉnh. Chính vì thế mà cộng đồng quốc tế (trong pháp luật quốc tế) và các Nhà nước riêng biệt (trong pháp luật quốc gia) đều ghi nhận và bảo vệ các giá trị con người. Vì vậy, Hiến pháp năm 1992 đã sử dụng khái niệm “quyền con người” với nội dung chính trị - pháp lý rộng hơn để thể hiện giá trị của cá nhân con người trong mối quan hệ với quyền công dân (không bao quát hết thảy các quyền con người)… Tuy nhiên, cách thể hiện các quyền con người, đồng thời là các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chưa thể hiện sâu sắc và đầy đủ quan niệm các quyền cơ bản của công dân là các quyền con người vốn có của họ.
Liên quan đến tư tưởng xuyên suốt toàn bộ Hiến pháp là “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” trong chương này cần quy định thêm ba vấn đề cơ bản: bầu cử, bãi nhiệm và phúc quyết như Hiến pháp năm 1946 đã quy định thành một mục gồm 5 điều trong Chương II: Nghĩa vụ và quyền lợi của công dân.
Về bầu cử, ngoài quy định chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu, bỏ phiếu tự do, trực tiếp và kín; cần quy định thêm bầu cử là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước, gắn bó chặt chẽ trách nhiệm qua lại giữa cử tri và người được bầu;
Bãi nhiệm đại biểu do mình bầu ra là một quyền cơ bản của công dân. Công dân có quyền bầu cử mà không có quyền bãi nhiệm thì quyền bầu cử chỉ mang tính hình thức. Hiến pháp cũng như các luật của nước ta chưa coi trọng quyền này nên không quy định thành quyền và cơ chế đảm bảo thực hiện quyền này. Do đó, nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” vẫn còn là nguyên tắc hình thức;
Phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia là một quyền thể hiện đầy đủ nhất nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Bởi nhân dân không những thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước mà mình giao quyền, uỷ quyền, mà còn qua các phương thức thực hiện quyền lực nhà nước một cách trực tiếp. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chưa quy định điều này. Vì thế cần nghiên cứu bổ sung vào Hiến pháp sửa đổi lần này.
Bốn là, chủ thể phân công quyền lực nhà nước trong Nhà nước ta chưa được quy định thật phù hợp. Như đã nói, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Nhân dân ủy quyền quyền lực nhà nước cho các cơ quan nhà nước. Như vậy, nhân dân là chủ thể phân công quyền lực nhà nước. Công cụ để nhân dân giao quyền, uỷ quyền, đó là thực hành quyền lập hiến. Bằng việc thực thi quyền lập hiến, nhân dân uỷ thác quyền lập pháp cho Quốc hội, quyền hành pháp cho Chính phủ và quyền tư pháp cho Toà án. Có thể thấy rằng, quyền lập hiến là quyền lực tối cao so với quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều khởi xuất từ quyền lập hiến. Nhưng Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) lại quy định “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” (Điều 83). Quy định này không thống nhất với Điều 2 của Hiến pháp: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Quyền lập hiến là quyền thể hiện một cách trọn vẹn nhất quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bởi Hiến pháp là bản văn thể hiện quyền lực nhà nước cao nhất. Vì thế, trong Nhà nước dân chủ và pháp quyền, quyền lực nhà nước thuộc về ai thì chủ thể đó có quyền lập hiến và khi nhân dân có quyền lập hiến thì nhân dân trở thành chủ thể phân công quyền lực nhà nước. Đúng như Hiến pháp năm 1946 đã quy định, nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp (Điều 20) và sửa Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a. Do hai phần ba tổng số Nghị viện yêu cầu
b. Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi
c. Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết (Điều 70).
Năm là, tập quyền XHCN - học thuyết do C.Mác khởi xướng dựa trên thực tiễn của công xã Pa-ri và sau được Lê-nin phát triển, được xem là nền tảng lý luận cho việc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta từ Hiến pháp năm 1959 và tập trung nhất ở Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) đã có một bước đổi mới trên cơ sở tiếp thu một số nhân tố hợp lý phù hợp với thực tiễn nước ta của học thuyết phân quyền và đề ra thành nguyên tắc trong Điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, nhưng những quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chưa thể hiện đầy đủ nguyên tắc này. Một số nhiệm vụ quyền hạn phân công cho Quốc hội chưa thật phù hợp. Ví dụ, Quốc hội cơ quan duy nhất có quyền lập hiến (Điều 83); quyền giám sát tối cao văn bản quy phạm pháp luật dưới luật - thuộc quyền tư pháp - lại giao cho Quốc hội; quyền giải thích chính thức Hiến pháp, luật và pháp lệnh giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng không phù hợp (vì đây là hoạt động vi mô gắn liền với sự kiện pháp lý, trong lúc đó Uỷ ban thường vụ Quốc hội là cơ quan hoạt động mang tính chất vĩ mô ở tầm quốc gia). Chính phủ chưa được xác định là cơ quan hành pháp. Dưới ánh sáng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ghi nhận ở Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), trong Chương VIII Chính phủ, Hiến pháp sửa đổi lần này cần phải ghi nhận vị trí của Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất trong tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta.
Điều 109 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) hiện hành xác định Chính phủ là “cơ quan hành chính nhà nước cao nhất”. Trong lý luận về luật nhà nước và luật hành chính, người ta phân biệt rõ ràng hai quyền: hành pháp (executive) và hành chính (administration). Hành chính là chấp hành và điều hành chính sách, mang nghĩa thụ động, gắn liền với hoạt động tác nghiệp có tính mệnh lệnh quyền uy của quản lý nhà nước ở tầm vi mô. Hành pháp là khởi xướng, hoạch định chính sách mang tính chủ động gắn liền với hoạt động của các chính khách ở tầm quốc gia. Vì thế hoạt động của Chính phủ là hoạt động mang tính chất khởi xướng, hoạch định và điều hành chính sách quốc gia. Kinh nghiệm lập hiến của nhiều nước chỉ ra rằng, quyền hành pháp là quyền hoạch định và điều hành chính sách quốc gia. Điều 20 Hiến pháp của Cộng hoà Pháp hiện hành quy định “Chính phủ xác định và thực thi chính sách quốc gia”; Điều 146 Hiến pháp Hà Lan quy định “Hội đồng Bộ trưởng lãnh đạo chính sách đối nội và đối ngoại của Cộng hoà Hà Lan”. Vậy chính sách là gì? Chính sách công cộng là “sự phân chia các giá trị và các nguồn lực trong xã hội”. Nói cách khác, các chính sách được xem như sự phản ánh “ai đạt được cái gì, khi nào và bằng cách nào” trong một xã hội. Một định nghĩa khác về chính sách được sử dụng khá phổ biến là “chính sách là những gì mà Chính phủ đề ra và thực hiện để đối phó với những vấn đề nhận thức được”.
Hoạch định chính sách là vạch ra những mục tiêu cần đạt được, những phương tiện sử dụng để đạt được mục tiêu đó. Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc tìm kiếm hướng đi cho quốc gia bằng việc soạn thảo các chiến lược phát triển, các kế hoạch, các dự án luật và các bộ luật… trình Quốc hội và đồng thời là người trực tiếp và thường xuyên điều hành việc thực hiện các chiến lược, các kế hoạch, các đạo luật, bộ luật sau khi được Quốc hội xem xét thông qua. Chính phủ là cơ quan nắm rõ nhất những nhu cầu của quốc gia và đưa ra những chính sách để phúc đáp những nhu cầu đó.
Trong việc hoạch định chính sách quốc gia, Chính phủ phải phát hiện được nhu cầu đó. Từ đó, khởi xướng và soạn thảo chính sách. Có loại, theo thẩm quyền, Chính phủ tự mình xem xét, quyết định thông qua và tổ chức thực hiện. Có loại, Chính phủ trình Quốc hội dưới hình thức là các dự án luật, bộ luật để Quốc hội xem xét, thông qua. Có thể nói, quyền trình dự án luật là một cấu phần rất quan trọng  của quyền hành pháp. Trong đa số các nước hiện nay, dù là theo mô hình tổng thống hay đại nghị, Chính phủ là nguồn chủ yếu của các đạo luật do Nghị viện ban hành. Sở dĩ như vậy là vì, Chính phủ là người trực tiếp điều hành xã hội nên nắm rõ được nhu cầu của xã hội. Đây chính là việc thể hiện tính chủ động của Chính phủ mà quan niệm truyền thống xác định vị trí của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất không phản ánh được.
Không giống như Hiến pháp của các nước châu Âu, Hiến pháp nước ta không giao cho Chính phủ quyền quyết định chính sách cơ bản, không khẳng định vai trò khởi xướng, hoạch định xây dựng và điều hành chính sách của Chính phủ, chỉ coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của quốc gia. Không được trao quyền hành pháp, Chính phủ nước ta cùng với Quốc hội phối hợp thực hiện quyền hành pháp theo cách: Quốc hội quyết định chính sách cơ bản, Chính phủ quyết định những chính sách cụ thể để thực thi chính sách cơ bản. Do vậy, Điều 112 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định thẩm quyền của Chính phủ mang tính thụ động. Trong mối quan hệ với chính sách quốc gia, Chính phủ được Hiến pháp quy định là một thiết chế thực thi, chấp hành thay vì là một thiết chế khởi xướng, đề xuất, thúc đẩy, xây dựng, tổ chức lấy ý kiến đóng góp, phản biện của các tầng lớp nhân dân và tổ chức thực hiện chính sách quốc gia. Qua các quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) hiện hành, có thể thấy rằng, Quốc hội được xem là cơ quan giữ vai trò trung tâm trong việc điều phối thực thi quyền hành pháp. Nội dung hành pháp quan trọng nhất là quyết định chính sách cơ bản được trao cho Quốc hội. Hiến pháp không làm rõ và nổi bật vai trò đề xướng, hoạch định, xây dựng mang tính sáng tạo, nhanh nhạy, quyết đoán, tự chịu trách nhiệm về chính sách của Chính phủ.
Trong thời đại ngày nay, sự biến chuyển không ngừng và nhanh chóng của xã hội đòi hỏi Chính phủ, với tư cách là cơ quan có quan hệ một cách trực tiếp và thường xuyên nhất với xã hội, phải luôn chủ động, khởi xướng, sáng tạo ra những đường hướng vận hành cho xã hội. Trong ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, Chính phủ được coi là một thiết chế thích hợp nhất để làm việc đó. Chính vì thế, Chính phủ phải được coi là thiết chế khởi xướng chính sách chứ không đơn thuần  là người thi hành chính sách. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền và trong một “thế giới phẳng”, Quốc hội là cơ quan lập pháp và giám sát việc hoạch định và thi hành chính sách; Chính phủ là cơ quan hành pháp, cơ quan khởi xướng, hoạch định, soạn thảo chính sách và điều hành việc thực hiện chính sách.
Sáu là, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cũng chưa được Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định cơ quan nào là cơ quan thực hành quyền tư pháp. Khi nói quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì quyền tư pháp - biểu hiện rực rỡ nhất ở quyền xét xử - thuộc về nhân dân, nhân dân trao quyền lực xét xử cho Nhà nước. Do đó, nhân dân đi tìm công lý, công bằng, lẽ phải từ việc xét xử của các Tòa án. Vì thế, Hiến pháp sửa đổi lần này cần quy định Tòa án nhân dân - với chức năng xét xử - là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
GS, TS. Trần Ngọc Đường - Văn phòng Quốc hội.

Ý kiến cá nhân về vụ án chấn động lê Văn Luyện

        Ngô Thu Trang, 15-1-2011.
        Vụ án Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng Ngọc Bích gây chấn động dư luận, đã khép lại bằng 1 bản án. Bản án được tuyên ra, và đằng sau đó là những trạng thái cảm xúc: tiếng gào khóc của người nhà nạn nhân, tiếng thở dài của người nhà bị cáo, nụ cười của tên sát nhân, sự bất bình của một số người dân về bản án và sự đồng tình về bản án của một số người vì coi là xử như thế là đúng pháp luật...
        Đã là bản án được tòa tuyên ra tất yếu mọi người phải tuân theo, và nếu còn thấy chưa thuyết phục thì kháng cáo lên tòa cấp trên, nhưng dù có kháng cáo thì hình phạt cao nhất vẫn không thể tử hình tên sát nhân man rợ vì một sự thật mà chắc chắn lúc phạm tội hắn không bao giờ nghĩ ra, trời đã ban cho hắn chưa đủ 18 tuổi...Dư luận sau đó sẽ nhận xét như thế nào? Họ đồng tình hay không đồng tình? Hay chính hình phạt ''không thuyết phục'' cho tên sát nhân này đã tiếp tay cho 1 thế hệ sát nhân mới, nguy hiểm hơn, hung hãn hơn và ngang nhiên hành động hơn (vì biết dù có làm gì thì ''mình giống anh Luyện nên  mình không bị tử hình'')[1].
        Vậy hình phạt tử hình là gì? Có một số định nghĩa khác nhau về hình phạt từ hình song xét ở phương diện pháp lý, có thể hiểu hình phạt tử hình là việc tước bỏ tính mạng của con người theo bản án được tuyên bởi một tòa án được lập ra một cách hợp pháp, nhằm trừng phạt người đó vì đã phạm một tội ác đặc biệt nghiêm trọng. Trên phương diện pháp lý, hình phạt tử hình chỉ có thể được tuyên và thi hành bởi Nhà nước (Tòa án và cơ quan thi hành án nhân dân Nhà nước); bởi vậy, khi một chủ thể phi nhà nước có hành động ‘‘hành quyết’’ một người thì bất luận trong hoàn cảnh nào chủ thể đó cũng bị coi là phạm tội giết người[2]. Ở nước ta hình phạt tử hình bằng xử bắn đã được thay bằng tử hình bằng tiêm thuốc độc từ 1-1-2012.
         Điều 6 ICCPR[3] được cụ thể hóa trong điều 3 UDHR[4], theo đó: Mọi người đều có quyền cố hữu được sống. Trong đó không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ mang thai. Để thực hiện theo những cam kết Quốc tế đã ký kết năm 1982 nước ta đã hiện thực hóa ngay trong đạo luật tối cao. Điều 71 hiến pháp năm 1992: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Và cụ thế hóa ở luật hình sự, điều 74 Bộ luật Hình sự, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định…Do đó, theo quy định của pháp luật thì những người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng không bị tử hình.
          Sau khi bản án đưa ra có 2 luồng ý kiến: Một là xét xử phải tuân theo pháp luật, pháp luật mang tính nhân đạo chính vì thế không thể tử hình người chưa thành niên dưới 18 tuổi. Hai là pháp luật phải răn đe, phải công bằng với những người đã khuất, ‘‘nợ máu phải trả bằng máu’’ chính vì thế phải sửa luật cho phù hợp với dư luận xã hội.
          Thứ nhất, xét xử phải tuân theo pháp luật, pháp luật mang tính nhân đạo chính vì thế không thể tử hình người chưa thành niên dưới 18 tuổi.
          Sở dĩ có quy định như vậy vì theo lập luận thì những người chưa thành niên thì trình độ nhận thức kém hoặc không nhận thức được về hành vi phạm tội của mình, chưa phát triển toàn diện về mọi mặt. Câu hỏi đặt ra là trình độ nhận thức kém là như thế nào? Và pháp luật đã quy định trình độ nhận thức kém là như thế nào trong luật chưa?
           Việt Nam có 84,15 triệu dân thì số vị thành niên và thanh niên trẻ chiếm tới 31,5% (26,5 triệu người)[5], với tỉ lệ lớn như vậy thì những đóng góp và những ảnh hưởng của thế hệ này là không nhỏ trong hiện tại và tương lai sau này. Việc đầu tư cho nhận thức trong cuộc sống và xã hội của thế hệ này cần phải chú trọng nâng cao, nên chú trọng nâng cao nhận thức hơn là cứ lấy cớ là nhận thức kém ở thế hệ ‘‘vàng’’ này.
           Nhân đạo còn là truyền thống của dân tộc ta. Từ những câu ca dao lưu truyền trong dân gian: ‘‘Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại’’, ‘‘Lấy ân trả oán’’…đến những quy định trong bộ luật Hình thư ra đời nhà Lý và Hồng Đức ra đời nhà Lê đều mang nhân tố nhân đạo, vì con người. Và nhân đạo trong pháp luật hiện nay còn là tạo điều kiện cho những con người lầm lỡ đó được trở về cộng đồng, phục thiện làm lại cuộc đời.
           Thứ hai, pháp luật phải răn đe, phải công bằng với những người đã khuất, ‘‘nợ máu phải trả bằng máu’’ chính vì thế phải sửa luật cho phù hợp với dư luận xã hội.
           Vậy hình phạt tử hình có phải là sự trả giá xứng đáng đối với những kẻ gây ra tội phạm khủng khiếp? Nhiều người cho rằng ‘‘mạng phải đền mạng’’ nếu đã phạm tội giết người phải chịu sự trừng phạt là cái chết, như thế mới đảm bảo công bằng, công lý cho người chết. Tuy nhiên cũng có một số người cho rằng không nên sử dụng hình phạt là cái chết để đáp trả lại hành động giết người. Vì như thế có khác gì trả thù và lặp lại hành động của kẻ phạm tội, trên danh nghĩa là vì sự công bằng nhưng thực chất là giết người.
           Hình phạt tử hình có phải là biện pháp tốt nhất để bù đắp những mất mát của gia đình người bị hại? Trong phiên tòa xử Lê Văn Luyện, chúng ta thấy được những tấm khăn trắng trên trán của gia đình nạn nhân, tiếng gào khóc thảm thiết khi mà người đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng, họ đã mất đi ba người thân yêu quý, chắc chắn họ không bao giờ quên được những thương tật tinh thần này. Do đó ai cũng có tâm lý chung là phải có hình phạt cao nhất cho kẻ thủ ác, dù có ‘‘phanh thây’’ cũng không đủ, cũng không thể đền bù được nỗi đau mất mát vô cùng lớn này.
          Tuy nhiên, không phải lúc nào gia đình nạn nhân cũng thấy thanh thản và mãn nguyện khi mà đã trừng trị kẻ thủ ác bằng một hình phạt mà họ coi là thích đáng. Đó là khi mà việc kẻ thủ ác đã bị trừng phạt thích đáng thì người thân của họ cũng không thể  trở về sống cùng họ. Thà rằng tha cho kẻ phạm tội, bằng việc xin ân giảm hay bằng lòng với bản án của tòa tuyên ra để được thanh thản, mà theo giáo lý đạo Phật khuyên là không nên sát sinh. Ngoài ra còn có trường hợp là xử oan người vô tội, nỗi đau giờ có thêm tội lỗi thì thử hỏi gia đình nạn nhân còn có thể thấy thanh thản và mãn nguyện hay không?[6]
         Có ý kiến cho rằng, pháp luật là nhân đạo tuy nhiên đối với trường hợp với tính chất man rợ như của Lê Văn Luyện thì cần sửa đổi luật cho phù hợp. Theo ý kiến của người viết đó[7] “Tuy nhiên, khi tình hình tội phạm có xu hướng trẻ hóa, và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng thì theo quan điểm của tôi, luật cũng cần phải thay đổi… Vụ án Lê Văn Luyện gây ra có tính chất quá man rợ và tàn ác, phạm tội nhiều lần (giết nhiều người) thì cần phải có hình phạt cao hơn”. Tuy nhiên là sửa luật thì sửa như thể nào? Vì việc sửa luật này thì chủ yếu có 2 cách: Một là quy định người dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải tử hình. Nếu quy định như vậy là vi phạm đến điều ước Quốc tế đã ký kết, tính nhân đạo của pháp luật một phần của truyền thống dân tộc và có thể gây nên hậu quả khó lường nếu xử phạt người vô tội. Hai là quy định người dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì không được tử hình trừ một số trường hợp đặc biệt. Vậy ta có thể quy định ‘‘trường hợp đặc biệt’’ đó là như thế nào trong luật hay không? Đời sống xã hội luôn đa dạng và biến đổi không ngừng, không ai có thể dự đoán trước được điều gì…
          Theo tôi, vụ án đã khép lại thì hãy để nó qua đi để những đau thương mất mát của hai bên gia đình được nguôi ngoai. Không nên cứ chú trọng suy xét về hình phạt cho bị cáo, mà nên nghĩ xem nên làm gì để không còn Lê Văn Luyện thứ hai.
          Các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay lại chú trọng đăng những tin giật gân, tin giết người, cướp của, lộ hàng…Ngoài xã hội có rất nhiều tấm gương người tốt, việc tốt phải được noi gương để chúng ta học tập tuy nhiên lại không được đăng, đó phải chăng là một nghịch lý?…
        
        
         



[1] ‘‘giống anh Luyện’’ ý là người chưa thành niên.
[2] Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân-Khoa luật ĐHQG HN, Những điều cần biết về hình phạt tử hình, Nxb Chính trị Quốc gia, tr 14.
[3] Công ước Quốc tế về quyền dân sự, chính trị.
[4] Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền
[5] Tổng cục thống kê, 2006
[6] Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân-Khoa luật ĐHQG HN, Những điều cần biết về hình phạt tử hình, Nxb Chính trị Quốc gia, tr34,35,60.