Friday, February 10, 2012

Bảo hiến, chủ nghĩa lập hiến và nhà nước pháp quyền

Bảo hiến, chủ nghĩa lập hiến và nhà nước pháp quyền
Bảo hiến, chủ nghĩa lập hiến và nhà nước pháp quyền

I. Khái niệm và lịch sử phát triển của vấn đề bảo hiến
Bảo hiến (hay còn được gọi là bảo vệ hiến pháp hoặc tài phán hiến pháp1-constitutional review/judicial review), theo định nghĩa của một số từ điển pháp luật phổ biến, có thể hiểu là thẩm quyền của các tòa án của một quốc gia được xem xét và đánh giá tính hợp hiến của các đạo luật hoặc quyết định của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.2 
Sở dĩ bảo hiến thường được gọi là judicial review vì từ trước đến nay nó gắn liền với chức năng của tòa án trong việc xem xét tính pháp lý trong hoạt động của các cơ quan hành chính3.
Khi nói về lịch sử của vấn đề bảo hiến, Arne Mavčič chia thành các giai đoạn như sau4:
Trước Chiến tranh thế giới thứ I
Những yếu tố ban đầu của bảo hiến được cho là xuất hiện vào thời cổ Hy Lạp, khi pháp luật nước này phân biệt giữa một nomos (văn bản pháp luật có chức năng như hiến pháp) và một psephisma (văn bản pháp luật có chức năng như một nghị định, hiệu lực thấp hơn). Một psephisma, bất kể nội dung quy định về vấn đề gì, cũng không được trái với nomos, nếu trái sẽ bị coi là vô hiệu.
Một số khía cạnh của bảo hiến sau đó được áp dụng trong hệ thống pháp luật của Đức từ năm 1180 (về sau được đề cập trong Hiến pháp Weimar). Ngoài ra, các hình thức sơ khai của bảo hiến cũng xuất hiện ở một số nước châu Âu khác như ở Pháp (từ giữa thế kỷ XIII), Bồ Đào Nha (từ thế kỷ XVII), Na Uy, Đan Mạch, Hy Lạp, Áo, Romania (thế kỷ XIX). Mặc dù không có hiến pháp thành văn, nước Anh cũng được coi là có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của lý luận và pháp luật về bảo hiến, vì từ thời trung cổ, người Anh đã khởi xướng ra thủ tục impeachment (hạch tội để bãi miễn quan chức nhà nước), đồng thời từ năm 1610 đã đề xướng nguyên tắc về tính tối thượng (supremacy) của Hiến pháp và quyền của tòa án được xem xét tính hợp hiến của các hoạt động của chính phủ - những điều mà sau đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thiết lập cơ chế bảo hiến ở Hoa Kỳ.
Ở Hoa Kỳ, vào cuối thế kỷ XVIII, tòa án đã ra một phán quyết tuyên bố các luật của đế chế Anh không có hiệu lực trên lãnh thổ các bang Bắc Mỹ. Tuy nhiên, phải đến năm 1803, trong vụ án nổi tiếng Marbury kiện Madison, quyền bảo hiến của tòa án mới được xác lập một cách chính thức ở Hoa Kỳ. Vụ Marbury kiện Madison cũng xác lập mô hình bảo hiến kiểu Hoa Kỳ, do các tòa án thực hiện - một trong những mô hình bảo hiến chính trên thế giới hiện được áp dụng ở nhiều quốc gia.
Trong thời gian giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới thứ I và thứ II
 Giai đoạn này được gọi là “thời kỳ của nước Áo” (the Austrian Period). Chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của hai nhà luật học Adolf Merkl và Hans Kelsen, Hiến pháp năm 1920 của Áo đã xác lập nền tảng của Tòa án Hiến pháp nước này, với độc quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật. Mô hình tòa án hiến pháp chịu trách nhiệm về bảo hiến sau đó được áp dụng ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là ở châu Âu, trở thành một trong các mô hình bảo hiến chính hiện nay trên thế giới.
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II
Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, cơ chế bảo hiến tiếp tục được thiết lập ở khắp nơi trên thế giới. Trong thời kỳ này, ngoài tòa án (tòa án thường và tòa án hiến pháp) như ở Mỹ và Áo, ở một số nước, pháp luật còn giao quyền bảo hiến cho một số cơ quan khác, ví dụ như Hội đồng bảo hiến, các tòa đặc biệt thuộc Toà án tối cao, hoặc cho bản thân Nghị viện.
II. Các mô hình bảo hiến trên thế giới
Từ góc độ tổ chức, Arne Mavčič chia các thiết chế bảo hiến hiện hành trên thế giới thành các mô hình như sau5:
(1)   Mô hình Mỹ
Được hình thành từ vụ Marbury kiện Madison, đặc trưng của mô hình bảo hiến kiểu Mỹ là không thành lập cơ quan bảo hiến chuyên trách. Thay vào đó, tòa án ở mọi cấp về nguyên tắc đều có quyền bảo hiến, cụ thể là trong quá trình xét xử có quyền xem xét tính hợp hiến của các đạo luật có liên quan và có quyền tuyên bố quy định đó là vi hiến, đồng thời từ chối không áp dụng quy định đó. Vì vậy, đây còn được gọi là mô hình bảo hiến phi tập trung (decentralized constitutional review). Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất trong vấn đề này, chỉ quyết định của tòa án tối cao mới có hiệu lực bắt buộc với mọi toà khác và mới có thể vô hiệu hóa một đạo luật.
Hiện tại, theo nghiên cứu của Arne Mavčič, những quốc gia và vùng lãnh thổ sau đây đang áp dụng mô hình bảo hiến kiểu Mỹ (xem thêm hình 1): Đan Mạch, Estonia, Ireland, Nauy, Thụy Điển (châu Âu); Botswana, Gambia, Ghana, Guinea, Kenya, Malawi, Namibia, Nigeria, Xây-sen, Sierra Leone, Swaziland, Tanzania (châu Phi); Israel (Trung Đông); Bangladesh, Fiji, Hong Kong, Ấn Độ, Nhật Bản, Kiribati, Malaysia, the Federal States of Micronesia, Nauru, Nepal, New Zealand, Palau, Papua New Guinea, Singapore, Chính phủ Tây Tạng lưu vong, Tonga, Tuvalu, Vanuatu, Tây Samoa (châu Á); Canada, Hoa Kỳ (Bắc Mỹ); Argentina, Bahamas, Barbados, Belize, Bolivia, Dominica, Grenada, Guyana, Haiti, Jamaica, Mexico, St. Christopher/Nevis, Trinidad and Tobago (Trung và Nam Mỹ).
(2) Mô hình châu Âu lục địa  
Mô hình này còn được gọi là mô hình Áo, bởi như đã đề cập ở trên, nó được xác lập đầu tiên trong Hiến pháp năm 1920 của Áo, dựa trên lý thuyết của Adolf Merkl và Hans Kelsen mà trong đó kết hợp giữa nguyên tắc về tính tối cao của Hiến pháp và thẩm quyền tối cao của Nghị viện. Đặc trưng của mô hình này là không giao quyền bảo hiến cho toàn bộ hệ thống tòa án mà chỉ giao cho một cơ quan chuyên trách. Cơ quan này, nguyên thủy và thông thường được thành lập dưới hình thức một Tòa án Hiến pháp, nhưng sau đó còn được thành lập dưới một số hình thức khác như Hội đồng bảo hiến hay Viện bảo hiến...
Mặc dù có tên gọi khác nhau, các thiết chế bảo hiến theo mô hình châu Âu lục địa có những đặc điểm chung như sau: hoạt động bảo hiến được thực hiện trong nhiều bối cảnh khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia; cơ quan bảo hiến thông thường không được coi là thuộc nhánh quyền lực tư pháp (kể cả khi có tên gọi là Tòa án Hiến pháp); thủ tục tố tụng khác với thủ tục tố tụng áp dụng ở hệ thống tòa án thường; các cơ quan bảo hiến có quyền tự chủ về hành chính và tài chính; vị thế, quyền hạn, việc thành lập hay bãi bỏ cơ quan bảo hiến thông thường thuộc quyền quyết định của Nghị viện; thẩm phán tòa hiến pháp được chỉ định bởi các cơ quan nắm quyền lực chính trị; thẩm quyền tài phán có tính chất đặc biệt: các phán quyết của cơ quan bảo hiến mang vừa mang tính pháp lý vừa mang tính chính trị; thông thường phán quyết của cơ quan bảo hiến có tính chất bắt buộc, cưỡng chế, nhưng có trường hợp chỉ có tính chất ngăn ngừa, tư vấn; phạm vi bảo hiến bao quát tất cả các văn bản pháp luật. 
(3) Mô hình hỗn hợp (Mỹ - châu Âu lục địa)
Đặc trưng của mô hình này là thẩm quyền bảo hiến được giao cho cả cơ quan bảo hiến chuyên trách và hệ thống tòa án thường. Tuy nhiên, chỉ có cơ quan bảo hiến chuyên trách mới có quyền phán quyết một đạo luật hay quyết định là vi hiến, còn các tòa án thường chỉ có quyền không áp dụng một đạo luật nếu xét thấy nó không hợp hiến.
 Ở những quốc gia đang áp dụng mô hình bảo hiến hỗn hợp, cơ quan bảo hiến chuyên trách cũng có thể là Tòa hiến pháp, Tòa thượng thẩm (high court) hoặc các Tòa đặc biệt (special chambers) của Tòa tối cao.
(4) Mô hình Pháp
Sở dĩ gọi là mô hình Pháp vì mẫu hình của nó là Hội đồng Hiến pháp của Pháp (Conseil Constitutionnel), được thành lập từ năm 1958, có chức năng là một cơ quan bảo hiến. Ở một số nước khác theo mô hình này, Tòa án tối cao cũng có thể là cơ quan bảo hiến, tuy nhiên, trong trường hợp này phán quyết của Tòa chủ yếu chỉ mang tính tham vấn (trừ những vụ việc liên quan đến bầu cử).
(5) Mô hình Nghị viện đồng thời có chức năng bảo hiến
Theo mô hình này, Nghị viện hoặc một cơ quan của Nghị viện sẽ giữ chức năng bảo hiến. Có quan điểm cho rằng, đây là mô hình riêng của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN)6 và một số nước chịu ảnh hưởng của phe XHCN trước đây, tuy nhiên thực tế không hẳn như vậy. Ngoài các nước XHCN trước đây (và hiện nay vẫn còn đang được áp dụng ở Trung Quốc, Cu Ba, Việt Nam, Lào, Bắc Triều Tiên) mô hình này còn thấy ở một số nước khác, bao gồm các nước tư bản chủ nghĩa và quân chủ lập hiến, cụ thể như Phần Lan, Bahrain, Kuwait, Oman, Brunei, Australia...
Hầu hết quốc gia trên thế giới thuộc về một trong số năm mô hình bảo hiến kể trên, tuy nhiên, có một vài quốc gia không thuộc nhóm nào (không có cơ chế bảo hiến), cụ thể như Anh, Hà Lan, Lesotho, Liberia và Libi. Ngoài ra, theo phân loại của Arne Mavčič, còn một mô hình nữa có tên gọi là mô hình Khối thịnh vượng chung mới (the New (British) Commonwealth Model) có duy nhất một quốc gia là Mauritius theo đuổi. Arne Mavčič cho rằng, mô hình này không thể xếp vào bất cứ kiểu nào đã nêu ở trên, tuy nhiên không mô tả rõ ràng những đặc trưng của nó.
 Bên cạnh các cơ quan bảo hiến quốc gia, Arne Mavčič cho rằng, một số cơ quan tài phán quốc tế, đặc biệt là các Tòa án nhân quyền khu vực, cũng có chức năng tài phán hiến pháp ở mức độ nhất định. Những cơ quan đó bao gồm: Tòa án nhân quyền châu Âu (the European Court of Human Rights, trụ sở ở Strasbourg, Pháp); Tòa án Công lý châu Âu (the Court of Justice of the European Community, trụ sở ở Luxembourg); Tòa án của Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (the Court of EFTA, trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ); Tòa án nhân quyền châu Phi (the African Court of Human Rights) Ủy ban nhân quyền Liên Mỹ (Comision y la Corte Interamericanas de los Derechos Humanos)…
Các hình dưới đây cung cấp những thông tin chi tiết về mức độ phổ biến và phân bố của các mô hình bảo hiến trên thế giới.

 


III. Mối quan hệ giữa nhà nước pháp quyền, chủ nghĩa lập hiến và việc bảo hiến  
Nội dung cốt lõi của tư tưởng pháp quyền là đề cao quyền lực của nhân dân, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, sự thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, đặt các thiết chế quyền lực trong sự ràng buộc của Hiến pháp và pháp luật, kiểm soát quyền lực, bảo đảm sự phân quyền, sự độc lập của Tòa án, bảo đảm tính minh bạch của pháp luật.
Một vấn đề cơ bản được đặt ra là: Vì sao trong Nhà nước pháp quyền lại cần đến sự thượng tôn Hiến pháp? Vấn đề này cần được lý giải như sau:
- Trước hết, Nhà nước pháp quyền khác với Nhà nước không pháp quyền ở khả năng bảo đảm tính phổ quát và tính tuyệt đối của chủ quyền của nhân dân, chủ quyền của quốc gia và dân tộc. Về phương diện pháp lý, Hiến pháp với tính cách là bản khế ước của nhân dân, là cơ sở pháp lý cao nhất và đầy đủ nhất bảo đảm sự khẳng định đó. Trong tư cách đó, Hiến pháp có khả năng kết nối các lợi ích xã hội, tạo nên một trật tự hiến định, theo đó sự đồng thuận, giao thoa lợi ích trên nên tảng pháp quyền là đặt trưng chủ đạo nhất của đời sống xã hội và chính trị. Mặt khác, về phương thức điều chỉnh, với tính chất đặc trưng của mình, các quy định mang tính cơ bản và nền tảng của Hiến pháp, những yêu cầu chặt chẽ của quá trình bổ sung, sửa đổi Hiến pháp là điều kiện cho một trật tự pháp lý ổn định cao vốn là đặc trưng của Nhà nước pháp quyền. Về mặt thực tiễn, sự bền vững của trật tự hiến định là nền tảng cho sự vận hành một xã hội ổn định - xã hội của các quan hệ bình đẳng, tự do giữa các chủ thể trong các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội. Sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội đồng thuận là yếu tố không thể thiếu được cho sự vận hành hệ thống chính trị trên cơ sở thừa nhận, ủng hộ của các lực lượng xã hội (tính chính đáng của quyền lực), cho phép loại bỏ đến mức thấp nhất những yếu tố phủ định hoặc chống đối trật tự hiện hữu.
- Chủ nghĩa lập hiến là sự nhận thức về vai trò của Hiến pháp, là sự hiện hữu của Hiến pháp và sự tác động tích cực của nó đến đời sống chính trị và đời sống xã hội. Hiến pháp và trật tự hiến định thực tiễn là hai mặt của chủ nghĩa lập hiến. Khẳng định ở mức cao nhất về mặt pháp lý và bảo đảm thực hiện trong thực tiễn cuộc sống các lợi ích cao nhất, trường tồn và bền vững nhất của đất nước, của dân tộc, chủ nghĩa lập hiến được coi là yếu tố đầu tiên trong thang giá trị của Nhà nước pháp quyền. Bởi vậy, bảo hiến là bảo vệ lợi ích cao nhất, trường tồn nhất, bền vững nhất của đất nước và dân tộc, lợi ích của mỗi cá nhân và của mọi cá nhân, của mỗi giai cấp, tầng lớp. Nói khác đi, đó là bảo vệ chủ quyền của nhân dân.
- Nhà nước pháp quyền khác với Nhà nước không pháp quyền ở việc xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, giữa quyền lực công với quyền con người. Các tư tưởng về chế độ pháp trị, những hệ thống pháp luật đồ sộ trước đó dù có hoàn hảo đến mấy vẫn chưa vượt qua được logic của sự tùy tiện. Nhà nước pháp quyền đặt quyền con người trong tầm ngắm bảo hộ của nó và ở vị trí chủ đạo, từ đó đặt ra yêu cầu về trách nhiệm bảo đảm, bảo vệ quyền con người từ phía Nhà nước, đòi hỏi sự tự ràng buộc, tự hạn chế của quyền lực trước yêu cầu bảo vệ quyền con người. Là bản khế ước của mọi người, Hiến pháp có hai khả năng quan trọng: một là, những quy định của Hiến pháp về quyền con người là đầy đủ nhất, toàn diện nhất so với những quy định của các đạo luật; hai là, chính sự chế ước và hạn chế quyền lực đã trở thành lá chắn hữu hiệu chống lại sự tùy tiện của quyền lực đối với quyền con người. Vì vậy, Nhà nước pháp quyền cần có Hiến pháp để bảo đảm được cốt cách đặc trưng của nó. Bởi thế, bảo hiến là bảo vệ quyền con người, là thực hiện mục tiêu và đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền.
Trên đây là logic của mối quan hệ: Nhà nước pháp quyền - chủ nghĩa lập hiến - bảo hiến.
IV. Đặc trưng của bảo hiến trong thể chế chính trị tập quyền 
Tư tưởng về bảo hiến bao gồm khía cạnh về một cơ chế hữu hiệu để bảo vệ phần thiểu số trong cơ chế chính trị và bảo vệ lợi ích toàn cục (quốc gia). Điều đó là bởi ở các quốc gia theo chế độ đại nghị, dường như cơ chế giải quyết xung đột giữa lập pháp và hành pháp đã hình thành những công cụ pháp lý khá hữu hiệu, đó là hình thức giải tán Nghị viện trước thời hạn và hình thức giải tán Chính phủ. Bằng những cách đó, thế cân bằng lợi ích luôn được duy trì khi sự cân bằng tỏ ra có vấn đề. Tuy nhiên, khi quyền lập pháp được đặt ở thế thượng phong, nhất là khi lập pháp được đặt ở vị trí tối thượng thì nguyên tắc phân quyền bị phá vỡ. Về hình thức, dường như trong trường hợp này vị thế nghiêng về lập pháp, nhưng thực chất từ khi đó “cơ chế đảng phái” đã bắt đầu xuất hiện. Cơ chế quyền lực nhà nước đã chuyển hóa thành cơ chế quyền lực chính trị. Đa số trong nghị viện thuộc về đảng đa số cầm quyền và nghị viện lúc đó trở thành công cụ thực hiện lợi ích của đảng hoặc liên minh các đảng cầm quyền mà thực chất là sự liên kết giữa lập pháp và hành pháp. Như vậy, nguyên tắc đa số của chế độ đại nghị gắn liền và thể hiện sự lệ thuộc của nghị viện vào chính phủ và đảng chính trị. Phe đối lập chỉ chỉ còn một cách duy nhất là dựa vào một cơ chế bảo vệ là tài phán hiến pháp. Bảo đảm sự cân bằng vốn có của cơ chế phân quyền là chức năng quan trọng của cơ chế tài phán hiến pháp. Nó còn có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của thiểu số trong hệ thống đa đảng trong cơ chế phân quyền.
Từ phân tích ở trên, có thể suy ra được vì sao cơ chế quyền lực nhà nước tập trung, không phân quyền, hay còn gọi là tập quyền, lại không cần đến hoặc coi nhẹ vấn đề tài phán hiến pháp. Bởi lẽ, theo cơ chế này, toàn bộ quyền lực về mặt hình thức thuộc về các cơ quan đại biểu cao nhất là Quốc hội. Quốc hội vừa là cơ quan lập hiến, vừa là cơ quan lập pháp, vừa có quyền giải thích, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Trong bối cảnh đó, nếu nảy sinh những cáo buộc, chỉ trích về một đạo luật nào đó là vi hiến, Quốc hội có thể làm cho nó hợp hiến bằng cách đưa ra giải thích, hoặc sửa đổi hay bãi bỏ nó - tất cả đều nhằm mục đích ‘nắn sửa” đạo luật đó cho phù hợp với Hiến pháp. Một cách khác, Quốc hội thậm chí có thể sửa đổi Hiến pháp để bảo đảm tính hợp hiến của một đạo luật nhất định. Rõ ràng là, trong bối cảnh quyền lực tập trung như vậy, không thực sự xuất hiện nhu cầu bức thiết về một công cụ là tài phán hiến pháp mà thiên chức của nó là bảo đảm cho sự vận hành một cơ chế kiểu khác - cơ chế phân quyền.

(1) Trong bài này, các tác giả sử dụng thay thế các thuật ngữ “bảo hiến”, “bảo vệ hiến pháp”, “tài phán hiến pháp”, mặc dù các khái niệm này đều chưa hoàn toàn phù hợp xét trong ngữ nghĩa pháp lý do chúng có phạm vi quá rộng và không xác định. Ở đây, một điều dễ hiểu đó là, mọi cá nhân, mọi thiết chế, tổ chức, mọi hoạt động đều có nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ hiến pháp. Từ cách tiếp cận này, khái niệm thích hợp hơn về mặt pháp lý có thể là “kiểm tra, giám sát Hiến pháp”. Kiểm tra, giám sát Hiến pháp có thể hiểu là một chức năng đặc biệt của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm vị trí tối thượng của Hiến pháp và sự thượng tôn Hiến pháp; bảo đảm để Hiến pháp thực hiện một cách trực tiếp trong các quan hệ hiện hữu.

(2)Xem http://www.britannica.com/EBchecked/topic/307542/judicial-review,http://legal-dictionary.thefreedictionary. com/judicial+review
(3) Xem http://www.britannica.com/EBchecked/topic/307542/judicial-review.
(4) Arne Mavčič, Historical Steps in the Development of Systems of ConstitutionalReview and Particularities of Their Basic Models, tại http://www.concourts.net/introen.php.
(5) Arne Mavčič, Historical Steps in the Development of Systems of Constitutional Review and Particularities of Their Basic Models, tại http://www.concourts.net/introen.php
(6) Tuy nhiên, một số học giả nước ngoài dường như không thừa nhận có cơ chế bảo hiến ở các nước theo mô hình XHCN, bởi họ cho rằng, bảo hiến chỉ có thể được xác lập trong các thể chế chính trị tam quyền phân lập - nơi mà tính độc lập của Tòa án được bảo đảm.
GS,TSKH. Đào Trí ÚcChủ tịch Hội đồng ngành Luật học, Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng; Vũ Công Giao - Giảng viên, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.