Monday, April 15, 2013

HAI CẶP PHÂN LOẠI HỢP ĐỒNG CĂN BẢN

TS. NGÔ HUY CƯƠNG - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt. Phân loại hợp đồng thành hợp đồng song vụ và hợp đồng đơn vụ, hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù có ý nghĩa to lớn trong xây dựng pháp luật và thực tiễn pháp lý. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, hai cặp phân loại này chưa được chú ý thích đáng. Bài giới thiệu nội dung chủ yếu của hai cặp phân loại này và bình luận pháp luật Việt Nam liên quan.

Phân loại hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu, xây dựng pháp luật và thực tiễn pháp lý, và được nhìn nhận rất nghiêm túc bởi các luật gia trên thế giới. Tuy nhiên Bộ luật Dân sự 2005 mới chỉ dừng lại ở một số ít phân loại hợp đồng trong khi có rất nhiều cặp phân loại được đề cập tới ở các nền tài phán khác nhau. Cũng như vậy các giáo trình luật dân sự của các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay, cũng như thực tiễn tư pháp chưa có sự chú ý thích đáng tới phân loại hợp đồng và việc sử dụng chúng. Để góp phần nghiên cứu về vấn đề này, bài viết này chỉ giới thiệu hai cặp phân loại hợp đồng căn bản.

1. Hợp đồng song vụ và hợp đồng đơn vụ

Luật dân sự Việt Nam từ trước tới nay tỏ ra đồng nhất trong việc coi phân loại hợp đồng song vụ và hợp đồng đơn vụ là phân loại đầu tiên được nhắc tới trong các Bộ luật Dân sự. Đó là các loại hợp đồng thông dụng theo quan niệm của Luật La Mã (luật nghiêm chính), theo đó hợp đồng đơn phương chỉ làm phát sinh nghĩa vụ đối với một bên trong hợp đồng (điển hình là hợp đồng vay mượn), cho nên gắn với nó là tố quyền condictio – tố quyền đòi lại đồ vật từ con nợ. Ngược lại hợp đồng song phương làm phát sinh hiệu lực với cả các bên đối ước, tức là họ có quyền và nghĩa vụ đối với nhau, nên gắn với nó là tố quyền judicia bonae fides [1]. Ngày nay Bộ luật Dân sự Québec (Canada) định nghĩa:

“Hợp đồng là ràng buộc hai bên, hay song phương, khi các bên tự ràng buộc mình một cách qua lại, mỗi bên đối với bên kia, để nghĩa vụ của một bên tương ứng với nghĩa vụ của bên kia.

Khi một bên tự ràng buộc mình với bên kia mà bên kia không có bất kỳ một nghĩa vụ nào về phần mình, thì hợp đồng đó là hợp đồng đơn phương” (Điều 1380).

Common Law cũng có cách thức phân loại gần như vậy. Henry N. Butler đã giải nghĩa cặn kẽ về phân loại này như sau: Tất cả các hợp đồng ít nhất bao gồm hai bên, có người đề nghị và người được đề nghị. Người đề nghị luôn luôn cam kết làm hoặc không làm việc gì đó, nên được gọi là người cam kết. Như vậy phân loại hợp đồng thành hợp đồng song phương và hợp đồng đơn phương dựa trên cái gì được đề nghị phải làm để chấp nhận đề nghị. Nếu có yêu cầu một sự cam kết đáp lại, thì hợp đồng đó là hợp đồng song phương và từ đó cả hai bên đều là người cam kết. Ông lấy ví dụ: Một người thợ sơn đề nghị sơn nhà cho một chủ nhà để lấy 1000 đô la, và chủ nhà cam kết trả 1000 đô la, thì đó là sự trao đổi cam kết và tạo ra hợp đồng song phương. Nhưng nếu đề nghị nói đại loại rằng người được đề nghị có thể chấp nhận chỉ bằng sự thực hiện, thì hợp đồng đó là hợp đồng đơn phương. Và ông đưa ra các công thức đơn giản như sau: hợp đồng song phương là “lời hứa vì một lời hứa”, và hợp đồng đơn phương là “lời hứa vì một hành động” [2]. John D. Calamari và Joseph M. Perillo đã giải thích cụ thể hơn về hợp đồng đơn phương qua ví dụ sau: Nếu A nói với B rằng “Nếu anh đi bộ qua Brooklyn Bridge, tôi hứa trả anh 10 đô la”, và ngay sau đó A đã thiết lập văn bản nhưng A đã không đòi hỏi B hứa đáp lại; sau đó A đòi hỏi B thực hiện hành động, thì không có một cam kết thực hiện hành động nào cả; và như vậy A đã đưa ra một đề nghị về một hợp đồng đơn phương mà phát sinh khi và nếu B thực hiện hành động. Còn nếu A nói với B “Nếu anh hứa đi bộ qua Brooklyn Bridge, tôi hứa trả anh 10 đô la”, và B cam kết, thì hợp đồng song phương phát sinh khi điều kiện cần thiết là cam kết đáp lại của B được đưa ra. Các ông còn nói rõ nếu hợp đồng có hơn hai bên, thì hợp đồng được xem là song phương khi một bên vừa là người hứa (promisor) và vừa là người được hứa (promisee) [3]. Deluxe Black’s Law Dictionary định nghĩa: “Hợp đồng đơn phương là một hợp đồng mà trong đó một bên đưa ra lời hứa rõ ràng hoặc cam kết thực hiện mà không nhận lại bất kỳ một lời hứa rõ ràng hoặc cam kết thực hiện nào từ bên khác”; và “Hợp đồng song phương (hay có đi có lại) là hợp đồng mà bởi nó các bên tuyên bố một cách rõ ràng lời hứa với nhau, như hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng cho thuê”. Tuy nhiên Bộ luật Thương mại Nhất thể của Hoa Kỳ đã lảng tránh việc sử dụng thuật ngữ hợp đồng song phương và hợp đồng đơn phương. Đây là một trong những sự cố gắng làm mềm đi sự sơ cứng của một vài hậu quả xuất phát từ việc áp dụng máy móc sự tách bạch của hai loại hợp đồng này [3].

Hiện nay các luật gia Nhật Bản vẫn đánh giá: “Cách phân loại này có ý nghĩa quan trọng để áp dụng quyền yêu cầu đồng thời thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng nguyên tắc phân chia rủi ro do tài sản bị tiêu huỷ (các Điều từ 533 đến 536 của Bộ luật Dân sự)” [4]. Quả thật sự phân loại này có nhiều ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn mà các luật gia vẫn thừa nhận. Hợp đồng song vụ có những vấn đề pháp lý sau thường xuất hiện bởi xuất phát từ chính tính chất ràng buộc có đi có lại của nó: (1) Một bên có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ nếu bên kia không thực hiện nghĩa vụ; (2) Một bên có thể huỷ bỏ hợp đồng khi bên kia không thực hiện nghĩa vụ; (3) Một bên không còn bị ràng buộc bởi hợp đồng nếu bên kia do gặp phải trường hợp bất khả kháng mà không thực hiện được nghĩa vụ. Xuất phát từ đặc điểm các bên trong hợp đồng song vụ đều là trái chủ và người thụ trái của nhau, còn trong hợp đồng đơn vụ một bên chỉ có thể là trái chủ hoặc là người thụ trái, do đó dẫn tới hệ quả là đối với hợp đồng song phương, nếu hợp đồng được lập thành văn bản, thì phải lập làm sao để mỗi bên giữ một bản làm bằng chứng cho quyền yêu cầu của mình; còn đối với hợp đồng đơn vụ, nếu lập thành văn bản, thì có thể chỉ cần lập văn bản để trái chủ giữ. Hệ quả thứ hai này thường gặp hợp đồng vay giữa các cá nhân ở Việt Nam mà tại đó bên vay viết một “giấy biên nhận” để làm bằng giao cho bên cho vay khi nhận tiền vay.

Hợp đồng song vụ còn có thể chia ra thành loại: Một loại nghĩa vụ qua lại giữa các bên phát sinh ngay từ đầu; loại khác phát sinh nghĩa vụ qua lại sau khi hợp đồng được giao kết. Về loại thứ hai này, Vũ Văn Mẫu đã đưa ra một ví dụ như sau: Một khế ước ký thác vô thường giữa hai người mà theo đó người thụ thác phải giữ đồ vật đã giao cho anh ta không lấy tiền công, nhưng nếu trong khi giữ đồ vật phải chi phí bảo quản đồ vật, thì có thể đòi lại chi phí ấy. Trường hợp này được gọi là khế ước song phương bất toàn. Tuy nhiên có tính chất trung gian giữa khế ước sovà đơn phương [5].

Các hợp đồng đơn phương có sự khác biệt căn bản với hành vi pháp lý đơn phương ở chỗ hợp đồng đơn phương vẫn phải tạo lập trên cơ sở thống nhất ý chí. Hợp đồng đơn phương có thể bao gồm: Hợp đồng tặng cho, hợp đồng cho vay, hợp đồng gửi giữ, hợp đồng cầm cố, hợp đồng uỷ quyền không lấy tiền, cho thuê tiêu dùng, cho thuê sử dụng [6]. Nó bao gồm cả những hợp đồng mà các bên đều có nghĩa vụ nhưng không phải là nghĩa vụ có đi có lại theo nghĩa trao đổi [7]. “Giáo trình Luật dân sự Việt Nam” của Trường Đại học Luật Hà Nội đã có một nhận thức khác biệt so với nhận thức chung và cho rằng hợp đồng gửi giữ không có thù lao là hợp đồng song vụ, được thể hiện trong đoạn văn sau đây: “có nhiều hợp đồng song vụ nhưng không mang tính chất đền bù như hợp đồng gửi giữ không có thù lao” [8]. Quay trở lại hợp đồng song phương có thể thấy các nghĩa vụ phát sinh từ đó vừa có tính quan hệ, vừa có tính phụ thuộc lẫn nhau (có nghĩa là mỗi nghĩa vụ là nguyên nhân của nghĩa vụ tương ứng – tính tương thuộc [5]). Qua đây có thể nhận xét định nghĩa hợp đồng song vụ tại Điều 406, khoản 1, Bộ luật Dân sự 2005 chưa hoàn toàn thoả đáng, bởi nếu chỉ định nghĩa “hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau”, thì mới chỉ cho thấy tính quan hệ, chứ chưa cho thấy tính phụ thuộc lẫn nhau của các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ.

2. Hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù

Hợp đồng có đền bù và hợp đồng không đền bù có những tên gọi khác trong tiếng Việt như: khế ước hữu thường và khế ước vô thường, hay khế ước hữu lợi và khế ước hảo tâm. Sự phân biệt giữa hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù là một đặc điểm cơ bản nổi bật của luật hợp đồng thuộc truyền thống Civil Law, có nghĩa là cho thi hành các thoả thuận mà nguyên nhân (cause) hay khoản đối ứng (consideration) không mang ý nghĩa kinh tế [6].

Luật dân sự Việt Nam trước kia đưa ra các định nghĩa về hợp đồng có đền bù và hợp đồng không có đền bù tương đối hợp lý và nhất quán trong việc nêu bật các đặc trưng quan trọng của hai loại hợp đồng này. Thế nhưng Bộ luật Dân sự 2005 chưa quan tâm tới cách phân loại này. Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ định nghĩa:

“Hiệp-ước hoặc là hữu-thường hay vô- thường.

Hiệp-ước hữu-thường hay hữu-lợi là khi mỗi bên chịu thiệt để làm lợi cho bên kia hay cho một người ngoài.

Hiệp-ước vô-thường hay hảo-tâm là khi một bên nhận một khoản lợi của bên kia mà không phải bồi-thường lại” (Điều thứ 647).

Kế thừa điều luật trên, Bộ luật Dân sự 1972 định nghĩa: “Khế ước có tính cách hữu thường khi nào mỗi bên cùng phải mất một quyền lợi gì cho bên kia, hay cho một người đệ tam hưởng”, và “Khế ước có tính cách vô thường khi nào chỉ làm lợi cho một bên trong hai người kết ước” (Điều thứ 556). Trong khi đó Bộ luật Dân sự Liên bang Nga Định nghĩa: “Hợp đồng mà bởi nó mỗi bên nhận được sự thanh toán hoặc sự đền bù khác trả lại cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình được gọi là hợp đồng có đền bù”, và “Hợp đồng được xem là không có đền bù nếu bởi nó mà một bên gánh chịu nghĩa vụ cung cấp cho người khác cái gì đó mà không nhận lại từ đó sự thanh toán hoặc sự đền bù khác trả lại” (Điều 423, khoản 1 và 2). Nhận thức của một số luật gia Việt Nam hiện nay giống với quan niệm của người Nga về loại hợp đồng có đền bù. “Giáo trình Luật dân sự Việt Nam” của Trường Đại học Luật Hà Nội định nghĩa: “Hợp đồng có đền bù là loại hợp đồng mà trong đó mỗi bên chủ thể sau khi đã thực hiện cho bên kia một lợi ích sẽ nhận được từ bên kia một lợi ích tương ứng” [8]. Cũng đồng quan điểm này Lê Nết lý giải ngắn gọn hơn: “Hợp đồng có đền bù là hợp đồng mà cả hai bên đều nhận được lợi ích (consideration) từ việc thực hiện hợp đồng” [9]. Các định nghĩa của Trường Đại học Luật Hà Nội và của Lê Nết dù có hơi hướng kiểu Nga hay kiểu Anh-Mỹ, thì cũng khái quát đầy đủ về mặt pháp lý như định nghĩa trong các Bộ luật Dân sự cũ của Việt Nam, bởi ở đó đã đề cập tới cả lợi ích của người thứ ba trong nhiều loại hợp đồng như bảo hiểm, vận chuyển… Xaca Vacaxum và Tori Aridumi coi tất cả các hợp đồng song phương là hợp đồng có đền bù. Tuy nhiên các vị này giải thích khái niệm hợp đồng có đền bù rộng hơn hợp đồng song phương, bởi hợp đồng có đền bù có thể bao gồm cả hợp đồng đơn phương, ví dụ hợp đồng cho vay có lấy lãi [4].

Bộ luật Dân sự Tây Ban Nha xác định: “Trong hợp đồng có đền bù, cam kết hoặc lời hứa về một tài sản hoặc dịch vụ của bên kia được hiểu như một khoản đối ứng cho mỗi bên; trong hợp đồng đền bù, thì dịch vụ hoặc lợi ích được đền đáp, và trong hợp đồng thuần tuý từ thiện, thì chỉ là món quà của người hảo tâm” (Điều 1274). Điều này được ghi nhận đầy đủ tại Điều 1350 của Bộ luật Dân sự Philippines. Định nghĩa như vậy trong hai bộ luật này gắn một cách lôgíc với một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng (đó là điều kiện nguyên nhân của nghĩa vụ được xác lập-nguyên nhân của hợp đồng). Cần lưu ý rằng khoản đối ứng trong Điều luật kể trên được xem là nguyên nhân của hợp đồng.

Đối với hợp đồng không có đền bù, người thụ trái phải làm một hoặc một số việc gì đấy, hoặc chuyển giao quyền sở hữu tài sản vì lợi ích của trái chủ mà không nhận lại được một lợi ích vật chất nào. Các hợp đồng không có đền bù phát sinh ra nghĩa vụ mà người thụ trái phải làm một hoặc một số việc gì đấy vì lợi ích của trái chủ trước hết bao gồm bốn loại hợp đồng hữu danh có nguồn gốc từ Luật La Mã là hợp đồng uỷ quyền, hợp đồng vay, hợp đồng gửi giữ, và hợp đồng bảo lãnh, nhưng sau này được mở rộng tới nhiều loại hợp đồng vô danh khác. Còn hợp đồng tặng cho là dạng điển hình của hợp đồng không có đền bù làm phát sinh nghĩa vụ mà người thụ trái phải chuyển giao quyền sở hữu một hoặc một số tài sản nào đấy cho trái chủ [6]. Tuy nhiên cần lưu ý, đối với một số loại hợp đồng được xem là có đền bù hay không kiện của các bên trong hợp đồng. Ví dụ hợp đồng gửi giữ hay hợp đồng vay tuỳ thuộc vào điều kiện có lấy tiền công hay có lấy lãi hay không. Đặc biệt Bộ luật Dân sự Bắc Kỳ có các qui định có tính chất nhận lại gì đó từ người thụ tặng: “Tặng-giữ là để làm phúc, hoặc để đền công, hoặc để thưởng-tứ, hoặc để phải làm lại việc gì” (Điều thứ 865).

Thông thường trong tư tưởng của các luật gia, hợp đồng không có đền bù phải gánh chịu một qui chế pháp lý ngặt nghèo hơn so với hợp đồng có đền bù. Chẳng hạn pháp luật qui định các điều kiện rất chặt chẽ cho việc giao kết hợp đồng này như về hình thức hợp đồng, về đối tượng của hợp đồng, về các trường hợp không có năng lực giao kết hợp đồng… [10,11]. Xuất phát từ nhận xét rất đời thường nhưng đầy tính triết lý rằng, người khách được mời cơm không thể kiện người mời để đòi lại tiền đi taxi khi anh ta tới nhà người mời, nhưng người mời đi vắng, cũng như vậy người con không thể kiện cha khi ông ta nuốt lời hứa thưởng khi con học giỏi hay giúp ông ta việc gia đình, Konrad Zweigert and Hein Koetz lý giải, các lời hứa có tính chất xã giao hay gia đình không có hiệu lực. Do đó hai ông đặt vấn đề, các luật gia thừa nhận một cách rộng rãi rằng hầu hết các lời hứa có ý định ràng buộc đều được lập ra nhằm đổi lại cái gì đó [12]. Vậy một hợp đồng có hiệu lực cần được cân nhắc thận trọng và thể hiện ý định ràng buộc nghiêm túc. Việc này đã dẫn tới các hệ quả pháp lý nhất định đối với hợp đồng không có đền bù. Tuy nhiên cần lưu ý rằng các hậu quả pháp lý này, đối với hợp đồng không có đền bù, không có ở các loại hợp đồng thương mại hoặc ngược lại các qui tắc của các hợp đồng thương mại không được áp dụng cho các hợp đồng không có đền bù, bởi luật thương mại là luật của thương nhân áp dụng cho các hành vi thương mại (các hành vi có mục tiêu lợi nhuận), có nghĩa là các hợp đồng thương mại đều là các hợp đồng có đền bù.

Trước hết các loại hợp đồng đều được xem là hợp đồng có đền bù có lẽ xuất phát từ sự suy diễn rằng con người chỉ hành động khi lợi ích thúc buộc, vì vậy người ta chịu sự ràng buộc hoặc chịu mất mát khi có một lợi ích nào đó được họ nhắm tới, và ý chí chỉ ràng buộc khi là một ý chí nghiêm túc. Bởi thế ngược lại hợp đồng không có đền bù không được xem là đương nhiên mà cần phải có một qui chế pháp lý đã được thiết lập. Bộ luật Dân sự Liên bang Nga tại Điều 423, khoản 3 tuyên bố: “Mọ i hợp đồng đều được coi là hợp đồng có đền bù, trừ khi có sự khác biệt bởi luật, hoặc theo các văn bản pháp lý khác, hoặc theo nội dung hoặc bản chất của hợp đồng”. Điều luật này cho thấy hợp đồng không có đền bù phụ thuộc vào sự nhận biết rõ ràng, và có thể là hợp đồng hữu danh hoặc có thể là hợp đồng vô danh.

Về hình thức, nhiều nền tài phán đòi hỏi hình thức đặc biệt của hợp đồng tặng cho. Bộ luật Dân sự Pháp, tại Điều 931 qui định: “Mọi chứng thư tặng cho lúc còn sống phải được lập trước mặt công chứng viên, theo hình thức thông thường của các hợp đồng và phải lưu bản chính, nếu không vô hiệu”. Có tính chất mền mỏng hơn, Bộ luật Dân sự Nhật Bản qui định: “Hợp đồng tặng cho không bằng văn bản có thể bị huỷ bỏ bởi một trong các bên; tuy nhiên qui định này không được áp dụng đối với bất kỳ phần nào mà việc thực hiện đã được hoàn tất” (Điều 550).

Sự nhầm lẫn về người trong hợp đồng hảo tâm là một nguyên nhân dẫn đến vô hiệu của hợp đồng. Chẳng hạn tặng cho đứa con ngoài giá thú, nhưng sau đó phát hiện ra đó không phải là con mình. Tuy nhiên có hợp đồng không phải là hợp đồng hảo tâm nhưng sự nhầm lẫn về chủ thể cũng là nguyên nhân làm cho hợp đồng vô hiệu. Khi người thụ trái giao kết hợp đồng với người khác làm tiêu tán tài sản của mình gây ảnh hưởng tới quyền của trái chủ, thì trái chủ có quyền xin tiêu huỷ giao dịch đó, nhưng phải chứng minh sự gian dối đã được bày đặt giữa người thụ trái và người thứ ba, nếu là hợp đồng có đền bù, còn với hợp đồng không có đền bù thì không cần phải chứng minh như vậy mà vẫn có thể xin tiêu huỷ hợp đồng. Liên quan tới vấn đề này, Luật Phá sản 2004 của Việt Nam có qui định tại Điều 43, khoản 1 như sau:

“Các giao dịch sau đây của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản được thực hiện trong khoảng thời gian ba tháng trước ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu:

a) Tặng cho động sản hoặc bất động sản cho người khác;

b) Thanh toán hợp đồng song vụ trong đó có phần nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã rõ ràng là lớn hơn phần nghĩa vụ của bên kia;

c) Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn;

d) Thực hiện việc thế chấp, cầm cố tài sản đối với các khoản nợ;

đ) Các giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã”.

Trong thực tiễn xét xử, toà án thường xem xét trách nhiệm của người thụ trái trong hợp đồng không có đền bù nhẹ nhàng hơn so với trách nhiệm của người thụ trái trong hợp đồng có đền bù [5].

Đối với hợp đồng tặng cho, truyền thống Common Law xem là loại hợp đồng thiếu “consideration” nhiều khi phải chịu một chế độ thuế đặc biệt. Chẳng hạn ở Hoa Kỳ việc nhận quà tặng bị loại trừ khỏi tổng thu nhập của người thụ tặng nhưng chủ tặng có thể bị phụ thuộc vào một chế độ thuế đặc biệt [13].

Phân loại hợp đồng có ý nghĩa đặc biệt trong việc thiết lập các qui chế pháp lý khác nhau cho từng phân loại ngoài các qui chế chung chi phối chúng. Do vậy sẽ là không thành công trong việc điều tiết quan hệ hợp đồng nếu không có sự chú ý thích đáng tới vấn đề phân loại.

Tài liệu tham khảo

[1] Vũ Tam Tư, Luật Rôma: Khế ước và Nghĩa vụ, Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Lưu hành nội bộ.

[2] Henry N. Butler, Legal environment of business – Government regulation and public policy analysis, South-western publishing co., Cincinnati, Ohio, USA, 1987.

[3] John D. Calamari, Joseph M. Perillo, The Law of Contracts, Third edition, West Publi USA, 1997.

[4] Xaca Vacaxum, Tori Aridumi, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Nguyễn Đức Giao và Lưu Tiến Dũng dịch ra tiếng Việt, NXB Chí nh trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

[5] Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo – Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963.

[6] John E. C. Brierley, Roderick A. Macdonald, Quebec Civil Law- An Introduction to Quebec Private Law, Emond Montgomer y Publications Li mited, Toronto, Canada, 1993.

[7] Japan Inter national Cooperation Agency (JICA), Japanese Laws, Volume 2 (1997, 1998), 71. - Luật Nhật Bản, Tập 2 (1997,1998), 71, Youth Publishing House- Nhà xuất bản thanh niên, Song ngữ Anh- Việt.

[8] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập 2, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2007.

[9] Nguyễn Xuân Quang, Lê Nết, Nguyễn Hồ Bích Hằng, Luật dân sự Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

[10] Đoàn Bá Lộc, Dân – luật thực – hành, Sài Gòn 1961.

[11] Corinne Renault-Brahi nsky, Đại cương về pháp luật hợp đồng, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2002.

[12] Konrad Zweigert and Hein Koetz, An Introduction to Comparative Law, Clarendon Press, Oxford, 1998.

[13] Steven H. Gifis, Law Dictionary, Third edition, Barron’s Educational Series, INC, 1991.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI SỐ 25 (2009), TR 27 – 32

No comments:

Post a Comment