Monday, April 15, 2013

Những vấn đề lớn cần xem xét lại trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và những kiến nghị liên quan – Ngô Huy Cương


hienphap.net

      
Có bốn vấn đề lớn có lẽ sẽ làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của Hiến pháp 1992 được đưa ra bởi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Dự thảo). Đó là: (1) Nhân dân Việt Nam không chỉ “nguyện… nghiêm chỉnh thi hành” Hiến pháp, mà còn “xây dựng[1] Hiến pháp (Lời nói đầu của Dự thảo); (2) “Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp (HVVPHP) đều bị xử lý” (Điều 123 Dự thảo); (3) Hội đồng Hiến pháp (HĐHP – Điều 120 Dự thảo); và (4) quyền con người được thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (khoản 1 Điều 15 Dự thảo). Bốn vấn đề lớn này được xem là bốn tiền đề hay bốn nguyên tắc quan trọng nhẽ ra phải chi phối hầu hết các quy định của Dự thảo. Thế nhưng có lẽ đây là các vấn đề mới, nên nhiều quy định của Dự thảo chưa phù hợp với các tiền đề hay các nguyên tắc này. Tuy nhiên việc đưa bốn vấn đề lớn này vào Dự thảo là một bước tiến quan trọng về mặt nhận thức, đánh dấu một giai đoạn mới của chủ nghĩa lập hiến ở Việt Nam.
1. Vấn đề nhân dân xây dựng Hiến pháp
1.1. Bình luận
Hiến pháp 1992 hiện hành (được sửa đổi năm 2001), tại Lời nói đầu và Điều 83, thể hiện tương đối rõ một quan niệm rằng Hiến pháp do Quốc hội lập ra và nhân dân “nguyện nghiêm chỉnh thi hành” Hiến pháp đó. Quan niệm như vậy đã đánh mất đi tính tối cao của Hiến pháp và tính hợp pháp của chính quyền. Có lẽ hầu hết các bản Hiến pháp của các nước trên thế giới đều thừa nhận một chân lý không thể chối cãi được là tất cả quyền lực đều xuất phát từ nhân dân, và nhân dân ban tính hợp pháp cho quyền lực của chính quyền thông qua Hiến pháp do họ cùng nhau tạo dựng và thông qua. Có được tính tối cao bởi Hiến pháp là đạo luật của nhân dân tổ chức nên chính quyền, đặt ra các giới hạn mà chính quyền không thể vượt qua. Dường như có nhận thức chung rằng: mục đích trước hết của Hiến pháp là tạo lập và giới hạn chính quyền[2]. Do đó Hiến pháp là nơi chứa đựng các nguyên tắc và quy tắc cao nhất trong sinh hoạt chính trị và pháp lý của một cộng đồng chính trị nhất định. Chính quyền có tính hợp pháp bởi được nhân dân lập ra và cho phép thi hành quyền lực do nhân dân giao phó. Có thể nói đơn giản, Hiến pháp là bản văn ủy quyền của nhân dân cho nhà nước, trong đó có cả quốc hội. Vậy nếu Quốc hội Việt Nam là “cơ quan duy nhất có quyền lập hiến” (Điều 83 Hiến pháp 1992), thì có mấy bất cập sau: Thứ nhất, Hiến pháp mất đi tính tối cao vì nó không xuất phát từ gốc của quyền lực là nhân dân; thứ hai, người được ủy quyền (Quốc hội nói riêng hay Nhà nước nói chung) lại tự ý lập văn bản ủy quyền và tự đặt ra giới hạn cho mình, rồi lại tự xem xét mình có vi phạm giới hạn đó hay không? Như vậy là thiếu tính hợp pháp. Phải nói thêm rằng, việc nhân dân bầu ra Quốc hội không thể xem là hành vi ủy quyền của nhân dân cho Quốc hội bởi việc bầu cử này không tuân theo các nguyên tắc do nhân dân ấn định, mà lại tuân theo các nguyên tắc và quy tắc do chính Quốc hội ấn định trong Hiến pháp và các đạo luật về bầu cử.
Có lẽ để khắc phục các bất cập này, Dự thảo tuyên bố tại Lời nói đầu rằng: “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên tại Điều 75 Dự thảo lại ghi: Quốc hội có quyền “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp”. Như vậy Dự thảo đã sử dụng hai thuật ngữ khác nhau nhưng dễ gây nhầm lẫn rằng: chúng có cùng một nghĩa – đó là “xây dựng Hiến pháp” và “làm Hiến pháp”. Xét toàn bộ Dự thảo, dễ dàng nhận thấy toàn bộ vấn đề lập hiến hay “làm Hiến pháp” vẫn hoàn toàn thuộc về Quốc hội. Điều 124 Dự thảo quy định rành mạch như sau: (1) Chỉ các cơ quan nhà nước hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp; (2) Quốc hội quyết định tổ chức làm và thông qua Hiến pháp; và (3) việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định. Điều 124 này cho thấy việc nhân dân xây dựng Hiến pháp chỉ dừng lại ở đóng góp ý kiến khi Ủy ban Dự thảo Hiến pháp tổ chức lấy ý kiến nhân dân hoặc khi Quốc hội trưng cầu ý dân. Như vậy, hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể so với Hiến pháp 1992 hiện hành về tư tưởng lập hiến ngoài thay đổi một số câu chữ và làm mờ đi việc dành quyền lập hiến cho Quốc hội với cách thức thay tuyên bố “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” tại Điều 83 Hiến pháp 1992 hiện hành bằng tuyên bố lại rằng “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp…” tại Điều 74 Dự thảo. Qua đây người ta có thể hiểu, người soạn thảo cũng đã nhận thức được rằng quyền lập hiến không phải là của Quốc hội mà là của nhân dân, song vẫn nghiêng về dành quyền lập hiến cho Quốc hội.
1.2. Kiến nghị
Thứ nhất, để Hiến pháp thực sự là khế ước của toàn dân tạo lập nên cộng đồng chính trị của mình, bảo đảm chủ quyền nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền, cũng như gắn kết Lời nói đầu với các quy định của Hiến pháp, vấn đề nhân dân xây dựng Hiến pháp cần phải viết lại như sau: “Chúng tôi, nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng Hiến pháp như sau:…”
Thứ hai, để khẳng định quyền lập hiến thuộc về nhân dân, Dự thảo nên lược bỏ chức năng “thực hiện quyền lập hiến” của Quốc hội ra khỏi Điều 74 Dự thảo, đồng thời lược bỏ nhiệm vụ và quyền hạn “làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp” ra khỏi Điều 75 Dự thảo.
Thứ ba, để bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền lập hiến của mình, Dự thảo nên viết lại quy trình làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp tại Điều 124 theo các nguyên tắc như sau: (1) Một số cơ quan nhà nước, một số lượng nhất định các đại biểu Quốc hội, một số lượng nhất định người dân hoặc các tổ chức nổi bật của họ có quyền kiến nghị làm Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp; (2) Hiến pháp hoặc Hiến pháp được sửa đổi phải được thông qua bởi phúc quyết toàn dân hoặc bởi Hội nghị đại biểu nhân dân được bầu ra riêng cho mục đích đặc biệt này.
Thứ tư, từ các nguyên tắc được kiến nghị như trên, Dự thảo không nên nói tại Điều 74 rằng: Quốc hội là cơ quan đại biểu “cao nhất” của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước “cao nhất” của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các từ “cao nhất” ở đây phải bị lược bỏ.
2. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý
2.1. Bình luận
Hiến pháp 1992 hiện hành mặc dù tại Điều 146 có quy định Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất và mọi văn bản pháp luật (VBPL) khác phải phù hợp với Hiến pháp, nhưng Điều này vẫn chỉ coi Hiến pháp là “luật cơ bản của Nhà nước” do Quốc hội làm ra và thông qua, chứ không phải là đạo luật của nhân dân tổ chức nên Nhà nước. Do vậy, Điều 84 của bản Hiến pháp này dành cho Quốc hội quyền hạn: “Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước (CTN), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (TTCP), Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội” (khoản 9). Như vậy, việc làm và thông qua một đạo luật trái Hiến pháp không được xem xét tới. Điều đó cũng có nghĩa Hiến pháp được xem ngang bằng với các đạo luật và nghị quyết khác của Quốc hội.
Có lẽ thấu hiểu được sự thiếu thốn hiệu lực thực tế của Hiến pháp 1992 hiện hành, người viết Dự thảo đã nhấn mạnh tại Điều 123 của Dự thảo rằng: “Mọi HVVPHP đều bị xử lý”. Từ nguyên lý này, Dự thảo đã thiết kế cơ chế kiểm hiến để bảo đảm cho Hiến pháp có hiệu lực tối cao trên thực tế và khắc phục khiếm khuyết của Hiến pháp 1992 hiện hành như phân tích ở trên. Tuy nhiên ngay phía trên nguyên lý xác đáng này (cũng tại Điều 123), Dự thảo chỉ nhắc tới một nguy cơ vi phạm Hiến pháp – đó là việc ban hành VBPL không phù hợp với Hiến pháp. Phải chăng vì thế Điều 120 Dự thảo chỉ cho phép HĐHP kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)? Như vậy các HVVPHP khác của chính quyền không được xem xét? Hơn nữa phương thức xử lý các vi phạm Hiến pháp, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, có thể được hiểu bao gồm xử lý về Đảng, xử lý về kỷ luật, và xử lý về pháp luật… Xuất phát từ việc coi Hiến pháp là luật cơ bản, nên mọi HVVPHP trước hết phải bị xử lý về mặt pháp luật.
2.2. Kiến nghị
Để bảo đảm Hiến pháp được thi hành nghiêm chỉnh, có hiệu lực trên thực tế và trở thành nơi tập hợp các nguyên tắc và quy tắc cao nhất về chính trị và pháp lý của quốc gia, Dự thảo cần viết lại đoạn 2 và đoạn 3 Điều 123 Dự thảo như sau:
“Mọi VBPL và mọi hành vi của chính quyền đều phải phù hợp với Hiến pháp về nội dung và hình thức.
Mọi HVVPHP đều bị xử lý trước pháp luật”.
3. Hội đồng Hiến pháp
3.1. Bình luận
Việc coi Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp như Hiến pháp 1992 hiện hành có thể đã dẫn đến hệ quả là Hiến pháp này không thiết lập một định chế nào để xem xét tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội thông qua, chưa kể đến Hiến pháp này lại do chính Quốc hội làm ra. Nếu xem Quốc hội là một định chế do nhân dân tạo dựng nên và ủy quyền, thì việc giám sát và vô hiệu hóa các hành vi vượt quá phạm vi của sự ủy quyền là rất cần thiết.
Có lẽ vì thế, Dự thảo đã thiết kế HĐHP có chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các VBQPPL được ban hành bởi Quốc hội, CTN, UBTVQH, Chính phủ, TTCP, TANDTC, VKSNDTC và kiểm tra tính hợp hiến của các điều ước quốc tế trước khi trình Quốc hội hoặc CTN phê chuẩn. Khi kiểm tra nếu phát hiện VBQPPL có vi phạm Hiến pháp, thì “chế tài” rất yếu mà HĐHP được Điều 120 Dự thảo cho áp dụng là “kiến nghị Quốc hội xem xét lại”, và “yêu cầu” các cơ quan khác (không phải là Quốc hội) “sửa đổi, bổ sung” hoặc “đề nghị” cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ.
Khi xây dựng một cơ quan xem xét sự vi phạm pháp luật, người ta thường phải trả lời các câu hỏi có tính nguyên tắc như: cơ quan đó nằm ở vị trí nào trong cơ cấu nhà nước? nó có chức năng gì? thẩm quyền của nó bao gồm những gì? tổ chức của nó như thế nào? nó tiếp nhận các tố quyền hay các khiếu nại, kiến nghị như thế nào? thủ tục làm việc của nó ra sao? chế tài nào nó được áp dụng? và hiệu lực phán quyết của nó như thế nào? Các câu hỏi này không được trả lời đầy đủ bởi Điều 120 Dự thảo. Một số câu hỏi nêu trên được Điều này trả lời nhưng hoàn toàn không rõ ràng và nhường phần lớn cho đạo luật trong tương lai. Tuy nhiên có thể hiểu HĐHP, theo tinh thần của khoản 1 Điều 120 Dự thảo, là một cơ quan thuộc Quốc hội. Do đó nó chỉ có thể “kiến nghị” Quốc hội xem xét lại các đạo luật có vi phạm Hiến pháp (khoản 2 Điều 120 Dự thảo) và chịu sự “giám sát tối cao” của Quốc hội (khoản 2 Điều 75 Dự thảo). Có thể nói, Dự thảo đưa ra hai cơ chế kiểm hiến ở hai tầng nấc khác nhau: (1) Cơ chế thứ nhất ở tầng cao – đó là cơ chế giám sát tối cao của Quốc hội đối với việc tuân theo Hiến pháp, bao gồm cả việc giám sát của UBTVQH đối với việc thi hành Hiến pháp (khoản 3 Điều 79 Dự thảo); và (2) cơ chế thứ hai ở tầng thấp – đó là cơ chế kiểm tra của HĐHP đối với tính hợp hiến của các VBQPPL do các nhánh quyền lực ban hành. Hai cơ chế này trùm lấn lên nhau. Thế nhưng cơ chế thứ nhất mạnh hơn, ở tầng cao hơn bởi nó thuộc Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất có quyền thiết lập nên HĐHP và có các quyền để chế ngự HĐHP như: quyền làm và thông qua luật quy định HĐHP về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, số lượng, nhiệm kỳ của thành viên (khoản 3 Điều 120 Dự thảo); quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội và xét báo cáo công tác của HĐHP (khoản 2 Điều 75 Dự thảo); quyền giải thích Hiến pháp, luật (khoản 2 Điều 79 Dự thảo).
Thông thường, một cơ quan tài phán hiến pháp phải giải quyết ba vấn đề chủ yếu như: (1) tranh chấp giữa nhà nước và công dân liên quan tới các quyền tự do cơ bản; (2) bảo đảm tính hợp hiến của các đạo luật cụ thể; và (3) tranh chấp giữa các định chế hoặc các cấp khác nhau của chính quyền[3]. Dù ở dạng thức rất yếu, HĐHP được quy định từ Điều 56 cho tới Điều 63 Hiến pháp năm 1958 Cộng hòa Pháp (hay Hiến pháp của nền cộng hòa thứ năm) có nhiệm vụ kiểm soát bầu cử, kiểm soát các cuộc trưng cầu ý dân, kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật trước khi thông qua hoặc ban hành, và xem xét các quy định vi hiến của các đạo luật (Judicial Review). Các quyết định của HĐHP của Pháp ràng buộc tất cả các cơ quan công quyền, mặc dù không phải là tòa án, nhưng thực hiện chức năng của một tòa án bầu cử[4].
Xét từ mối quan hệ giữa pháp luật và các định chế chính trị, chức năng của các định chế chính trị được làm rõ như sau: lập pháp làm luật; hành pháp thi hành luật; và tư pháp giải thích luật. Hughes, Chánh án Tòa án Tối cao của Hoa Kỳ, có câu nói nổi tiếng rằng: “Chúng ta sống theo Hiến pháp. Nhưng các thẩm phán phải nói Hiến pháp là gì”[5]. Điều đó cho thấy chức năng thực sự của định chế kiểm hiến là giải thích Hiến pháp. Nếu không có sự giải thích đó, không ai có thể biết, trong một trường hợp tranh chấp cụ thể, Hiến pháp nói gì, và nó có bị vi phạm không và bị vi phạm như thế nào. Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức tại khoản 1 Điều 93 có xác định Tòa án Hiến pháp Liên bang ra các phán quyết giải thích Hiến pháp đối với các tranh chấp liên quan tới phạm vi quyền và nghĩa vụ của cơ quan công quyền. Mặc dù HĐHP theo Dự thảo không hẳn là một cơ quan tư pháp nhưng rõ ràng được lập ra cho mục đích kiểm hiến (có dáng dấp của một cơ quan “bán tư pháp”). Vậy nó không thể không có chức năng giải thích Hiến pháp. Có lẽ vì Dự thảo (khoản 2 Điều 79) đã dành quyền giải thích Hiến pháp chính thức cho UBTVQH, nên lược bỏ chức năng này của HĐHP.
Để đưa ra phán quyết đúng đắn, cơ quan phán quyết phải độc lập và phải xác định được quyền lực thực sự do ai nắm giữ. Chẳng hạn, Điều 92 Hiến pháp năm 1949 của Cộng hòa Liên bang Đức (được sửa đổi 29/7/2009) tuyên bố: “Quyền lực tư pháp thuộc về các thẩm phán; và được thực hiện bởi Tòa án Hiến pháp Liên bang, các tòa án liên bang được quy định phù hợp với Hiến pháp này, và bởi các tòa án của các tiểu bang”. Đạo luật về Tư pháp năm 1972 của nước này (được sửa đổi năm 2002) làm rõ nguyên lý trên với các quy định cụ thể hơn rằng: “Quyền lực tư pháp được thực hiện bởi các thẩm phán chuyên nghiệp và được giao phó”. Hiến pháp năm 1958 của Pháp nói rõ số lượng, thành phần, nhiệm kỳ và tính không kiêm nhiệm của các thành viên HĐHP (Điều 56 và 57). Điều 94 Hiến pháp Đức có các quy định cụ thể về các thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Liên bang và tính bất khả kiêm nhiệm của họ. Qua đây có thể thấy, dù định chế kiểm hiến ở dạng thức nào (mạnh hay yếu, nằm ở đâu trong cơ cấu quyền lực nhà nước) thì vẫn phải bảo đảm cho các thành viên thực hiện trực tiếp hoạt động kiểm hiến được độc lập. Điều 120 của Dự thảo khi nói về HĐHP dường như không chú ý tới nguyên lý quan trọng bậc nhất này, trong khi ngay sau đó tại khoản 1 Điều 122 Dự thảo lại nhấn mạnh: “Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.
3.2. Kiến nghị
Đồng ý rằng HĐHP là một định chế kiểm hiến thích hợp nhất đối với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay xét từ phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, truyền thống, cũng như văn hóa pháp lý và trình độ luật học, tuy nhiên, nên xác định rằng: nó là một nấc thang để tiến tới việc xây dựng cơ quan tài phán hiến pháp. Do vậy, dù sao, cũng cần có một HĐHP hoạt động có hiệu quả.
Để bảo đảm cho tính độc lập của hoạt động kiểm hiến, và bảo đảm cho hoạt động kiểm hiến có hiệu quả, tuân thủ nguyên tắc nhà nước pháp quyền, Dự thảo cần hủy bỏ Điều 120 và tạo lập một Chương riêng có nội dung như sau:
Điều A
1. HĐHP bao gồm chín thành viên hoạt động độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Nhiệm kỳ của mỗi thành viên là chín năm. Thành viên không được kiêm nhiệm bất kỳ chức vụ nào khác trong bộ máy nhà nước.
2. Các thành viên HĐHP do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu và được Quốc hội bầu.
Điều B
HĐHP giải thích Hiến pháp và xử lý các vi phạm Hiến pháp. Quyết định của HĐHP có hiệu lực đối với tất cả các cơ quan nhà nước.
Thủ tục hoạt động của HĐHP do luật định.
Điều C
HĐHP có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Xem xét tính bất hợp hiến của các VBQPPL do Quốc hội thông qua, CTN, Chính phủ, TTCP, TANDTC, VKSNDTC ban hành;
2. Yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hủy bỏ các VBQPPL vi phạm hiến pháp do các bộ hoặc chính quyền địa phương ban hành;
3. Xem xét các hành vi của các cơ quan nhà nước vi phạm các quyền hiến định của công dân, của người nước ngoài;
4. Giải quyết các tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với nhau, giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với chính quyền địa phương liên quan tới các nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong Hiến pháp;
5. Kiểm soát tính hợp hiến và đúng đắn của mọi cuộc trưng cầu ý dân.
Điều D
Trong quá trình xét xử, tòa án nhân dân các cấp phải chuyển vụ việc đang xét xử lên HĐHP nếu vụ việc liên quan tới các trường hợp được quy định tại Điều C nói trên.
Điều Đ
Các quyết định của HĐHP được công bố công khai.
Mọi quy định của pháp luật hoặc mọi VBQPPL vi phạm Hiến pháp về nội dung, hình thức mà đã được HĐHP xác định đều không có hiệu lực”.
Để bảo đảm cho các quy định như trên, các vấn đề sau của Dự thảo cần phải xem xét: Thứ nhất, bỏ chế định UBTVQH và hình thức Pháp lệnh; thứ hai, bỏ quy định về giám sát của Quốc hội đối với HĐHP và bỏ quy định Quốc hội có quyền xem xét báo cáo của HĐHP.
4. Vấn đề quyền con người được thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm
4.1. Bình luận
Quyền con người là căn nguyên, đồng thời là mục tiêu của Hiến pháp. Việc Dự thảo bổ sung nhiều điều khoản nói về quyền con người vào Hiến pháp năm 1992 là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng đất nước. Các quyền cơ bản, tuyệt đối và phổ biến này không thể bị chối bỏ xuất phát từ “nhân phẩm” hay “phẩm giá của con người” dẫn đến một hệ luận quan trọng rằng: không ai có nhân phẩm cao hơn ai, do đó không có dân tộc nào có nhân phẩm cao hơn dân tộc nào, cho nên không ai có quyền áp bức ai và không dân tộc nào có quyền áp bức dân tộc nào. Cũng như vậy, người cai trị không có nhân phẩm cao hơn người bị trị. Vì vậy, họ không thể lạm dụng vị trí của mình để tước đi quyền tự do của người khác.
Dự thảo tuyên bố tại Điều 15 rằng:
“1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng”.
Khoản 2 Điều này đã liệt kê các lý do có thể dẫn đến các hạn chế đối với các quyền. Tuy nhiên các lý do này được liệt kê vừa cụ thể, vừa mơ hồ tới mức bất kỳ việc giới hạn quyền nào cũng có thể có lý do, trong khi HĐHP không được Dự thảo ban cho chức năng giải thích Hiến pháp. Cần phải nhận thức rằng: Pháp luật chỉ có thể giới hạn tự do cá nhân của con người khi có lý do thật sự chính đáng từ phía cộng đồng. Thông thường các nền tài phán lấy lý do “trật tự công cộng” để giới hạn tự do. Tuy nhiên trật tự công cộng phải được giải thích đối với từng trường hợp và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Lý do này có thành tố quan trọng xuất phát từ sự tồn tại chung của cộng đồng.
Tiếp đó các Điều từ 16 cho đến Điều 52 Dự thảo quy định hàng loạt các quyền, không có sự phân loại các quyền, không có sự phân chia giữa quyền và nghĩa vụ, và xác định sự hạn chế các quyền không chỉ bằng các đạo luật mà còn bằng các văn bản dưới luật. Các Điều này tạo ra một tập hợp các quyền rất khó xác định và giải thích về phạm vi của nó. Chắc hẳn chúng sẽ gây các khó khăn không nhỏ cho HĐHP xác định có hay không sự vi phạm Hiến pháp của các VBQPPL và các hành vi của chính quyền. Đặc biệt, khoản 1 Điều 20 Dự thảo tuyên bố: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân”. Có lẽ đây là một tuyên bố thiếu suy xét nhất. Nhiều Hiến pháp chỉ đề cập tới các quyền, không đề cập tới các nghĩa vụ. Chẳng hạn: Hiến pháp Bỉ năm 1970, Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức năm 1949, Hiến pháp Singapore năm 1963, Hiến pháp Thụy Sĩ năm 1999… Có Hiến pháp chỉ đề cập tới một số nghĩa vụ như một số hạn chế của các tự do, có thể hiểu như sự khẳng định quyền chỉ thực hiện một nghĩa vụ nào đó có giới hạn (ví dụ: nghĩa vụ nộp thuế). Điển hình như Hiến pháp Nga năm 1993. Nhiều Hiến pháp tách bạch quyền và nghĩa vụ riêng biệt. Điển hình là Hiến pháp Thái Lan năm 2007. Các Hiến pháp quy định cả các quyền và nghĩa vụ trong một chương thì tất cả các nghĩa vụ đều ít hơn quyền. Chỉ có thể tìm thấy một vài nghĩa vụ ở đó như: nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ nuôi dưỡng giáo dục con cái, nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Sự thiếu suy xét quy kết ở trên có thể dễ nhận thấy khi một em bé trong bụng mẹ có quyền hưởng thừa kế hay một người bị mất năng lực hành vi được hưởng nhiều quyền nhưng không phải gánh vác một nghĩa vụ nào. Hết sức lưu ý rằng: Hiến pháp ra đời là để tổ chức nên chính quyền và giới hạn chính quyền. Vì vậy Hiến pháp phải nói tới các quyền, có nghĩa là nói tới việc buộc chính quyền phải thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ các quyền đó của con người, của công dân. Khi Hiến pháp nói tới nghĩa vụ cơ bản của công dân nghĩa là Hiến pháp ngụ ý rằng chính quyền không nên quên việc cụ thể các nghĩa vụ đó trong các đạo luật để bảo vệ cộng đồng. Một người trốn nghĩa vụ quân sự phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không phải chịu trách nhiệm hiến pháp và không thể đưa họ ra trước cơ quan bảo hiến để vạch mặt chỉ tên. Đôi khi sự hạn chế các quyền của con người, của công dân có thể được xác định bằng việc cho phép Nhà nước xác định một nghĩa vụ nào đó của con người, của công dân trong một hoàn cảnh đặc biệt. Chẳng hạn việc cho Nhà nước (cơ quan lập pháp) quyền coi là tội phạm và trừng phạt các hành vi nguy hiểm cho xã hội.
4.2. Kiến nghị
Vì các lẽ nêu trên, Dự thảo nên chấp nhận các kiến nghị sau:
Thứ nhất, Điều 15 nên sửa lại như sau:
1. Phẩm giá con người phải được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và không bị xâm phạm.
2. Quyền con người và quyền công dân được Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ.
3. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn bởi luật và vì lý do trật tự công cộng.
4. Các nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định bởi luật”.
Thứ hai, bỏ các khoản 1, Điều 16; Điều 20 Dự thảo.
Thứ ba, bỏ các cụm từ “theo quy định của pháp luật”, “do pháp luật quy định” tại các điều của Dự thảo nói về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Thứ tư, bỏ cụm từ “chấp hành Hiến pháp” tại Điều 49 Dự thảo.
5. Kiến nghị tổng quát
Bốn vấn đề lớn nói trên chưa được cân nhắc và xử lý thấu đáo trong Dự thảo có lẽ bởi một lý do quan trọng là những người soạn thảo chưa thống nhất được một mô hình Hiến pháp. Vì vậy, chúng chưa được thể hiện nhất quán trong các chương của Dự thảo, kể cả kỹ thuật viết Dự thảo. Để có một Dự thảo tốt hơn, cần phải tìm được mô hình lớn của Hiến pháp và thể hiện bằng một kỹ thuật lập hiến điêu luyện hơn./.

[1] Tác giả bài viết đưa vào ngoặc kép và dùng chữ nghiêng để nhấn mạnh.
[2] Norman Redlich, John Attanasio, Joel K. Goldstein, Understanding Constitutional Law, Second Edition, Mathew Bender, 1999, p. 2.
[3] Rod Hague, Martin Harrop and Shaun Breslin, Political Science- A Comparative Introduction, St. Martin’s Press, New York, 1992, p. 282.
[4] Gerhard Robbers, Encyclopedia of World Constitutions, Volume I (Afghanistan to France), Facts On File, USA, 2007, p. 320- 321.
[5] Dẫn theo Rod Hague, Martin Harrop and Shaun Breslin, Political Science- A Comparative Introduction, St. Martin’s Press, New York, 1992, p. 282.
PGS. TS Ngô Huy Cương – Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

No comments:

Post a Comment