Tuesday, January 17, 2012

Ý chí quốc hội và thực tiễn cuộc sống


 Luật pháp sinh ra không phải để cai trị dân như chỉ dụ của nhà Vua mang tính ban phát, thượng lệnh, mà với mục đích hoàn toàn tốt đẹp, nhằm bảo đảm hành lang pháp lý cho mọi hoạt động cá nhân và pháp nhân được tối ưu như có thể.
Mọi quốc gia theo mô hình dân chủ nghị viện đều hiến định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất; Việt Nam cũng không ngoại lệ, được quy định tại Điều 83, Hiến pháp 1992. Nhưng quyền lực cao nhất của Quốc hội khác với của Vua trong thể chế quân chủ, ở chỗ, Vua đứng trên Hiếp pháp và pháp luật; còn Quốc hội đặt dưới Hiến pháp do toàn dân phúc quyết, và phải tuân thủ pháp luật do chính mình ban hành.
 Vua toàn trị quyết định đến tận mọi thần dân, mọi ngõ ngách cuộc sống, kể cả tình cảm, gia đình, tập quán, tôn giáo của họ...; còn Quốc hội bị giới hạn trong phạm vi những gì liên quan tới chức năng nhà nước vốn được coi là công cụ phục vụ cho lợi ích của chủ nhân người dân. Vua thực hiện quyền lực bằng chỉ dụ, theo nguyên tắc xin cho, chưa có lệnh vua thì đố ai dám làm vượt quá giới hạn hiện tại; còn quốc hội thông qua chức năng lập pháp, nghĩa là ban hành các văn bản luật thể hiện ý chí của mình trong khuôn khổ Hiến pháp, để điều chỉnh các mối quan hệ pháp lý, theo nguyên lý: người dân được phép làm tất cả, trừ những gì luật pháp cấm và ngược lại nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Nghĩa là quyền của người dân là vô hạn, quyền của nhà nước là giới hạn. Nói đến dân chủ bao giờ cũng kèm theo khái niệm pháp trị hay pháp quyền chính hiểu theo nguyên lý trên.
Rốt cuộc lại, số phận, tiền đồ của quốc gia quân chủ hoàn toàn do Vua quyết định, tên tuổi Napoleon ở Pháp hay Nhật hoàng Minh trị hiển hách lịch sử nước họ là bởi vậy; trong khi thế giới hiện đại lại được quyết định không phải bởi Quốc hội, hay Đảng phái, Tống thống, Thủ tướng vốn  luôn thay đổi, mà bởi chính nhân dân họ, dân tộc họ vốn trường tồn với mọi biến đổi thể chế; mọi quốc gia có sánh vai được với cường quốc năm châu hay không, là do toàn dân họ, cả dân tộc họ quyết định, không thể thay thế bởi bất cứ siêu nhân nào. Câu ngạn ngữ Pháp, "dân nào chính phủ nấy" chính mang hàm nghĩa sâu sắc trên, đừng ỷ lại quốc hội, chính phủ, mà phải làm chủ nó.
Như vậy, dù Quốc hội có ban hành đầy đủ luật hay không, thì ở thế chế dân chủ pháp quyền, mỗi người dân vẫn là một công dân tự do định đoạt cuộc sống và tương lai của họ, tổng hợp lại là số phận và tiền đồ đất nước họ. Hoàn toàn không có nghĩa, không có luật thì người dân đành ở nhà chờ, nếu không sẽ hậu hoạ như trong chế độ quân chủ, bởi quyền cơ bản của họ đã được Hiến định, nhà nước sinh ra để bảo đảm quyền đó; thực tế ở ta, người dân vẫn mua nhà đất xưa nay, mặc dù sau này mới có luật nhà đất, doanh nghiệp đã có từ khi luật doanh nghiệp chưa ban hành; trên thế giới hiếm quốc gia nào không có mại dâm nhưng chỉ số ít có luật hành nghề mại dâm.
Xa hơn, biểu tình ở ta đã có từ trước độc lập năm 1945, tới năm 1946 mới có sắc lệnh Chủ tịch nước (văn bản lập pháp) yêu cầu biểu tình phải đăng ký trước; ở Đức cũng vậy, năm 1953 Luật tụ tập biểu tình mới ra đời, luật biểu tình chỉ có nghĩa để nhà nước bảo đảm chắc chắn quyền đó, chứ không nhằm cho phép hay hạn chế nó, vốn đã hiến định, nhà nước không được vi hiến. Đó chính là thực tiễn cuộc sống. Nó luôn chảy như dòng sông bất tận, không thể dừng lại chờ hay bị chặn bởi ý chí quốc hội.
Tuy nhiên, Quốc hội được hiến định là đại biểu cho toàn dân, nên thiếu luật do nó ban hành, thì dòng sông cuộc sống sẽ chảy rất bất trắc, rủi ro cho từng cá nhân lẫn nhóm lợi ích và cả quốc gia, vì thiếu khung pháp lý để tất cả tuân theo. Do vậy, luật pháp Quốc hội ban hành chính nhắm vào và loại bỏ những bất trắc, rủi ro có thể  xảy ra đó. Nói cách khác ý chí Quốc hội phải theo thực tiễn cuộc sống đòi hỏi chứ không phải ngược lại áp đặt ý chí quốc hội cho cuộc sống.
Giải thích tại sao, Quốc hội Đức, bình quân mỗi năm thông qua trên 100 văn bản Luật, tính ra mỗi tuần tới 2 luật, và được đặt lên bàn nghị sự  khi vấn đề nảy sinh, có những luật ban hành chỉ sau vấn đề nảy sinh chưa đầy tháng như  vụ học sinh Tim K, 17 tuổi, cuồng sát ngày 11.3.2009 tại tiểu bang Baden-Württemberg, làm 16 người thiệt mạng, sang đầu tháng 4.2009, cả Hạ viện lẫn Thượng viện đã thông qua  dự luật áp dụng hệ thống đăng bạ quốc gia về sở hữu vũ khí, để tránh cuồng sát lặp lại cho dân. Trong khi đó, chương trình xây dựng luật Quốc hội nước ta cho cả khoá XIII, 5 năm, dự kiến tối đa chỉ 115 dự án luật, tương đương 1 năm thực hiện của họ, tính tỷ lệ ít gấp họ tới 500%.
Nếu lấy mục tiêu trình độ kinh tế xã hội nước họ phấn đấu, thì hiện chúng ta đang tụt hậu về tốc độ ban hành văn bản pháp luật so với họ tới 5 lần/1 năm, và do điểm xuất phát hiện nay của ta thua họ nhiều lần nên trong tương lai khoảng cách tụt hậu pháp lý giữa ta và họ không những không rút ngắn mà ngày một doãng rộng hơn, nếu không được nhanh chóng tăng tốc.
Một khi tốc độ ban hành luật đã không thể theo kịp thực tiễn cuộc sống đòi hỏi như nước họ, thì mấu chốt luật phải ưu tiên nhắm vào những vấn đề cấp bách nhất, là những vấn đề dẫn tới cả nhà nước lẫn người dân đều hệ lụy nghiệm trọng, nếu thiếu những chuẩn mực thước đo quy tắc xử sự pháp lý dành cho nó, điển hình như vấn đề biểu tình.
Luật pháp sinh ra không phải để cai trị dân  như chỉ dụ của nhà Vua mang tính xin cho mà để bảo đảm hành lang pháp lý cho mọi hoạt động cá nhân và pháp nhân được tối ưu như có thể - mục đích hoàn toàn tốt đẹp. Có thể hiểu điều đó, từ cách gọi các cơ quan nhà nước ở ta, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, công an nhân dân, quân đội nhân dân... được hiểu sinh ra để phục vụ nhân dân chứ không phải cai trị nhân dân. Luật pháp  cũng vậy, tên các luật phải thể hiện được mục đích của nó, chứ không nhằm cấm đoán hay giới hạn đối tượng bị điều chỉnh. Chỉ khi đó mới thấy thực sự luật nào cần thiết hơn luật nào.
Chẳng hạn ở ta có Luật Quảng cáo sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Tên gọi trên làm cho người đọc hiểu như một lệnh, chỉ thị, quy định ai được quảng cáo, quảng cáo như thế nào, xin phép ra sao, ai cho phép.v.v.v. Ở Đức luật này có tên gọi "Luật chống quảng cáo không lành mạnh", coi quảng cáo hệt như lao động hoàn toàn tự do muôn mầu muôn vẻ, quyền của người dân, chẳng cần tới luật, nó chỉ đưa ra những loại quảng cáo nào bị cấm, và nếu vi phạm thì bị chế tài như thế nào, chấm hết.
Hay Bộ luật Lao động ở ta, người đọc có thể hiểu quy định tất tần tật về lao động. Ở Đức có một luật tương đương được gọi là Luật chống thải hồi lao động, dài 21 điều, nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động trước sức mạnh của chủ thuê việc. Với mục đích luật pháp như trên, thì dự án "Luật nhà văn, nhà thơ" đang bị dư luận chỉ trích dữ dội vừa qua, đổi thành "Luật bảo vệ quyền lợi nhà văn nhà thơ" chắc chắn sẽ được đồng tình ủng hộ, bởi thực tế cả trong quá khứ lẫn hiện nay đã chứng minh đòi hỏi đó.
Nguồn: Vietnamnet

TCNCLP---TS. Nguyễn Sỹ Phương

Công khai quyết định hành chính – sự bảo đảm quyền công dân




Một quyết định hành chính không được công khai đến người thi hành và người liên quan sẽ gây ra những hậu quả pháp lý gì? Thực tiễn pháp luật Việt Nam ra sao, và đâu là giải pháp của các nước xung quanh liên quan đến vấn đề này?
Không ở tầm vĩ mô, khái quát như các văn bản lập pháp, cũng không chịu sự điều chỉnh chặt chẽ về thể thức như các văn bản tố tụng, các quyết định hành chính (QĐHC) lại là loại văn bản phổ biến nhất trong đời sống hàng ngày và cũng đụng chạm nhiều nhất đến quyền, nghĩa vụ của công dân. Chưa bàn về tính hợp pháp hay hợp lý của các văn bản này - điều không chỉ đo đếm được về mặt pháp luật mà còn cả kỹ thuật - mà một công đoạn rất nhỏ trong quy trình ban hành QĐHC: công khai quyết định đến người thi hành và người có liên quan, cũng có thể gây nên những ảnh hưởng lớn. Việc “bỏ quên”, không truyền đạt QĐHC đến người có liên quan không phải là hiếm trong thực tế. Xin lấy ví dụ về một bản án đã xét xử tại Tòa án nhân dân (TAND) liên quan đến vấn đề này: “Xuất phát từ việc UBND tỉnh K. ra Quyết định thu hồi đất của gia đình ông B. để giao cho Công ty du lịch M., trong khi ông B. đang khởi kiện Quyết định thu hồi đất, UBND tỉnh K. có Quyết định số 2435/QĐ-UB ngày 1/1/2001 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty du lịch M. Ông B. không nhận được Quyết định số 2435/QĐ-UB mà chỉ được biết việc này khi TAND huyện thông báo cho ông khi giải quyết vụ án hành chính khác do ông B. khởi kiện. Do vậy ông B. đã khởi kiện Quyết định 2435 của UBND tỉnh.
Ngày 20/3/2003, TAND tỉnh K. đã căn cứ vào ngày ban hành Quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND tỉnh… để trả lại đơn kiện của ông B. với lý do: đã quá thời hiệu khiếu nại.”1.
1. Rủi ro pháp lý từ việc không công khai quyết định hành chính đến người thi hành và các bên liên quan
- Đối với đối tượng thi hành và các bên liên quan đến quyết định: Có thể thấy rằng, đây là nhóm đối tượng chịu thiệt thòi trực tiếp nhất từ việc không công khai QĐHC. Quyền lợi của người thi hành và các bên liên quan sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ: do không biết về ngày được triệu tập đến dự họp, dự thi, tham gia đấu thầu… nên những thời hạn này trôi qua, người dân mất quyền tham gia vào các sự việc đó. Điển hình trong ví dụ trích dẫn trên, người dân (ông B) có thể bị mất quyền khởi kiện do thời hiệu khởi kiện đã không còn (nếu Tòa án cấp phúc thẩm hay giám đốc thẩm không coi lỗi của cơ quan hành chính (CQHC) là một “trở ngại khách quan” cho phép người dân được kéo dài thời gian khởi kiện). Về mặt pháp luật, điều này là không thể chấp nhận được trong một hệ thống pháp luật hiện đại: nguyên tắc an toàn pháp lý không được đảm bảo, quan hệ giữa nhà nước - công dân thiếu vắng sự minh bạch, công khai.
- Chính CQHC cũng chịu những hậu quả nhất định: vắng người thi hành, một số thủ tục hành chính (TTHC) sẽ không thể thực hiện được, hoặc phải trì hoãn, gây tốn kém thời gian, sức lực và cuối cùng, hiệu quả công việc kém. Mặt khác, nếu tiến hành thủ tục vắng mặt người liên quan, rất khó ra một quyết định đảm bảo tính khách quan, toàn diện hay hợp lý. Hơn nữa từ việc không được biết về QĐHC, mất một số quyền lợi hợp pháp hay vẫn phải gánh chịu các nghĩa vụ phát sinh, tất yếu dẫn đến việc người dân phản đối lại các quyết định này. Từ khả năng này, dễ dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện, tăng thêm gánh nặng cho hoạt động hành chính, vốn đã thường xuyên quá tải.
- Toà án hành chính cũng có thêm nhiều rủi ro: đó là thêm gánh nặng vụ việc xét xử nếu giải quyết bởi con đường hành chính không xong. Chưa kể đến những cơ quan, đoàn thể nhất định cũng có thể phải chịu ảnh hưởng nếu người liên quan cầu viện tới họ trong tranh chấp.
Tóm lại, việc không công khai QĐHC có thể dẫn đến những hệ lụy lớn không chỉ cho các bên liên quan mà thậm chí ảnh hưởng đến một phạm vi xã hội nhất định.
2. Pháp luật Việt Nam về nghĩa vụ công khai các quyết định hành chính đến người thi hành
Cùng với cải cách hành chính, trong những năm gần đây, việc công khai hoá QĐHC dần dần được coi trọng ở nước ta. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL) năm 2008 cũng như Luật BHVBQPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) đều quy định rõ trình tự, cách thức và thời hạn để công bố các văn bản quy phạm của trung ương cũng như địa phương. Cụ thể, theo Luật BHVBQPPL 2008: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo; văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này” (khoản 2 Điều 78 Luật BHVBQPPL).  
Nhưng đặt trong tương quan với các văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản cá biệt - hay còn gọi là QĐHC - lộ rõ  “thế yếu” trong lĩnh vực này. Nghĩa vụ công khai các QĐHC (cá biệt) chưa được quy định chung trong một văn bản pháp luật nào, mà nếu có thì cũng chỉ rải rác trong từng lĩnh vực khác nhau. Điều này cũng là dễ hiểu, bởi các QĐHC (quyết định cá biệt) đa dạng vô cùng, cho nên khó có thể có một “bộ luật chung cho các QĐHC cá biệt”. Người ta chỉ có thể quy định những khuôn mẫu chung cho QĐHC về mặt thể thức, chứ không thể là nội dung. Ở nước ta, Dự thảo Luật TTHC - đã nhiều lần được đưa ra bàn bạc - cũng hy vọng nhắm đến một trong những vấn đề này: thủ tục để ban hành QĐHC, trong đó bao gồm cả nội dung công khai QĐHC. Tuy nhiên hiện thời, pháp luật mới chỉ tập trung vào một số nhóm quyết định quan trọng, thường là có nguy cơ xâm hại trực tiếp tới quyền và tự do của công dân, như: quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), QĐHC trong lĩnh vực đất đai, kỷ luật công chức v.v.. Điều đáng nói là ngay cả trong những trường hợp đã có quy định về công khai QĐHC, nhưng đôi khi nhiều nội dung vẫn còn vắng bóng, như: (i) nhiều lĩnh vực không rõ thời hạn công khai QĐHC đến người thi hành, đơn cử trong một số lĩnh vực mà TTHC đã khá chặt chẽ, vẫn tồn tại các quy định về thời hạn không thực sự rõ ràng; (ii) hoặc không quy định thời hạn công khai QĐHC là bao lâu, ví dụ, đối với việc tạm giữ tang vật phương tiện VPHC - một biện pháp mà tính tổn hại đến quyền sở hữu của công dân là không phải bàn cãi - nhưng thời hạn công khai quyết định này hoàn toàn không rõ. Theo khoản 6 Điều 46 Pháp lệnh Xử lý VPHC 2002 (sửa đổi, bổ sung 2007 và 2008): “Việc tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm một bản”, nhưng không hề có quy định pháp luật nào đề cập đến khoảng thời gian để giao quyết định này là bao lâu.
Nhiều văn bản pháp luật trong các lĩnh vực khác cũng thiếu vắng các quy định thời hạn. Ví dụ trong việc phê duyệt chủ trương thành lập Trường đại học, Quyết định số 07/2009 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/1/2009 ban hành điều kiện thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể Trường đại học có quy định: “Thời gian hoàn thành việc thẩm định không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ Dự án đầu tư thành lập trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thông báo kết quả thẩm định hồ sơ cho chủ đầu tư Dự án xin thành lập trường”; và “Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về thẩm quyền và quy trình làm việc của Hội đồng thẩm định nêu trên và có trách nhiệm hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xử lý và thông báo về kết quả cho chủ đầu tư dự án biết đối với những hồ sơ không được phê duyệt” (khoản 6 Điều 3 Quyết định số 07/2009 QĐ-TTg). Ở đây, thời hạn để Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo kết quả thẩm định đến chủ đầu tư hoàn toàn không xác định!
Cũng như vậy, khoản 2 Điều 49 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư: “Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư biết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ” và khoản 7  Điều 49: “Trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do”. Việc để ngỏ quy định thời hạn sẽ là rất nguy hiểm, bởi lẽ kèm theo đó là nguy cơ kéo dài TTHC, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp.
Việc quy định nghĩa vụ cho CQHC phải công khai các quyết định của mình đến người có liên quan là một điểm tiến bộ nổi trội trong cải cách TTHC, phản ánh trách nhiệm của công quyền trước công dân. Tuy nhiên, bước tiến này vẫn còn ít nhiều hạn chế bởi thời hạn công khai lại không được ấn định rõ ràng.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản pháp luật có quy định về thời hạn công khai, nhưng theo kiểu chung chung, không xác định. Ví dụ, tại khoản 4 Điều 71 Pháp lệnh Xử lý VPHC có quy định đối với quyết định đưa vào trường giáo dưỡng: “Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho người được đưa vào trường giáo dưỡng, cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó, cơ quan Công an cấp huyện, HĐND cấp huyện và UBND cấp xã nơi người đó cư trú”. Và, “trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan Công an cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với gia đình hoặc người giám hộ đưa người phải chấp hành quyết định vào trường giáo dưỡng”. Vấn đề là thời điểm gửi quyết định đến người thi hành không rõ: gửi ngay - có nghĩa là cùng ngày hay sau đó bao lâu? - bởi trong quá trình ban hành QĐHC này, không có sự tham gia của người phải thi hành. Và liệu quyền công dân, nguyên tắc an toàn pháp lý và các nguyên tắc khác của Nhà nước pháp quyền liệu có được đảm bảo nếu người bị thi hành không nhận được quyết định trong vòng 05 ngày, mà vẫn bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng?
Nhiều văn bản pháp luật cũng không quy định rõ về hậu quả pháp lý của việc không công khai QĐHC. Phần lớn các văn bản không nêu rõ chế tài đối với việc thiếu công khai hay thực hiện không đầy đủ các quy định về công khai QĐHC. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ, ngay bản thân quy định về thủ tục công khai QĐHC đã vốn dĩ không đầy đủ. Do đó, ngay cả khi có các quy định về công khai QĐHC, chế tài cho việc thiếu sót trong thực hiện thủ tục này không hề rõ ràng. Ví dụ, dùng cho toàn bộ các vi phạm pháp luật liên quan đến xử lý VPHC, chỉ có một quy định theo kiểu chung chung: “người có thẩm quyền xử lý VPHC mà sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng mức, xử lý vượt thẩm quyền quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” (Điều 121 Pháp lệnh Xử lý VPHC 2002).
Điều này đặc biệt khó kiểm soát, nhất là trong bối cảnh nước ta - khi mà Tòa án còn phán xét các QĐHC chỉ dựa trên các quy định pháp luật - quyền giải thích pháp luật của Thẩm phán còn hạn chế, nếu không muốn nói là chưa thành hiện thực. Việc quy trách nhiệm cho các vi phạm trong không công khai QĐHC đến người thi hành vì thế càng khó khăn hơn.
 Trong các văn bản pháp luật, việc tính thời hiệu, thời hạn khiếu kiện không dựa trên thời điểm công khai QĐHC đến người thi hành. Trong các cấp độ thiếu công khai QĐHC, theo chúng tôi, đây là cấp độ nguy hiểm nhất: việc tính thời hạn khiếu nại không dựa trên thời điểm công khai QĐHC đến người thi hành thực sự đi trái với nguyên tắc minh bạch, dân chủ, công khai và an toàn pháp lý và không bảo vệ những quyền cơ bản của công dân. Xin dẫn ở đây một vài ví dụ:
Điều 163 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai, có quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại đối với các QĐHC hay hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai:
“1. Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có QĐHC trong quản lý đất đai, hoặc cán bộ, công chức thuộc UBND xã, phường, thị trấn, thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường, thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có hành vi hành chính trong khi giải quyết công việc về quản lý đất đai mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đồng ý với QĐHC hoặc hành vi hành chính đó, thì có quyền nộp đơn khiếu nại đến UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
...3. Trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khởi kiện ra TAND hoặc khiếu nại đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
 Điều 164 Nghị định 181/2004/NĐ-CP cũng quy định:
“1. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có QĐHC trong quản lý đất đai hoặc cán bộ, công chức thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hành vi hành chính trong giải quyết công việc về quản lý đất đai mà người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đồng ý với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó, thì có quyền nộp đơn khiếu nại đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
...3. Trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khởi kiện tại TAND”.
 Những quy định trên có thể dẫn đến cách hiểu rằng, thời hạn khiếu kiện được tính từ thời điểm người có thẩm quyền trong CQHC ban hành QĐHC. Trở lại ví dụ về vụ kiện ở phần mở đầu, không phải ngẫu nhiên mà một số nơi hay một số lúc, TAND có những phán quyết về thời hạn khởi kiện như vậy - nếu họ dựa trên căn cứ pháp lý như các điều luật vừa trích dẫn trên.
3. Giải pháp của một số nước về việc công khai quyết định hành chính đến người thi hành
Qua xem xét kinh nghiệm của Pháp - một quốc gia phát triển và có ít nhiều ảnh hưởng đến văn hóa và lịch sử pháp luật Việt Nam - và Thái Lan cùng một số quốc gia khác, có hai vấn đề đặt ra: giải quyết như thế nào hậu quả của việc không truyền đạt quyết định và nếu có thể, thì trình tự truyền đạt quyết định nên quy định như thế nào?
3.1. Hậu quả của việc không công khai QĐHC đến người thi hành
Theo pháp luật của Cộng hòa Pháp, có hai khả năng: thứ nhất, một số QĐHC sẽ không phát sinh hiệu lực nếu chưa được công khai đến người thi hành; và thứ hai, các QĐHC đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa được công khai đến đối tượng thi hành luôn có nguy cơ bị khiếu kiện trong bất cứ lúc nào.
-  QĐHC không phát sinh hiệu lực thi hành nếu chưa được công khai đến người thi hành hoặc dựa trên một quy phạm chưa công khai: Theo án lệ của Cộng hòa Pháp, các quyết định mang tính quy phạm sẽ không phát sinh hiệu lực pháp lý nếu chưa được truyền đạt đến người thi hành (C.E 16/4/1948, Min. de la Production Industrielle ; C.E., 25/11/1949, Caise d’Epargne Ordinaire d’Etampes). Cũng như vậy, không được phép trừng phạt hành vi vi phạm một quy định được nêu trong một văn bản chưa được công bố (Cass. Crim., 27/11/1941). Các thẩm phán hành chính Pháp nhiều lần tuyên bố nguyên tắc: CQHC nếu ban hành QĐHC dựa trên một văn bản chưa được công bố thì quyết định này chưa phát sinh hiệu lực chừng nào văn bản quy phạm kia chưa được công khai (C.E., Syn. Nat. des Chemins de Fer de Franc et des Colonies). Thậm chí nguyên tắc này được quy định rõ trong một số văn bản pháp luật: Luật Tổ chức chính quyền xã có quy định tại Điều 96: “Các văn bản của xã trưởng chỉ bắt buộc thi hành sau khi đã được truyền đạt đến các bên liên quan”.
Tuy nhiên, nguyên tắc này có một ngoại lệ: khá nhiều trường hợp, QĐHC (cá biệt) có thể phát sinh hiệu lực pháp lý ngay cả khi chưa kịp công khai đến người thi hành. Lý do là thời điểm có hiệu lực pháp lý của quyết định không phụ thuộc vào việc truyền đạt đến người thi hành và các bên liên quan. Trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn, hoàn toàn có khả năng là thời điểm có hiệu lực của quyết định hoặc được quy định trong luật; hoặc được xác định ngay trong chính quyết định đó. Mà cả hai điều này đều không có liên quan tới việc người thi hành có nhận được quyết định hay không. Bởi vì về sâu xa, QĐHC khác với hợp đồng: tính song phương của hợp đồng cần có sự thoả thuận cả đôi bên, còn QĐHC có tính đơn phương - nghĩa là chính quyền (đại diện cho lợi ích chung) - có quyền tự quyết định, và vì vậy QĐHC sẽ có hiệu lực thi hành không phụ thuộc vào ý chí bên kia.
Cũng như vậy, pháp luật nước ta cho phép trong nhiều trường hợp, QĐHC phát sinh hiệu lực thi hành một cách đơn phương - không dựa vào thời điểm công khai đến người thi hành. Ví dụ tại khoản 4 Điều 56 Pháp lệnh Xử lý VPHC quy định: “Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định quy định ngày có hiệu lực khác”. Vậy cơ chế nào đảm bảo quyền công dân trong trường hợp này? Câu trả lời nằm trong một chế định pháp luật: cách tính thời hiệu, thời hạn khiếu nại và khởi kiện hành chính. Cụ thể là thời hiệu, thời hạn khiếu kiện chỉ được tính từ ngày mà người thi hành hoặc người liên quan được biết về QĐHC đó.
- Việc không công khai QĐHC đến người thi hành làm kéo dài thời hiệu, thời hạn khiếu kiện hành chính: Khác với thời hiệu, thời hạn khiếu kiện thông thường (vốn giới hạn trong một khoảng thời gian xác định như 1 tháng, 2 tháng....) thì trong trường hợp này, thời hiệu, thời hạn khiếu kiện chỉ bắt đầu tính từ khi người liên quan thực sự biết được quyết định. Luật của Đức quy định: nếu khiếm khuyết trong việc thông báo (thông báo chậm, không rõ ràng), thì thời hiệu khiếu nại QĐHC là 01 năm kể từ ngày công bố quyết định (trong khi thời hạn bình thường chỉ là 01 tháng). Và trong trường hợp do lỗi của CQHC không hề thông báo đến người liên quan, thì thời hiệu khởi kiện là vô cùng: bất cứ khi nào người liên quan cũng có quyền khiếu nại2.
Có thể thấy, tuy nguyên tắc an toàn pháp lý bị vi phạm ít nhiều, nhưng bù lại, quyền lợi của người liên quan được bảo đảm, và quan trọng hơn, trách nhiệm của hành chính bị truy đuổi đến tận cùng.
Tương tự như vậy trong luật của Pháp, nếu một QĐHC không được thông báo hay thông báo không hợp lệ đến người liên quan, thời hiệu khiếu kiện chống lại quyết định đó là không xác định, bất cứ lúc nào người liên quan cũng có quyền khởi kiện. Theo án lệ Les Hortensias của Hội đồng Nhà nước Pháp (Conseil d’Etat), một xã trưởng không thể vin lý do là đã quá thời hiệu khởi kiện để không xem xét yêu cầu của đương sự chống lại quyết định của ông ta. Thời hiệu không đặt ra trong trường hợp này, bởi lẽ, quyết định của xã trưởng đã không được thông báo đúng thể thức: niêm yết ở trụ sở xã và trên thửa đất xây dựng có liên quan3.
Riêng với quyết định ngầm (im lặng) thì không đặt ra thời hiệu, bởi với loại quyết định này không có thông báo, nên đồng thời đi kèm với rủi ro: có thể bị kiện và bị huỷ bỏ bất kỳ thời điểm nào4. Cũng có thể coi đây là một chế tài áp dụng cho việc không thông báo của CQHC vậy.
 Đi xa hơn nữa trong việc bảo vệ quyền công dân, án lệ Pháp đã đưa ra một số quy tắc: nếu một quyết định có lợi cho người liên quan thì khắc có hiệu lực thi hành mà không liên quan đến việc người liên quan có biết về quyết định đó hay chưa (Án lệ Deville, Conseil d’’Etat 10/1/1958); ngược lại, quyết định không có lợi cho người liên quan thì chỉ có thể có hiệu lực thi hành nếu như đã được thông báo (Án lệ Bà Lefranc, Conseil d’Etat 28/11/1952)5.
Quy tắc về thời hiệu nói trên tạo ra một sự “cân bằng” nhất định trong mối quan hệ giữa công quyền - công dân: chừng nào mà QĐHC chưa được công khai bởi công quyền thì chừng đó còn tồn tại rủi ro QĐHC đó có thể bị khởi kiện và tuyên hủy. Nguy cơ bị kiện sẽ đeo đẳng cùng với QĐHC không đảm bảo thủ tục công khai đó. Đây chính là một “chế tài” cho QĐHC thiếu công khai, và cũng là một đảm bảo cho quyền công dân. Với nguy cơ từ rủi ro đó, chắc sẽ tạo nên áp lực để CQHC thực hiện nghĩa vụ công khai các QĐHC của mình.
 Tuy nhiên, tất cả các giải pháp trên đều chỉ là cứu vãn tình thế. Điều mong muốn nhất là không xảy ra những “sự cố” trong giao tiếp giữa hành chính và người dân. Muốn vậy, cần có sự công khai rành rọt về QĐHC. 
3.2. Truyền đạt quyết định đến người thi hành 
- Theo luật của Vương quốc Thái Lan (Đạo luật năm 1996 về việc công bố các QĐHC không mang tính quy phạm), thông báo có thể trực tiếp bằng miệng hay văn bản. Trong trường hợp bằng văn bản thì có thể thực hiện bằng thư bảo đảm, thời hạn coi như người liên quan đã nhận quyết định ở trong nước là 07 ngày, ở nước ngoài là 15 ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp liên quan đến hơn 50 người thì có thể thông báo bằng cách niêm yết tại trụ sở CQHC nơi đương sự cư trú, với điều kiện là CQHC phải thông báo ngay từ đầu cho các đương sự biết về việc niêm yết này. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày niêm yết, coi như là các đương sự đã được biết về QĐHC. Ngoài ra, có thể niêm yết khi CQHC không biết đích xác đối tượng cần thông báo, hoặc có biết đối tượng nhưng không nắm được nơi cư trú. Hơn nữa, trong trường hợp khẩn cấp có thể thông báo bằng việc gửi fax.
- Thông báo đương nhiên là gửi cho bản thân người có liên quan trong QĐHC. Đối với một số trường hợp đặc biệt, án lệ Pháp cho phép những ngoại lệ, như có thể gửi cho người gác cổng khu nhà đương sự ở hoặc đóng trụ sở (Án lệ 18/5/1945 Công ty hỗ trợ quản lý và phát triển, Hội đồng Nhà nước Pháp); nhưng nếu gửi cho chị của đương sự thì lại coi là không hợp lệ (án lệ 9/5/1962, xã La Saule). Trường hợp đương sự cố tình không nhận quyết định (không nhận thư bảo đảm; không ký vào giấy giao nhận tài liệu; không đi ra bưu điện lấy QĐHC theo giấy triệu tập...) thì chủ thể ra QĐHC không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào khi thi hành cũng như thời hiệu khiếu nại.
Theo luật Thái Lan, thông báo phải gửi cho đương sự hoặc người đại diện của đương sự. Trường hợp đương sự từ chối hoặc vắng mặt, đạo luật 1976 cho phép gửi thông báo đến một người đã thành niên cùng ở chung nhà với đương sự; hoặc chủ nơi đương sự làm việc. Trong trường hợp vẫn từ chối thì có thể niêm yết ngay tại các địa điểm nói trên6.
- Việc thông báo phải hoàn chỉnh, nghĩa là phải làm cho đương sự hiểu nội dung QĐHC. Cách tốt nhất là cần gửi toàn văn QĐHC đến người liên quan. Tuy nhiên, án lệ hành chính Pháp cũng cho phép một vài ngoại lệ: việc đọc QĐHC kèm theo ký xác nhận đã nghe của đương sự cũng có thể coi là đã hoàn thành thủ tục thông báo (C.E., 28/3/1950, Resset, 200); hoặc có thể chỉ cần trích dẫn QĐHC cũng đã đủ hiểu nội dung, bản chất QĐHC. Nếu thông báo không đầy đủ thì hậu quả có thể là sẽ kéo dài thời hiệu khởi kiện.  
*
*    *
QĐHC là phương tiện thực thi quyền lực nhà nước, quyền và nghĩa vụ của công dân. QĐHC cũng là cầu nối trong mối quan hệ của công dân với Nhà nước. Bởi vậy, hoàn thiện thủ tục truyền đạt QĐHC cũng là cách thiết thực để cải thiện mối quan hệ công dân - công quyền, tăng cường tính minh bạch và chịu trách nhiệm - những đặc trưng nổi bật của nền hành chính hiện đại.
Chúng ta đang xây dựng Luật TTHC, trong đó có nội dung quan trọng là xác lập các nguyên tắc cơ bản nhất của thủ tục ban hành QĐHC, trong đó có thủ tục công khai QĐHC đến người thi hành. Cùng với việc làm này, cần phải bãi bỏ hay sửa đổi ngay những quy định thiếu minh bạch hay thậm chí gây tổn hại đến quyền công dân như: không rõ ràng thời hạn công khai QĐHC, hoặc nguy hiểm hơn, tính thời hiệu, thời hạn khiếu kiện ngay cả khi QĐHC chưa được công khai đến người thi hành và các bên liên quan.
TCNCLP

VỊ THẾ GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG LỊCH SỬ



THẠCH VĂN
Luật lệ về hôn thú; hứa hôn và ly dị và các nghi lễ, tình trạng đa thê, các vấn đề xã hội nghề nghiệp, sự giáo dục và những nét đặc biệt của vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Những điều luật về hôn nhân sớm nhất của Việt Nam thời phong kiến có thể sớm hơn Bộ Luật Dân sự của nước Pháp đã có những điều rất tiến bộ đối với phụ nữ như: người phụ nữ bình đẳng với người chồng: (Thê – Phu tề gia ). Khi lập gia đình, họ không nhất thiết phải dùng tên của người chồng, mà có thể giữ tên riêng của mình.
Ở Việt Nam xưa, hôn thú xảy ra ở tuổi rất sớm, con trai là mười sáu, con gái là mười bốn và được xem là một vấn đề rất hệ trọng nên không thể phó mặc cho sự may rủi hoặc sở thích trong tình yêu. Nó là công việc mà cha mẹ thường phải sắp xếp, giải quyết và được tham khảo ý kiến của những người có quan hệ gần gũi trong họ tộc. Cũng chính vì vậy mà sự cố vấn là cần thiết cho lứa tuổi còn quá trẻ. Cũng do vậy, thời kỳ hứa hôn được chấp nhận kéo dài. Sự hứa hôn cấu thành khế ước pháp lý đầu tiên và sẽ kết thúc khi vị hôn thê chấp nhận các lễ vật. Nếu người con trai phá bỏ sự hứa hôn, anh ta sẽ mất lễ vật đã trao cho người hôn thê. Nếu người con gái là kẻ hối hôn, cô ta có thể bị người hôn phu đầu tiên khiếu nại cho dù sau này anh ta sẽ lấy một người  khác.
Các cuộc hôn nhân với người cận huyết thống sẽ bị trừng phạt rất nặng nề. Thí dụ, một người đàn ông lấy bà cô của mình sẽ tức thời bị chém đầu. Người đàn ông có thể được phép lựa chọn người làm vợ trong số các chị em của người vợ cả bị chết nhưng lại có thể bị treo cổ nếu cưới vợ góa của anh em trai. Việc kết hôn hỗn tạp cũng bị ngăn cấm bởi vì nó có thể làm đảo lộn căn bản hệ cấp của gia đình.
Nghi lễ và giáo lý Phật Giáo của người Việt biểu lộ một sự tôn kính sâu xa liên quan đến tục thờ cúng tổ tiên. Từ đó, vị thế truyền thống của người cha cấu thành các nguyên tắc nền tảng của gia đình. Nhà nào cũng đều có một bàn thờ nhưng chỉ người đàn ông mới được cử hành lễ. Đây lại chính là nguồn gốc của một sự bất bình đẳng xã hội. Điều dễ nhận thấy là người đàn ông luôn tìm cách vận dụng tôn giáo để gia tăng quyền lực của mình.
Sự ra đời của một đứa con trai được coi là lộc trời ban cho một con người; đồng thời nó cũng áp đặt trên người đó một bổn phận nghiêm khắc và linh thiêng. Nếu một người nào đó mà hôn nhân không cho họ một đứa con trai, luật pháp phong kiến sẽ có các phương cách để trợ giúp. Đó là sự thừa nhận tình trạng đa hôn và chấp nhận con ngoài giá thú, về sau thành người thừa tự.  Người vợ không sinh con có thể bị trả về với cha mẹ của mình, bị coi là bất hiếu “tam sự bất hiếu, vô hậu vi đại”. Nếu người  vợ chỉ sinh toàn con gái có thể có nguy cơ bị thế chỗ bởi một bà vợ khác.
Thực tế thường xảy ra đối với người đàn ông chỉ có một con gái là nhận người con rể, nhưng con rể không thể bị buộc gánh vác trách nhiệm về việc thờ cúng tổ tiên, nên cần phải tìm nhận một đứa con trai khác đứng vai trò làm trưởng gia đình. Thường là trong số các cháu trai bên nội và anh em họ của chúng (tương tự như ở Hy Lạp và Ấn Độ).
Trong vấn đề thừa kế, “phần hương hỏa” bao giờ cũng được tính toán rất cẩn trọng nên nó tạo ra thói quen phân chia tài sản nhiều hơn cho người con trai cả hay đứa con trai nuôi. Tuy nhiên, người góa phụ  vẫn thừa kế tài sản của chồng, các con gái dễ bị loại ra khỏi sự thừa kế.
Theo “Dịch Kinh” hôn nhân thì không thể bị tan vỡ. Nhưng lại có nhiều điều luật tiến bộ hơn hạn chế sự ly hôn. Các lý do ly hôn là: không có con, dâm loạn, trộm cắp, ghen tuông, lắm lời, bất kính đối với cha mẹ chồng, và mắc các chứng ác tật không thể chữa trị được như cùi hủi và động kinh phong.  Cũng có những trường hợp chứng tỏ sự khôn ngoan và nhân đạo của luật. Chẳng hạn, người đàn ông không thể ly dị vợ khi khởi sự đời sống vợ chồng trong sự nghèo khổ, về sau này trở nên giàu có; ông ta cũng không thể bỏ vợ khi tình cảm đã phai nhạt với người đàn bà đầu tiên mà ông ta từng yêu hoặc do gia đình “đầu đội trầu, tay bưng lễ” đi cưới hỏi về cho ông.
Không lý do nào có thể biện minh cho sự ngoại tình; với tình trạng phạm pháp quả tang được chứng minh, người chồng được phép giết chết đôi kẻ phạm tội. Thời xưa người vợ phạm tội bị mang ra chốn công cộng để cho voi dày. Sau này tội được giảm xuống là bị đánh chín mươi trượng. Lúc đó người đàn ông có quyền đem bán hay giữ người vợ lại. Về sau việc trả thù man rợ ngày càng ít hơn. Thảng hoặc cũng vẫn có một cặp gian dâm có thể bị buộc bè cho trôi sông  hoặc bị trói chặt vào nhau và bị nhét vào miệng các thứ rác rưởi.
Người vợ Việt Nam được cưới hỏi theo luật thì được hưởng lợi chung về tài sản. Khi người chồng mua hay bán đất đai không bao giờ thiếu việc ghi tên người vợ. Các hương chức ở thôn xã ghi chép đủ các quyền của người vợ trong sổ sách và người mua bán khôn ngoan cũng không quên người vợ trong các giao dịch tài sản quan trọng.
Sách Lễ Ký ghi nhớ về các lễ nghi: “Hôn lễ hoàn thành sự hợp nhất giữa hai người có tên khác nhau, trong một cung cách khiến cho họ có thể thờ phụng tổ tiên nơi điện thờ của họ và huấn luyện các thế hệ tương lai đi theo các truyền thống của họ.” Người ta nhận thấy văn minh Việt Nam, sau khi giao thoa với văn minh Trung Hoa đã có khuynh hướng đi theo một bản sắc riêng.
Hôn nhân Việt Nam là một khế ước tự do giữa những người mong muốn và là sự thỏa thuận giữa hai gia đình. Chính quyền ít khi  can thiệp. Người mai mối không phải là quan chức, nhưng lại bị ràng buộc trách nhiệm pháp lý. Họ thường là bạn của cả hai bên gia đình. Tại các phố phường người làm mối là người hành nghề chuyên nghiệp, quen biết nhiều và thông thạo lễ nghi. Các bước tiến tới hôn nhân như sau: Nhà trai trước hết nhờ người mai mối đến nhà gái ngỏ lời cầu hôn và nếu được trả lời thuận ý, gia đình người con trai sẽ cho biết họ tên, tuổi, ngày sinh của chàng trai trong một tấm thiệp đỏ. Người đại diện cũng nhận được cùng thông tin như thế từ phía nhà cô gái. Khi đó các thày bói sẽ xem hai gia đình và tuổi của hai người có hợp không. Người mai mối ấn định ngày cưới, còn cha mẹ thì lo sắm lễ vật và cầu nguyện với tổ tiên. Khi đó các nghĩa vụ của người thanh niên bắt đầu. Chàng trai sẽ tự đến trình diện theo các nghi thức bên nhà gái và dâng lễ vật như trầu cau và nhiều thứ khác… Nếu lễ vật được chấp nhận, kể từ lúc đó người con trai đó được xem là con rể. Ở các nhà nghèo, sau cầu hôn, anh ta sống cùng nhà với vị hôn thê. Nhà giàu có hơn, người con trai sẽ về nhà riêng của mình, và sẽ không quay lại thăm viếng người hôn thê cho đến ngày được ấn định là ngày hứa hôn.
Ngày hứa hôn (ăn hỏi), một lần nữa anh ta lại dâng trầu cau, bánh trái cùng nhẫn xuyến đeo tay, đeo tai và lụa màu, hai cây nến đỏ, hai chén rượu nhỏ, và một con lợn quay nhỏ. Đám ăn hỏi rất vui vẻ và ngoạn mục. Mọi người đều mặc trang phục đẹp nhất, nhiều người mang theo lọng, có người đi theo thổi sáo. Khi đến nhà vị hôn thê, lễ vật được đặt lên trên bàn thờ, các ngọn nến đỏ được thắp lên, rượu được rót ra chén. Hai người cha cùng đứng lên và bái lạy trước bàn thờ, kế tiếp là hai bà mẹ. Một bữa tiệc, thịnh soạn, chi tiết theo nghi thức nghiêm ngặt.
Ngày cưới thì long trọng hơn. Cha của chàng rể cùng thân nhân của gia đình đứng trước bàn thờ trình diện trước tổ tiên đứa con sắp đi lập gia đình.  Sau đó, chàng trai sẽ đến nhà vị hôn thê. Anh ta đi cùng các gia nhân bưng quà cưới và đám đông bè bạn, người thân.  Sau màn chào hỏi ngoài trời, mọi người vào trong nhà và quây quần quanh bàn thờ. Hôn phu tự bái lạy trước bàn thờ rồi tiến đến bố mẹ vợ để dâng rượu và trầu cau. Trong khi đó bố của chú rể đọc liệt kê các quà dẫn cưới.
Đôi trẻ được dẫn tới một buồng riêng và đứng trước bàn thờ phụng thờ các vị thần của hôn nhân, trên đó nến được thắp, hương được đốt. Hai bên cha mẹ sẽ chúc đôi trẻ có đông con cháu và khuyên bảo họ gìn giữ hôn nhân cho đến mãn đời. Đây là nghi thức long trọng nhất trong buổi lễ. Khi đó người vợ trẻ vén khăn, hoặc nón che mặt lên và người chồng làm như mới thấy mặt nàng lần đầu tiên.  Người vợ giờ đây sẽ bái lạy bốn lễ trước người chồng, người chồng đáp lại người vợ một lễ.  Họ đổi chén rượu cho nhau, cuộc lễ hoàn tất. Một bữa tiệc sau đó được tổ chức long trọng có đôi tân hôn tham dự.
Hôn nhân giữa những người nghèo ít phức tạp hơn và nhất là hôn lễ với người vợ lẽ, thủ tục rất đơn giản.
Tập tục đa thê của người Việt xưa rất khác biệt. Vua thì có số lượng lớn các bà vợ, nhưng quan chức cao cấp lại hiếm khi có tới bốn năm vợ.  Người nghèo thì chỉ cần có một người vợ vì do các bà vợ hay bị chi phối bởi của cải vật chất.  Một thương nhân hay quan chức xê dịch nhiều, thường có một gia đình tại mỗi trung tâm hoạt động chính của họ, người vợ đóng vai đại lý thương mại hay quản lý.
Người vợ pháp định được gọi là người vợ cả, “vợ chính”. Bà ta giữ một vị thế quan trọng trong gia đình. Bà là vị hoàng hậu của tổ ấm. Tất cả các bà vợ lẽ, gia nhân, v.v.. đều phải vâng lời; mọi đứa con đều kính trọng và tôn phục bà. Thời gian cư tang khi bà vợ cả chết là ba năm, trong khi với bất kỳ bà vợ nào khác, chỉ phải cư tang một năm, sau đó là do các đứa con riêng của người đó lo liệu. Lúc người cha từ trần, mọi đứa con của các bà vợ khác nhau đều nhận được cùng số tài sản thừa kế.  Bà vợ cả giữ quyền lợi suốt đời trên tài sản của người chồng.  Phần sở hữu của những người mẹ khác sẽ được đem chia cho các con riêng người đó.
Điều có thể nhận thấy rằng nhân quyền của người đàn bà Việt Nam xưa đã đặt ở vị thế khá cao mà nhiều nền văn minh Tây Phương đã không đạt được mức cao hơn thế.
Các tính chất tổng quát của vẻ đẹp đặc thù xưa được cho là: “phẩm chất tinh thần và đức hạnh thì quan trọng hơn nhiều so với vẻ đẹp bên ngoài khi vấn đề lựa chọn một người vợ được đặt ra”, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Tiêu chí về vẻ đẹp hình thể thì kích thước của eo không được quá lớn. Tóc dài và đen là đẹp nhất. Khuôn mặt phải có hình trái xoan, và phải có nét cân đối toàn diện. Mắt của người đáng yêu thì sáng rực như đôi mắt phụng, lông mày có những đường cong thanh tú vút ra như mày của con tằm.  Gót chân thì đỏ như son. Câu này đã trở thành một câu tục ngữ phổ thông: “Mắt phụng”, “Mày tằm”, “Gót son”. Chúng ta nhận thấy ở người phụ nữ Việt, sự kính trọng và lòng hiếu thảo được bảo đảm tại ngôi nhà của mình và luật pháp thừa nhận cho bà các quyền hạn thực sự rộng rãi.
Gia đình Việt Nam, được quản lý bởi các nguyên tắc như thế, hẳn nhiên phải có một tương lai thịnh vượng. Nếu tục thờ cúng tổ tiên đã đóng góp vào sự vững chắc của cuộc sống gia đình và cho sự vĩ đại của dân tộc, nó cũng có khuynh hướng khiến họ phóng đại truyền thống. Truyền thống tốt đẹp này không chống lại sự tiến bộ. Nếu chúng ta muốn biết về phụ nữ và gia đình Việt Nam và muốn nhận thức giá trị đạo đức của nó, chúng ta chỉ cần nhìn vào đời sống gia đình và sự đối xử kính trọng đối với phụ nữ./.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ--TTPLDS

Bàn về quyền lập pháp và mô hình lập pháp


Bàn về quyền lập pháp và mô hình lập pháp
Quyền lập pháp là quyền duy nhất thuộc về Quốc hội. Quốc hội có thể ủy quyền cho các cơ quan nhà nước khác thay mặt mình ban hành văn bản dưới luật để quản lý xã hội. Tuy nhiên, hoạt động lập pháp không phải là công việc duy nhất của Quốc hội mà có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau. Một trong những yêu cầu quan trọng đối với hoạt động lập pháp là chỉ ban hành pháp luật xuất phát từ nhu cầu thực tế (có thể là nhu cầu đã có hoặc sẽ có) và phù hợp với thực tế. Điều đó có nghĩa là chương trình làm luật của Quốc hội nhất thiết phải đặt trong mối tương quan với nhu cầu điều hành đất nước và quản lý xã hội của Chính phủ. Trong quá trình soạn thảo luật, cần sử dụng mô hình phân tích chính sách“từ dưới lên”, theo đó, bất cứ quy định pháp luật hoặc chính sách nào được đưa ra đều phải trải qua công đoạn phân tích các bên có liên quan hoặc phân tích thể chế so sánh. Sử dụng công cụ phân tích này sẽ đảm bảo cho các đạo luật được ban hành không phải là sự cấy ghép vụng về ý chí của nhà nước vào đời sống xã hội.
Quyền lập pháp và hoạt động lập pháp
Quyền lực nhà nước được tạo thành từ ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Việc phân tách quyền lực nhà nước thành ba quyền nói trên bắt nguồn từ học thuyết tam quyền phân lập mà cha đẻ của nó là John Locke. Học thuyết của ông sau đó được phát triển bởi nhà xã hội học và luật học người Pháp Montesquieu. Trong bài phân tích về thực trạng Hiến pháp nước Anh đầu thế kỷ 18, Montesquieu kết luận rằng, ở Anh, sự tự do của công dân chỉ được đảm bảo khi quyền lực và các chức năng của nhà nước được phân chia cho ba cơ quan khác nhau là lập pháp, hành pháp và tư pháp1. Quyền lập pháp là quyền ban hành pháp luật còn quyền hành pháp là quyền thực thi pháp luật và quyền tư pháp là quyền bảo vệ pháp luật.
Một trong những bước tiến quan trọng trong nhận thức về tổ chức bộ máy nhà nước ở nước ta thời kỳ đổi mới là thừa nhận những hạt nhân hợp lý của thuyết tam quyền phân lập, theo đó mặc dù trong tổ chức bộ máy nhà nước không có sự phân chia và đối trọng giữa các nhánh quyền lực nhưng thừa nhận sự phân công và phối hợp trong việc thực hiện ba quyền ấy. Nguyên tắc này được thể hiện tại Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), theo đó “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Theo quy định tại Điều 83 của bản Hiến pháp này thì “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và quyền lập pháp”. Như vậy, quyền làm luật được trao cho Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, do toàn thể nhân dân bầu ra.
 Khái niệm quyền lập pháp (quyền làm luật) cần được phân biệt với khái niệm quyền soạn thảo luật. Pháp luật cho phép một đạo luật có thể được rất nhiều chủ thể khác nhau soạn thảo và trình lên Quốc hội. Trong thực tế nước ta, đa số các đạo luật đều do Chính phủ soạn thảo, một số ít được thực hiện bởi các chủ thể khác như Hội Luật gia, Hội Liên hiệp phụ nữ, Mặt Trận tổ quốc…2 Như vậy, chủ thể có quyền lập pháp không nhất thiết là chủ thể soạn thảo luật. Nội dung cốt lõi của quyền lập pháp chính là quyền đồng ý hoặc không đồng ý thông qua một chính sách hoặc một dự luật nào đó. Quy định Quốc hội là chủ thể duy nhất có quyền lập pháp nghĩa là chỉ Quốc hội mới có quyền thông qua các dự án luật, tạo nên những chuẩn mực buộc các chủ thể trong xã hội phải thực hiện. Vấn đề đặt ra là tại sao Quốc hội, với tư cách là cơ quan lập pháp, không tự mình soạn thảo luật mà lại trao cho các chủ thể khác thực hiện công việc này. Theo quy định của pháp luật, các cơ quan của Quốc hội và ngay cả đại biểu Quốc hội đều có quyền soạn và trình dự án luật. Tuy nhiên, đa phần các dự luật đều do Chính phủ soạn thảo là vì pháp luật cần phải bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của quản lý đất nước. Nhu cầu ban hành chính sách, pháp luật luôn xuất phát từ thực tế sinh động của đời sống xã hội mà ở đó hành pháp là chủ thể đầu tiên phát hiện ra, “va chạm” và đòi hỏi phải giải quyết nó. Nhu cầu ấy được phản ánh tới Quốc hội thông qua chương trình làm việc của Chính phủ. Quốc hội chỉ ban hành luật dựa trên nhu cầu chính sách do Chính phủ báo cáo3, và ngược lại, nếu Quốc hội bỏ qua cơ sở này thì pháp luật chỉ trở thành món đồ nhân tạo, vô hồn, không được xã hội tiếp nhận. Nói về mối quan hệ này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đã có khẳng định rất hay như sau “Thiếu sự tương tác này giữa lập pháp và hành pháp, thì cho dù quy trình lập pháp có được thiết kế tinh vi đến đâu chăng  nữa, nó cũng chỉ là một quy trình nhân tạo. Sản phẩm tất yếu của một quy trình nhân tạo là các đạo luật nhân tạo. Các đạo luật nhân tạo không cần cho cuộc sống. Nhà nước vẫn có thể áp đặt chúng cho xã hội. Tuy nhiên, những cố gắng như vậy không sớm thì muộn sẽ làm cho các cơ quan của nhà nước hụt hơi. Cuộc sống như ao bèo, sẽ phẳng lặng trở lại sau một hồi xao động”4. Chính vì quan hệ gắn bó giữa nhu cầu lập pháp và nhu cầu quản lý xã hội mà Quốc hội cần có Chính phủ và các chủ thể khác tham gia vào hoạt động lập pháp.
Từ những phân tích trên cho thấy, soạn thảo luật chỉ là một công đoạn của hoạt động lập pháp mà không phải một yếu tố cấu thành quyền lập pháp. Nói cách khác, nếu như quyền lập pháp là quyền riêng có của Quốc hội thì hoạt động lập pháp lại có sự tham gia của nhiều chủ thể, thông qua một quy trình bao gồm nhiều bước khác nhau. Quy trình lập pháp được hiểu là trình tự các bước được tiến hành theo một trật tự chặt chẽ, nghiêm ngặt trong quá trình làm luật, được điều chỉnh bởi Hiến pháp và luật, bao gồm các giai đoạn từ sáng kiến pháp luật, soạn thảo văn bản, trình dự án luật, thẩm tra, thảo luận và thông qua5.
Hiện nay, quy trình lập pháp ở nước ta đã được luật hóa bằng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Căn cứ theo trình tự thời gian ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể thấy quy trình lập pháp ở nước ta bao gồm hai giai đoạn chính, thứ nhất là lập và quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thứ hai là chuẩn bị, xem xét và thông qua các dự án luật. Căn cứ vào chủ thể ban hành có thể chia quy trình lập pháp thành công đoạn Chính phủ và công đoạn Quốc hội. Công đoạn Chính phủ bao gồm các hoạt động đề xuất chương trình xây dựng pháp luật, phân tích chính sách và soạn thảo luật. Công đoạn Quốc hội thực hiện các hoạt động thẩm tra dự thảo luật, thảo luận, cho ý kiến và biểu quyết thông qua. Công đoạn Chính phủ là công đoạn thiết kế luật, đòi hỏi nhiều thời gian, sức lực và tài lực. Nếu công đoạn này thực hiện tốt thì công đoạn Quốc hội sẽ diễn ra được nhanh chóng và kết quả là Quốc hội sẽ có nhiều thời gian để thực hiện hai chức năng quan trọng khác của mình, đó là chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thời gian qua, Quốc hội nước ta áp dụng quy trình thông qua luật hai bước, theo đó mỗi đạo luật sẽ được xem xét tại hai kỳ họp Quốc hội, kỳ họp trước cho ý kiến và kỳ họp sau thông qua. Cách làm này đã thể hiện ưu điểm trong việc đảm bảo thời gian cho ban soạn thảo tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật. Tuy nhiên, nếu so sánh với hoạt động thảo luận và thông qua luật ở nhiều nước trên thế giới thì thấy rằng Quốc hội Việt Nam mất nhiều thời gian hơn. Một trong những lý do của thực trạng này là chất lượng của công đoạn Chính phủ trong quy trình làm luật chưa cao khiến cho các dự luật không nhanh chóng thuyết phục được các đại biểu thông qua. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng của công đoạn Chính phủ là yêu cầu cần thiết hàng đầu để cải thiện hiệu quả của hoạt động lập pháp.
Khi bàn đến quyền lập pháp của Quốc hội thì cũng cần xem xét khái niệm lập pháp ủy quyền. Đây là trường hợp Quốc hội ủy quyền cho Chính Phủ và các cơ quan nhà nước khác như Tòa án, Viện Kiểm sát hoặc trong một số trường hợp là các tổ chức chính trị - xã hội… ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đa số các trường hợp, các đạo luật đều có quy định về việc Quốc hội trao quyền cho các cơ quan nhà nước khác, đặc biệt là Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy hành chính để chi tiết hóa nội dung các đạo luật đó.
Hiện tượng lập pháp ủy quyền không có nghĩa là Quốc hội chia sẻ quyền lập pháp của mình cho các cơ quan khác. Bản chất của lập pháp ủy quyền là đảm bảo tính ổn định tương đối của các văn bản luật trong khi vẫn điều chỉnh được những quan hệ xã hội vô cùng đa dạng của đời sống xã hội. Quốc hội chỉ giao cho các cơ quan nhà nước khác ban hành các quy định điều chỉnh những quan hệ xã hội thường xuyên thay đổi, bởi lẽ nếu đưa những quan hệ này vào luật thì sẽ dẫn đến hệ quả là luật của Quốc hội cũng thường xuyên phải thay đổi theo. Điều đó làm cho tuổi thọ của một đạo luật không cao. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nếu lạm dụng lập pháp ủy quyền thì hiện tượng này lại thể hiện sự yếu kém của Quốc hội. Nếu thực tế nảy sinh nhu cầu nhưng nhu cầu ấy không được giải quyết bằng luật do Quốc hội ban hành mà lại ủy quyền cho Chính phủ giải quyết thì sẽ dẫn đến giả thiết rằng Quốc hội né tránh những vấn đề quan trọng của xã hội. Và như vậy, Quốc hội không thực hiện tròn trách nhiệm của cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Hơn nữa, việc áp dụng lập pháp ủy quyền quá mức có thể khiến Chính phủ chậm chễ ban hành văn bản pháp luật vì hai lý do: một là có thể Chính phủ bị quá tải công việc và hai là Chính phủ không vội vàng ban hành quy phạm pháp luật để tự ràng buộc mình vào các quy định đó. Thực tế quản lý bằng công văn, chỉ thị miệng vẫn dễ dàng hơn nhiều việc tuân theo một khuôn khổ gò bó của pháp luật.
Tóm lại, lập pháp ủy quyền là điều không thể tránh khỏi trong hoạt động của bất kỳ nhà nước nào trên thế giới. Tuy nhiên, lập pháp ủy quyền có điểm mạnh và điểm yếu nhất định. Việc xác định giới hạn ủy quyền là một trong những yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng lập pháp của mỗi quốc gia.

Mô hình nào cho quy trình lập pháp?
Mặc dù Hiến pháp trao quyền soạn thảo luật cho nhiều chủ thể nhưng trong thực tế hoạt động này chủ yếu được thực hiện bởi Chính phủ. Chính vì vậy, quy trình lập pháp được xác định bao gồm công đoạn Chính phủ và công đoạn Quốc hội, trong đó công đoạn Chính phủ là điều kiện cần, đảm bảo cho một đạo luật có chất lượng tốt. Việc soạn thảo luật là bước khởi đầu nhưng cũng là khâu đặt vấn đề và giải quyết vấn đề đối với các nhu cầu và đòi hỏi của xã hội. Phần dưới đây sẽ tập trung vào việc tìm kiếm mô hình cho việc soạn thảo luật thuộc công đoạn Chính phủ.  
Trong thực tế, giữa pháp luật và chính sách có mối quan hệ chặt chẽ và đan xen. Thực vậy, mỗi đạo luật được ban hành đều bao hàm trong nó những chính sách nhất định, liên quan đến các mặt của quốc kế dân sinh. Chẳng hạn như chính sách về quyền sở hữu tư nhân được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự, chính sách về quyền tự do kinh doanh được thể hiện trong Luật Doanh nghiệp. Như vậy, xét về bản chất, làm luật chính là làm chính sách. Chúng ta không nên biệt lập chính sách và pháp luật theo hướng chính sách là của Đảng, pháp luật là của Nhà nước, do các cơ quan nhà nước ban hành. Pháp luật luôn gắn với các chính sách của nền hành chính công, bởi vì nhu cầu lập pháp chính là bắt nguồn từ hành pháp6. Như vậy, làm luật cũng chính là làm chính sách. Tùy từng trường hợp cụ thể, người làm chính sách phải biết sử dụng một cách hợp lý mô hình chính sách “từ trên xuống” hoặc mô hình “từ dưới lên”7. Mô hình thứ nhất là trường hợp Nhà nước áp đặt pháp luật cho xã hội, hoạt động lập pháp tách rời với nhu cầu chính sách. Mô hình này diễn ra theo trình tự ban hành pháp luật trước, sau đó thực hiện pháp luật trên thực tế và cuối cùng là tổng kết, rút kinh nghiệm và sửa đổi luật. Kết quả tất yếu của những đạo luật được ban hành theo mô hình này là tuổi thọ của luật không cao hoặc luật không được thực tế chấp nhận. Ngược lại, mô hình thứ hai đòi hỏi người làm chính sách/ luật phải thực hiện nghiên cứu thực tế, xuất phát từ các bằng chứng và số liệu có được từ điều tra xã hội học, thông qua quá trình xử lý các số liệu đó để đưa ra các quy định phù hợp. Việc làm chính sách “từ dưới lên” như vậy sẽ tránh được tính xa rời thực tế của các đạo luật.
Mô hình “từ dưới lên” có thể khiến cho quá trình làm luật mất nhiều thời gian hơn và chi phí làm luật cao hơn mô hình “từ trên xuống”. Tuy nhiên, hiệu quả mà nó mang lại sẽ lớn hơn rất nhiều. Các văn bản pháp luật sẽ có tuổi thọ cao hơn vì phù hợp với thực tế và được thực tế chấp nhận. Pháp luật của nhà nước sẽ được tôn trọng sử dụng thay vì việc người dân tự đề ra “pháp luật” cho riêng mình8.
Để đảm bảo pháp luật thể hiện được nhu cầu thực tiễn của cuộc sống thì đòi hỏi tất yếu là mỗi dự thảo luật khi trình Quốc hội phải bao gồm trong nó bản phân tích chính sách. Xét đến cùng thì Bản phân tích chính sách chính là thể hiện quy trình lập pháp theo mô hình “từ dưới lên”. Vấn đề đặt ra là báo cáo phân tích chính sách đi kèm các dự thảo luật phải đảm bảo những yêu cầu gì ? Từ lý thuyết của Khoa học Chính sách công, chúng tôi cho rằng Quốc hội chỉ chấp nhận những báo cáo chính sách nếu ít nhất báo cáo ấy thỏa mãn yêu cầu cơ bản, đó là phải phân tích được vai trò, quyền, lợi ích và mức độ quan tâm của các bên có liên quan đến chính sách sắp được ban hành (sau đây gọi tắt là phân tích các bên liên quan). Một trong các yêu cầu hàng đầu của phân tích chính sách theo mô hình “từ dưới lên” là người làm chính sách phải xuất phát từ các số liệu thực tế thu được thông qua khảo sát và điều tra xã hội học. Trong số những số liệu ấy thì thông tin về các chủ thể (các bên) có liên quan đến chính sách là yếu tố quan trọng hàng đầu. Xét đến cùng, mục đích của việc ban hành chính sách/luật là để dung hòa lợi ích giữa các nhóm chủ thể khác nhau trong xã hội. Điều này được chứng minh không chỉ bởi các lý thuyết hiện đại gần đây mà đã từ lâu, học thuyết Mác cũng khẳng định điều này khi cho rằng nhà nước và pháp luật chỉ ra đời khi xã hội xuất hiện giai cấp và mâu thuẫn lợi ích giữa các giai cấp trở nên không thể điều hòa được. Pháp luật trở thành công cụ để nhà nước giải quyết những muân thuẫn đó. Điều đó cho thấy rằng người làm chính sách/luật phải hình dung được chính sách/luật sắp được ban hành sẽ tác động đến những chủ thể nào, từ đó có những tham vấn cần thiết trước khi soạn thảo các quy định. Tiếp đến, những chủ thể ấy cần được sắp xếp theo thứ tự dựa trên tầm quan trọng của nó đối với chính sách. Chẳng hạn như, khi ban hành chính sách hạn chế người dân sử dụng xe máy, người làm chính sách cần phải liệt kê càng nhiều càng tốt các chủ thể có liên quan như người sử dụng xe máy, nhà sản xuất xe máy, cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, cảnh sát giao thông và những đối tượng khác như người đi bộ, người sử dụng phương tiện là ô tô cá nhân hoặc phương tiện công cộng... Ngoài ra, còn có những chủ thể liên quan gián tiếp khác như các nhà đầu tư vốn, các tổ chức xã hội, các tổ chức trợ giúp kỹ thuật và tài trợ cho hạ tầng giao thông… Từ việc liệt kê tất cả các chủ thể có liên quan như trên, những chủ thể có ảnh hưởng tới hoặc bị tác động nhiều nhất bởi chính sách sẽ được xác định để tham vấn. Chẳng hạn như trong ví dụ trên, nhà làm luật nên ưu tiên tham vấn ý kiến của các chủ thể như người đi xe máy, người sử dụng phương tiện công cộng, công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển công cộng, cơ quan quản lý giao thông và cảnh sát giao thông. Số liệu điều tra hoặc tham vấn ý kiến có được từ các chủ thể này được sử dụng như nguồn thông tin tin cậy cho việc ban hành chính sách9.
Một chính sách tốt là chính sách đảm bảo tối đa hóa lợi ích của các bên có liên quan và mang lại hiệu quả xã hội. Điều này không đồng nghĩa với việc chính sách phải đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan và cũng không có nghĩa là chính sách được ban hành theo ý kiến của số đông. Thông tin có được từ các bên tham vấn chỉ là cơ sở dữ liệu ban đầu cần tiếp tục xử lý. Vai trò của nhà làm luật là dung hòa lợi ích của các chủ thể trên cơ sở đặt hiệu quả xã hội và hiệu quả phân bổ nguồn lực lên trên hết. Để xác định hiệu quả của một chính sách, nhà làm luật có thể sử dụng nhiều công cụ phân tích chính sách khác nhau như công cụ RIA (Regulatory Impact Assessment - dự báo tác động điều chỉnh của quy phạm pháp luật), công cụ phân tích chi phí - lợi ích hoặc công cụ phân tích rủi ro…10 Chính sách/pháp luật có thể không phù hợp với ý kiến của số đông được tham vấn nếu nhà làm luật, bằng phân tích của mình, dự báo được lợi ích to lớn mà pháp luật sẽ mang lại khi nó được ban hành. Điều này có thể được minh chứng bằng một ví dụ điển hình ở nước ta, liên quan đến quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Có lẽ khi còn là dự thảo, đa số ý kiến cho rằng không thể áp dụng quy định này mọi lúc, mọi nơi đối với người đi xem máy mà chỉ nên áp dụng trên các tuyến quốc lộ. Lý do được nhiều người đưa ra là ở một nước có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam thì rất bất tiện khi đội mũ bảo hiểm. Hơn nữa, các cơ quan, công sở không thể đủ không gian cho việc bảo quản mũ, và rất nhiều lý do khác. Tuy nhiên, quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm ra đời đã chứng minh rằng lợi ích xã hội do quy định này mang lại đã vượt xa những bất tiện mà các lý do ở trên đưa ra.
Ngoài ra, mô hình chính sách “từ dưới lên” đòi hỏi báo cáo phân tích chính sách phải sử dụng công cụ phân tích thể chế so sánh, nếu cần thiết. Phân tích thể chế so sánh còn được gọi tắt là CIA11. Nội dung của công cụ này là khi cần phải lựa chọn cơ quan nào chịu trách nhiệm chính để thực hiện việc quản lý nhà nước đối với một chính sách mới được ban hành thì nhà làm luật cần liệt kê các chủ thể có khả năng thực hiện công việc ấy. Sau đó phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng chủ thể, so sánh với các chủ thể khác để tìm ra phương án tối ưu nhất. Chẳng hạn như trong quá trình thảo luận Luật Quảng cáo mới đây, vấn đề đặt ra là nên giao cho Bộ Thông tin – Truyền thông hay Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch quản lý hoạt động này. Câu trả lời không thể dựa trên cảm tính mà cần xuất phát từ công cụ phân tích thể chế so sánh để đưa ra quyết định. Nhà làm luật cần chỉ ra và so sánh điểm mạnh, điểm yếu của từng thể chế để từ đó đi đến quyết định nên sử dụng thể chế nào.
Nội dung phân tích thể chế so sánh rất đơn giản nhưng không ít trường hợp người làm chính sách bỏ qua công cụ quan trọng này. Khủng hoảng kinh tế ở Mỹ trong mấy năm qua được cho là chính phủ Mỹ đã quá nóng vội trong việc cho phép phá sản một số ngân hàng lớn trong khi quên mất công cụ phân tích thể chế so sánh. Trong việc phá sản ấy, Chính phủ Mỹ (tức là thể chế Chính trị) đã đi quá nhanh so với các thể chế khác bao gồm Tòa án và Thị trường. Khi chưa phân tích vai trò của tòa án và thị trường đối với phá sản ngân hàng và ngược lại, chưa xác định tác động của sự phá sản ấy đối với hai thể chế này là gì thì Chính phủ Mỹ đã can thiệp cho phá sản xảy ra. Kết quả là đã tạo ra phản ứng mang tính dây chuyền của hệ thống ngân hàng và kinh tế Mỹ lâm vào khủng hoảng sâu. Thực tế này cho thấy, công cụ phân tích thể chế so sánh vì quá đơn giản nên thường xuyên bị lãng quên khi làm chính sách. Hệ quả của một chính sách không dựa trên công cụ phân tích khoa học là rất nghiêm trọng.
Tóm lại, hoạt động xây dựng pháp luật cần bắt nguồn từ nhu cầu thực tế, đặc biệt là nhu cầu quản lý xã hội của Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ là một chủ thể quan trọng trong hoạt động soạn thảo luật. Để các dự luật nhanh chóng được Quốc hội thông qua, có tính khả thi và tuổi thọ cao thì đòi hỏi người soạn thảo luật cần áp dụng mô hình “từ dưới lên”. Công cụ phân tích các bên có liên quan và phân tích thể chế so sánh nên được sử dụng để đảm bảo cho tính thực tế của các quy định pháp luật. Khi đó mỗi đạo luật được ban hành sẽ trở thành một “cây thật” được trồng mới chứ không phải là “cây giả” được cắm vào giữa khu rừng thật.

ThS. Cao Anh Đô - Giảng viên Viện Nhà nước và pháp luật, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh


Cần một trái tim nóng chứ không phải cái đầu nóng

Trích nguoibaovequyenloi.com

Cần một trái tim nóng chứ không phải cái đầu nóng
Dư luận đặt vấn đề: Với tội ác của Lê Văn Luyện, Bộ luật Hình sự (BLHS) chỉ quy định mức hình phạt tối đa không quá 18 năm tù là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Cũng có người cho rằng BLHS quy định mức hình phạt với người chưa thành niên phạm tội chưa phù hợp với tình hình xã hội hiện nay vì tình trạng thanh thiếu niên phạm tội ngày một gia tăng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng...
Lùi lại thời gian, khi chưa có BLHS năm 1985 (BLHS đầu tiên của nước ta), đã có tòa án kết án tử hình một bị cáo chưa đủ 18 tuổi phạm tội giết người cướp tài sản. Vụ án này đã được bàn thảo rất kỹ khi ban hành BLHS năm 1985. Khi đó, có ý kiến cho rằng vẫn có thể áp dụng hình phạt tử hình trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với người chưa thành niên. Tuy nhiên, cuối cùng BLHS năm 1985 ban hành, quy định mức hình phạt tối đa với người chưa thành niên phạm tội là 20 năm tù. BLHS năm 1999 rút xuống còn 18 năm tù.
Vì sao có điều này? Ai cũng biết thanh thiếu niên là tương lai của đất nước. Việc bồi dưỡng, giáo dục thanh, thiếu niên là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân chứ không chỉ riêng một cơ quan tổ chức nào. Thanh, thiếu niên hư, có những hành động bạo lực hoặc phạm tội, trách nhiệm trước hết thuộc về người lớn, gia đình và xã hội. Chúng ta cần có một trái tim nóng chứ không cần cái đầu nóng.
Đúng là thanh thiếu niên ngày càng trưởng thành sớm nhưng không vì thế mà bắt họ phải chịu trách nhiệm sớm hơn. Ở một số nước tiên tiến, họ quy định độ tuổi của người chưa thành niên cao hơn Việt Nam (chưa đủ 19, thậm chí chưa đủ 20). Một xã hội phát triển thì pháp luật hình sự càng khoan hồng với người phạm tội.
Ở ta, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước với người chưa thành niên được thể hiện rất đầy đủ khi BLHS dành hẳn một chương quy định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, việc xử lý chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt với họ chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết, cần hạn chế áp dụng hình phạt tù...
Trên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng chưa quan tâm áp dụng rộng rãi các biện pháp tư pháp như ngoài hình phạt tù (giáo dục tại xã, phường, thị trấn), chiếu cố lắm mới cho hưởng án treo… Nhận thức và áp dụng như vậy là chưa quán triệt đúng nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội quy định tại Điều 69 BLHS mà Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung.
Tôi thấy cần phải cụ thể hóa hơn nữa trường hợp nào thì được áp dụng hình phạt tù, trường hợp nào thì không được áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội. TAND Tối cao cần hướng dẫn cụ thể hơn. Ví dụ: Đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ áp dụng hình phạt tù trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đã gây ra thiệt hại, còn các trường hợp khác thì không áp dụng hình phạt tù; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ áp dụng hình phạt tù trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đã gây ra thiệt hại. Riêng đối với thiệt hại về tài sản thì chỉ áp dụng hình phạt tù đối với trường hợp thiệt hại gây ra thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng v.v… Có như vậy mới thể hiện đầy đủ quan điểm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Nếu có chủ trương sửa đổi, bổ sung BLHS mà ai đó nêu lại vụ án Lê Văn Luyện để đặt vấn đề áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân với người chưa thành niên phạm tội, tôi tin Quốc hội sẽ không đồng ý, xã hội cũng không đồng tình. Bởi đó là điều không tưởng, đi ngược lại xu thế phát triển và khoan hồng của Nhà nước.
ĐINH VĂN QUẾ--PLO