Tuesday, January 17, 2012

Ý chí quốc hội và thực tiễn cuộc sống


 Luật pháp sinh ra không phải để cai trị dân như chỉ dụ của nhà Vua mang tính ban phát, thượng lệnh, mà với mục đích hoàn toàn tốt đẹp, nhằm bảo đảm hành lang pháp lý cho mọi hoạt động cá nhân và pháp nhân được tối ưu như có thể.
Mọi quốc gia theo mô hình dân chủ nghị viện đều hiến định Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất; Việt Nam cũng không ngoại lệ, được quy định tại Điều 83, Hiến pháp 1992. Nhưng quyền lực cao nhất của Quốc hội khác với của Vua trong thể chế quân chủ, ở chỗ, Vua đứng trên Hiếp pháp và pháp luật; còn Quốc hội đặt dưới Hiến pháp do toàn dân phúc quyết, và phải tuân thủ pháp luật do chính mình ban hành.
 Vua toàn trị quyết định đến tận mọi thần dân, mọi ngõ ngách cuộc sống, kể cả tình cảm, gia đình, tập quán, tôn giáo của họ...; còn Quốc hội bị giới hạn trong phạm vi những gì liên quan tới chức năng nhà nước vốn được coi là công cụ phục vụ cho lợi ích của chủ nhân người dân. Vua thực hiện quyền lực bằng chỉ dụ, theo nguyên tắc xin cho, chưa có lệnh vua thì đố ai dám làm vượt quá giới hạn hiện tại; còn quốc hội thông qua chức năng lập pháp, nghĩa là ban hành các văn bản luật thể hiện ý chí của mình trong khuôn khổ Hiến pháp, để điều chỉnh các mối quan hệ pháp lý, theo nguyên lý: người dân được phép làm tất cả, trừ những gì luật pháp cấm và ngược lại nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Nghĩa là quyền của người dân là vô hạn, quyền của nhà nước là giới hạn. Nói đến dân chủ bao giờ cũng kèm theo khái niệm pháp trị hay pháp quyền chính hiểu theo nguyên lý trên.
Rốt cuộc lại, số phận, tiền đồ của quốc gia quân chủ hoàn toàn do Vua quyết định, tên tuổi Napoleon ở Pháp hay Nhật hoàng Minh trị hiển hách lịch sử nước họ là bởi vậy; trong khi thế giới hiện đại lại được quyết định không phải bởi Quốc hội, hay Đảng phái, Tống thống, Thủ tướng vốn  luôn thay đổi, mà bởi chính nhân dân họ, dân tộc họ vốn trường tồn với mọi biến đổi thể chế; mọi quốc gia có sánh vai được với cường quốc năm châu hay không, là do toàn dân họ, cả dân tộc họ quyết định, không thể thay thế bởi bất cứ siêu nhân nào. Câu ngạn ngữ Pháp, "dân nào chính phủ nấy" chính mang hàm nghĩa sâu sắc trên, đừng ỷ lại quốc hội, chính phủ, mà phải làm chủ nó.
Như vậy, dù Quốc hội có ban hành đầy đủ luật hay không, thì ở thế chế dân chủ pháp quyền, mỗi người dân vẫn là một công dân tự do định đoạt cuộc sống và tương lai của họ, tổng hợp lại là số phận và tiền đồ đất nước họ. Hoàn toàn không có nghĩa, không có luật thì người dân đành ở nhà chờ, nếu không sẽ hậu hoạ như trong chế độ quân chủ, bởi quyền cơ bản của họ đã được Hiến định, nhà nước sinh ra để bảo đảm quyền đó; thực tế ở ta, người dân vẫn mua nhà đất xưa nay, mặc dù sau này mới có luật nhà đất, doanh nghiệp đã có từ khi luật doanh nghiệp chưa ban hành; trên thế giới hiếm quốc gia nào không có mại dâm nhưng chỉ số ít có luật hành nghề mại dâm.
Xa hơn, biểu tình ở ta đã có từ trước độc lập năm 1945, tới năm 1946 mới có sắc lệnh Chủ tịch nước (văn bản lập pháp) yêu cầu biểu tình phải đăng ký trước; ở Đức cũng vậy, năm 1953 Luật tụ tập biểu tình mới ra đời, luật biểu tình chỉ có nghĩa để nhà nước bảo đảm chắc chắn quyền đó, chứ không nhằm cho phép hay hạn chế nó, vốn đã hiến định, nhà nước không được vi hiến. Đó chính là thực tiễn cuộc sống. Nó luôn chảy như dòng sông bất tận, không thể dừng lại chờ hay bị chặn bởi ý chí quốc hội.
Tuy nhiên, Quốc hội được hiến định là đại biểu cho toàn dân, nên thiếu luật do nó ban hành, thì dòng sông cuộc sống sẽ chảy rất bất trắc, rủi ro cho từng cá nhân lẫn nhóm lợi ích và cả quốc gia, vì thiếu khung pháp lý để tất cả tuân theo. Do vậy, luật pháp Quốc hội ban hành chính nhắm vào và loại bỏ những bất trắc, rủi ro có thể  xảy ra đó. Nói cách khác ý chí Quốc hội phải theo thực tiễn cuộc sống đòi hỏi chứ không phải ngược lại áp đặt ý chí quốc hội cho cuộc sống.
Giải thích tại sao, Quốc hội Đức, bình quân mỗi năm thông qua trên 100 văn bản Luật, tính ra mỗi tuần tới 2 luật, và được đặt lên bàn nghị sự  khi vấn đề nảy sinh, có những luật ban hành chỉ sau vấn đề nảy sinh chưa đầy tháng như  vụ học sinh Tim K, 17 tuổi, cuồng sát ngày 11.3.2009 tại tiểu bang Baden-Württemberg, làm 16 người thiệt mạng, sang đầu tháng 4.2009, cả Hạ viện lẫn Thượng viện đã thông qua  dự luật áp dụng hệ thống đăng bạ quốc gia về sở hữu vũ khí, để tránh cuồng sát lặp lại cho dân. Trong khi đó, chương trình xây dựng luật Quốc hội nước ta cho cả khoá XIII, 5 năm, dự kiến tối đa chỉ 115 dự án luật, tương đương 1 năm thực hiện của họ, tính tỷ lệ ít gấp họ tới 500%.
Nếu lấy mục tiêu trình độ kinh tế xã hội nước họ phấn đấu, thì hiện chúng ta đang tụt hậu về tốc độ ban hành văn bản pháp luật so với họ tới 5 lần/1 năm, và do điểm xuất phát hiện nay của ta thua họ nhiều lần nên trong tương lai khoảng cách tụt hậu pháp lý giữa ta và họ không những không rút ngắn mà ngày một doãng rộng hơn, nếu không được nhanh chóng tăng tốc.
Một khi tốc độ ban hành luật đã không thể theo kịp thực tiễn cuộc sống đòi hỏi như nước họ, thì mấu chốt luật phải ưu tiên nhắm vào những vấn đề cấp bách nhất, là những vấn đề dẫn tới cả nhà nước lẫn người dân đều hệ lụy nghiệm trọng, nếu thiếu những chuẩn mực thước đo quy tắc xử sự pháp lý dành cho nó, điển hình như vấn đề biểu tình.
Luật pháp sinh ra không phải để cai trị dân  như chỉ dụ của nhà Vua mang tính xin cho mà để bảo đảm hành lang pháp lý cho mọi hoạt động cá nhân và pháp nhân được tối ưu như có thể - mục đích hoàn toàn tốt đẹp. Có thể hiểu điều đó, từ cách gọi các cơ quan nhà nước ở ta, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân, công an nhân dân, quân đội nhân dân... được hiểu sinh ra để phục vụ nhân dân chứ không phải cai trị nhân dân. Luật pháp  cũng vậy, tên các luật phải thể hiện được mục đích của nó, chứ không nhằm cấm đoán hay giới hạn đối tượng bị điều chỉnh. Chỉ khi đó mới thấy thực sự luật nào cần thiết hơn luật nào.
Chẳng hạn ở ta có Luật Quảng cáo sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Tên gọi trên làm cho người đọc hiểu như một lệnh, chỉ thị, quy định ai được quảng cáo, quảng cáo như thế nào, xin phép ra sao, ai cho phép.v.v.v. Ở Đức luật này có tên gọi "Luật chống quảng cáo không lành mạnh", coi quảng cáo hệt như lao động hoàn toàn tự do muôn mầu muôn vẻ, quyền của người dân, chẳng cần tới luật, nó chỉ đưa ra những loại quảng cáo nào bị cấm, và nếu vi phạm thì bị chế tài như thế nào, chấm hết.
Hay Bộ luật Lao động ở ta, người đọc có thể hiểu quy định tất tần tật về lao động. Ở Đức có một luật tương đương được gọi là Luật chống thải hồi lao động, dài 21 điều, nhằm bảo vệ lợi ích của người lao động trước sức mạnh của chủ thuê việc. Với mục đích luật pháp như trên, thì dự án "Luật nhà văn, nhà thơ" đang bị dư luận chỉ trích dữ dội vừa qua, đổi thành "Luật bảo vệ quyền lợi nhà văn nhà thơ" chắc chắn sẽ được đồng tình ủng hộ, bởi thực tế cả trong quá khứ lẫn hiện nay đã chứng minh đòi hỏi đó.
Nguồn: Vietnamnet

TCNCLP---TS. Nguyễn Sỹ Phương

No comments:

Post a Comment