Sunday, January 15, 2012

Ý kiến cá nhân về vụ án chấn động lê Văn Luyện

        Ngô Thu Trang, 15-1-2011.
        Vụ án Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng Ngọc Bích gây chấn động dư luận, đã khép lại bằng 1 bản án. Bản án được tuyên ra, và đằng sau đó là những trạng thái cảm xúc: tiếng gào khóc của người nhà nạn nhân, tiếng thở dài của người nhà bị cáo, nụ cười của tên sát nhân, sự bất bình của một số người dân về bản án và sự đồng tình về bản án của một số người vì coi là xử như thế là đúng pháp luật...
        Đã là bản án được tòa tuyên ra tất yếu mọi người phải tuân theo, và nếu còn thấy chưa thuyết phục thì kháng cáo lên tòa cấp trên, nhưng dù có kháng cáo thì hình phạt cao nhất vẫn không thể tử hình tên sát nhân man rợ vì một sự thật mà chắc chắn lúc phạm tội hắn không bao giờ nghĩ ra, trời đã ban cho hắn chưa đủ 18 tuổi...Dư luận sau đó sẽ nhận xét như thế nào? Họ đồng tình hay không đồng tình? Hay chính hình phạt ''không thuyết phục'' cho tên sát nhân này đã tiếp tay cho 1 thế hệ sát nhân mới, nguy hiểm hơn, hung hãn hơn và ngang nhiên hành động hơn (vì biết dù có làm gì thì ''mình giống anh Luyện nên  mình không bị tử hình'')[1].
        Vậy hình phạt tử hình là gì? Có một số định nghĩa khác nhau về hình phạt từ hình song xét ở phương diện pháp lý, có thể hiểu hình phạt tử hình là việc tước bỏ tính mạng của con người theo bản án được tuyên bởi một tòa án được lập ra một cách hợp pháp, nhằm trừng phạt người đó vì đã phạm một tội ác đặc biệt nghiêm trọng. Trên phương diện pháp lý, hình phạt tử hình chỉ có thể được tuyên và thi hành bởi Nhà nước (Tòa án và cơ quan thi hành án nhân dân Nhà nước); bởi vậy, khi một chủ thể phi nhà nước có hành động ‘‘hành quyết’’ một người thì bất luận trong hoàn cảnh nào chủ thể đó cũng bị coi là phạm tội giết người[2]. Ở nước ta hình phạt tử hình bằng xử bắn đã được thay bằng tử hình bằng tiêm thuốc độc từ 1-1-2012.
         Điều 6 ICCPR[3] được cụ thể hóa trong điều 3 UDHR[4], theo đó: Mọi người đều có quyền cố hữu được sống. Trong đó không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ mang thai. Để thực hiện theo những cam kết Quốc tế đã ký kết năm 1982 nước ta đã hiện thực hóa ngay trong đạo luật tối cao. Điều 71 hiến pháp năm 1992: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Và cụ thế hóa ở luật hình sự, điều 74 Bộ luật Hình sự, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định…Do đó, theo quy định của pháp luật thì những người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng không bị tử hình.
          Sau khi bản án đưa ra có 2 luồng ý kiến: Một là xét xử phải tuân theo pháp luật, pháp luật mang tính nhân đạo chính vì thế không thể tử hình người chưa thành niên dưới 18 tuổi. Hai là pháp luật phải răn đe, phải công bằng với những người đã khuất, ‘‘nợ máu phải trả bằng máu’’ chính vì thế phải sửa luật cho phù hợp với dư luận xã hội.
          Thứ nhất, xét xử phải tuân theo pháp luật, pháp luật mang tính nhân đạo chính vì thế không thể tử hình người chưa thành niên dưới 18 tuổi.
          Sở dĩ có quy định như vậy vì theo lập luận thì những người chưa thành niên thì trình độ nhận thức kém hoặc không nhận thức được về hành vi phạm tội của mình, chưa phát triển toàn diện về mọi mặt. Câu hỏi đặt ra là trình độ nhận thức kém là như thế nào? Và pháp luật đã quy định trình độ nhận thức kém là như thế nào trong luật chưa?
           Việt Nam có 84,15 triệu dân thì số vị thành niên và thanh niên trẻ chiếm tới 31,5% (26,5 triệu người)[5], với tỉ lệ lớn như vậy thì những đóng góp và những ảnh hưởng của thế hệ này là không nhỏ trong hiện tại và tương lai sau này. Việc đầu tư cho nhận thức trong cuộc sống và xã hội của thế hệ này cần phải chú trọng nâng cao, nên chú trọng nâng cao nhận thức hơn là cứ lấy cớ là nhận thức kém ở thế hệ ‘‘vàng’’ này.
           Nhân đạo còn là truyền thống của dân tộc ta. Từ những câu ca dao lưu truyền trong dân gian: ‘‘Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại’’, ‘‘Lấy ân trả oán’’…đến những quy định trong bộ luật Hình thư ra đời nhà Lý và Hồng Đức ra đời nhà Lê đều mang nhân tố nhân đạo, vì con người. Và nhân đạo trong pháp luật hiện nay còn là tạo điều kiện cho những con người lầm lỡ đó được trở về cộng đồng, phục thiện làm lại cuộc đời.
           Thứ hai, pháp luật phải răn đe, phải công bằng với những người đã khuất, ‘‘nợ máu phải trả bằng máu’’ chính vì thế phải sửa luật cho phù hợp với dư luận xã hội.
           Vậy hình phạt tử hình có phải là sự trả giá xứng đáng đối với những kẻ gây ra tội phạm khủng khiếp? Nhiều người cho rằng ‘‘mạng phải đền mạng’’ nếu đã phạm tội giết người phải chịu sự trừng phạt là cái chết, như thế mới đảm bảo công bằng, công lý cho người chết. Tuy nhiên cũng có một số người cho rằng không nên sử dụng hình phạt là cái chết để đáp trả lại hành động giết người. Vì như thế có khác gì trả thù và lặp lại hành động của kẻ phạm tội, trên danh nghĩa là vì sự công bằng nhưng thực chất là giết người.
           Hình phạt tử hình có phải là biện pháp tốt nhất để bù đắp những mất mát của gia đình người bị hại? Trong phiên tòa xử Lê Văn Luyện, chúng ta thấy được những tấm khăn trắng trên trán của gia đình nạn nhân, tiếng gào khóc thảm thiết khi mà người đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng, họ đã mất đi ba người thân yêu quý, chắc chắn họ không bao giờ quên được những thương tật tinh thần này. Do đó ai cũng có tâm lý chung là phải có hình phạt cao nhất cho kẻ thủ ác, dù có ‘‘phanh thây’’ cũng không đủ, cũng không thể đền bù được nỗi đau mất mát vô cùng lớn này.
          Tuy nhiên, không phải lúc nào gia đình nạn nhân cũng thấy thanh thản và mãn nguyện khi mà đã trừng trị kẻ thủ ác bằng một hình phạt mà họ coi là thích đáng. Đó là khi mà việc kẻ thủ ác đã bị trừng phạt thích đáng thì người thân của họ cũng không thể  trở về sống cùng họ. Thà rằng tha cho kẻ phạm tội, bằng việc xin ân giảm hay bằng lòng với bản án của tòa tuyên ra để được thanh thản, mà theo giáo lý đạo Phật khuyên là không nên sát sinh. Ngoài ra còn có trường hợp là xử oan người vô tội, nỗi đau giờ có thêm tội lỗi thì thử hỏi gia đình nạn nhân còn có thể thấy thanh thản và mãn nguyện hay không?[6]
         Có ý kiến cho rằng, pháp luật là nhân đạo tuy nhiên đối với trường hợp với tính chất man rợ như của Lê Văn Luyện thì cần sửa đổi luật cho phù hợp. Theo ý kiến của người viết đó[7] “Tuy nhiên, khi tình hình tội phạm có xu hướng trẻ hóa, và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng thì theo quan điểm của tôi, luật cũng cần phải thay đổi… Vụ án Lê Văn Luyện gây ra có tính chất quá man rợ và tàn ác, phạm tội nhiều lần (giết nhiều người) thì cần phải có hình phạt cao hơn”. Tuy nhiên là sửa luật thì sửa như thể nào? Vì việc sửa luật này thì chủ yếu có 2 cách: Một là quy định người dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải tử hình. Nếu quy định như vậy là vi phạm đến điều ước Quốc tế đã ký kết, tính nhân đạo của pháp luật một phần của truyền thống dân tộc và có thể gây nên hậu quả khó lường nếu xử phạt người vô tội. Hai là quy định người dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì không được tử hình trừ một số trường hợp đặc biệt. Vậy ta có thể quy định ‘‘trường hợp đặc biệt’’ đó là như thế nào trong luật hay không? Đời sống xã hội luôn đa dạng và biến đổi không ngừng, không ai có thể dự đoán trước được điều gì…
          Theo tôi, vụ án đã khép lại thì hãy để nó qua đi để những đau thương mất mát của hai bên gia đình được nguôi ngoai. Không nên cứ chú trọng suy xét về hình phạt cho bị cáo, mà nên nghĩ xem nên làm gì để không còn Lê Văn Luyện thứ hai.
          Các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay lại chú trọng đăng những tin giật gân, tin giết người, cướp của, lộ hàng…Ngoài xã hội có rất nhiều tấm gương người tốt, việc tốt phải được noi gương để chúng ta học tập tuy nhiên lại không được đăng, đó phải chăng là một nghịch lý?…
        
        
         



[1] ‘‘giống anh Luyện’’ ý là người chưa thành niên.
[2] Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân-Khoa luật ĐHQG HN, Những điều cần biết về hình phạt tử hình, Nxb Chính trị Quốc gia, tr 14.
[3] Công ước Quốc tế về quyền dân sự, chính trị.
[4] Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền
[5] Tổng cục thống kê, 2006
[6] Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân-Khoa luật ĐHQG HN, Những điều cần biết về hình phạt tử hình, Nxb Chính trị Quốc gia, tr34,35,60.

2 comments:

  1. Nghe có vẻ có lí, có tình, có khách quan và chủ quan.... 5ting...^^
    Xin phép nêu ý kiến cá nhân: tôi không phủ nhận rằng Pháp luật Việt Nam còn nhiều "lỗ hổng"... Nhưng tôi không mặn mà lắm với khái niệm "sửa luật". Tất nhiên, Luật phải qua thực tế mới kiểm chứng được điểm thiếu xót, chưa chặt chẽ, song, Luật không phải một món đồ, nói sửa là sửa được luôn....

    ReplyDelete
  2. Vậy theo bạn nên làm gì để khắc phục lỗ hổng trong PL
    và phải làm gì để giải quyết vụ việc trên
    Bạn vui lòng giới thiệu tên, lớp được không?

    ReplyDelete