Friday, February 17, 2012

CON HÁT MẸ KHEN HAY VÀ THÔNG ĐIỆP CẦN VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH

Lấy từ blog Nguyễn Minh Tuấn
link  http://tuanhsl.blogspot.com/ 

CON HÁT MẸ KHEN HAY VÀ THÔNG ĐIỆP CẦN VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH


Thí sinh Quỳnh Anh và phụ huynh. Ảnh: Vietnamgottalent.info
Tài năng đích thực hay chỉ là con hát mẹ khen hay?

Chương trình giải trí trên truyền hình có tên Vietnam‘s got Talent đang thu hút được sự chú ý của dư luận. Sau khi chương trình tuần vừa qua khép lại, đã có rất nhiều người bàn luận về tiết mục biểu diễn của thí sinh Quỳnh Anh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sẽ chẳng có gì đáng để „ồn ào“ như thế, nếu như chỉ thuần túy là việc dự thi và không được lựa chọn để đi tiếp vào vòng sau. Tuy nhiên trường hợp „không được lựa chọn“ này lại không bình thường như những trường hợp khác.

Điều không bình thường là trước khi bước lên sân khấu, người mẹ và cả gia đình của thí sinh Quỳnh Anh đã hết lời ca ngợi tài năng của em, rằng em  "quá có năng khiếu“, "quá tài năng", "đỉnh của đỉnh". Tuy nhiên, sau khi thể hiện, cả khán giả và Ban giám khảo mới thấy sự thật rằng tài năng thực sự của thí sinh đã không hoàn toàn giống như những gì gia đình ca ngợi trước đó. Nhạc sĩ Huy Tuấn đã nhận xét: "chất giọng của Quỳnh Anh có thể gặp bất cứ nơi đâu, kĩ thuật chưa thật hoàn hảo, những nốt lên cao còn rất nhiều hạn chế."

Điều khiến khán giả thất vọng ở đây không phải với thí sinh dự thi Quỳnh Anh, một cô bé chỉ mới 15 tuổi, mà thất vọng, bất bình với hành động của người mẹ. Sau khi có những lời nhận xét và kết quả không đồng ý đi tiếp vào vòng sau của Ban giám khảo, mẹ của thí sinh đã cầm micro, lên tiếng phát biểu ngay trên sân khấu để "bảo vệ" con mình. Bà cho rằng thí sinh Quỳnh Anh đã trình bày rất tốt, không có lỗi nào, rằng con gái bà thực sự có tài, hơn nhiều thí sinh khác và có ý phê bình Ban giám khảo đã không cho Quỳnh Anh một cơ hội (?!).

Việc người mẹ này dám đứng lên bảo vệ con thực chất không có gì là sai, nếu như lập luận bà đưa ra là đúng và đủ sức thuyết phục. Tuy nhiên, trong một cuộc thi, thí sinh có tài hay không, tài đến mức độ nào, muốn khách quan, công bằng quan trọng nhất là phải để công luận và những người có chuyên môn đánh giá. Tất cả những việc người mẹ làm chỉ cho thấy một điều rõ nhất rằng những gì bà ca ngợi con mình và tài năng thực sự của cô bé đã thể hiện trên sân khấu là khác nhau quá xa.

Điều rất đáng buồn là hiện nay có khá nhiều vị phụ huynh vẫn ngộ nhận về khả năng thực sự của con cái mình để chạy theo một thứ thành tích ảo như thế. Trên đời có người mẹ nào mà không yêu con, thương con. Nhưng yêu thương không phải là đánh giá con một cách mù quáng, cao quá mức so với khả năng thực sự của con, mà phải rèn luyện cho con tinh thần dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào những điểm còn hạn chế của con mình, động viên con khiêm tốn, tiếp tục cố gắng học hỏi và dần hoàn thiện, chứ không phải áp đặt ý muốn của mình. Làm như thế, thực tế là...đang làm hại con mình.

„Hơn gấp vạn lần dân chủ tư sản“

Khép lại chuyện „con hát mẹ khen hay“, nhìn vào thực tế xã hội ta sẽ thấy có muôn vàn những cách suy nghĩ, cách làm tương tự như thế của những người được coi là „người lớn“, "người có học", thậm chí cả những người hiện đang giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy nhà nước. Điều này khiến cho rất nhiều người trong chúng ta không khỏi phải day dứt, suy nghĩ.

Dường như ai cũng biết, so với nhiều nước, nước ta vẫn là một nước nghèo, chúng ta hiện đang thua kém họ ở nhiều phương diện. Nhẽ ra cần phải biết mình, biết người, mà phấn đấu, vậy mà trong một bài viết gần đây đăng trên Báo nhân dân, ngày 5/11/2011, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lại khẳng định rằng: "Nhà nước ta đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản…"

Bà Nguyễn Thị Doan, Ảnh: Tuổi trẻ

Như đã đề cập về phần thi của thí sinh Quỳnh Anh, việc đánh giá em có tài thực sự hay không thì phải căn cứ vào sự thể hiện của em trên sân khấu, sự đánh giá của Ban giám khảo, cũng như ngàn vạn khán giả theo dõi, chứ không phải chỉ nghe một phía từ người mẹ hay gia đình em.  

Cũng tương tự vậy, vấn đề nước ta có dân chủ thực sự hay không và dân chủ ở mức độ nào thì phải dựa trên những căn cứ, tiêu chí cụ thể và được đánh giá một cách khách quan từ phía bên ngoài, tức là bởi những người dân trong nước và dư luận quốc tế, chứ không phải chỉ dựa vào kết luận chủ quan, cảm tính, một chiều của những người lãnh đạo 

Như khẳng định của bà Doan, không rõ "dân chủ" mà bà nói là dân chủ gì, „tầm cao mới“ ấy là tầm cao nào mà có khả năng cao „gấp vạn lần dân chủ“ của những nước tư bản ngày nay? Tất nhiên, bà Phó chủ tịch nước có thể nói, có thể viết, có thể đưa ra quan điểm riêng, đó là quyền của bà. Tuy nhiên, khi bà đưa ra nhận định, muốn thuyết phục được người khác, bà phải dựa trên lý lẽ và có nghĩa vụ chứng minh những gì mình nói là đúng sự thật. 

Phó chủ tịch nước đã nói thì chắc không phải chuyện chơi. Vậy thì liệu bà Phó chủ tịch nước có thể chứng minh bằng những chứng cứ cụ thể, thuyết phục với nhân dân cả nước và với các nước trên thế giới rằng Việt Nam ta đang có „dân chủ cao hơn gấp vạn lần“ các nước tư bản như Anh, Đức, Mỹ, Nhật, Pháp hiện nay không? Chúng tôi – những người dân luôn sẵn sàng lắng nghe bà tiếp tục trình diễn phần thi "chứng minh Việt Nam có dân chủ cao hơn gấp vạn lần" các nước tư bản hiện nay của mình. 

Người dân sẽ tiếp tục xem bà trình diễn, nhưng mong bà đừng giống như người mẹ của thí sinh Quỳnh Anh trong cuộc thi Vietnam’s got Talent tuần vừa rồi, trình diễn xong, khán giả lại „ồ lên" rõ to...ồ lên không phải vì sung sướng, mà là...tràn đầy thất vọng.

Dũng cảm nhìn lại và tự sửa mình

Dù gì thì chương trình Vietnam’s got Talent cũng chỉ là một cuộc chơiCuộc chơi nào, ánh hào quang nào, ồn ào mấy rồi cũng sẽ khép lại. Con đường phía trước của Quỳnh Anh còn rất dài, sự việc vừa rồi có thể khiến em phần nào bị tổn thương, nhưng tôi nghĩ ban giám khảo đã quyết định đúng và quyết định đó là cần thiết cho em, vì hi vọng qua những lời nhận xét của Ban giám khảo, của mọi người, Quỳnh Anh sẽ tĩnh tâm nhìn lại mình, xem xét lại cách mình được giáo dục để trưởng thành hơn. Với nhiều người có thể em hát chưa thật hay, nhưng em hãy tiếp tục khám phá khả năng của bản thân, tiếp tục cố gắng với những đam mê thật sự của mình, em vẫn có nhiều cơ hội để thành công.

Với nhiều vị phụ huynh, con cái dù có lớn đến đâu trong mắt họ vẫn chỉ là những đứa trẻ. Cách suy nghĩ ấy đến nay cần phải thay đổi. Khi con đã lớn, bố mẹ cần phải luôn tin tưởng và động viên con hướng tới những điều tốt đẹp, cho con quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm dần về việc mình làm. Khi đã trưởng thành, điều đáng quí nhất của người con là có chính kiến riêng của mình, không ngại khó, ngại khổ để vươn tới những điều mà mình cho là tốt đẹp.  

Đối với nhà nước cũng vậy, đã qua rồi thời kì dù sai hay đúng nhà nước nói gì dân cũng tin, qua rồi thời chính quyền có thể "ru ngủ" nhân dân bằng những từ ngữ mĩ miều, đẹp đấy nhưng không hề có thật. 

Tự do, dân chủ không bao giờ là quà tặng từ trên trời rơi xuống, những điều hay ho đó chỉ có được khi người dân nhìn nhận ra những sai trái, bất công, dám lên tiếng, đấu tranh, bảo vệ những quyền căn bản, những giá trị sống của mình.

Người dân Myanmar chào đón sự trở lại của bà Aung San Suu Kyi. Người phụ nữ Châu Á đấu tranh cho Nhân Quyền nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Ảnh:  ABC

Cô bé Quỳnh Anh sẽ lại ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ bất luận đúng sai HAY qua cuộc thi này em sẽ trưởng thành hơn, sẽ mạnh mẽ hơn mà suy nghĩ độc lập, quyết định tương lai và sự thành công theo cách của mình? Câu trả lời là ở phía em. Điều này cũng giống với một dân tộc, nếu không nhìn ra bên ngoài, không nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém của mình mà dũng cảm sửa đổi, dân tộc ấy sẽ mãi chìm đắm một cách êm ái trong lạc hậu, đói nghèo. Thời nay dân chủ có được hay không, đó không phải chỉ là việc của chính quyền nữa rồi, giờ đã đến lúc phải suy nghĩ khác, làm khác, người dân phải tự quyết định lấy vận mệnh, nếu như muốn có một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân mình và con cháu mai sau. 

NMT

No comments:

Post a Comment