Thursday, December 29, 2011

Bàn lại vấn đề “ông chủ” và “đầy tớ” trong mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội






NCLP. Ngày 20/12/2011, Website Nghiên cứu Lập pháp đăng bài Quyền tuyển và đuổi “đầy tớ” của dân của Võ Trí Hảo. Bài viết đã nhận được nhiều hồi âm thú vị từ bạn đọc trong và ngoài nước. Là “Diễn đàn về Nhà nước, Pháp luật và Chính sách”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp rất mong nhận được các ý kiến đa chiều về những nội dung được công bố trên Tạp chí và Website Tạp chí. Với chủ trương đó, Website Nghiên cứu Lập pháp trân trọng đăng bài viết Bàn lại vấn đề “ông chủ” và “đầy tớ” trong mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội của tác giả Bùi Hải Thiêm, hiện là Nghiên cứu sinh Đại học Queensland, Australia.

Vị trí và vai trò của nhà nước trong xã hội hiện đại luôn là một chủ đề được các trường phái nghiên cứu khoa học xã hội trên thế giới quan tâm. Các nghiên cứu về nhà nước thường đặt trong mối quan hệ với xã hội và mối quan hệ nhà nước - xã hội là đối tượng nghiên cứu cơ bản của nhiều ngành khoa học như chính trị học, xã hội học, luật, nhân học... Ở Việt Nam, khi nói đến mối quan hệ này, khái niệm “nhân dân”, hay ngắn gọn hơn là “dân”, thường được dùng thay thế cho “xã hội”. Nội hàm của hai khái niệm “nhân dân” và “xã hội” trong mối quan hệ với nhà nước có phần trùng, nhưng về cơ bản, có sự khác biệt. Bài viết này không bàn đến sự khác biệt đó mà đưa ra một số phân tích và đánh giá về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân qua lăng kính “đầy tớ” và “ông chủ”, đồng thời chỉ ra những hạn chế cơ bản của cách nhìn này, nhất là sự phiến diện và thiếu chính xác khi đánh đồng “đầy tớ” với toàn bộ tổ chức nhà nước, không phân biệt giữa cơ quan hành chính và cơ quan dân cử. 
“Đầy tớ” của nhân dân: “Chính phủ” hay “Quốc hội”?
 Khi nói về vị trí, vai trò “đầy tớ” của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nói đến và dùng từ “Chính phủ”: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân". Từ “Chính phủ được dùng trong các phát biểu và bài viết của Hồ Chí Minh phải được hiểu là “cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc[1][1] chứ không phải là toàn bộ Nhà nước nói chung, càng không phải là Nghị viện nhân dân hay Quốc hội ngày nay. Tuy nhiên, có tác giả đã hiểu: khái niệm "đầy tớ hay "công bộc mà Hồ Chí Minh dùng cho hệ thống các cơ quan hành chính là dùng cho cả toàn bộ cơ quan dân cử (Quốc hội) và cá nhân đại biểu Quốc hội và thậm chí, còn gọi đó là "đầy tớ to, "đầy tớ tập thể"đầy tớ bé, "đầy tớ cá nhân.[2][2] Đây là một cách hiểu thiếu chính xác lời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, chỉ có hệ thống cơ quan hành chính và các cán bộ, công chức thuộc hệ thống cơ quan hành chính mới được coi là "công bộc của dân. Quốc hội là cơ quan dân cử, thực hiện chức năng đại diện cho nhân dân "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam[3][3]. Nếu coi Quốc hội và đại biểu Quốc hội là “đầy tớ”, là “công bộc” của nhân dân thì rất phi lý. Có bao giờ, khi các “ông chủ” muốn cử ra người đại diện, người thay mặt mình để nắm quyền lực, lại cử “đầy tớ” không? Họ phải cử người ưu tú trong số họ, chứ không thể cử “đầy tớ”, và công việc của người đại diện đó làm chính là công việc của “ông chủ” chứ không phải công việc của “đầy tớ”. Còn khi ví von quan hệ “chủ” -“tớ” trong công ty công ty cổ phần, thì quan hệ này phải được hiểu: Đại hội cổ đông được coi là tập hợp của các “ông chủ”, những người này bầu ra người đại diện cho mình vào thể chế Hội đồng quản trị và thành viên của Hội đồng quản trị thực chất là các ông chủ. Tổng giám đốc, nhân viên và toàn bộ cơ cấu điều hành công ty, có thể được coi là người làm thuê, hay “đầy tớ” và chịu trách nhiệm giải trình trước Hội đồng quản trị về hoạt động của công ty. Khi Hội đồng quản trị hay thành viên nào đó của Hội đồng quản trị không thực hiện tròn trách nhiệm thì Đại hội cổ đông sẽ bãi miễn chức danh thành viên Hội đồng quản trị chứ không phải tư cách cổ đông, hay tư cách người chủ. Về bản chất, các cơ chế được bầu hay dân cử hiểu theo nghĩa nôm na chính là cơ chế làm chủ đại diện, chứ không phải là “đầy tớ”.
Trong tất cả các bài nói và viết của Hồ Chí Minh cũng như của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, không có từ nào gọi Quốc hội và đại biểu Quốc hội là “đầy tớ” hay tập hợp các “đầy tớ” cả. Hiểu nhầm Quốc hội và đại biểu Quốc hội thành “đầy tớ” trong quan hệ với “ông chủ” là nhân dân tức là đã hiểu sai về bản chất chức năng, nhiệm vụ và công việc của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Chữ “Chính phủ” viết hoa trong tiếng Việt thường được hiểu giới hạn là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, bao gồm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và tương đương (thành viên Chính phủ), hay còn được hiểu là Nội các. Chữ này khi dịch ra tiếng Anh thành “government” thì nghĩa rộng hơn nhiều và có thể được dùng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, có lúc chỉ có nghĩa là Nội các - nhánh hành pháp, nhưng có lúc bao hàm nghĩa toàn bộ Nhà nước (gồm tất cả các nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp) nên nội hàm khá phức tạp, tùy theo bối cảnh mà hiểu nghĩa. Tuy nhiên, trong tiếng Việt thì thật khó để có thể hiểu quá rộng như vậy, mà luôn có sự phân biệt giữa cơ quan Chính phủ và Quốc hội. Vì lẽ đó nên khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong diễn văn nhậm chức thay mặt Chính phủ mới nói đến cụm từ “thực sự là công bộc của dân”, còn diễn văn của các lãnh đạo Quốc hội luôn không có từ này. Cũng cần lưu ý là cách nhìn “chủ - tớ” sẽ trở nên phức tạp hơn khi muốn phân biệt ai là chủ - ai là tớ trên thực tế, vì nhiều người giữ cả hai vai. Đa số thành viên Chính phủ là đại biểu Quốc hội và rất nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp từ trung ương đến địa phương. Hạn chế này về cơ bản không ảnh hưởng đến việc phân biệt giữa hai thể chế Chính phủ và Quốc hội. Thể chế Nghị viện hay Quốc hội là rường cột của bất kỳ nền dân chủ nào, với sứ mệnh là giám sát và chế ước quyền lực của Chính phủ (thể chế cai trị, điều hành) thông qua việc định ra khuôn khổ pháp lý giới hạn sự lạm quyền của Chính phủ mà không cản trở một Chính phủ năng động, hiệu lực và hiệu quả phục vụ cho sự phát triển quốc gia. 
Chính vì nhầm lẫn giữa các ý nghĩa đó nên tác giả Võ Trí Hảo đã đánh đồng cơ chế bầu cử và miễn nhiệm đại biểu Quốc hội với cơ chế tuyển và sa thải “đầy tớ” của dân. Nhận định sai này khiến một số phân tích đúng của tác giả về các thiếu sót đang tồn tại có thể dẫn đến việc chệch hướng trong nhìn nhận phương án “sửa sai”, dễ trượt sang cái sai khác. Tác giả có lẽ sẽ đưa ra được những kiến giải và phân tích đúng đắn và có ý nghĩa khoa học hơn nếu phân tích về cơ chế tuyển dụng và bãi miễn các cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan hành pháp, những người đang thực hiện chức trách, nhiệm vụ được coi là “công bộc” của dân.
Cơ chế bầu cử và bãi miễn đại biểu Quốc hội hiện nay đúng là còn nhiều điểm bất hợp lý, nhưng có phải những điểm bất hợp lý đó là căn nguyên của tệ tham nhũng ở nước ta hay không, như kết luận hơi vội vàng của tác giả, thì cần phải có những phân tích khoa học với bằng chứng thuyết phục hơn. Các khiếm khuyết của hệ thống bầu cử đều tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào, cũng như không có hệ thống bầu cử nào hoàn hảo và hệ lụy của mỗi khiếm khuyết là khác nhau[4][4]. Câu hỏi căn bản ở đây là việc khắc phục những khiếm khuyết hiện tại trong cơ chế bầu cử và bãi miễn Đại biểu Quốc hội sẽ giải quyết mối quan hệ giữa các “ông chủ” với “đầy tớ” (cơ quan hành chính và cán bộ, công chức) như thế nào. Vấn đề này vượt quá khuôn khổ của bài viết. Tuy nhiên, có thể nói rằng, nếu tiếp tục sử dụng lăng kính “ông chủ” và “đầy tớ” khi bàn về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội sẽ không giúp chúng ta tiến xa trong nhìn nhận khách quan, khoa học về mối quan hệ này.
Vượt trên quan niệm “chủ” - “tớ” khi nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội           
Cách nói “ông chủ” - “đầy tớ” về quan hệ giữa nhân dân với chính quyền được Hồ Chí Minh sử dụng trong bối cảnh những năm đầu của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mang tính nôm na, dễ hiểu để thuận tiện trong truyền tải thông điệp đến quảng đại quần chúng. Nếu biến cách nói nôm na đó thành một cách tiếp cận để phục vụ nghiên cứu nghiêm túc về các vấn đề trong quan hệ nhà nước - nhân dân thì sẽ gặp nhiều hạn chế. Quan niệm “ông chủ” - “đầy tớ” mang hơi hướng của chế độ nô lệ hay phong kiến mà lịch sử loài người đã vượt qua, nó không còn thích hợp trong bối cảnh nhà nước và xã hội hiện đại. Quan niệm này hấp dẫn về mặt tình cảm đối với quảng đại quần chúng nhân dân lúc ấy, khi chuyển ngược vị thế quan hệ, từ vị trí “đầy tớ” lên thành người chủ, còn chính quyền - vốn là bộ máy cai trị hà khắc, tức là ở vị trí “ông chủ” - nay bị chuyển sang thế  “đầy tớ”. Nhưng hiện nay, cách nhìn như vậy hoàn toàn không phù hợp với bản chất và thực tế mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân trong xã hội hiện đại.  
Khi phân tích về nhà nước Trung Quốc, Fukuyama (2011) cho rằng, nước này còn chưa phát triển trách nhiệm giải trình về mặt chính trị và pháp lý, mà mới chỉ tập trung vào trách nhiệm giải trình về mặt đạo đức, tức là nhấn mạnh rằng người lãnh đạo phải biết cảm nhận về trách nhiệm đạo đức của mình trước người dân[5][5]. Đây là một điểm khá tương đồng với bối cảnh Việt Nam. Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và cán bộ, công chức nói riêng đều được cho là phải có nghĩa vụ tận tụy, trung thành phục vụ nhân dân, tức chủ yếu là trách nhiệm về mặt đạo lý, một giá trị mang tính văn hóa truyền thống. Chỉ có khía cạnh này thôi thì chưa đủ để đạt trình độ phát triển văn minh, hiện đại. Ngày nay, đối với một nhà nước hiện đại, trách nhiệm giải trình về mặt chính trị và pháp lý trong một nền pháp quyền (rule of law) được đặt lên tầm quan trọng hàng đầu. Chính vì lẽ đó mà chúng ta mới đặt vấn đề phải xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong hai chục năm qua (khái niệm “xây dựng nhà nước pháp quyền” ở Việt Nam lần đầu tiên được chính thức đề cập trong phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Đại hội lần thứ bảy của Đảng năm 1991)[6][6]. Trong một nền pháp quyền, trách nhiệm giải trình về chính trị và pháp lý đặt ra giới hạn cho mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, dù thực sự là ai ở vị trí “ông chủ” hay “đầy tớ” đi chăng nữa.   
Trong các nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội ở Việt Nam, mô hình “nhà nước chiếm ưu thế” (dominant state hay statist socialism) được sử dụng rất phổ biến, trong đó nhấn mạnh quyền lực nhà nước bao trùm xã hội và chi phối mọi sinh hoạt xã hội của người dân. Nhà nước chịu trách nhiệm và đảm bảo mọi thứ trong xã hội, từ những “hàng hóa công” như quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế... đến những nhu yếu phẩm thường dùng nhất trong cuộc sống hàng ngày trong thời bao cấp. Mô hình này giải thích một cách thuyết phục tại sao trong các bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 xuất hiện thường xuyên công thức như: “Nhà nước bảo đảm...”; “Nhà nước... có kế hoạch...”; “Nhà nước ban hành...”; “Nhà nước quy định” ; “Nhà nước giao...”; “ Nhà nước có chính sách...”; “Nhà nước tạo điều kiện...”; “Nhà nước bảo hộ...”. Đã có thống kê, riêng trong Chương V của Hiến pháp 1992 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cụm từ Nhà nước như vậy đã xuất hiện hơn 20 lần[7][7]. Điều đó có nghĩa là Chương trong Hiến pháp dành riêng để nói về công dân nhưng lại chủ yếu là dùng Nhà nước để nói thay. Trong thời kỳ này ở nước ta, học thuyết “pháp chế xã hội chủ nghĩa” nhấn mạnh vị trí và vai trò của Nhà nước trong tất cả các khía cạnh sinh hoạt xã hội. Điều này cho thấy học thuyết này vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh đến Hiến pháp 1992, một Hiến pháp được coi là của thời kỳ Đổi mới.
Từ cuối thập niên 1980, công cuộc Đổi mới được tiến hành rộng rãi trên nhiều mặt đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước và việc áp dụng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến sự rút lui của Nhà nước trong việc cung ứng nhiều loại hàng hóa cho nhân dân. Cùng với việc phát triển nền kinh tế thị trường, các mối quan hệ xã hội ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật chứ không phải bằng mệnh lệnh, chỉ đạo của nhà nước. Trong bối cảnh đó, khái niệm nhà nước pháp quyền bắt đầu du nhập vào nước ta qua con đường từ Liên Xô khi Gorbachev khởi xướng Cải tổ (Perestroika) và xây dựng học thuyết pravovoe gosudarstvo (nhà nước pháp quyền). Học thuyết này được xây dựng dựa trên nguyên lý Rechtsstaat (pháp luật - nhà nước) của Đức, nhấn mạnh rằng chính sách của nhà nước phải được thực thi thông qua hoạt động lập pháp, nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mọi người bình đẳng trước pháp luật [8][8]. Khi du nhập vào nước ta, học thuyết nhà nước pháp quyền được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện chính trị - lịch sử, ghi nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Điều đáng chú ý là lý luận của ta đặt “nhà nước” làm trọng tâm trong chữ “nhà nước pháp quyền” còn nguyên tắc pháp quyền (rule of law) được hiểu ở phương Tây không có chữ “nhà nước” đi kèm mà đặt pháp luật ở vị trí thượng tôn, trên bất kỳ thể chế nào, kể cả nhà nước. Mặc dù khi được tiếp thu và phát triển vào Việt Nam, khái niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có sự khác biệt lớn với nguyên tắc pháp quyền ở Anh - Mỹ, nhưng quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền đã bắt đầu thay đổi từng phần diện mạo mối quan hệ nhà nước và xã hội ở nước ta. Từ đây xuất hiện một mô hình mới bổ sung cho cách nhìn trước đây về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội. Mô hình này nhấn mạnh tới sự gắn kết và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các lực lượng xã hội với nhà nước (societal corportism), trong đó đặc biệt giải thích sự trỗi dậy của các nhóm lợi ích ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước. Ngoài ra, trong nghiên cứu về lĩnh vực xã hội dân sự còn có một mô hình phân tích có ảnh hưởng lớn về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, nhấn mạnh đến tính “đối thoại” (dialogical approach) giữa nhà nước với nhân dân, trong đó nhiều trường hợp các lực lượng xã hội đã tác động và thay đổi những chính sách của nhà nước, bảo vệ và phát triển những lợi ích công cộng to lớn[9][9].     
Trong những năm gần đây, cách hiểu chính thức về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta có những bước phát triển mới, xuất phát từ nhận thức quyền lực nhà nước luôn có xu hướng bị tha hóa và cần phải bị kiểm soát. Thực ra, quan điểm này không mới, nó đã bắt nguồn từ chủ nghĩa tự do với những triết gia tên tuổi như Locke, Rouseau, Montesquieu, Mill… từ thế kỷ 17-18 khi bàn về các quyền tự nhiên của con người, khế ước xã hội, và phân chia quyền lực qua các cơ chế cân bằng và kiểm soát… Một trong những hạt nhân cơ bản của chủ nghĩa tự do là quyền lực nhà nước phải bị giới hạn và kiểm soát, cá nhân người dân có các quyền tự nhiên khi sinh ra đã có, không ai có thể tước đi được. Tuy những tư tưởng này đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, đã du nhập vào Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 20 và có những ảnh hưởng nhất định trong quá trình lập hiến 1946, nhưng trong thập niên gần đây mới bắt đầu trỗi dậy trở lại trong quá trình tranh luận về bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 1992 liên quan đến việc kiểm soát quyền lực nhà nước. Một phần quan trọng của tư tưởng này đã được chính thức ghi nhận trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tháng 1/2011. Theo đó, “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân… Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, cách nhìn chính thức của Đảng và Nhà nước không rõ rệt theo một chủ thuyết nào: vừa có sự tiếp thu, vừa có sự hòa trộn giữa các nguyên lý pháp quyền với pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữa phân quyền với tập quyền, tính thượng tôn của pháp luật với tính công cụ của pháp luật… Do đó, Cương lĩnh cũng ghi rõ: “Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân…” Như vậy, quan niệm pháp luật là công cụ quản lý xã hội của nhà nước vẫn mang tính chủ đạo mặc dù tình thần thượng tôn pháp luật cũng đã bắt đầu được cảm nhận. Có lẽ đây là một trong những điểm mấu chốt của quá trình quá độ xây dựng trách nhiệm giải trình về chính trị và pháp lý bổ sung cho trách nhiệm đạo đức của Nhà nước đối với nhân dân.   
Kết luận
Nhìn nhận mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân dưới góc độ “ông chủ” và “đầy tớ” chỉ có giá trị làm nổi bật vai trò và vị trí quan trọng của nhân dân với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, nếu sử dụng quan niệm này để đi vào các phân tích, đánh giá khách quan, khoa học thì sẽ rất hạn chế, thậm chí còn dễ bị nhầm lẫn và lạc hướng trong các đề xuất khắc phục các khiếm khuyết. 
Nhìn nhận, đánh giá khoa học về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, hay hẹp hơn là chính quyền với nhân dân, có nhiều giác độ khác nhau. Tùy từng bối cảnh lịch sử cụ thể hay vấn đề cụ thể mà cách nhìn này có thế mạnh hơn cách nhìn kia. Tựu trung lại, cho đến nay chưa có một mô hình nào chiếm ưu thế tuyệt đối và bao trùm hết được các cách nhìn khác. Tính phức tạp trong đánh giá mối quan hệ này còn do những yếu tố tư tưởng cũ - mới đan xen nhau, cùng tồn tại chứ không hẳn triệt tiêu nhau và chưa một chủ thuyết hay trường phái tư tưởng rõ rệt nào đủ sức mạnh ưu thế. Hệ quả của thực trạng đó là rất nhiều những vướng mắc tồn tại dai dẳng trong thực tiễn mà chưa có cách nào khắc phục được. Những vấn đề này hiện đang nổi lên gay gắt trong quá trình tranh luận xung quanh việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Đây là một thách thức rất lớn cho các nhà lý luận trong quá trình bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, thậm chí cần phải có đột phá về lý luận để giải quyết những bài toán thực tiễn đặt ra cho sự phát triển đất nước./.
  




Bùi Hải Thiêm



[2][2] Võ Trí Hảo. 2011. Quyền tuyển và “đuổi đầy tớ” của dân. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp: http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/quyen-tuyen-va-201c111uoi-111ay-to201d-cua-dan (truy cập ngày 22/12/2011)
[3][3] Điều 83, Hiến pháp 1992.
[4][4] Bùi Hải Thiêm; So sánh một số hệ thống bầu cử trên thế giới. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 8(193), tháng 4/2011.
[5][5] The China Model: A Dialogue between Francis Fukuyama and Zhang Weiwei, New Perspective Quarterly, Fall 2011.
[6][6] Đỗ Mười, Sửa đổi Hiến pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, đẩy mạnh sự nghiệp Đổi mới. Nhà xuất bản sự thật, Hà Nội 1992.
[7][7] Bùi Ngọc Sơn. 2011. Phân tích thực nghiệm về mức độ chi tiết hóa Hiến pháp và một số gợi mở cho sửa đổi Hiến pháp 1992. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/phan-tich-thuc-nghiem-ve-muc-111o-chi-tiet-hoa-hien-phap-va-mot-so-goi-mo-cho-sua-111oi-hien-phap-1.
[8][8] John Gillespie. 2004. Concepts of law in Vietnam: Transforming statist socialism. In Randall Peerenboom (Ed.), Asian Discourses of Rule of Law. London: Routledge.  
[9][9] Kerkvliet, Benedict. 2001. An Approach for Analysing State-Society Relations in Vietnam. SOJOURN: Journal of Social Issues in Southeast Asia, 16(2), 238-278

1 comment: