Thursday, December 29, 2011

Cơ chế giám sát đối với Chính phủ ở Việt Nam hiện nay.



                                                                                             Ngô Thu Trang, Hà Nội, 2011.
   T
rong cuộc sống thường nhật, chúng ta thường hay nghe đến giám sát: giám sát công trình xây dựng của chủ thầu, giám sát họat động bầu cử của Thanh tra nhân dân ở khu phố…Vậy giám sát là gì?
       Theo Từ điển Tiếng Việt, giám sát được định nghĩa là theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều quy định không[1].
       Giám sát các cơ quan trong bộ máy nhà nước là một loại giám sát đặc biệt, không được là hành động tự phát mà phải mang tính khoa học và hệ thống, nó được pháp luật quy định và bảo vệ. Giám sát các cơ quan trong bộ máy nhà nước là một công việc vô cùng quan trọng, đặc biệt trong việc giám sát cơ quan hành pháp-Chính phủ.
       Tại sao việc giám sát Chính phủ là cần thiết? Sở dĩ như vậy vì chính phủ là trung tâm của bộ máy nhà nước, không chỉ là cơ quan lập quy hay ban hành chính sách mà còn trực tiếp tham gia đời sống kinh tế- xã hội và chủ động điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. ‘‘Sự chịu trách nhiệm của Chính phủ chính là điều kiện tiên quyết của chế độ dân chủ. Tiêu điểm của việc hiến pháp hạn chế quyền lực nhà nước chính là Chính phủ’’[2]. Vì vậy nếu không có sự giám sát hiệu quả và đúng đắn sẽ dẫn đến tình trạng ‘‘Hành chính và hành pháp đều là cai trị, với bộ máy chuyên nghiệp, được khái quát thành một bộ máy ăn bám, đứng trên nhân dân…trong các cuộc cách mạng xã hội bộ máy này đều bị lên án’’[3].
       Cơ chế giám sát đối với chính phủ ở Việt Nam thể hiện trên hai phương diện:
v     Giám sát từ bên trong: Là giám sát giữa các cơ quan trực thuộc bộ máy nhà nước. Giữa Quốc hội đối với Chính phủ; Cơ quan tư pháp đối với Chính phủ; Tổ chức chính trị như Mặt trận tổ quốc đối với Chính phủ; Đảng cộng sản đối với Chính phủ.
v     Giám sát từ bên ngoài: Là giám sát giữa các cơ quan bên ngoài bộ máy nhà nước. Giữa cơ quan truyền thông ( báo chí,..) đối với Chính phủ; Nhân dân đối với Chính phủ; Tổ chức xã hội (tổ chức phi Chính phủ trong nước, nước ngoài…) đối với Chính phủ…
v     Ngoài ra, còn có sự giám sát của các tổ chức chính trị như Mặt trận tổ quốc đối với Chính phủ; Đảng cộng sản đối với Chính phủ.

a)    Giám sát từ bên trong:
a)     Giữa Quốc hội đối với Chính phủ:
        Theo điều 83 Hiến pháp năm 1992 [4], giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội nhưng không phải là hoạt động có ý nghĩa độc lập mà có quan hệ tác động qua lại, liên quan đến chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó việc giám sát Chính phủ của Quốc hội là công việc vô cùng quan trọng, cần tập trung hành động. Do đó việc giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ thể hiện rõ nét ở các mặt sau: giữa cơ quan lập pháp và hành pháp; giữa Quốc hội và cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của nó.
o       Giám sát của cơ quan lập pháp đối với hành pháp:
         Ý kiến thứ nhất cho rằng, ‘‘Hành pháp là quyền tổ chức đời sống xã hội và đời sống nhà nước trên cơ sở luật và nhằm thực hiện luật’’[5], nói rõ hơn Chính phủ-hành pháp phải cai trị đất nước bằng cách phối hợp họat động với Quốc hội, cụ thể hóa luật mà Quốc hội ban hành, nhằm tổ chức thực hiện pháp luật. Từ đó việc giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ được hiểu là giữa cơ quan làm ra luật và cơ quan thực hiện luật đó trên thực tế cuộc sống.
         Ý kiến thứ hai cho rằng, ‘‘Quốc hội lập pháp, Quốc hội làm luật không có nghĩa là Quốc hội làm mọi công đoạn của quy trình lập pháp. Quốc hội lập pháp, làm luật được hiểu Quốc hội thông qua luật’’[6]. Ý kiến này được hiểu là mối quan hệ lập pháp và hành pháp thể hiện qua việc thông qua hay không thông qua luật của Quốc hội.
       Từ đó rút ra được, việc giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ vừa phải giữa cơ quan làm ra luật và cơ quan thực hiện luật đó trên thực tế vừa phải có sự giám sát, kiểm tra tính đúng đắn của Quốc hội đối với các dự án luật của Chính phủ trước khi ban hành trong cuộc sống.
        Theo khoản 2 điều 84 Hiến pháp năm 1992 [7], Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với việc tuân theo Hiến pháp, luật và Nghị quyết của Quốc hội đối với Chính phủ. Và ngược lại, tại điều 109 Chính phủ phải chịu trách nhiệm, báo cáo công tác trước Quốc hội. Khoản 3 điều 112, Chính phủ phải trình dự án luật, pháp lệnh và dự án khác trước Quốc hội và UBTVQH. Điều đó có nghĩa là Quốc hội giám sát việc thực hiện quyền hành pháp thông qua các văn bản pháp luật mà chính phủ ban hành.
       Thực tế cho thấy, cơ chế kiểm tra các văn bản luật của Quốc hội đối với Chính phủ chưa hình thành rõ nét và có hiệu quả. Điều 84 có quy định Quốc hội thực hiện giám sát tối cao với việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, và bãi bỏ các văn bản trái Hiến pháp đối với văn bản của Chính phủ. Tuy nhiên trong thực tế Quốc hội lại không có trách nhiệm gì rõ ràng về việc xử lý các đạo luật mà Quốc hội đã thông qua. Vấn đề đặt ra là, để dễ dàng ‘‘hoàn thành nhiệm vụ’’ đề ra mà Chính phủ đã ban hành một số văn bản luật trong một mặt nào đó đã vi phạm đến Hiến pháp, đến luật của Quốc hội nhưng Quốc hội vẫn dễ dàng thông qua hoặc nếu đã phát hiện ra sai sót nhưng lờ đi không giải quyết.
         Hành pháp đã ‘‘lấn sân’’ sang hoạt động của lập pháp, điều này vô tình hay hữu ý đã vi phạm đến thẩm quyền lập pháp, đây là nguy cơ của sự vi phạm quyền con người. Do đó phải xác lập ranh giới rõ ràng giữa lập pháp và hành pháp[8].
          Những phân tích trên cho thấy việc giám sát lập pháp đối với hành pháp là cần thiết và quan trọng, đặc biệt đối với hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện của nước ta.
o       Giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của nó.
          Thứ nhất, là sự giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất.
          Hành chính hiểu đơn giản là công việc thi hành chính sách và pháp luật của chính phủ. Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất thể hiện ở việc lập quy, ban hành chính sách Quốc gia. Ngoài việc thi hành pháp luật thì việc thi hành, ban hành chính sách là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Chính phủ. Qua đó việc giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất thể hiện đặt biệt rõ nét qua giám sát việc ban hành và thi hành chính sách của Chính phủ.
          Khoản 2 điều 84 Hiến pháp 1992, Quốc hội xét báo cáo họat động của Chính phủ. Khoản 5 điều 91, UBTVQH giám sát họat động của Chính phủ, HĐND. Điều 94, trước khi ban hành các chính sách dân tộc, Chính phủ phải tham khảo ý kiến của Hội đồng dân tộc…
          Tuy nhiên trên thực tế, ngoài những chính sách được kiểm tra gắt gao và đem ra thảo luận thì một số chính sách của Chính phủ được Quốc hội thông qua hết, việc giám sát chỉ là hình thức. Đó là những chính sách mà các cơ quan của Quốc hội không đủ thông tin để xem xét và đủ trình độ để phát hiện ra sai sót.
          Thứ hai, là sự giám sát của Quốc hội đối với cơ quan chấp hành của nó.
           Điều đó thể hiện rõ nét trong Hiến pháp. Khoản 7 điều 84 Hiến pháp 1992, Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thành viên của Chính phủ. Điều 96 quy định Hội đồng dân tộc, UBTVQH có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ cung cấp tài liệu về vấn đề cần thiết. Điều 109, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội.,UBTVQH. Điều 117, Bộ trưởng và thành viên khác chịu trách nhiệm trước Quốc hội về lĩnh vực mình phụ trách…Đặc biệt là khoản 7 điều 84 sửa đổi của Hiến pháp 1992, quy định  Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
           Việc nâng cao tính giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong các mặt trên là công việc mà Nhà nước ta luôn quan tâm và đẩy mạnh. Tuy nhiên để làm tốt được điều đó đòi hỏi một quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng. ‘‘Không thể dùng một Quốc hội nghiệp dư để kiểm soát một Chính phủ chuyên nghiệp được; không thể dùng một Quốc hội họp ‘‘xuân thu nhị kỳ’’ để bám sát dòng chảy liên tục của công việc quản lý nhà nước.’’[9]
b)     Giữa cơ quan tư pháp đối với Chính phủ:
             Theo luật học, cơ quan tư pháp hay hệ thống tư pháp là một hệ thống tòa án nhân danh quyền tối cao hoặc nhà nước để thực thi công lý, một cơ chế để giải quyết các tranh chấp[10].
              Mặc dù sự giám sát của tư pháp đối với Chính phủ chưa được quy định rõ ràng trong luật, tuy nhiên sự giám sát này phần nào thể hiện ở việc xét xử và phán quyết của Tòa hành chính đối với một số văn bản hành chính cá biệt của Chính phủ; Việc giải quyết tranh chấp hành chính giữa một bên là công dân, tổ chức và một bên là cơ quan hành chính nhà nước; Việc kiểm sát của VKSND đối với các cơ quan thuộc Chính phủ.
              Theo điều 11, Pháp lệnh thủ tục giái quyết vụ án hành chính năm 1996:
            Một số khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án:
-Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
-Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan;
-Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý hộ tịch;
-Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;
-Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc cán bộ, công chức giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống
-Khiếu kiện quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết khiếu nại đối với quyết định của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư.......
           Việc giám sát của cơ quan tư pháp đối với Chính phủ thông qua việc tòa án xét xử các vụ án hành chính đã góp phần làm giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng của bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế thì số vụ việc giải quyết thỏa đáng là không đáng kể và thẩm quyền xét xử của tòa thì có giới hạn do luật định. Nguyên nhân cũng có thể  là việc e ngại khi xét xử của các thẩm phán, những áp lực nặng nề đối với người khiếu kiện, hệ thống pháp luật hiện hành…
          Việc giám sát của cơ quan tư pháp đối với Chính phủ còn thông qua việc Viện Kiểm sát giám sát. Có ý kiến cho rằng, việc giám sát của VKS đối với các cơ quan tư pháp đặc biệt các cơ quan trực thuộc các Bộ, ngành của Chính phủ khó thực hiện trên thực tế ví dụ như cơ quan điều tra trực thuộc Bộ Công an ‘‘Mặc dù pháp luật hiện hành vẫn có quy định các hoạt động điều tra của tư pháp phải dưới sự giám sát của Viện Kiểm sát. Việc giám sát này không dễ gì thực hiện, chỉ bởi một lẽ rằng, các cơ quan điều tra không trực thuộc Viện Kiểm sát.’’[11].
2)     Giám sát từ bên ngoài:
          Cơ chế giám sát bên ngoài đối với Chính phủ là việc giám sát của cơ quan báo chí, nhân dân và tổ chức phi chính phủ…đối với Chính phủ. Việc giám sát bên ngoài khác việc giám sát bên trong ở chỗ các cơ quan giám sát bên ngoài nhiều lúc phối hợp với nhau, chứ không họat động riêng lẻ, độc lập như cơ quan giám sát bên trong và việc giám sát bên ngoài đôi lúc bị hạn chế, chỉ mang hình thức là phát hiện, tư vấn, phản biện, chứ không sử dụng biện pháp nhà nước để xử lý kết quả giám sát. Và cơ chế họat động đều giống nhau, dựa trên cơ sở các quyền hiến định của công dân và những điểm khác quy định riêng tùy thuộc vào từng tổ chức. Trong đó xuyên suốt là một nguyên tắc quan trọng: công dân có thể làm  tất cả những gì mà luật không cấm, nhà nước chỉ làm những gì mà luật cho phép.
         Việc giám sát bên ngoài rất đa dạng và không ngừng thay đổi theo thời gian, do đó tôi sẽ chỉ phân tích một số hình thức giám sát chính như sau:
o       Giám sát Chính phủ  bằng họat động tự do báo chí:
          Điều 69 Hiến pháp 1992, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật. Khoản 6 điều 114, Chính phủ thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết. Điều 5 luật Báo chí năm 1999, các cơ quan báo chí phải đăng phát sóng tác phẩm ý kiến của công dân, trong trường hợp không đăng phải giải thích rõ; trả lời hoặc yêu cầu người có trách nhiệm về khiếu kiện, kiến nghị công dân gửi…
          Do đó vai trò của cơ quan báo chí trong việc giám sát của chính cơ quan báo chí và thể hiện sự giám sát của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước là vô cùng cần thiết hiện nay.
          Người dân từ đó qua một lăng kính mới để thực hiện quyền giám sát của mình đối với Chính phủ. Tuy nhiên người dân cần biết lựa chọn lăng kính, nếu nhìn qua lăng kính đen thì tất cả mọi thứ sẽ toàn màu đen, còn nếu nhìn qua lăng kính trắng thì mọi thứ sẽ xác thực và chính xác hơn. Đó là việc cần biết lựa chọn nguồn báo chí trên mạng hoặc báo giấy trong một xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay. Hiện nay có một số trang mạng báo chí có nguồn thông tin khá chuẩn xác như vietnamnet.vn, tuanvietnam.vietnamnet.vn, nclp.org.vn, baodientu.chinhphu.vn, mattran.org.vn, phaply.net.vn, dddn.com.vn…
o       Giám sát Chính phủ bằng các quyền tự do dân chủ  như quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia quản lý nhà nước…thông qua các quy định của pháp luật:
              Điều 69 quy định công dân có quyền… được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Trong luật phòng, chống tham nhũng 2005 có quy định việc công khai trong mua sắm công và xây dựng cơ bản; trong quản lý dự án đầu tư xây dựng;  trong việc huy động và sử dụng các khoản đóng góp của dân; trong lĩnh vực tư pháp…Nghị định 37/2007/NĐ- CP về minh bạch tài sản, thu nhập quy định những người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập :cán bộ, công chức của UBND từ cấp huyện; điều tra viên, kiểm sát viên, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước…Điều 8 Hiến pháp 1992, quy định các cơ quan Nhà nước, cán bộ Nhà nước phải tôn trọng nhân dân…lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của nhân dân…
  Việc giám sát này đều nhằm hướng tới việc nhận lại sự công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước, ở đây là Chính phủ. Qua đó người dân được thực hiện những quyền tự do dân chủ của mình. Thực tế cho thấy rằng, ở đâu nhân dân thực hiện được quyền dân chủ đúng nghĩa của mình thì ở đó có thể chủ động phòng, chống lại việc cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức lạm dụng quyền, bưng bít thông tin, ban hành các quyết định để bảo vệ lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân trong cơ quan nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, lợi ích của nhà nước và xã hội.
Tuy nhiên việc giám sát của nhân dân đối với một cơ quan ‘‘cấp cao’’ như Chính phủ thì hầu như không khả thi trên thực tế. Nhân dân không thể giám sát một Chính phủ ở xa như vậy, vì vậy cần những cầu nối. Việc nhân dân giám sát và làm chủ ở cơ sở là cầu nối đó, từ đó mọi đóng góp của nhân dân mới được biết đến và phát huy một cách hệ thống. Do đó, Nhà nước ta đã ban hành Quy chế dân chủ cơ sở năm 1998 và Pháp lệnh dân chủ cơ sở năm 2007 để hiện thực hóa điều đó.
Tất nhiên, muốn hoạt động giám sát của nhân dân có hiệu quả thiết thực, cần phải đề ra cơ chế, quy định giám sát rõ ràng, cụ thể để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, phạm vi, nội dung giám sát của mình đối với cơ quan Nhà nước. Do đó đã có ý kiến cần thiết cho ra Luật trưng cầu dân ý, để thể chế hóa và hiện thực hóa việc nhân dân đóng góp vào công việc Nhà nước.
                3)  Ngoài ra, còn có sự giám sát của Đảng cộng sản và tổ chức chính trị, xã hội như MTTQVN:
a)     Mặt trận tổ quốc đối với Chính phủ.
           Khoản 11 điều 112, Chính phủ phối hợp với MTTQVN khi thực hiện nhiệm vụ của mình, tạo điều kiện để các tổ chức đó họat động. Điều 9 sửa đổi quy định MTTQ là tổ chức liên minh chính trị…của các cá nhân tiêu biểu trong giai cấp, tầng lớp xã hội, tôn giáo, người định cư ở nước ngoài. Điều 111, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN được mời tham dự các phiên họp Chính phủ khi bàn vấn đề có liên quan.
           Điều đó có nghĩa là MTTQVN có vai trò giám sát họat động của cơ quan nhà nước với tư cách là cơ quan đại diện nhân dân, là tổ chức có chức năng tập hợp, vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đưa các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận trong xã hội.
             Theo điều 8 luật MTTQVN: MTTQVN tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử…Quy định này đã thể hiện vị trí quan trọng của MTTQ trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước ta qua việc giám sát quá trình bầu cử.
          Thực tế hiện nay, thì vai trò của MTTQ ở hầu hết các cấp không được đề cao. Nhiều người nói đùa rằng MTTQ là trận nào cũng có mặt, việc giám sát của MTTQ chỉ là hình thức.
           Hiện nay MTTQVN đang triển khai đề án ‘‘phản biện xã hội’’ nhằm triển khai nghị quyết đại hội X. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận xét dân chủ bị vi phạm rất nặng nề, giám sát và phản biện xã hội là yêu cầu rất bức thiết[12].
b)     Đảng cộng sản  đối với Chính phủ:
Đảng là một tổ chức chính trị quan trọng bậc nhất của nước ta, là một chính  Đảng duy nhất đưa nước ta, dân tộc ta khỏi ách nô lệ và đô hộ của thực dân và đế quốc, để có được độc lập và tự do. Điều 4 Hiến pháp 1992, quy định ĐCSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân VN...,là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng họat động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Đại hội lần thứ III năm 1960 của Đảng đã yêu cầu: Tăng cường công tác giám sát của Đảng đối với cán bộ, cơ quan nhà nước. Quy định 23 QĐ/ TW ngày 31 tháng 10 năm 2006 BCT đã nêu rõ: Giám sát của Đảng là việc các cấp ủy, tổ chức đảng theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên chịu sự giám sát trong việc chấp hành cương lĩnh chính trị, Điều Lệ Đảng, Nghị quyết, chỉ thị của Đảng và đạo đức lối sống theo quy định của BCHTW.[13].
 Qua đó, thấy được việc giám sát của Đảng đối với Chính phủ thể hiện qua việc Đảng giám sát cán bộ vừa là Đảng viên vừa là người làm trong bộ máy Chính phủ. Thực tế cho thấy hầu hết công chức, viên chức trong Chính phủ đều là Đảng viên. Vì vậy, việc giám sát này mang hình thức là giám sát nhân sự, chứ không phải giám sát tổng thể họat động của Chính phủ. Tuy nhiên, mọi luật, chính sách, phương hướng của Chính phủ đề ra đều bị chi phối bởi đường lối, cương lĩnh, chính sách của Đảng.

K
ết luận: Các cơ chế giám sát đối với Chính phủ nước ta hiện nay đã và đang dần được hoàn thiện. Tuy nhiên để việc giám sát này khả thi, thì cần sự cải cách đồng bộ bộ máy cơ quan nhà nước và sự hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta.









[1] Viện ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr 389.
[2] GS.TS Nguyễn Đăng Dung(2005), Sự hạn chế quyền lực Nhà nước,Nxb ĐH Quốc Gia HN, tr 386.
[3] Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, tr 443
[4] Điều 83 Hiến pháp năm 1992: …Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ họat động của Nhà nước.
[5] GS.TS Đinh Văn Mậu (2010), Sửa đổi Hiến pháp-cần sự lựa chọn có lý luận, in trong cuốn Hội thảo Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp,Khoa luật ĐHQGHN
[6] Giáo trình luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, tr 358.
[7] Khoản 2 điều  84 Hiến pháp 1992: Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, UBTVQH, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC.
[8] GS.TSKH Đào Trí Úc(2010), Hiến pháp Việt Nam và cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, in trong cuốn Hội thảo Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp,Khoa luật ĐHQGHN

[9] Võ Trí Hảo, http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-12-02-tang-tinh-chiu-trach-nhiem-cua-chinh-phu-truoc-quoc-hoi
[10] http://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0_ph%C3%A1p
[11] GS.TS Nguyễn Đăng Dung(2005), Sự hạn chế quyền lực Nhà nước,Nxb ĐH Quốc Gia HN, tr 651.
[12] http://www.mattran.org.vn/home/GSPBxahoi/gspb1.htm#10
[13] http://truongchinhtrina.gov.vn/ArticleDetail.aspx?_Article_ID=215

No comments:

Post a Comment