Thursday, December 29, 2011

Quyền bất biến của con người trong Hiến pháp


07:24 | 24/12/2011
Trao đổi với PV Báo ĐBND, ĐBQH, VIỆN TRƯỞNG (VT) VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP – UBTVQH ĐINH XUÂN THẢO cho rằng, quyền con người luôn được coi trọng ở nước ta. Điều này được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 1959, 1980 và Hiến pháp 1992. Thực chất, tất cả những tư tưởng tiến bộ của nhân loại về quyền con người mà Đảng cũng như Bác Hồ đã tiếp thu, ghi nhận từ bản hiến pháp đầu tiên của nước ta đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Hiến pháp nên có những chương, điều cố định, không thay đổi – đó là quyền cơ bản của công dân.
PV: Thưa Viện trưởng, nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một trong những nhiệm vụ quan trọng của QH nhiệm kỳ Khóa XIII. Đây có phải bước để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta không?
VT Đinh Xuân Thảo: Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII đã ra Nghị quyết về chủ trương nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cũng như thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Đây là công việc được tiến hành khẩn trương, bởi sau 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện, dù Hiến pháp hiện hành đã đóng góp nhiều thành tựu quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước. Song trước tình hình mới, nước ta tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhằm phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hiện đại, thì cần có nhiều giải pháp để phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, muốn hoàn thiện hệ thống pháp luật trước tiên phải sửa đổi Hiến pháp hiện hành, một đạo luật gốc cho cả hệ thống pháp luật. Sửa đổi Hiến pháp là nhu cầu khách quan, cấp bách trước sự đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống cũng như tương lai của đất nước. Sửa đổi Hiến pháp phụ thuộc vào việc tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp. Qua tổng kết 20 năm thực hiện mà biết được hệ thống pháp luật có luật nào phù hợp và luật nào chưa phù hợp. Tất nhiên, chúng ta kế thừa phát huy những luật đã phù hợp, còn những luật không phù hợp, ta tiếp tục sửa đổi. 
PV: Ở góc độ khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng là cơ quan nghiên cứu, tham mưu cho QH. Trong khuôn khổ của mình, Viện đã có hoạt động gì để đóng góp vào việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992?
VT Đinh Xuân Thảo: Viện Nghiên cứu lập pháp được giao đề tài độc lập cấp nhà nước nghiên cứu phục vụ cho việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong khuôn khổ của đề tài, Viện được QH cho phép, ngoài nghiên cứu lý luận và thực tiễn của đất nước, cũng cần tham khảo kinh nghiệm của một số nước về sửa đổi, xây dựng Hiến pháp, mà trước hết là ở hình thức thể hiện bằng văn bản. Một bản hiến pháp chính trị đặc biệt thì không thể quy định cụ thể như đạo luật tăng cường được. Hiến pháp phải quy định một cách khái quát, cô đọng nhất, đúng tầm của đạo luật cơ bản. Đối với nước ta, qua 4 lần ban hành Hiến pháp mới và cả 4 lần sửa đổi 4 bản Hiến pháp, có thể nói chúng ta đã có 8 lần nghiên cứu sửa đổi bổ sung Hiến pháp. Tuy nhiên, trong bối cảnh trước đây, điều kiện để tham khảo, học tập kinh nghiệm hiến pháp nước ngoài chưa nhiều. Nay, khi điều kiện cho phép, tiến hành nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước là cơ hội thảo luận, thống nhất về mặt lý luận giữa chuyên gia Việt Nam và chuyên gia nước ngoài, trên cơ sở đó Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tham mưu cho QH và Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong quá trình sửa đổi.
PV: Hiến pháp nước ta đã xác lập nhiều tư tưởng tiến bộ của nhân loại, song việc triển khai những tư tưởng này thành các đạo luật lại chưa được cụ thể hóa, Viện trưởng có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
VT Đinh Xuân Thảo: Hiến pháp cũng là pháp luật, nhưng khác với các đạo luật ở chỗ nào thì đây là vấn đề nhận thức đang đặt ra. Thực chất, Hiến pháp là khế ước, sự minh định giữa một bên là quyền của các cơ quan nhà nước thực hiện đến đâu; một bên là quyền công dân thực hiện như thế nào. Hiến pháp năm 1992 xác định, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua ĐBQH, HĐND các cấp do mình bầu ra. Tuy nhiên, QH và HĐND thực hiện quyền lực của nhà nước như thế nào trong cuộc sống và ngược lại người dân sử dụng quyền lực gián tiếp trao cho QH và HĐND ra sao, chúng ta cần tiếp tục làm sáng tỏ. Thứ hai, liên quan vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, điểm mới mà Đại hội Đảng lần thứ XI đặt ra là cơ chế kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện 3 quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp. Việc sử dụng quyền lực giữa các cơ quan nhà nước với nhau như thế nào; nhân dân, chủ thể tối cao kiểm soát hoạt động bộ máy nhà nước ra sao phải xác định cho cụ thể. Thứ ba, là xác định quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nước ta luôn coi trọng quyền con người. Điều đó được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 1959, 1980 và Hiến pháp 1992. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mối quan hệ cần ưu tiên xác định là quyền và nghĩa vụ công dân được quy định đến đâu? Thực chất, tất cả những tư tưởng tiến bộ của nhân loại thế giới mà Đảng cũng như Bác Hồ đã tiếp thu, ghi nhận từ bản hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng để triển khai thực hiện thì vẫn còn vướng ở chính luật, chứ không phải ở Hiến pháp.
PV: Xuyên suốt tư tưởng trong các bản hiến pháp nước ta luôn khẳng định quyền con người, trong khi tổ chức bộ máy nhà nước có thể biến đổi, vận động trong thực tiễn. Vậy Hiến pháp năm 1992 cần tiếp tục sửa đổi theo hướng nào để bảo đảm phát huy quyền con người?
VT Đinh Xuân Thảo: Theo tôi, Hiến pháp nên có những chương, điều cố định, không thay đổi – đó là quyền cơ bản của công dân. Quyền công dân nên được giữ và mở rộng thêm trong Hiến pháp. Ví như quyền cư trú, quyền lập hội, quyền biểu tình Hiến pháp đã có nguyên tắc, nhưng việc đi biểu tình của người dân vẫn chưa có luật hướng dẫn. Hay như quyền tiếp cận thông tin chẳng hạn, trong Hiến pháp đã quy định, thì ta phải xây dựng pháp luật về tiếp cận thông tin. Với riêng tổ chức bộ máy nhà nước, có thể nghiên cứu mô hình thiết chế phù hợp,  không bắt buộc phải cố định. Quan trọng cần hướng đến là tổ chức thiết chế bộ máy nhà nước cho phù hợp với tình hình đất nước và hoạt động có hiệu quả. Hiến pháp nước ta xác định, cơ quan Trung ương có quyền lực tập trung thống nhất, chứ không theo tam quyền phân lập như các nước tư sản. Ba quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp không tách bạch một cách rạch ròi, không chế ước nhau, nhưng chúng lại có sự phân công phối hợp lẫn nhau. Điều này đặt ra câu hỏi: vậy ai, cơ quan nào sẽ kiểm soát việc thực hiện 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp?
Đơn cử có thể thấy, Luật Tổ chức QH quy định, QH có quyền giám sát hoạt động tuân theo pháp luật của tất cả các tổ chức cá nhân - điều này đã rõ. Song cơ quan nào kiểm soát hoạt động của cơ quan lập pháp rõ ràng chưa có. Đối với chính quyền địa phương, chúng ta cũng cần lưu ý cách thức tổ chức theo ngành và theo lãnh thổ cắt khúc. Hiện, nước ta có 4 cấp chính quyền hoàn chỉnh, cấp Trung ương cho đến cấp địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Căn cứ theo đó, mỗi địa phương lại có UBND, HĐND. Trong khi, việc thí điểm có hay không tổ chức HĐND huyện, quận, phường vẫn chưa được kết luận. Chúng ta phải sớm khẳng định mô hình tổ chức nhà nước ở cấp địa phương trước khi sửa đổi Hiến pháp. Bởi lẽ, một bản Hiến pháp hoàn chỉnh mang tính định hướng thì phải đi trước, đón đầu thực tiễn, có tính ổn định cao.
PV: Hiện nay, nên có cơ chế kiểm soát quyền lực của Nhà nước, thưa Viện trưởng?
VT Đinh Xuân Thảo: Quyền lực là của nhân dân, chủ thể quyền lực nhà nước là nhân dân. Làm sao để nhân dân phải kiểm soát quyền lực đó một cách thực sự hữu hiệu, thực quyền chứ không phải là hình thức, thì một trong những cách mà thế giới đã làm là xây dựng cơ chế bảo hiến - tòa án hiến pháp. Trong cơ chế Việt Nam liệu đã đến lúc chín muồi để có tòa án hiến pháp kiểm soát quyền lực của nhà nước do nhân dân giao cho. Nếu không thì chúng ta kiểm soát quyền lực của nhà nước bằng cách nào? Đây đều là những vấn đề cần nghiên cứu nhằm xây dựng cơ chế bảo vệ hiến pháp, mà đặc biệt trong đó là quyền công dân. Tất cả phải được quy định trong Hiến pháp và luật. Bởi lẽ, nếu Hiến pháp đã quy định mà luật chưa quy định thì cũng không thể xử lý.
PV: Xin cám ơn Viện trưởng!
Hoàng Ngọc thực hiện

No comments:

Post a Comment